BÌNH ĐẲNG GIÁO DỤC CÔNG – TƯ, CÓ KHẢ THI?

 Phạm Thị Ly
(Trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Saigon số ra ngày 26.7.2017)

Ngày 13-7-2017, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong chương trình làm việc với nhiều trường để lấy ý kiến chuẩn bị cho việc sửa Luật Giáo dục đại học sắp tới. Một trong những vấn đề các trường đặt ra là bình đẳng giữa các trường công và tư nhằm giúp cho hệ thống có thể phát triển hài hòa. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Thị Ly, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nguồn Nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Giáo dục Đại học của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành về vấn đề này.

 TBKTSGL Theo bà, triển vọng phát triển của khu vực tư trong giáo dục đại học ở Việt Nam ra sao?

Trước hết phải nói triển vọng của khu vực tư trong giáo dục đại học phụ thuộc rất nhiều vào tư duy chính sách của các nhà làm chính sách.

Ở các nước Đông Á, tỷ trọng của khu vực tư lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Ví dụ ở Nhật là 89,6% (2007), Hàn Quốc là 96% (2013), Malaysia là 97% (2004). Nếu tính số sinh viên thì tỷ lệ thấp hơn con số nêu trên, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với Việt Nam (hiện số sinh viên học tại các trường đại học ngoài công lập chiếm khoảng 14% tổng số sinh viên trong toàn hệ thống ở Việt Nam, còn ở Malaysia là 50,9%, Hàn Quốc là 80%, Nhật là 77,4%)[1].

Trong bối cảnh ngân sách công ngày càng hạn hẹp, xu hướng phát triển của đại học tư là tất yếu. Trong hội nghị các trường đại học ngoài công lập ngày 14-4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: “Chủ trương của Chính phủ và Bộ GD-ĐT là tiến tới một môi trường phát triển tốt, bình đẳng trong toàn hệ thống”. Các văn bản chính sách chính thức khác của Chính phủ cũng đều cho thấy thái độ ủng hộ sự phát triển của các trường đại học tư. Tuy vậy, trong thực tế, còn quá nhiều rào cản để các trường tư có thể phát triển lành mạnh và bền vững.

TBKTSG: Bà có thể nói rõ hơn, những rào cản đó là gì?

Hiện vẫn có tình trạng chưa bình đẳng giữa trường công và trường tư. Các trường công đang được bao cấp bằng ngân sách, tức là tiền đóng thuế của người dân. Cha mẹ sinh viên trường tư vừa phải đóng tiền học cho con mình, vừa phải đóng thuế để nuôi trường công dành cho con người khác, và trong nhiều trường hợp, họ không có lựa chọn nào khác. Như thế đã là bất công. Ở nhiều nước, khu vực tư vẫn có sự hỗ trợ của Nhà nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng vấn đề còn là, các trường công cũng đang tiến hành nhiều hoạt động có tính chất thương mại hóa và mang lại lợi ích cho một số người, dù họ đang sử dụng đất đai, cơ sở, ngân sách của công. Cạnh tranh như thế rõ ràng là không công bằng.

Trong khi cổ vũ và vận động cho sự bình đẳng công – tư, chúng ta không nên nhầm lẫn “bình đẳng” nghĩa là áp dụng một chính sách như nhau. Bình đẳng chỉ có nghĩa là cả hai khu vực công và tư đều có những điều kiện và cơ hội ngang nhau trong quá trình vươn lên đạt tới sự ưu tú. Việc áp dụng cùng một chính sách như nhau có thể sẽ xói mòn thế mạnh của trường công, hoặc trường tư, vì một chính sách có thể thích hợp với khu vực công nhưng không thích hợp với khu vực tư hoặc ngược lại.

TBKTSG: Cụ thể là như thế nào, thưa bà?

 Ví dụ như mô hình quản trị. Trường công là tài sản công có sứ mạng phục vụ lợi ích công. Trường tư không vì lợi nhuận là các tổ chức xã hội thuộc sở hữu cộng đồng có sứ mạng phục vụ cộng đồng xã hội dựa trên sự bổ khuyết những gì khu vực nhà nước và khu vực tư nhân không đáp ứng được hoặc đáp ứng không đầy đủ. Trong khi đó, trường tư vì lợi nhuận, về bản chất là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đào tạo và tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì bản chất và sứ mạng khác nhau nên mô hình quản trị của nó có thể và cần phải khác nhau. Thực tế cho thấy 75% trường tư hiện nay có thành viên hội đồng quản trị kiêm nhiệm công tác trong ban giám hiệu, điều này không phù hợp với văn hóa và mô hình đại học phương Tây nhưng lại tỏ ra thích hợp với bối cảnh hiện tại của Việt Nam: chính những trường này lại ít bị tranh chấp, và vì không phí sức cho tranh chấp họ có thể tập trung cho việc phát triển nhà trường. Nó thích hợp chính là vì về bản chất các trường tư ở Việt Nam hiện nay đều là các trường vì lợi nhuận và bản chất của nó là doanh nghiệp.

Trong khi đó, các trường công và các trường tư không vì lợi nhuận là những trường có thể hoạt động theo mô hình quản trị doanh nghiệp (nghĩa là dựa trên hiệu quả và các thước đo phù hợp nhằm sử dụng tốt nhất nguồn lực của nhà trường) nhưng nó không phải và không bao giờ nên được xem là các doanh nghiệp. Nó không được xem lợi nhuận là mục tiêu, bởi vì nó đang sử dụng nguồn lực công. Vì thế, nó cần phải có một mô hình quản trị trong đó hội đồng quản trị phải tách ra khỏi bộ phận điều hành nhằm giám sát bộ phận điều hành trong việc thực hiện mục tiêu phục vụ lợi ích công.

TBKTSG : Vậy thì trong các trường tư vì lợi nhuận, ai sẽ giám sát bộ phận điều hành để bảo vệ lợi ích của người học, nếu như người điều hành cũng chính là người sở hữu, vì chúng ta biết rằng trường đại học là một tổng hòa của nhiều bên khác nhau, trong đó mong đợi và lợi ích của bên này rất có thể mâu thuẫn với mong đợi và lợi ích của bên khác?

 Một lần nữa chúng ta cần nhắc lại trường tư vì lợi nhuận về bản chất là một doanh nghiệp, vì thế họ sẽ được hưởng lợi nếu dịch vụ của họ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và ngược lại, họ sẽ phá sản nếu họ không mang lại được giá trị gia tăng nào cho người học. Có thể phản biện rằng đào tạo đại học là một dịch vụ đặc biệt và là một thị trường bất đối xứng thông tin, trong đó khách hàng trả tiền trước, và khi thấy chất lượng dịch vụ chẳng ra gì thì đã muộn. Đúng là như thế và vì thế, trường đại học vì lợi nhuận phải được xem là một doanh nghiệp đặc biệt, không chỉ vì lý do bất đối xứng thông tin như đã nói trên, mà còn vì nó có khả năng tạo ra một lợi ích ngoại biên lớn hơn cho xã hội. Khi các trường này đem lại chất lượng đào tạo tốt cho người học, thì không phải chỉ bản thân người học được hưởng lợi, mà cả xã hội cũng đều được hưởng lợi nhờ vào năng lực làm việc và sáng tạo của những người tốt nghiệp.

Vì những lẽ đó, các trường này phải tuân thủ quy trình kiểm định nghiêm ngặt, và nhất là phải hoạt động dựa trên những quy chế rất rõ ràng về minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình. Vai trò kiểm soát của Nhà nước chính là ở những cơ chế ấy. Và vì lợi ích mà các trường này có thể tạo ra cho xã hội, họ cũng cần được Nhà nước hỗ trợ theo những cách thích hợp.

TBKTSG: Theo bà, đâu là những cách thích hợp mà Nhà nước có thể hỗ trợ cho các trường đại học tư?

Một trong những khó khăn lớn của các trường tư là nguồn vốn để đầu tư vào đất đai và cơ sở vật chất. Nếu tính đúng, tính đủ theo giá thị trường, nguồn vốn khổng lồ đổ vào đất đai và cơ sở vật chất sẽ nâng mức học phí lên cao ngất. Trong lúc đó, khả năng chi trả của đại bộ phận người dân còn có giới hạn. Vì thế các trường cần phải có một thời gian dài mới có thể hoàn vốn. Nhà nước có thể hỗ trợ họ thông qua những Quỹ đầu tư phát triển cho vay dài hạn, ít ra là vài chục năm, với mức lãi suất ưu đãi. Đó là cách để các trường có thể giữ được mức học phí không quá cao, đồng thời vẫn có thể trả lương tương đối cho các thầy cô giáo và chi trả cho các hoạt động đào tạo cần thiết nhằm cải thiện chất lượng.

Nhà nước cũng có thể giảm thuế, áp dụng lãi suất ưu đãi, hoặc chuyển toàn bộ tiền thuế các trường phải đóng thành ra quỹ học bổng. Hiện nay, chính sách đáng khen ngợi nhất của Chính phủ trong vấn đề này là cho vay học phí không phân biệt trường công – tư. Chính sách này rất cần tiếp tục duy trì.

Một vấn đề khác cũng không kém quan trọng, là quyền tự chủ của các trường. Có thể nói cái vốn quý giá nhất của các trường tư là quyền chủ động trong vấn đề lựa chọn nhân sự. Nhưng còn nhiều vấn đề khác cũng cần được cởi trói để các trường có thể chủ động với những sáng kiến đổi mới. Ví dụ quy định về tỷ lệ giảng viên trên sinh viên hay số giảng viên có bằng tiến sĩ, mới nghe thì có vẻ có lý, nhưng thực ra nó rất có thể làm hạn chế những nỗ lực đổi mới của các trường. Ví dụ, với những trường định hướng ứng dụng, việc có nhiều tiến sĩ (chưa nói tới chất lượng của bằng tiến sĩ) tham gia giảng dạy chưa chắc đã có ích bằng việc tổ chức cho sinh viên làm việc và thực tập tại các doanh nghiệp với sự hướng dẫn của những người đang làm việc trong lĩnh vực chuyên môn ấy, tuy họ có thể chưa có bằng tiến sĩ và cũng không phải là người cơ hữu của trường. Cũng chưa chắc có ích bằng việc tổ chức cho sinh viên nhiều hoạt động đa dạng, thông qua các câu lạc bộ, sinh hoạt ngoại khóa giúp phát triển kỹ năng mềm và xây dựng năng lực vận dụng, thích ứng. Vấn đề cuối cùng vẫn là hiệu quả. Các quy định tưởng như giúp nâng cao chất lượng, nhưng thực tế có thể chỉ kích hoạt các biện pháp đối phó. Chất lượng hay không chất lượng chủ yếu tùy thuộc vào động lực bên trong của nhà trường. Nếu nhà trường có quá ít tiến sĩ, giáo sư? Không sao cả, miễn là thông tin ấy phải được công khai cho người học được tiếp cận. Trong kỷ nguyên thông tin này, người học phải là người tiêu dùng thông minh. Đối với GDĐH, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần giữ vững kỷ cương trong yêu cầu minh bạch thông tin là đủ để duy trì một thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Quế Thanh thực hiện


Box

Theo báo cáo mới nhất (tháng 6-2017) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đến nay có 235[2] trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) trong đó tổng số trường đại học ngoài công lập là 60 trường, chiếm 25,5%. So với con số 8,6% trường ngoài công lập trên tổng số trường vào năm 1994, thì con số này là một sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là số lượng các trường đại học ngoài công lập tăng nhanh nhất trong giai đoạn 2005-2010, chỉ trong năm năm đã tăng lên hơn 30 trường, trong khi từ năm 2010 đến nay, số trường đại học ngoài công lập tăng rất ít và tỷ trọng trường tư trong tổng số các trường đại học thậm chí còn giảm.

Năm 2010, tỷ lệ các trường đại học ngoài công lập chiếm 26,7% nhưng sáu năm sau – năm 2016 – chỉ chiếm 25,5%. Nghĩa là khu vực trường đại học ngoài công lập đang phát triển chậm lại. Quy mô đào tạo và số sinh viên tốt nghiệp trong khoảng năm năm gần đây của các trường đại học ngoài công lập cũng có xu hướng giảm nhẹ; tổng số sinh viên tuyển mới không ổn định và số sinh viên tốt nghiệp có chiều hướng giảm. Cũng theo báo cáo trên, chỉ 54/60 trường có tuyển sinh, và nhiều trường tuyển được không quá 1.000 sinh viên.


 

[1] Daniel Levy 2010.

[2] Tính các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia, đại học vùng, các trường 100% vốn nước ngoài; không tính đại học và các trường thuộc khối Quốc phòng – An ninh.