ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC CÔNG DÂN
NHÌN TỪ XA ĐẾN GẦN

Phạm Thị Ly
(Bài đăng báo Văn hóa Nghệ An số 336 ra ngày 10.03.2017)             

          Một trong những lý do quan trọng khiến giáo dục được coi là một dịch vụ công ích, chính là vì xã hội mong đợi rằng giáo dục sẽ tạo ra những người không chỉ có tri thức cao để tạo ra nhiều của cải cho xã hội, mà còn là những công dân tốt có ý thức trách nhiệm và hiểu biết đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình để tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn, hài hòa hơn.

CÔNG DÂN” LÀ GÌ?

Công dân là những người được luật pháp công nhận là thành viên chính thức của một cộng đồng, một địa phương, một quốc gia, có những quyền và nghĩa vụ liên đới với quốc gia ấy; trong đó nghĩa vụ cơ bản là trung thành với tổ quốc và quyền cơ bản là bình đẳng trước pháp luật.

Tuy người ta có thể đương nhiên là công dân của một nước về mặt pháp lý do sinh ra trên đất nước ấy, do cha mẹ là người nước ấy, hoặc nhập cư hợp lệ đến nước ấy, nhưng năng lực công dân[1] thì không tự nhiên có mà hình thành qua quá trình giáo dục. “Chúng ta học cách để trở thành công dân” (Franklin D. Roosevelt). Theo nghĩa rộng, giáo dục công dân là một quá trình tác động đến nhận thức, niềm tin, sự gắn bó của công dân với đất nước, cũng như tạo ra ý thức và năng lực để thực thi quyền và nghĩa vụ của công dân. Quá trình này có thể là tự giác (diễn ra trong nhà trường hoặc trong các chương trình huấn luyện) hoặc tự phát (hình thành qua cách hành xử của gia đình, các tổ chức, thiết chế xã hội đối với người dân và qua các phương tiện truyền thông). Thông qua quan sát và tiếp nhận những gì diễn ra trong xã hội, những gì được khuyến khích và bị ngăn cấm, người dân thụ đắc một cách không chủ ý điều gì nên làm hoặc không nên làm, tức là những giá trị cốt lõi mà một xã hội chuyển giao cho các cá nhân. Theo nghĩa ấy, giáo dục công dân là một quá trình cả đời người và diễn ra không chỉ ở nhà trường.

Tuy nhiên các giá trị và thói quen hành vi dễ bị tác động và thay đổi khi người ta còn trẻ tuổi, vì vậy giáo dục nhà trường có hiệu quả đặc biệt quan trọng so với những hình thức giáo dục khác (Sherrod, Flanagan, and Youniss, 2002). Bởi vậy, nhà trường ở nhiều nước tuyên bố rõ ràng sứ mạng của họ là đào tạo học sinh thành những công dân tốt. Bài này chỉ bàn đến giáo dục công dân theo nghĩa hẹp, tức là những gì nhà trường có thể làm để tạo ra những công dân mà mình muốn có

GIÁO DỤC CÔNG DÂN Ở HOA KỲ

Cho đến cuối thập kỷ 90, giáo dục công dân với tư cách là một bộ môn trong chương trình đào tạo chính thức của nhà trường là điều vẫn còn chưa hề có ở nhiều trường. Chỉ khoảng 15% học sinh được học bộ môn này một cách đầy đủ trước khi vào đại học (Charles N. Quigley, 1999).  Lý do chính không phải vì người Mỹ coi nhẹ việc giáo dục tinh thần công dân, mà là do quan niệm cho rằng những hiểu biết và kỹ năng cần có để thực thi tư cách công dân được hình thành từng bước thông qua nhiều hoạt động và môn học khác trong nhà trường, như là kết quả của toàn bộ quá trình giáo dục của nhà trường, thay vì là kết quả của một môn học.

Điều này quả có phần đúng, nhưng mặc dù các môn học như lịch sử, văn học, kinh tế, luật pháp… đã giúp học sinh hiểu biết nhiều về xã hội, nhà nước và chính trị, nó vẫn không thể thay thế những tri thức vững chắc và có hệ thống, cũng như kỹ năng và thái độ mà học sinh cần thụ đắc để phát triển đầy đủ tinh thần công dân. Bản báo cáo Đánh giá Tiến bộ Giáo dục Quốc gia  năm 1990 đã cho thấy học sinh có những hiểu biết rất sơ sài về xã hội và về ý thức công dân: chỉ 38% học sinh lớp 8 biết rằng Quốc hội là nơi làm luật, và chỉ 6% học sinh lớp cuối bậc trung học là có thể mô tả cấu trúc cơ bản và hoạt động của hệ thống nhà nước.

Trở lại lịch sử, có thể thấy nhu cầu giáo dục công dân nảy sinh mạnh mẽ trong xã hội Hoa Kỳ cách đây cả trăm năm trước hết bởi vì Hoa Kỳ là một hiệp chủng quốc; làn sóng nhập cư từ nhiều nơi khác mang theo nhiều nền tảng xã hội và văn hóa khác biệt khiến cho việc “Mỹ hóa” trở thành cần thiết để mọi công dân có chung một nền tảng hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình, để có thể cùng nhau kiến tạo một xã hội hài hòa.

Chính vì vậy, Trung tâm Giáo dục Công dân Hoa Kỳ với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và Quỹ Thiện nguyện Pew đã xây dựng một bản Tiêu chuẩn Quốc gia về Công dân và Nhà nước, dựa trên một dự án nghiên cứu hai năm với ba ngàn cá nhân và tổ chức tham gia để xác định học sinh cần biết những kiến thức gì và có thể làm gì để thực thi tư cách công dân của mình khi học hết lớp 4, lớp 8, và lớp 12[2].  Văn bản này có thể xem là một cuốn cẩm nang hướng dẫn để chính quyền các bang xây dựng chính sách về giáo dục công dân cũng như để các trường biên soạn chương trình giáo dục công dân.

Những quan điểm cơ bản để xây dựng chương trình giáo dục công dân là: (i) giáo dục công dân phải là một mục đích trọng yếu của giáo dục, nhằm bảo đảm cho xã hội phát triển lành mạnh; (ii) giáo dục công dân cần được xem là một môn học có tính chất liên ngành; (iii) việc giáo dục tinh thần công dân phải được thực hiện có hệ thống từ mẫu giáo tới hết bậc trung học; và (iv) giáo dục công dân cần được thực hiện không chỉ qua các bài giảng lý thuyết mà còn qua các hoạt động nhằm hình thành kỹ năng, thái độ, qua sự gắn bó của nhà trường với những giá trị nền tảng của xã hội dân sự và nền dân chủ Mỹ.

Trong mấy thập kỷ qua, sự tham gia tích cực vào đời sống chính trị của một số học giả, luật sư, các tổ chức thiện nguyện, đã  dẫn tới sự chú ý và cải thiện đáng kể hoạt động giáo dục công dân trong nhà trường. Những tiến bộ chính đã đạt được chủ yếu là đào tạo giáo viên cho bộ môn giáo dục công dân và tăng cường tài liệu và cải thiện phương pháp giáo dục. Dù vậy, thách thức vẫn còn, vì một số bang vẫn chưa coi môn học này là bắt buộc. Những hỗ trợ về mặt chính sách ở cấp liên bang, tiểu bang, và địa phương đều khá hạn chế. Một nghiên cứu năm 1978 cho thấy 78% học sinh Mỹ đã học ít nhất một môn về nhà nước Hoa Kỳ, thường là năm học lớp 12 (quá ít và quá trễ), và rất ít thấy môn học này ở cấp tiểu học và trung học cơ sở (Niemi and Junn, 1998). Báo cáo gần đây nhất do Bộ Giáo dục Hoa Kỳ thực hiện năm 2007 cho thấy tình hình cũng không sáng sủa hơn.

Kết quả là, ngày càng ít người Mỹ quan  tâm đến việc tham gia những tổ chức đặc trưng cho xã hội công dân như các tổ chức thiện nguyện, tôn giáo, các tổ chức cộng đồng, hoặc tham gia việc bày tỏ ý kiến về những vấn đề chung của xã hội. Nhiều thanh niên Mỹ không đi bầu và không quan tâm đến những vấn đề đang được tranh luận trên truyền thông xã hội như những thế hệ trước (Richard A. Nuccio, 2007). Có cơ sở để tin rằng sự yếu kém của hoạt động giáo dục công dân là một phần lý do tạo ra tình trạng ấy. Một cuộc khảo sát do Trung tâm Hiến pháp Hoa Kỳ thực hiện cho thấy, tuy hơn 90% người Mỹ đồng ý rằng Hiến pháp Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng đối với họ và họ tự hào về Hiến pháp ấy, nhưng 83% số người được hỏi thú nhận rằng họ biết rất ít về những nội dung cụ thể của nó. Chỉ 4% người được hỏi có thể nêu ra được bốn quyền công dân được bảo đảm trong Tu Chính án số 1 là những quyền gì. 35% người được hỏi tưởng rằng tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc ở Hoa Kỳ. Hơn 50% người Mỹ không biết số lượng nghị sĩ quốc hội là bao nhiêu.

Trong một cuộc khảo sát do OECD tiến hành nhằm so sánh 11 quốc gia, 86% người Mỹ cho rằng phẩm chất quan trọng nhất mà nhà trường cần đem lại cho học sinh là giúp họ “trở thành một người công dân tốt”, nhưng chỉ 59% người Mỹ cho rằng nhà trường đã làm được việc đó.

Tuy thế, giới tinh hoa Mỹ và công chúng Mỹ đều tin vào tầm quan trọng của giáo dục công dân. Có vô số dự án của chính quyền các tiểu bang, các địa phương, cũng như các hiệp hội ngành luật, các tổ chức thiện nguyện… có các hoạt động liên quan đến giáo dục tinh thần công dân. Những người sáng lập nước Mỹ hiểu rõ rằng bản thân sự thiết lập một thể chế chính trị có cấu trúc vững chắc không đủ mạnh để duy trì nền dân chủ hiến định. Họ biết rằng xã hội sẽ tồn tại và phát triển như thế nào rút cuộc là tùy thuộc vào kiến thức, kỹ năng, và phẩm chất công dân của những con người hợp thành xã hội ấy. Bởi vậy, sứ mạng của giáo dục công dân trong nhà trường là đào tạo nên những công dân có trách nhiệm và có thể đóng góp tích cực cho sự phát triển lành mạnh của xã hội, bằng cách vun trồng những phẩm chất tư duy và tâm hồn cần thiết cho người học. Nó phải được coi là ưu tiên số một của nhà trường.

Người Mỹ dạy công dân của mình những gì?

Tiêu chuẩn Quốc gia về Công dân và Nhà nước đã được dùng như một khuôn mẫu để xây dựng các tiêu chuẩn và khung chương trình giáo dục công dân trên cả nước. Bộ tiêu chuẩn này cũng chính thức được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sử dụng cho các tổ chức nhà nước của Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Nội dung của Bộ Tiêu chuẩn này xoay quanh năm vấn đề nổi bật sau đây:

  1. Đời sống công dân, chính trị, và nhà nước nghĩa là gì và có ý nghĩa như thế nào?
  2. Nền tảng của hệ thống chính trị Mỹ là gì?
  3. Nhà nước Hoa Kỳ, được thiết lập dựa trên Hiến pháp Hoa Kỳ, đã thể hiện mục đích, giá trị, và các nguyên tắc của nền dân chủ Mỹ như thế nào?
  4. Quan hệ của Hoa Kỳ với các nước khác trong những vấn đề của thế giới
  5. Vai trò của công dân trong việc xây dựng và phát triển nền dân chủ Mỹ

Qua những chủ đề chung về công lý, luật pháp và đạo đức, qua việc tìm hiểu về việc những gì đã xảy ra trong quá khứ và rất có thể xảy đến trong tương lai đã được định hình qua chọn lựa của các cá nhân và các nhóm người như thế nào; chương trình giáo dục công dân giúp người học xem xét ý nghĩa của trách nhiệm công dân đối với tập thể nhỏ của mình, đối với cộng đồng, và rộng hơn là đối với xã hội. Chương trình cũng bao gồm nhiều hoạt động thực tế để học sinh có thể khám phá những vấn đề như bản sắc của các nhóm xã hội, của quốc gia, vấn đề tư cách thành viên, và nhất là tầm quan trọng của việc tham gia vào đời sống xã hội.

Cụ thể hơn, những môn học như Nền tảng của Dân chủ giúp học sinh phát triển khả năng xác định được đâu là những vấn đề đòi hỏi những hành động có tính chất xã hội. Học sinh được khuyến khích tham gia vào mọi hoạt động xã hội và nhận lấy những trách nhiệm có liên đới với quyền công dân của mình. Ý nghĩa cơ bản của trách nhiệm này là  duy trì sự tồn tại và phát triển lành mạnh của xã hội trên nền tảng của công lý, bình đẳng, tự do, và quyền con người.

          Nội dung của chương trình Giáo dục công dân xoay quanh bốn khái niệm chủ yếu: thẩm quyền, sự riêng tư, trách nhiệm, và công lý. Mục tiêu của chương trình này là tăng cường sự hiểu biết về thể chế xã hội và những giá trị nền tảng trên đó thể chế được xây dựng; phát triển những kỹ năng cần thiết để thanh thiếu niên có thể trở thành những công dân có trách nhiệm; thúc đẩy sự hiểu biết và mong muốn giải quyết xung đột trong đời sống cá nhân và trong quan hệ xã hội thông qua những thiết chế của nền dân chủ.

Đáng chú ý trong đó là nội dung giáo dục về vấn đề thẩm quyền. Chương trình này giúp học sinh (i) phân biệt thẩm quyền và quyền lực; (ii) khảo sát những nguồn khác nhau tạo ra thẩm quyền; (iii) dùng những tiêu chí hợp lý để lựa chọn con người cho những vị trí nắm giữ thẩm quyền và để đánh giá những quy định hay luật lệ; (iv) phân tích lợi ích và cái giá phải trả của thẩm quyền; và (v) biết đánh giá và bảo vệ giới hạn phù hợp của thẩm quyền. Tương tự, nội dung chương trình về công lý giúp học sinh (i) hiểu và áp dụng những nguyên tắc cơ bản về công lý đã được nêu trong những văn bản mang ý nghĩa là nền tảng của hệ thống luật pháp và chính trị, (ii) đánh giá và bảo vệ sự phân phối công bằng những lợi ích cũng như gánh nặng xã hội, và (iii) bảo vệ nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Vấn đề phương pháp

          Chương trình Giáo dục công dân ở Hoa Kỳ không chỉ bao gồm những bài giảng kiến thức mà còn là tham gia những hoạt động phục vụ cộng đồng, những hoạt động công dân, và tham gia các diễn đàn thảo luận. Nó mang tính chất tham gia cao độ. Nó liên quan đến những vấn đề rất thiết thân trong đời sống hàng ngày, gắn với cộng đồng cư dân và xã hội, và tạo ra những kết quả có thể nhìn thấy được.  Bằng cách tập hợp thành từng nhóm, làm việc cùng nhau trong từng nhóm nhỏ, học sinh được tập dượt kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xây dựng sự đồng thuận, kỹ năng giải quyết xung đột. Họ học cách giao tiếp với viên chức chính quyền, với các tổ chức cộng đồng, qua đó ý thức được sức mạnh và hiệu quả của mình với tư cách là thành viên của một cộng đồng.

Dự án Giáo dục Công dân của Hoa Kỳ đã đề ra quy trình giáo dục thực hành gồm năm bước: (1) xác định một vấn đề chung của cộng đồng cần được giải quyết; (2) thu thập thông tin về vấn đề và phân tích, đánh giá thông tin đó; (3) xem xét và đánh giá các giải pháp khả dĩ có thể giải quyết vấn đề ấy; (4) chọn lựa giải pháp và xây dựng một đề án chính sách nhằm giải quyết vấn đề; (5) xây dựng kế hoạch hành động  và trình bày giải pháp được đề xuất với những người có thẩm quyền thực hiện nó.

Mô hình giáo dục này đã được đưa vào thực hiện ở 70 quốc gia (Richard A. Nuccio, 2007) không chỉ ở những nước dân chủ mà còn được vận dụng ở cả những xã hội ‘lai ghép” trong đó thể chế toàn trị cùng tồn tại với cơ chế kinh tế cải cách theo mô hình hiện đại; và việc vận dụng ấy đã mang lại nhiều kết quả rất khích lệ[3].

GIÁO DỤC CÔNG DÂN Ở TRUNG QUỐC

          Trong ngôn ngữ truyền thống Trung Quốc không có thuật ngữ nào tương ứng với những ý tưởng của phương Tây về dân chủ. Trung Quốc trải qua hàng ngàn năm phong kiến chỉ có khái niệm thần dân mà không có khái niệm công dân. Truyền thống tinh thần Khổng giáo chỉ nhấn mạnh nghĩa vụ của cá nhân đối với xã hội, đối với quốc gia, đối với triều đại, và tuyệt nhiên không đả động đến quyền của họ. Nền giáo dục thời ấy của Trung Quốc nhằm đào tạo những con người tuân thủ trật tự xã hội của các triều đại cai trị, dựa trên nền tảng tam cương (quân, sư, phụ) – tức những giềng mối chính của thể chế,  và ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) – tức những giá trị tinh thần làm cột trụ cho trật tự xã hội.

Những ý tưởng về dân chủ và công dân chỉ được du nhập vào Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20. Ba lý tưởng chính được gợi ý từ bài diễn văn Gettysburg nổi tiếng của tổng thống Abraham Lincohn là tinh thần yêu nước, nền dân chủ và cuộc sống ấm no của người dân, đã được xem là nội dung cơ bản của việc giáo dục đạo đức trong nhà trường thời kỳ đó. Chiến thắng của những người cộng sản dẫn đến việc thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1949 cùng với niềm tin cho rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội. Vào thời đó giáo dục công dân phiên bản Mao có nghĩa là tạo ra lòng trung thành với Mao Chủ tịch.

Tuy nhiên từ năm 1978 về sau các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra rằng  sự phát triển của kinh tế thị trường đòi hỏi một số thay đổi tương ứng trong hệ thống chính trị và luật pháp, vốn là những điều có liên hệ mật thiết với giáo dục. Từ thập niên 1980 tại Trung Quốc, nhiều người trong giới khoa học xã hội đã bắt đầu công khai thảo luận về vấn đề xã hội công dân. Năm 1986, Trung ương Đảng Cộng Sản cho in cuốn “Hướng dẫn việc Xây dựng Nền Văn minh Tinh thần,” trong đó nhấn mạnh công tác “phát huy ý thức công dân xã hội chủ nghĩa.” Cuốn sách này đã mở ra cho các học giả một cơ hội tốt để bàn vấn đề ý thức công dân và vai trò của công dân. Tác giả Shen Yue trong một bài báo in trong Tạp chí Xã hội Khoa học Thiên Tân số 4 năm 1986 đã bàn về những khái niệm cốt lõi này. Theo ông, từ “thị dân” được dùng để phân biệt với các nông dân và nô lệ, nó bao gồm cả các nhà tư sản và giới lao động. Hai lớp người tư sản và lao động cùng tham dự vào thị trường, trao đổi tự do và có quyền lợi xung đột lẫn nhau. Cho nên xã hội phải sản sinh ra một hệ thống pháp luật để phân xử, ấn định quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người. Hệ thống pháp lý này đã biến thị dân thành những công dân.

Bài báo này được các giới chức trong đảng chấp nhận, được đăng lại trên Nhân Dân Nhật báo (24-11-1986), chứng tỏ chính sách đảng Cộng Sản Trung Quốc lúc đó đã có sự cởi mở đối với các ý kiến khác biệt. Ý kiến này khuyến khích hiểu tư tưởng của Mác theo một lối mới.  Người ta công nhận rằng thị dân có những quyền lợi tương đồng, có quyền bình đẳng trong mọi giao dịch, các quyền này được luật pháp bảo vệ. Cũng theo nghĩa đó, “quyền lợi thị dân” không áp dụng riêng cho giai cấp tư sản, mà là những quyền mọi công dân đều được hưởng. Khái niệm dân quyền, quyền của mọi công dân, không có tính giai cấp, từ đó đã bắt đầu được công nhận và thảo luận công khai. Hoàng Đạo, trong bài “Vai trò Ý thức Công dân trong Thời đại Xã hội chủ nghĩa” in trên Lý Luận Nguyệt San (số 1 năm 1988) cũng đồng ý với quan niệm cho rằng công dân, và gắn với nó là ý thức công dân, là một khái niệm không có tính giai cấp. Mọi công dân có những quyền được luật pháp bảo vệ, đồng thời có những bổn phận đối với xã hội. Tuy vậy, ông cố tìm ra sự khác biệt của khái niệm công dân theo tinh thần của Marx và khái niệm công dân trong truyền thống tư tưởng phương Tây. Theo ông, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, ý thức công dân đặt trên căn bản tập thể chứ không phải trên chủ nghĩa cá nhân như trong xã hội tư bản. Liu Zhiguang và Wang Suli (1988) cũng cho rằng trong truyền thống Trung Hoa, dưới ảnh hưởng của Khổng giáo, không có khái niệm cá nhân, với tư cách là một thực thể tách biệt với xã hội. Nói cách khác, không có cá nhân. Mỗi con người được định nghĩa bởi những tương quan với người khác, trong gia đình, tới bằng hữu, rồi tới quốc gia. Bởi vậy trong xã hội Trung Hoa bên dưới guồng máy nhà nước chỉ có một thứ “quần chúng xã hội” chứ không có những công dân tự do như ở  các xã hội phương Tây. Hai chữ “quần chúng” có nghĩa là một đám đông trong đó mỗi cá nhân không đáng kể nữa. Chữ “Quần,” với bộ Dương nghĩa là con cừu, cho thấy hình ảnh một bầy, một đám vô danh. Nói quần chúng là ngầm hiểu có sự phục tùng; còn hai chữ công dân cho thấy tinh thần bình đẳng, khi mọi cá nhân đều có giá trị như nhau. Chỉ khi nào người ta thừa nhận giá trị và vai trò tự chủ ấy của cá nhân thì ý thức công dân mới có thể phát triển được.

Thực tế ngày nay

Những đổi thay chính trị ở Trung Quốc trong ba thập kỷ qua –  chuyển từ nhấn mạnh ý thức hệ chính thống và kiểm soát kinh tế kế hoạch hóa sang nhấn mạnh sự phát triển kinh tế quốc gia và một xã hội hiện đại hài hòa –  đã giúp cho những lực lượng xã hội bên ngoài nhà nước có thể bước vào những lĩnh vực trước nay do nhà nước kiểm soát và đề xướng nhiều thay đổi xã hội. Thực tế đó đòi hỏi giáo dục phải thay đổi. Đã có những thay đổi diễn ra ở Trung Quốc kể từ Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi khái niệm “xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa”  (socialist harmonious society) lần đầu được đưa ra. Khái niệm này được định nghĩa như sau trong phát biểu của Hồ Cẩm Đào trước các cán bộ chủ chốt của Trường Đảng Trung ương năm 2005: “xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa có sáu đặc điểm: dân chủ và pháp quyền[4], công lý và bình đẳng, chân thành và hữu nghị, có sức sống, ổn định và trật tự, và có sự tồn tại hài hòa giữa con người và tự nhiên”. Dựa trên những đặc điểm đó, nhà nước xác định những giá trị cần giáo dục cho người dân là: (i) yêu nước, không làm gì có hại cho đất nước; (ii) phục vụ nhân dân, không bao giờ phản bội; (iii) tin theo khoa học, loại bỏ mê tín; (iv) siêng năng không biếng nhác; (v) đoàn kết giúp đỡ nhau, không hại người để lợi mình; (vi) trung thực và đáng tin cậy, không hy sinh đạo đức cho lợi nhuận; (vii) có kỷ luật và tuân thủ luật pháp; (viii) không lãng phí xa hoa. Tám điểm này được coi là nền tảng đạo đức xã hội chủ nghĩa và là nội dung của giáo dục công dân trong thập kỷ qua.

Nhưng rất nhiều tranh luận vẫn không ngừng diễn ra ở Trung Quốc quanh chủ đề giáo dục công dân. Cho đến gần đây, mọi người hầu như đã thống nhất rằng việc giáo dục năng lực công dân đòi hỏi phải đào tạo kỹ năng tư duy phê phán và sáng tạo. Gần đây nhất, hai tác giả Steven P. CamiciaJuanjuan Zhu trong bài viết năm 2011 đã bàn đến ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa quốc gia đối với chương trình giáo dục công dân ở Trung Quốc. Tác động của toàn cầu hóa, thế giới hóa đối với việc giáo dục công dân ở Trung Quốc đã đòi hỏi chương trình này phải nâng cao năng lực đáp ứng với những nhu cầu của địa phương  và với việc hội nhập vào các cộng đồng dân chủ trên toàn cầu. Tuy thế, việc giáo dục công dân vẫn đang được nhấn mạnh nhiều hơn về tinh thần yêu nước và về đạo đức, thay vì những hiểu biết về cấu trúc xã hội, về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân.

Dù vậy, quá trình dân chủ hóa đang diễn ra từng bước ở Trung Quốc nhằm thích hợp với kinh tế thị trường (như chúng ta có thể thấy trong tiến trình thực hiện việc bầu cử chính quyền ở cấp địa phương) đã và đang từng bước dẫn đến một xã hội pháp quyền. Thực tế này đòi hỏi mỗi người phải có ý thức công dân, cũng như có hiểu biết về nền dân chủ để có thể tham gia vào đời sống xã hội một cách tích cực.

Đó là một nhu cầu có thực và khá bức bách để xã hội Trung Quốc ngày nay có thể phát triển lên một bước mới. Giáo dục công dân, với tư cách là một phương tiện để nâng cao nhận thức và trách nhiệm công dân, lẽ ra cần được thực hiện xuyên suốt quá trình đào tạo của nhà trường ngay từ những cấp học ban đầu. Vì nhiều lý do lịch sử và văn hóa, việc giáo dục tinh thần và ý thức công dân đã chưa được thực hiện trong nhà trường phổ thông, và ngày nay các trường đại học Trung Quốc đang phải làm điều đó. Trong phạm vi của giáo dục công dân, các trường phải dựa trên đặc điểm cụ thể của từng ngành nghề chuyên môn để giáo dục sinh viên về các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Hơn thế nữa, mục đích của giáo dục công dân trong các trường đại học Trung Quốc ngày nay còn là nâng cao khả năng đánh giá độc lập của sinh viên đối với các giá trị xã hội, và giúp họ có ý thức kiểm soát hành vi của mình một cách thích hợp (Ping Xiao, Huasheng Tong, 2010).

Trung Quốc cũng đang thí điểm vận dụng mô hình giáo dục công dân của Hoa Kỳ dựa trên những kinh nghiệm của Dự án Công dân nói trên và việc này đã mang lại câu trả lời cho một vấn đề làm tốn rất nhiều giấy mực tranh luận, là liệu văn hóa châu Á có thích hợp với lý thuyết và thực tiễn của nền dân chủ phương Tây hay không. Từ một hệ thống chính trị dựa trên ý thức hệ cộng sản, Trung Quốc đã thực hiện thành công việc chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường trong phạm vi hệ thống ấy […]. Các nhà quản lý giáo dục ở cấp địa phương lo ngại rằng họ đang tạo ra một thế hệ trẻ phủ nhận những giá trị và phẩm chất công dân mà nền giáo dục chính thức cố gắng mang lại, nhưng thế hệ ấy không có thứ gì khác để thay thế. Dự án Công dân dựa trên mô hình giáo dục công dân của Hoa Kỳ được xem là chương trình ngoại khóa, nó không trực tiếp thách thức cấu trúc của chương trình giáo dục công dân hiện tại trong các trường học ở Trung Quốc, mà chỉ đưa ra một lựa chọn cụ thể khác, có tính chất hiện đại và kích thích sự gắn kết, sự tham gia của học sinh.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO VIỆT NAM

Chủ nghĩa quốc gia với khái niệm công dân và việc giáo dục công dân

Chủ nghĩa quốc gia và lòng ái quốc là một nội dung rất phổ biến trong chương trình giáo dục công dân ở nhiều nước, đặc biệt là trong truyền thống giáo dục ở Trung Quốc và Việt Nam. Một nghiên cứu của Anderson (1991, 2005) cho thấy giáo dục đã cùng với truyền thông đại chúng tạo ra một hình ảnh độc nhất của quốc gia như thế nào, một hình ảnh phân biệt với những nước khác, được hình thành từ ký ức tập thể –  theo cách gọi của Wertsch (2002) –  mà ta thường hình dung như là bản sắc của quốc gia. Giáo dục công dân theo truyền thống thường nhằm củng cố hình ảnh ấy và chứa đựng tầm nhìn về quốc gia, một tầm nhìn nhấn mạnh tính chất riêng có, niềm tự hào, và sự thống nhất toàn vẹn của đất nước.

Toàn cầu hóa và kinh tế tri thức đã mang lại những chiều kích mới khiến cho biên giới địa lý quốc gia đang nhòe đi trong rất nhiều lãnh vực. Các công ty đa quốc gia, môi trường làm việc đa văn hóa, hôn nhân đa quốc tịch, xã hội đa ngôn ngữ…đang ngày càng phổ biến đã tạo ra một khái niệm mới là “công dân toàn cầu”. Công dân toàn cầu là những người có thể dùng được ngoại ngữ để giao tiếp hiệu quả với người nước khác,  có hiểu biết về cấu trúc và vận hành của các nước, các thể chế quốc tế, có năng lực thích ứng trong môi trường đa văn hóa và có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động ở phạm vi toàn cầu.

Xu hướng đó khiến nội dung giáo dục công dân không thể chỉ nhấn mạnh chủ nghĩa quốc gia và lòng ái quốc như trước, mà phải biến đổi theo nghĩa rộng lớn và đa dạng hơn. Phải nói đến sự bình đẳng giữa các dân tộc, phải phân biệt lòng tự hào dân tộc với chủ nghĩa vị chủng tộc, và cần nhấn mạnh hơn đến những đòi hỏi về tri thức đa văn hóa và kỹ năng ứng xử trong môi trường đa văn hóa, đa quốc gia, đa chủng tộc, đa quốc tịch, một điều kiện cần của tư cách công dân toàn cầu.

Về mục tiêu của giáo dục công dân

Chúng tôi tin rằng ý thức công dân và năng lực công dân là điều cần phải học và là thứ có thể dạy được. Chúng tôi cũng tin rằng sự phát triển lành mạnh và bền vững của xã hội hiện đại phụ thuộc rất lớn vào năng lực công dân của những con người hợp thành xã hội ấy. Một cách tự phát hay tự giác, thể chế nào cũng tìm cách sử dụng giáo dục để đào tạo nên những con người phục vụ cho thể chế ấy. Aristotle cho rằng “thể chế nào thì con người ấy”[5]. Chế độ phong kiến đào tạo những người trung thành với nhà vua theo khuôn mẫu quân thần “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” nhằm duy trì trật tự cai trị của các triều đại. Sự thần phục được xem là giá trị quan trọng nhất mà giáo dục phải mang lại cho người học. Xã hội tư bản đào tạo người công dân tự do nhằm giải phóng sức sáng tạo của cá nhân và kích thích tự do cạnh tranh vốn là động lực mạnh mẽ nhất của phát triển kinh tế. Trong xã hội ấy, giáo dục ý thức công dân là giáo dục khả năng tham gia một cách dân chủ vào những quyết định của xã hội, khả năng tự do cạnh tranh một cách bình đẳng trong khuôn khổ luật pháp. Chủ nghĩa xã hội đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa” tức là con người “mình vì mọi người”, coi “quyền làm chủ tập thể” là cao nhất và đặt lợi ích tập thể lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của tập thể, hy sinh lợi ích hôm nay cho lợi ích của ngày mai. Ý thức làm chủ tập thể được coi là quan trọng nhất. Nhưng chủ nghĩa xã hội là thứ chưa có, đó mới chỉ là ước mơ chứ không phải là một thứ hiện đang tồn tại. Bởi vậy mục tiêu giáo dục của nó không bắt rễ từ thực tế.

Vậy “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì mong muốn đào tạo ra những con người như thế nào, và trong thực tế đang tạo ra những con người ra sao? Những con người mà nền giáo dục hiện nay đang tạo ra có giúp củng cố cho xã hội xã hội chủ nghĩa theo kinh tế thị trường hay không, hoặc sẽ tạo ra một xã hội như thế nào?

Đó là những câu hỏi căn bản và không thể né tránh khi thực hiện cải cách giáo dục. Trong những năm qua nền giáo dục của chúng ta đã không chú trọng giáo dục công dân, hoặc đã tiến hành việc đó thiếu hiệu quả, một phần là do lúng túng trong việc xác định mục tiêu thực sự của giáo dục. Mâu thuẫn giữa thực tế xã hội và ý thức hệ chính thống chưa bao giờ được đặt ra và giải quyết thỏa đáng khiến cho giáo dục vẫn loay hoay tìm phương hướng.

Chương trình giáo dục công dân của một nước phải được xây dựng dựa trên những mong muốn được xác định rõ ràng và có thể thực hiện được về những phẩm chất công dân  cần cho xã hội ấy. Có những mục tiêu mâu thuẫn với nhau và người ta cần ít nhiều thỏa hiệp để đạt đến một mức độ cân bằng giữa những mục tiêu ấy trong một bối cảnh lịch sử cụ thể. Cái điểm cân bằng đó cũng không ngừng thay đổi qua thời gian theo diễn tiến của lịch sử. Mong muốn tạo ra những con người sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và thần phục trong nhận thức chính trị và xã hội, là một mong muốn bất khả thực hiện trong bối cảnh phát triển về khoa học kỹ thuật, công nghệ, truyền thông và kinh tế tri thức ngày nay. Vả lại, những thành tựu thực sự trong khoa học công nghệ không thể nảy nở trên nền tảng một xã hội không coi trọng trí tuệ và ban thưởng xứng đáng cho những phẩm chất của trí tuệ. Bản thân những thành tựu đó nếu có cũng không đủ để tạo ra sự phát triển lành mạnh và bền vững của xã hội, vì xã hội là một tập thể khổng lồ trong đó cách thức con người tương tác với nhau có thể thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển hoặc hủy hoại lẫn nhau mà không ai là không chịu ảnh hưởng.

Giáo dục công dân phải được xem là một mục tiêu trọng yếu của giáo dục, vì nó góp phần quan trọng tạo ra con người lý tưởng của một xã hội cụ thể trên nền tảng của những giá trị và ý thức hệ cụ thể. Nhìn vào cách vận hành của một hệ thống giáo dục chúng ta có thể thấy được mục tiêu thực tế của hệ thống ấy và những giá trị làm nền tảng cho nó. Chừng nào cái mục tiêu thực sự này chưa thay đổi, thì cách vận hành hệ thống ấy và cái kết quả mà hệ thống ấy tạo ra cũng không thể thay đổi.

Có lẽ điều dễ đạt được đồng thuận là những cấp độ khác nhau trong chương trình giáo dục công dân. Ở cấp độ thấp nhất, học sinh hiểu được cấu trúc của nhà nước và cách thức vận hành của hệ thống chính quyền, thụ đắc được kỹ năng tương tác xã hội nhằm đạt đến sự đồng thuận và thể hiện ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội trong việc tuân thủ luật pháp và hoàn thành nghĩa vụ công dân. Ở cấp độ cao hơn, học sinh có năng lực đánh giá độc lập về thiết chế xã hội và những giá trị chống đỡ cho nó, có khả năng kiểm soát hành vi của mình trong quan hệ tương tác với những thành viên khác của xã hội đặc biệt là trong việc giải quyết những xung đột. Ở cấp độ cao hơn nữa, ý thức công dân được thể hiện trong trách nhiệm tham gia vào đời sống xã hội, tác động đến những xu hướng và những quyết định về mặt chính sách có ý nghĩa lớn đối với công chúng. Nói cách khác,  học sinh cấp một cần hiểu cơ cấu xã hội và thực hành tốt nhiệm vụ công dân. Học sinh cấp 2 nên có khả năng phê phán các hành vi xã hội, các văn bản luật pháp và giải quyết xung đột xã hội. Hết cấp 3, là một công dân đã trưởng thành, học sinh cần có khả năng tham dự vào việc hoàn thiện hoá thể chế.

[…]Sự tham gia của công dân vào đời sống chính trị mang lại cơ chế tự điều chỉnh lý tưởng cho thiết chế xã hội và nhờ đó mà hệ thống nhà nước mới có được tính chính danh, được hoàn thiện và duy trì  bền vững. Ý thức công dân cũng hướng đến những nỗ lực tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, bằng cách đó xã hội có thể đạt đến sự phát triển lành mạnh và hài hòa, là điều rút cục sẽ quyết định đến sự thịnh vượng về kinh tế, sự phong phú về tinh thần, sự hạnh phúc và hài lòng trong cuộc sống của từng cá nhân. Kết quả này, đến phiên nó sẽ là biện minh thuyết phục nhất cho tính chính đáng của nhà nước.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

Butts, R.F. (1989). The Morality of Democratic Citizenship: Goals for Civic Education in the Republic’s Third Century. Calabasas, CA: Center for Civic Education.

Center for Civic Education (1991). National Standards for Civics and Government. Calabasas, CA: Center for Civic Education.

Charles N. Quigley (1999). Civic Education: Recent History, Current Status, and the Future. American Bar Association Symposium “Public Perception and Understanding of the Justice System”

Geert ten Dam_, Monique Volman (2004). Critical thinking as a citizenship competence:teaching strategies. Learning and Instruction 14 (2004) 359–379

National Assessment Governing Board (1996). Civic Framework for the 1998 National Assessment of Educational Progress. “Report Card in Civics” Washington, D.C.: National Assessment Governing Board.

Niemi, Richard G. and Junn, J. (1998). Civic Education: What Makes Students Learn. New Haven and London: Yale University Press.

Liu, Guohau (1998) Civic Education in China: Past, Present, and Future Challenges. Nguồn: http://www.eric.ed.gov.

Richard A. Nuccio (2007). Promoting Civic Behavior through Civic Education, Presented at the National Symposium on “The Role of the National System of Education in Promoting Civic Behaviour” Kingdom of Morocco, High Council of Education Rabat, Morocco, May 23-24, 2007

Ping Xiao, Huasheng Tong (2010) Aims and Methods of Civic Education in Today’s Universities of China . Asian Social Science   ISSN 1911-2017Niemi, Richard G. and Junn, J. (1998). Civic Education: What Makes Students Learn. New Haven and London: Yale University Press.

Steven P. Camicia, Juanjuan Zhu (2011). Citizenship education under discourses of nationalism, globalization, and cosmopolitanism: Illustrations from China and the United States. Frontiers of Education in China December 2011, Volume 6, Issue 4, pp 602-619.

U.S. Department of Education, National Center for Education Statistics (1997). “Public Attitudes Toward Secondary Education: The United States in an International Context.” NCES 97-595: Washington, D.C.

U.S. Department of Education, National Center for Education Statistics (1997). “Student Participation in Community Service Activity.” NCES 97-331: Washington, D.C.

Wertsch, J. V. (2002). Voices of collective remembering. New York, NY: Cambridge University Press.

 

 Ghi chú:

[1] Năng lực công dân  là những kiến thức và kỹ năng cần thiết tạo ra khả năng thực thi quyền và nghĩa vụ công dân. Khả năng này không tự nhiên có mà phải học tập để thụ đắc.

[2] Nguồn: http://new.civiced.org/resources/publications/resource-materials/national-standards-for-civics-and-government Truy cập ngày 2/8/2013

[3] Một số quốc gia đang áp dụng với những mức độ khác nhau  là: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Egypt, Jordan, Châu Phi, Ả Rập Morocco, Lebanon, Yemen, Tunisia, Algeria, Bahrain, Egypt, Saudi, Arabia, Qatar, Oman, Kuwait, v.v.

[4]  Pháp quyền dịch từ rule of law có nghĩa sự thống trị tối thượng của Luật pháp, nói cách khác, không ai có thể đứng trên hay đứng ngoài luật pháp. Cần phân biệt với pháp trị (= rule by law), tức là cai trị bằng luật pháp. Thời phong kiến cũng đã có pháp trị. Pháp trị là nhằm đối lập với nhân trị.

[5] http://plato.stanford.edu/entries/civic-education/