Lời giới thiệu

Chuyên đề dưới đây là hệ thống hóa vấn đề Vì Lợi nhuận/Không vì Lợi nhuận và những khuyến nghị về phát triển một hệ thống GD ĐH hài hòa. Phần cuối của bài “Ảnh hưởng của cương vị VLN/KVLN đối với mục tiêu của trường” và “Hướng tới một hệ thống GD ĐH hài hòa” là mới viết, còn phần đầu là dựa trên các bài đã viết trước đây, có sửa chữa và bổ sung. Người viết dùng lại với mục đích trình bày vấn đề một cách toàn diện và có hệ thống, nhằm giúp những người có ít thời giờ có thể có một cái nhìn tổng quát về vấn đề. Bạn đọc đã đọc phần đầu trong những bài viết trước đây có thể bỏ qua để không phí thời gianPhần tiếp theo là các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam trong vấn đề này sẽ được tiếp tục viết trong thời gian tới.

Chuyên đề

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÌ LỢI NHUẬN- KHÔNG VÌ LỢI NHUẬN: THỰC TIỄN QUỐC TẾ VÀ VẤN ĐỀ CỦA VIỆT NAM

Phạm Thị Ly (2017).

Trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục đại học (GDĐH) và chuyển sang kinh tế thị trường, GDĐH ngoài công lập là một giải pháp gần như không thể né tránh ở các nước đang phát triển. Các văn bản chính sách ở Việt Nam cũng ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của GDĐH ngoài công lập (NCL), và chủ trương bình đẳng công tư nhằm tạo điều kiện cho các trường tư phát triển. Tuy vậy, hiện trạng các trường NCL về mặt tổ chức và quản trị vẫn còn rất ngổn ngang. Có thể nói đó là hệ quả của một chính sách nhiều lúng túng và bất cập, và đàng sau đó là một quan niệm thiếu nhất quán về việc nên đối xử với các trường ĐH tư như những doanh nghiệp, hay là những tổ chức xã hội có sứ mạng phục vụ lợi ích công. Chuyên đề này trình bày khái quát những thông tin chủ yếu liên quan nhằm làm rõ quan điểm về một nút thắt khó tháo gỡ trong việc phát triển chính sách cho khu vực ngoài công lập: vấn đề vì lợi nhuận (VLN) hay không vì lợi nhuận (KVLN) của các trường, từ đó đề xuất một số khuyến nghị chính sách cho bối cảnh thực tế của Việt Nam.

QUAN NIỆM PHỔ QUÁT VỀ TRƯỜNG ĐH KVLN

 Có ba yếu tố để xác định tính chất vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận của một tổ chức, đó là cách sử dụng lợi nhuận, cấu trúc quản trị, và quan trọng nhất là tính chất sở hữu.

Đối với trường KVLN, thặng dư tạo ra không được chia cho cá nhân nào mà sẽ được đầu tư trở lại cho sự phát triển của nhà trường.

Cấu trúc quản trị, hay là cơ chế ra quyết định của trường KVLN dựa trên một Hội đồng Trường được bầu chọn bao gồm đại diện của nhiều bên liên quan khác nhau. Hội đồng này là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường, có nghĩa vụ thực hiện sứ mạng của trường và bảo vệ lợi ích của xã hội. Họ chỉ làm công việc lãnh đạo và giám sát kết quả công việc của bộ phận điều hành, tức là Ban Giám hiệu nhà trường. Chính vì tách biệt giữa lãnh đạo và quản lý, cơ chế này không tạo ra hiện tượng quyền lực độc đoán vốn là một thiết chế phá hủy những động lực tạo ra sự xuất sắc, nhất là trong hoạt động hàn lâm.

Cuối cùng, yếu tố quyết định là tính chất sở hữu. Trường KVLN không thuộc sở hữu cá nhân, cũng không thuộc sở hữu tập thể, hay sở hữu nhà nước, mà là sở hữu cộng đồng. Có nghĩa là nó không thể có cổ phiếu, cổ đông. Không ai có thể bán nó hoặc để thừa kế nó cho người khác.

Vì sao sở hữu cộng đồng lại là yếu tố cốt lõi của các trường tư KVLN? Bởi vì trường tư KVLN hoạt động được nhờ tiền hiến tặng và học phí. Tiền hiến tặng có được là nhờ chính sách miễn thuế, tức cũng là một phần của nguồn lực công. Nếu vẫn duy trì sở hữu tư nhân, thì chẳng khác nào biến của công thành của tư. Nhà đầu tư có thể không nhận lãi hoặc lãi thấp, nhưng bán cổ phần để kiếm lời, thì đó vẫn là VLN. Vì thế, ba tính chất trên đây nói lên cách hiểu phổ quát trên thế giới về khái niệm trường KVLN.

THỰC TIỄN Ở HOA KỲ

Hoa Kỳ là nơi có nhiều trường KVLN với những thành tích nổi bật, một phần là nhờ truyền thống hiến tặng và những chính sách hỗ trợ của nhà nước. Trường KVLN ở Mỹ thường được khởi đầu từ nguồn quỹ hiến tặng của tư nhân hoặc của các tổ chức xã hội hay tôn giáo. Trong quá trình hoạt động, Trường tiếp tục dựa vào các nguồn hiến tặng, và học phí. Khoản hiến tặng từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cựu sinh viên, các quỹ thiện nguyện, v.v. tạo thành Quỹ Hiến tặng (Endownment Fund) của các trường. Với những trường danh tiếng, Quỹ này có thể lên tới vài chục tỉ đô la Mỹ, ví dụ như Harvard có 32,3 tỉ, Yale có 20,7 tỉ (6.2013). Lúc đó, nguồn tài chính chủ yếu đảm bảo cho hoạt động của Trường là từ tiền lãi có được nhờ đầu tư số tiền này trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.

Tuy nhiên, xét kỹ thì mặc dù quỹ hiến tặng này chủ yếu từ các nguồn tư nhân, nó không phải là một thứ cho không từ trên trời rơi xuống, mà vẫn có liên đới với nguồn lực công, như sẽ trình bày dưới đây.

 Bức tranh thực tế

 Sở dĩ truyền thống hiến tặng đặc biệt phát triển ở Hoa Kỳ, là do nhà nước có chính sách miễn thuế cho các khoản hiến tặng nhằm khích lệ đóng góp của tư nhân cho lợi ích công, và để hỗ trợ cho các trường ĐH. Không ai phủ nhận tinh thần hiến tặng cao quý của những người để lại tài sản của mình cho nhà trường như một cách đóng góp và trả ơn cho những gì tốt đẹp mà mình đã nhận được, nhưng nếu không có chính sách miễn thuế này, hẳn là người đóng góp sẽ ngần ngại hơn nhiều. Luật Mỹ đánh thuế thừa kế rất nặng (theo biểu thuế bậc thang, từ 18% đến 40% tùy giá trị tài sản), thêm vào đó là thuế di sản (có thể lên đến 35% đối với di sản trên 25 triệu USD). Vì vậy, có thể nói, khoản hiến tặng mà các trường ĐH Mỹ được hưởng thực chất là hỗ trợ của nhà nước thông qua giảm thuế. Nhà nước không thu thuế ở chỗ này thì phải thu thuế ở chỗ khác, cho nên không phải là quá lời khi nói rằng tất cả mọi người dân đóng thuế đều đang góp tiền vào cho các trường tư PLN.

Chẳng những thế, sinh viên của các trường PLN dĩ nhiên vẫn phải đóng học phí, với mức học phí không hề thấp: bình quân khoảng 46 ngàn một năm, nếu tính cả ăn ở thì khoảng 63.250 USD, trong trường hợp ĐH Yale, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các ĐH công. Và mức học phí này không ngừng tăng. Ở Mỹ, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay, học phí đã tăng gần 150% tức gấp năm lần so với mức lạm phát (khoảng 32%), cả ở trường công lẫn trường tư, trường PLN lẫn VLN.

Ai hưởng lợi?

Về nguyên tắc, nguồn quỹ này được đem đi đầu tư để sinh lợi, và khoản lợi được bù đắp cho hoạt động của nhà trường. Thế nhưng trong thực tế, câu trả lời cho câu hỏi “ai được hưởng lợi” từ những nguồn này sẽ làm chúng ta phải suy nghĩ lại.

Năm ngoái, đại học Yale đã trả 480 triệu đô la Mỹ cho các nhà quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, đó là thù lao cho việc quản lý 8 tỉ đô la Mỹ, tức một phần ba Quỹ Hiến Tặng hiện nay của Yale. Tình hình cũng tương tự ở các trường ĐH Harvard, the University of Texas, Stanford và Princeton.

Trong một tỉ USD chi cho hoạt động của Yale, chỉ vỏn vẹn 170 triệu, tức 17% được dùng cho việc hỗ trợ học phí, tài trợ nghiên cứu và giải thưởng các loại. Năm 2012, Harvard tiêu 242 triệu USD cho hỗ trợ học phí và gần một tỉ USD cho chi phí quản lý các quỹ đầu tư. Năm 2014, Harvard chi cho học bổng không đến 3% của tổng chi.

Quỹ Hiến Tặng của Yale hiện nay khoảng 24 tỉ USD, tăng 50% so với năm 2009. Kenneth C. Griffin, một nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, đã cho Harvard số tiền 150 triệu USD trong năm 2014. Stephen A. Schwarzman, chủ tịch sáng lập Quỹ đầu tư chứng khoán Blackstone, một người khổng lồ trong giới tài chính, cho Yale 150 triệu USD. John A. Paulson, một nhà quản lý quỹ đầu tư chứng khoán khác, đã cho Harvard 400 triệu USD vào tháng 6 năm nay.

Mặc dù chúng ta chưa thể kết luận có những đổi chác gì phía sau các khoản hiến tặng này, nhưng có thể thấy rõ mối liên quan nổi bật giữa Quỹ Hiến Tặng của các trường PLN với giới quản lý quỹ đầu tư và chứng khoán.

Các nhà quản lý quỹ này thường được trả thù lao theo công thức 2% tổng giá trị quỹ (phí quản lý thường niên) cộng với 20% khoản lãi mà việc đầu tư nguồn quỹ này tạo ra. Nhà trường được miễn thuế, và khoản chi cho các nhà quản lý đầu tư cũng được hưởng mức thuế thu nhập thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp thông thường.

Thay vì giảm học phí, Yale thu học phí ở mức rất cao. Tổng thu học phí của Yale năm nay là 291 triệu USD. Tất nhiên Yale không phải là trường hợp cá biệt. Vấn đề là, các trường PLN đã không dùng nguồn hiến tặng để giảm học phí. Vì thế, chỉ có 4,5% sinh viên Harvard và 4% sinh viên Stanford là xuất thân trong gia đình thuộc ngũ phân vị thu nhập thấp nhất trong xã hội (2013), trong lúc gần một phần năm sinh viên hai trường này thuộc về những gia đình giàu có nhất (được định nghĩa là thu nhập trên 630 ngàn USD một năm). Học phí ngày càng đắt đỏ và không có vẻ gì là sẽ ngừng tăng.

Học phí ở các trường này cao gấp từ hai đến bốn lần so với các trường khác. Một nghiên cứu cho biết, do học phí quá cao, sinh viên thuộc tầng lớp thu nhập thấp có ít cơ hội vào các trường này: chỉ 16% sinh viên trong các trường ĐH PLN hàng đầu là thuộc dạng được hưởng hỗ trợ tài chính của chính phủ Mỹ dành cho sinh viên nghèo. Con số này ở Harvard là 11%, ở Yale là 14%, Pinceton 12%, và Stanford là 17%. Thật là ngược đời, vì Robert Reich (vốn là giáo sư UC Berkeley, Bộ Trưởng Bộ Lao động dưới thời Clinton, và là một trong mười nhân vật chính phủ có ảnh hưởng mạnh nhất trong thế kỷ 20) đã chỉ ra rằng một phần ba tiền hiến tặng thực chất là tiền miễn thuế. Dưới hình thức miễn thuế, nhà nước đã tài trợ cho mỗi sinh viên trong các trường này 50 ngàn USD một năm, trong lúc con số đó ở các trường công thông thường là 4 ngàn USD. Ai được hưởng khoản tài trợ gấp mười lần ấy? Câu trả lời là: sinh viên nhà giàu và giới quản lý của các trường này.Thực tế là, bộ máy quản lý ngày càng phình to ra và số giáo sư biên chế ngày càng co lại. Ở Mỹ, số giáo sư tăng 50% trong vòng 4 thập kỷ qua tương ứng với số sinh viên gia tăng, nhưng số lượng các nhà quản lý và nhân viên thì tăng một cách đáng kinh ngạc, 85% và 240% theo thứ tự. Theo Chronicle, lương bình quân của các hiệu trưởng Mỹ là 425 ngàn USD một năm. Một thống kê năm 2007 cho biết có 81 hiệu trưởng có mức lương trên nửa triệu USD, và 12 người có mức lương trên 1 triệu USD/năm. Hiện nay, Trưởng khoa có mức lương 5 chữ số là bình thường. Lưu ý là từ 1993 đến 2011, số giáo sư không biên chế đã tăng từ 57% đến 70%, theo một nghiên cứu của Hiệp hội Các Giáo sư Mỹ. Phần lớn những người này là giảng viên hợp đồng, chạy sô hết trường này tới trường khác để kiếm được chừng 24 ngàn USD một năm, một mức lương chỉ đủ không chết đói.

Kết quả của tất cả những con số này là gì? Tổng nợ vay học phí của sinh viên Mỹ lên tới 1,16 ngàn tỷ USD, bằng 10% tổng nợ tiêu dùng của dân Mỹ và tỷ lệ này ngày càng tăng. 11% nợ tiền vay để đi học đang là nợ xấu và tỷ lệ này cũng đang gia tăng cùng với hiện tượng cử nhân thất nghiệp.

KINH NGHIỆM ĐÔNG Á

Có thể nói vấn đề vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận là chỗ nhạy cảm nhất của GDĐH tư, đặc biệt là ở Đông Á, nơi khu vực tư đang chiếm trung bình 38,6% tổng số sinh viên, mà nổi bật là trường hợp Hàn Quốc 80%, Nhật 77,4%, Indonesia 71% và Philippines 65,5%. Vấn đề này cũng đang nổi lên như một tâm điểm gây mâu thuẫn ở Việt Nam mặc dù Việt Nam năm 2014 mới chỉ có khoảng 14% sinh viên hiện đang học trong các trường NCL, một con số khiêm tốn so với các nước Đông Á khác.

Xem xét vấn đề vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận trong khu vực có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Bởi lẽ, trong khi ghi nhận và trân trọng những đặc điểm đã làm nên sự ưu tú của các trường đại học phương Tây, chúng ta thường ít lưu ý đầy đủ đến những đặc điểm của khu vực, của quốc gia và văn hóa, là điều có tác dụng rất lớn và rất trực tiếp đến sự phát triển của GDĐH. Do sự khác biệt rất lớn về truyền thống văn hóa và lịch sử, về hệ thống chính trị, những kinh nghiệm của phương Tây về mặt nào đó có thể có ý nghĩa ít quan trọng hơn đối với Việt Nam so với những gì đang diễn ra ở Đông Á. Bài học của phương Tây là quan trọng, nhưng bài học quan trọng hơn là những nước Đông Á có truyền thống và nhiều đặc điểm gần gũi với chúng ta đã học hỏi những bài học phương Tây ấy như thế nào để đạt được thành tựu ngày nay.

Để hiểu được thực tiễn Đông Á, cần đặt nó trong tương quan so sánh với các trường ĐH ở Châu Âu và Hoa Kỳ, để thấy rằng trường ĐH phương Tây có một lịch sử rất dài được xem là lợi ích công, thậm chí nhiều nước châu Âu chỉ rất gần đây mới thu học phí ở trường công và chấp nhận ĐH tư, tuy vậy trường VLN vẫn bị cấm. Hoa Kỳ là một trường hợp rất không điển hình, khi GDĐH tư tồn tại đã lâu và chủ yếu là phi lợi nhuận, chỉ trong vài thập kỷ gần đây mới có khu vực VLN; và tuy khu vực này đang tăng nhanh, người ta không ghi nhận được trường hợp nào nổi bật có xảy ra tranh chấp nội bộ vì lý do mâu thuẫn PLN -VLN.

Theo Daniel Levy (2010), hầu hết các trường đang vận hành VLN trên thế giới đều là các trường PLN về mặt pháp lý. Nó vận hành vì lợi nhuận bằng cách dành toàn những vị trí trên đỉnh cho người nhà và trả một mức lương khủng khiếp, hoặc dùng những thủ thuật xảo trá để sở hữu và kiếm lợi từ cho thuê đất đai tài sản. Chừng nào không có chia lời chính thức cho chủ sở hữu hay các cổ đông thì nó vẫn có thể là phi lợi nhuận về mặt pháp lý. Đông Á có những trường tuy về pháp lý là PLN nhưng thực chất là vận hành VLN như thế hay không, và điều này phổ biến đến mức nào so với các khu vực khác trên thế giới, là điều rất khó biết. Vì vậy, chúng ta tạm để qua một bên những trường PLN giả hiệu, để nói về những trường VLN “chính thức” ở Đông Á.

 Thực tiễn các trường VLN ở Đông Á

 GDĐH VLN có hình thức phổ biến nhất là những doanh nghiệp gia đình nhỏ, đôi khi là những cơ sở lớn do các công ty làm chủ sở hữu, và các chuỗi cung ứng quốc tế kiểu như Laureate và Apollo, chẳng hạn INTI University College ở Malaysia là của Laureate, hay Limkokwing University of Creative Technology, đặt cơ sở tại Malaysia, tự quảng cáo mình là “trường ĐH toàn cầu hóa nhất thế giới” có mặt tại Cambodia, Trung Quốc, Indonesia, và nhiều nước Đông Á khác. So với các vùng khác trên thế giới, rõ ràng là ở Châu Á, trường VLN phổ biến hơn.

Nhiều nước Đông Á có bộ phận GDĐH VLN là chính. Philippines là một ví dụ, từ lâu họ đã có các trường VLN, trong đó có một vài trường rất lớn và rất nhiều trường nhỏ. Ở Malaysia, khoảng 90 phần trăm trường tư là vì LN, và chiếm phần lớn số lượng sinh viên. Indonesia cũng là một nước mà trường tư chủ yếu là trường VLN.

Các trường VLN bị lên án vì chất lượng đào tạo thấp, nhiều khi bị coi như lò bán bằng. Trường hợp Trung Quốc có vẻ như thật đáng buồn vì minh họa cho một thực tế: sinh viên đã trả một số tiền lớn cho những thứ không có giá trị thật, có người được nhận vào mà đến bằng trung học cũng chẳng có, trúng tuyển vào trường nhờ hối lộ, và có những chương trình học không hề giống mảy may nào với những lời quảng cáo (D. Levy, 2010). Bởi lẽ đó, có những nước tuy dỡ bỏ việc cấm GDĐH tư nhưng vẫn không cho phép hoạt động VLN.

 Chính sách với các trường VLN

Làm thế nào để xác định rõ và nên đối xử ra sao với các trường VLN là một câu hỏi khó. Trung Quốc nhất định cứ dán nhãn PLN cho các tổ chức giáo dục nhưng cho phép hình thức VLN đối với các tổ chức đào tạo. Cũng như Ấn Độ vừa đồng thời lên án “lợi nhuận quá đáng” lại vừa hoan nghênh các “nhà đầu tư”. Tuy khu vực VLN bị phàn nàn vì những hiện tượng tiêu cực, nhưng đưa ra những quy định như thế nào để chống lại thực tế ấy là điều không dễ và nếu đưa ra quá nhiều quy định thì điều này sẽ phá hủy cả những trường tư lành mạnh khác.

Những quy định nặng nề khắc nghiệt đối với khu vực VLN có thể gây nguy hiểm cho nhiều trường. Điều này đặc biệt nghiêm trọng vì Đông Á là khu vực vốn đã có tỉ lệ VLN cao trong khu vực GDĐH tư. Hơn thế nữa, tuy một số trường VLN có thể chết, những trường khác chắc chắn sẽ chuyển sang cương vị PLN mà không thay đổi gì đáng kể trong cách hoạt động và xử sự thực sự của mình, là điều chỉ tăng thêm dối trá và thất thu thuế (Levy, 2010).

Rất đáng xem xét trường hợp Brazin. Brazin là một nước có tỉ lệ GDĐH tư lớn nhất Châu Mỹ Latin, chủ yếu là các trường PLN về mặt pháp lý nhưng vận hành như những trường VLN. Trong thập kỷ 90 Brazin đã quyết định một cách rất thực tế rằng họ không thể kiểm soát “phi lợi nhuận” thông qua các quy định, cũng như tính rằng có thể tăng thu cho ngân sách thông qua thuế, đã cho phép các trường VLN tồn tại hợp pháp. Ngày nay 19% sinh viên ở Brazin học trong các trường VLN, là tỉ lệ cao nhất ở các nước châu Mỹ.

Vấn đề là, GDĐH tư hiện chiếm một phần ba tổng số sinh viên toàn cầu. Tỉ lệ này cao hơn và ngày càng cao ở Đông Á. Dù ta có công nhận hay không, các trường VLN đang phục vụ cho mục tiêu chung của GDĐH. Thêm vào đó, các trường VLN nộp thuế, như cách nhìn của chính quyền địa phương ở Trung Quốc. Mặt khác, trừng trị việc tìm kiếm lợi nhuận có thể rất rắc rối, bởi lẽ cùng lúc đó người ta đang khuyến khích những hoạt động kinh doanh lan tràn phổ biến ở các trường công, như đang diễn ra ở hai trường uy tín bậc nhất của Trung Quốc, ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh.

Đây là vấn đề về sự minh bạch và công bằng, cũng như một thị trường có hiệu quả, chứ không phải là vấn đề đạo đức, vì cái được coi là “thương mại hóa thô thiển” (Wongsothorn and Yibing, 1995, dẫn theo Levy, 2010), của người này lại có thể là một mục tiêu theo đuổi chính đáng của người khác.

VẤN ĐỀ CỦA VIỆT NAM

Chính sách của Việt Nam trong vấn đề VLN-KVLN có lẽ là rất khác thường so với thông lệ của Đông Á và của thế giới: cho đến năm 2013 trước khi Luật GDĐH và Nghị định 141/NĐ-CP ban hành, tất cả các trường tư ở Việt Nam đều là các trường VLN mặc định, bởi vì Quy chế hoạt động của ĐH tư thục ban hành theo QĐ 61/QĐ-TTg năm 2009 đã quy định khung pháp lý cho các trường giống hệt như một công ty cổ phần và dựa trên cơ sở của Luật doanh nghiệp. Tuy vậy, nhà nước vẫn cố gắng kềm chế tính chất “VLN” của các trường bằng cách quy định 25% chênh lệch thu chi phải đưa vào tài sản chung không chia, chẳng khác nào một sắc thuế bổ sung đối với nhà đầu tư, tạo ra một tác động ngược: đầu tư cho giáo dục trở thành không bình đẳng so với đầu tư vào lĩnh vực khác, thậm chí vào sòng bài.

Mãi đến khi Nghị định 141 nói trên ra đời, khung pháp lý của Việt Nam mới chính thức có định nghĩa về trường KVLN: “Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức, hoặc nhận lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ quy định trong cùng thời kỳ”.

Định nghĩa và khung pháp lý đối với trường KVLN ở Việt Nam

Có ba điểm cốt lõi khác với thông lệ quốc tế trong chính sách đối với trường KVLN của Việt Nam: (1) thừa nhận sở hữu tư nhân của cổ đông; (2) chia lãi có giới hạn và bắt buộc trích lập 25% lợi nhuận làm tài sản chung không chia; (3) có văn bản cam kết và phải được sự công nhận của Thủ tướng.

Có lẽ cần phải nói thêm một điểm khác thường nữa: thông lệ trên thế giới là cơ cấu quản trị của trường ĐH là vấn đề thuộc quyền quyết định của các trường, nhưng ở Việt Nam, thì cơ cấu này được nhà nước quy định rất cụ thể và chi tiết. Nghị định 70/NĐ-CP nêu rõ thành phần, cơ cấu lãnh đạo và quy trình ra quyết định cao nhất của các loại hình trường, trong đó, đối với trường KVLN, quyền lực cao nhất thuộc về Hội đồng Quản trị (HĐQT), còn Đại hội toàn trường (thay cho Đại hội cổ đông của trường VLN) thì không phải là bộ phận có quyền quyết định cao nhất của trường KVLN, bởi vì Đại hội chỉ có quyền bầu và miễn nhiệm Ban Kiểm soát chứ không có quyền bầu và miễn nhiệm Hội đồng Quản trị. Đại hội cũng chỉ có thể góp ý chiến lược và quy chế của trường, chứ không có quyền quyết định (khoản 2, Điều 33, Điều lệ Trường ĐH 2014). Thành viên góp vốn chỉ có thể chiếm không quá 20% tổng số thành viên của HĐQT. Đó chính là lý do đã gây ra tranh chấp giữa những người đang nắm quyền điều hành với những người đã góp vốn xây dựng nên nhà trường hoặc đang nắm giữ phần lớn cổ phần.

Trong thực tế, chính sách này đã lập tức tạo ra sóng gió, bởi nó gây ra những mâu thuẫn và tác động ngoài dự kiến. Cơ chế KVLN như đã nói trên có lợi cho những người nắm quyền điều hành, và làm giảm quyền lực quyết định của những người góp vốn, tạo ra tình trạng quyền lực nằm trong tay những người điều hành mà không có cơ chế giám sát, khiến nhà đầu tư không thể không giành lấy quyền điều hành và người điều hành thì có khả năng cướp quyền của người sở hữu, gây ra tranh chấp nội bộ không thể nào giải quyết được, làm cho các trường trở thành suy yếu và uy tín bị tổn thương nghiêm trọng.

Tất cả những điều này có nghĩa là, những quy định của chúng ta về trường ĐH KVLN dựa trên một cách hiểu thiếu nhất quán và xa lạ với thực tiễn quốc tế, do đó đã nảy sinh nhiều bất cập và tranh chấp.

Hệ quả là, từ khi có chính sách mở cửa cho đến nay chúng ta chưa hề có một trường tư thục KVLN nào[1], dù là theo cách hiểu phổ quát trên thế giới hay ngay cả nếu chỉ áp dụng định nghĩa hiện tại trong khung pháp lý của Việt Nam. Đối với các trường đã hoạt động từ lâu như Hoa Sen, phần chia lãi cho cổ đông (kể cả dưới hình thức cổ phiếu thưởng) những năm trước đây đã vượt rất xa so với lãi suất trái phiếu, có năm lên đến 152% như năm 2012, trong khi lãi suất trái phiếu cùng năm là 9% (theo thông tin trên báo Bảo vệ Pháp luật ngày 24.11.2015). Đối với những trường mới thành lập về sau như Phan Chu Trinh, chúng ta mới chỉ chứng kiến tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận của nhà trường. Cần phải có báo cáo kiểm toán và sự công nhận của Bộ GD-ĐT để có thể coi đó là trường KVLN theo định nghĩa của Việt Nam.

Vì thế, cần điều chỉnh chính sách đối với trường KVLN, và để có thể làm được điều này, cần quay trở về những vấn đề lý luận có ý nghĩa cốt lõi về bản chất, sứ mạng, mục tiêu của trường ĐH. Cần phải trả lời câu hỏi liệu chúng ta có cần các trường ĐH KVLN hay không, và nếu có thì vì sao.

 Ảnh hưởng của cương vị VLN/KVLN đối với mục tiêu của nhà trường

  Có một định kiến tồn tại rất dai dẳng trong xã hội, và không chỉ ở Việt Nam: các trường VLN chỉ nhằm vào lợi nhuận đơn thuần, bằng mọi giá để có lợi nhuận, do đó có khả năng gây tổn hại cho người học và cho lợi ích công của xã hội. Vì thế, cho đến nay, vẫn có nhiều người quan niệm rằng giáo dục chân chính nhất thiết phải là KVLN.

Có hai vấn đề phải xem xét đối với quan niệm nói trên. Một là, VLN có nhất thiết phải mâu thuẫn với chất lượng? Thực ra, động cơ VLN là động cơ mạnh mẽ nhất để người ta cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt là trong môi trường cạnh tranh minh bạch và chính sách rõ ràng.

Có thể phản biện rằng phương Tây cho ta nhiều ví dụ về việc các trường ĐH xuất sắc nhất đều là các trường KVLN. Trong lúc đó, nhiều trường VLN gây tai tiếng bằng việc thu học phí cao, tiêu quá nhiều tiền cho quảng cáo, cắt giảm chi phí đào tạo dẫn tới chất lượng thấp. Đúng là đã có một thực tế như vậy ở các nước phát triển phương Tây, tiêu biểu là Hoa Kỳ, nhưng điều này ngày nay đang thay đổi. GD ĐH trong nhiều thế kỷ đã được xem chủ yếu là lợi ích công, ngày nay, dưới tác động của kinh tế tri thức và đại chúng hóa giáo dục, đang trở thành chủ yếu là một khoản đầu tư cho cá nhân và lợi ích tư, và bản chất dịch vụ của nó đang ngày càng nổi trội. Vì thế, các trường VLN đang được chấp nhận ngày càng rộng rãi ở nhiều nước, và vì là một dịch vụ và có cạnh tranh, khu vực này đang hướng tới việc cải thiện chất lượng mạnh mẽ để tồn tại lâu dài. Quan niệm về vai trò của trường ĐH đang thay đổi mạnh mẽ và tính chất dịch vụ của nó đang ngày càng được nhấn mạnh. Các trường VLN thực chất chính là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giáo dục, họ mang lại giá trị gia tăng cho xã hội và cũng xứng đáng được trân trọng như bất kỳ hoạt động dịch vụ nào khác.

Hai là, có nhất thiết chỉ KVLN mới phục vụ lợi ích xã hội? Nói cách khác, liệu chúng ta có chắc chắn rằng các trường KVLN luôn luôn phục vụ lợi ích công tốt hơn các trường VLN? Cần khẳng định rằng khi các trường VLN làm tốt nhiệm vụ của họ là đào tạo tốt một lực lượng lao động có kỹ năng cao, thì đó chính là đóng góp cho lợi ích công. Ví dụ, ĐH Keio ở Nhật Bản là một ĐH VLN, ngay từ lúc khởi đầu, nó đã đi theo con đường thực nghiệp, tức đào tạo những người ra trường có thể làm những công việc cụ thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế, KHKT…, tức nó đáp ứng nhu cầu của cả hai: cá nhân và xã hội. Không chỉ bản thân người đi học được lợi, mà toàn xã hội đều được hưởng lợi từ đó.

Trong phần nói về thực tiễn ở Hoa Kỳ trên đây, tác giả bài này đã chứng minh rằng trong thực tế người chi trả cho hoạt động của các trường phi lợi nhuận thực chất chính là người đóng thuế, còn người hưởng lợi lại là sinh viên nhà giàu và giới quản lý của nhà trường. Vì thế, như một học giả nổi tiếng là Daniel Levy đã nhận định, có rất nhiều trường đang vận hành như những cỗ máy vì lợi nhuận dưới cái vỏ bọc pháp lý KVLN.

Nhiều người cho rằng chỉ những trường KVLN mới có thể thực hiện giáo dục khai phóng. Thực chất thì không có lý lẽ hay bằng chứng nào hỗ trợ cho một nhận định như thế cả. Dĩ nhiên các trường vì lợi nhuận có thể cắt giảm những phần giáo dục đại cương và chỉ nhằm vào những kiến thức và kỹ năng chuyên môn để người học có thể đi làm được ngay, với mục đích làm giảm chi phí đào tạo và tăng lợi nhuận. Nhưng đó là những trường có tầm nhìn ngắn hạn, và tư duy theo lối chụp giựt như vậy cũng chỉ có thể thành công trong ngắn hạn. Những trường có tầm nhìn dài hạn, để có thể tìm kiếm lợi nhuận bền vững và phát triển trong một bối cảnh cạnh tranh, bao giờ cũng tìm cách đáp ứng tốt nhất những gì mà thị trường cần đến.

Đừng nghĩ là giáo dục khai phóng chỉ cần thiết và có ích cho xã hội mà không có tác dụng gì đáng kể đối với cá nhân trong công cuộc tìm kiếm việc làm và sự thịnh vượng. Những người được giáo dục trong tinh thần khai phóng là những người có khả năng suy nghĩ thấu đáo với một tầm nhìn rộng lớn, có khả năng phản biện và biết sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt ý tưởng một cách thuyết phục, cũng như có kiến thức rộng và hiểu biết sâu trong một lĩnh vực chuyên môn, nhờ đó có đủ năng lực để lựa chọn những quyết định tốt nhất trong mọi tình huống, và trở thành những người năng động luôn nhìn thấy cơ hội và tạo ra cơ hội cho mình. Một khi thực tế cho thấy giáo dục khai phóng giúp tạo ra những người sáng giá trên thị trường lao động, các nhà đầu tư giáo dục sẽ có động lực mạnh mẽ hơn ai hết để thực hiện giáo dục khai phóng.

Vậy chúng ta có cần các trường KVLN hay không?

GD ĐH là một hệ thống, và hệ thống này đạt tới mức lý tưởng về mặt tổ chức khi nó tạo thành một hệ sinh thái hài hòa bao gồm nhiều loại trường khác nhau phục vụ những sứ mạng khác nhau và bổ sung cho nhau, trong đó mỗi phần tử tồn tại trong hệ thống là vì nó có lý do xác đáng để tồn tại, vì nó làm những việc mà những trường khác không làm được hoặc làm không tốt như nó.

Một hệ thống chỉ bao gồm các trường ĐH công và tư, trong đó tất cả các trường tư đều là trường VLN thì sẽ có thiếu sót gì?

Các trường ĐH công tất nhiên là các trường KVLN về mặt nguyên tắc (còn nếu trong thực tế họ hoạt động giống như các trường VLN thì đó lại là một vấn đề khác). Lý do là vì họ thuộc sở hữu nhà nước, nhận nguồn đầu tư từ ngân sách công, tức là hoạt động của họ chủ yếu do người đóng thuế trả tiền, vì vậy họ có nghĩa vụ phục vụ lợi ích công thông qua việc thực hiện những nghĩa vụ mà nhà nước thay mặt nhân dân giao phó cho họ. Đó chính là lý do mà những nghiên cứu cơ bản đòi hỏi đầu tư trang thiết bị đắt tiền hoặc những nghiên cứu xã hội không thể hoàn vốn xét về mặt tài chính, nhưng mang lại lợi ích cho toàn xã hội, thường được thực hiện ở các trường ĐH công. Các trường ĐH VLN không có đủ nguồn lực, và chủ yếu là không có động cơ thực hiện những nghiên cứu như thế.

Các trường VLN do bản chất của họ sẽ tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do động cơ lợi nhuận, họ sẽ cải thiện chất lượng quản trị và dịch vụ để tăng cường hiệu quả, họ sẽ bén nhạy trong việc nắm bắt những thay đổi của thị trường và nhu cầu của người học. Vì thế trong một số việc, trường VLN có thể làm tốt hơn trường công, đặc biệt là khi nguồn lực nhà nước có hạn.

Vậy trường KVLN tồn tại là để làm gì? Nhu cầu của xã hội rất phong phú. Học ĐH để tìm kiếm một cái nghề nuôi thân là nhu cầu cơ bản của người học, nhưng không phải là nhu cầu duy nhất. Phát triển kinh tế, làm ra nhiều của cải, trở nên thịnh vượng là nhu cầu cơ bản của xã hội, nhưng tuyệt nhiên không phải là nhu cầu duy nhất hay quan trọng nhất. Trường ĐH đích thực không chỉ là một tổ chức dạy nghề. Nó còn là nơi theo đuổi những lý tưởng và giá trị, vun đắp và phát triển những lý tưởng và giá trị ấy, bảo toàn và trao truyền lại cho những thế hệ tiếp nối. Trường ĐH là nơi con người học cách suy tư, tìm hiểu ý nghĩa của mọi vấn đề, và của sự tồn tại của chính mình. Những trường ĐH như thế có thể gọi là các trường ĐH tinh hoa.

Không phải là các trường công hoặc các trường VLN không làm, hoặc không làm được những việc ấy, nhưng trường KVLN có những đặc điểm để thực hiện tốt nhất sứ mạng ấy. KVLN có nghĩa là không phụ thuộc túi tiền hay ý muốn của ông chủ, không phụ thuộc nhu cầu trước mắt của thị trường, cũng không bị kềm tỏa bởi những đòi hỏi cụ thể của nhà nước, vì thế, nó có thể làm được những việc mà nhà nước và thị trường không quan tâm. Vì vậy, nó có thể theo đuổi việc nghiên cứu những vấn đề có vẻ như không “thiết thực”, không dẫn tới những kết quả có thể bán ra tiền được ngay, nhưng có ý nghĩa quan trọng và thiết yếu đối với đời sống tinh thần của xã hội, không chỉ cần cho hôm nay mà cần cho cả tương lai. Rất nhiều trường tinh hoa trên thế giới là những trường KVLN. Nó như một ngọn đuốc soi đường cho xã hội, nó đóng vai trò lương tâm xã hội, bảo toàn những giá trị cốt lõi nhất và trao lại cho những thế hệ sau. Những mục tiêu này vượt ra xa mục tiêu của thị trường, và động lực thị trường không đủ sức để đáp ứng nó.

Mặc dù lợi ích cá nhân của từng người học không nhất thiết phải mâu thuẫn với lợi ích cơ bản và lâu dài của XH, nhưng về bản chất, trường KVLN không nhắm tới lợi ích cá nhân của từng người học, mà chủ yếu nhắm tới lợi ích cơ bản và dài lâu của cả xã hội. Vì thế, các trường tinh hoa cần phải là KVLN, vì chỉ trong điều kiện đó nó mới có thể có được sự đóng góp và hiến tặng của toàn XH để thực hiện sứ mạng đó.

Cần phân biệt rõ, ĐH tinh hoa không đồng nhất với ĐH chất lượng cao. ĐH chất lượng cao thì không nhất thiết phải là KVLN, nhưng ĐH tinh hoa thì nhất thiết phải là KVLN. ĐH công cũng có thể là ĐH tinh hoa, vì nó nhận nguồn lực từ nhà nước, tức là của người đóng thuế, nhưng có nhiều khả năng là ĐH công bị giới hạn trong tầm nhìn của nhà nước. Mà ĐH tinh hoa thì, trong phần lớn trường hợp, vượt ra xa tầm nhìn đó của nhà nước. Nếu không có được năng lực và tầm nhìn như vậy, thì nó đã không phải là ĐH tinh hoa.

Tuy thế, phải lưu ý rằng, tính chất KVLN là một trong những điều kiện cần để một trường ĐH trở thành một ĐH tinh hoa, không phải là điều kiện đủ.Vì thế, ĐH KVLN chưa chắc là ĐH tinh hoa, thậm chí chưa chắc đã có chất lượng cao. Nói cách khác, VLN hay KVLN không có mối quan hệ tất yếu nào với chất lượng hoạt động của nhà trường.

HƯỚNG TỚI MỘT HỆ THỐNG HÀI HÒA

Sau hai thập kỷ tăng trưởng nóng về số lượng, hệ thống GDĐH Việt Nam hiện nay đang ở trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Đó là vì tuy có hơn 400 trường ĐH-CĐ, nhưng các trường này đều vận hành với những nguyên tắc gần giống nhau, nội dung hoạt động không mấy khác nhau, tạo ra những kết quả từa tựa như nhau. Trong lúc đó nhu cầu xã hội thì vô vàn đa dạng, mà các trường ĐH hiện nay chưa được chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng. Chính phủ đã thể hiện mong muốn cải thiện hiện trạng này bằng chủ trương phân tầng, nhằm làm rõ những phân khúc khác nhau, bao gồm các trường có những điểm nhấn khác nhau về sứ mạng. Tuy nhiên, các văn bản pháp lý hiện hành về việc phân tầng chỉ mới chú trọng đến sự đa dạng trong trọng tâm hoạt động, chứ chưa quan tâm tới sự đa dạng về mặt sở hữu và quản trị, cũng như đối tượng phục vụ, trong lúc mô hình sở hữu và quản trị sẽ có tác động trực tiếp tới việc thực hiện sứ mạng của nhà trường.

Đa dạng về trọng tâm hoạt động

Dựa trên nhu cầu về nguồn lực lao động cho xã hội, hệ thống GD ĐH có thể được phân loại theo định hướng trọng tâm hoạt động. Nghị định 73/2015/NĐ-CP quy định 3 loại trường: ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng, và ĐH thực hành. Tất nhiên sự phân loại này chỉ nói lên trọng tâm của trường, chứ không có nghĩa là ĐH ứng dụng thì không có hoạt động nghiên cứu hoặc ngược lại.

Sở dĩ cần có sự phân loại này là vì, với những trọng tâm khác nhau, các trường sẽ có những ưu tiên chiến lược khác nhau trong việc tuyển chọn nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất, và kế hoạch hoạt động. Vì thế, họ cần được đánh giá kiểm định, hoặc xếp hạng với những tiêu chí khác nhau. Ví dụ, không nên lấy số bài báo ISI làm thước đo những trường định hướng thực hành và cho những trường này thuộc loại “chiếu dưới”, vì xã hội rất cần có những người ra trường là làm việc được ngay trong nhiều lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Các trường cùng một loại nên được so sánh với nhau để học hỏi lẫn nhau, thay vì bị so sánh với những trường khác loại và với những tiêu chí không phù hợp, mà hệ quả là phải gánh chịu định kiến không đúng của xã hội.

Đa dạng về sứ mạng, sở hữu, và quản trị.

Nói tới sở hữu, lâu nay chúng ta chỉ phân biệt hai loại công- tư, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, là do tư duy nhị nguyên. Thực tế cuộc sống đa dạng và phức tạp hơn, đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận các loại hình sở hữu phong phú hơn, không chỉ là công và tư.

Một cách lý tưởng, một hệ sinh thái ĐH hài hòa nên có ba hình thức sở hữu: sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân và sở hữu cộng đồng. Trường công thuộc sở hữu nhà nước, do nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng và vận hành theo các nguyên tắc của tài chính công. Tài sản của trường là tài sản nhà nước. Lợi nhuận tạo ra được tái đầu tư cho hoạt động của trường. Trường công thực hiện những nhiệm vụ nhà nước giao cho, nhấn mạnh những ưu tiên chiến lược của nhà nước tùy theo bối cảnh kinh tế xã hội của đất nước, chẳng hạn, có những giai đoạn cần mở rộng số người vào ĐH, thì một số ĐH công cần duy trì mức học phí thấp và các loại hỗ trợ tài chính để nhiều người có thể học. Nhân sự lãnh đạo và điều hành ở trường công do nhà nước bổ nhiệm, hoặc do Hội đồng Trường quyết định tùy theo quy định của nhà nước.

Trường tư thuộc sở hữu tư nhân hoặc tập thể, do cá nhân hay doanh nghiệp đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu của xã hội, vận hành theo nguyên tắc của doanh nghiệp và chịu sự điều chỉnh của Luật GDĐH. Tài sản của trường tư là tài sản tư nhân, cổ phần của trường tư có thể chuyển nhượng hay thừa kế. Trường tư có mục đích tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư thông qua cung ứng dịch vụ giáo dục theo quy luật thị trường. Nhân sự lãnh đạo và điều hành ở trường tư do chủ sở hữu quyết định, nhà nước phê duyệt.

Trường không vì lợi nhuận (KVLN) thuộc sở hữu cộng đồng, có thể do một hay một nhóm người sáng lập và góp vốn hay tài trợ ban đầu, nhưng không giữ quyền sở hữu, do vậy không có vấn đề chuyển nhượng hay thừa kế. Nó là trường ngoài công lập phi lợi nhuận. Trường KVLN về bản chất không phải là trường tư vì không thuộc sở hữu tư nhân hay tập thể (theo nghĩa là của một nhóm người), vì vậy nên gọi tên nó là trường dân lập. Cũng có thể gọi nó là trường “nghĩa thục” dựa trên mô hình Đông Kinh Nghĩa Thục trước đây. Đầu tư ban đầu có thể do một hay một nhóm tư nhân tự nguyện hiến tặng, với cam kết cấp đất của nhà nước. Kinh phí hoạt động dựa vào các nguồn thu hợp pháp của nhà trường. Nhân sự và lãnh đạo do Hội đồng Trường quyết định và nhà nước phê duyệt.

Các trường có nguồn gốc sở hữu khác nhau sẽ gắn với các sứ mạng khác nhau. Sứ mạng của trường công và trường tư đã khá rõ ràng, còn sứ mạng của các trường KVLN là gì? Nếu trường công thuộc khu vực nhà nước, trường tư thuộc khu vực thị trường, thì trường KVLN thuộc khu vực xã hội dân sự. Nó có sứ mạng đáp ứng những nhu cầu của XH mà cả nhà nước lẫn thị trường đều không đủ động lực hoặc năng lực để đáp ứng.

Đa dạng trong đối tượng phục vụ

Thay vì chạy đua theo ảo ảnh của các bảng xếp hạng thế giới, có lẽ chúng ta cần thực tế hơn và nhìn vào bức tranh thực tế của đời sống đa số người Việt. Mặc dù đời sống đã khá hơn trước và tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, sự thật là chỉ có một tỉ lệ nhỏ dân chúng có khả năng chi trả cho con cái việc học tập ở nước ngoài, hay những trường chất lượng cao ở trong nước. Nhà nước có chương trình cho vay học phí nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để vay và trả nợ. Học bổng cũng chỉ dành cho một số nhỏ. Trong lúc đó, người càng nghèo thì càng cần được học hành để thay đổi số phận, hay ít nhất là để kiếm sống một cách có hiệu quả hơn và qua đó mà đóng góp cho xã hội. Vì thế, một hệ thống GD ĐH hài hòa còn là một hệ thống có tính chất bao hàm (inclusiveness), tức là tạo cơ hội cho tất cả mọi người phù hợp với năng lực trí tuệ và hoàn cảnh kinh tế của từng người. Dù là trường công, trường tư, hay trường KVLN, cần có nhiều trường với nhiều mức học phí khác nhau phù hợp với khả năng chi trả của nhiều đối tượng khác nhau. Các trường học phí thấp có thể hạn chế về cơ sở vật chất, điều kiện học tập, nhưng cần duy trì một chất lượng đào tạo tối thiểu đủ để người học có thể làm được công việc nghề nghiệp và có khả năng tự học sau khi tốt nghiệp, hoặc học tiếp những bậc học cao hơn về sau.

Mặt khác, một hệ thống GD sau trung học chỉ bao gồm các trường ĐH và chạy đua đào tạo sau ĐH bất chấp các chuẩn mực học thuật là một hệ thống không lành mạnh. Cần có một hệ thống hài hòa giữa các trường ĐH và cao đẳng cộng đồng, các trường cao đẳng nghề, trung học chuyên nghiệp, với cơ chế liên thông phù hợp.

Đa dạng trong chương trình đào tạo

Một trong những vấn nạn của hệ sinh thái đại học Việt Nam hiện nay là sự sao chép các chương trình đào tạo giữa trường này và trường kia. Điều này tạo ra sự đơn điệu trong bức tranh về kết quả đầu ra. Đành rằng khi đào tạo cùng một ngành học, trường nào cũng phải tuân thủ những chuẩn mực tối thiểu về khối lượng kiến thức cơ bản và những năng lực cần có đối với người tốt nghiệp, nhưng việc sao chép nguyên si chương trình đào tạo đã làm nó mất đi sự đa dạng cần có khi được thực hiện trong những bối cảnh khác nhau.

Bảo đảm tính đa dạng trong chương trình nghĩa là tạo điều kiện để giới học thuật ở những địa phương khác nhau, làm việc trong những bối cảnh thực tiễn khác nhau có thể đóng góp những tư liệu và góc nhìn vấn đề mới mẻ từ thực tế của họ trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy. Điều này sẽ giúp các trường xây dựng sự khác biệt và tăng cường khả năng đáp ứng những nhu cầu đa dạng của cuộc sống.

Kết luận

Mỗi loại hình trường có những điểm mạnh và yếu khác nhau và phục vụ cho những sứ mạng khác nhau. Trường KVLN tồn tại nhờ nguồn lực hiến tặng của cộng đồng, vì vậy nó phải đáp ứng nhu cầu chung của cộng đồng, là gìn giữ, bảo toàn và phát triển các giá trị tinh thần của xã hội nhằm duy trì một chuẩn mực cho hôm nay và trao truyền lại cho ngày mai. Trong khi đó, trường tư VLN có ưu điểm đáp ứng nhanh nhạy với mọi thay đổi trong nhu cầu của xã hội, và đặc biệt là quản trị có hiệu quả Trường công dựa vào nguồn lực nhà nước vì vậy có ưu điểm là ổn định, nhưng nhược điểm là chậm đổi mới. Xây dựng sự khác biệt của mỗi trường không có nghĩa là các trường nên tồn tại như một ốc đảo, mỗi trường là một lãnh địa, mà trái lại, cần khích lệ các trường làm việc cùng nhau nhằm bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, thậm chí có thể dùng chung một phần nguồn lực để tối đa hóa hiệu quả.

Trường ĐH nghiên cứu, ứng dụng hay thực hành thực hiện những phần việc khác nhau, tất cả đều cần thiết cho việc phát triển kinh tế và xã hội. Các trường ĐH và cao đẳng phục vụ những đối tượng có nhu cầu, năng lực và tài chính khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm nâng cao trình độ và năng suất lao động của người dân, từ đó tạo ra thêm nhiều của cải cho xã hội. Sở dĩ gọi là một hệ sinh thái ĐH bởi vì các mô hình trường khác nhau, sở hữu khác nhau, trọng tâm định hướng khác nhau, phân khúc đối tượng khác nhau, và chương trình đào tạo khác nhau, đều có ý nghĩa bổ sung cho nhau, và vì vậy, tất cả đều cần thiết cho xã hội và cần một khung pháp lý phù hợp để phát triển.

Notes:

[1] Chú ý là trường có vốn đầu tư nước ngoài được điều chỉnh bằng những văn bản pháp lý khác với trường tư thục. Fulbright University Vietnam và American University in Vietnam là thuộc loại trường có vốn đầu tư nước ngoài.