MONG ĐỢI GÌ Ở GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM 2017?

Phạm Thị Ly (2017)
Bản ngắn hơn đăng trên Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 11.02.2-17

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến sửa đổi Luật GD và Luật GD ĐH, tuy nhiên, thời gian lấy ý kiến chưa đầy một tuần lễ, quá ngắn đến mức gây ra lo ngại về mục đích của việc sửa đổi.

Tuy vậy, khởi đầu một năm mới vẫn là thời điểm cho chúng ta nhìn về phía trước với hy vọng và mong đợi. Liệu chúng ta có thể hy vọng gì vào những đổi thay trong GD ĐH năm nay?

Tự chủ ĐH

Trong nhiều phát biểu gần đây của những người lãnh đạo chính phủ cũng như Bộ GD-ĐT, có thể thấy tự chủ ĐH là vấn đề sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Đó là tín hiệu tích cực, vì quyền tự chủ của các trường, đặc biệt trong vấn đề nhân sự và chuyên môn, được xem là chỗ “thắt cổ chai” làm hạn chế năng lực sáng tạo và đổi mới ở cấp trường.

Tuy vậy, có hai vấn đề cần lưu ý trong việc tăng cường quyền tự chủ: Một, quyền tự chủ là một trong những điều kiện cần, tuyệt nhiên không phải là điều kiện đủ để nâng cao chất lượng. Tự chủ cũng không tự động dẫn tới chất lượng, thậm chí nó còn có thể gây ra thảm họa chất lượng, nếu không có một thiết chế giải trình trách nhiệm phù hợp. Điều này đã được nêu ra nhiều lần, nhưng đến nay chúng ta cũng chưa có chính sách nào cụ thể về trách nhiệm giải trình của các trường, ngoài những nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động về bảo đảm chất lượng và kiểm định. Mặc dù Việt Nam có những bước tiến rất đáng kể trong việc thúc đẩy bảo đảm chất lượng và kiểm định cũng như làm cho hoạt động này ngày càng chuyên nghiệp hóa, tác động hay ảnh hưởng thực sự của nó đối với việc cải thiện hoạt động của các trường vẫn là điều chưa được thấy rõ.

Hai, quyền tự chủ sẽ không có mấy ý nghĩa nếu như năng lực lãnh đạo không đủ mạnh. Được quyền chủ động trong chương trình đào tạo là một chuyện, tạo ra những chương trình đào tạo tốt là chuyện khác. Trong cùng một điều kiện về thể chế và pháp lý, trong cùng một bối cảnh văn hóa và điều kiện kinh tế, chúng ta vẫn có những trường đạt được thành công đáng kể hơn nhiều so với những trường khác, thể hiện qua thành tích hay thành tựu của cựu sinh viên, và khả năng hội nhập của họ trong môi trường toàn cầu. Trong những yếu tố tạo ra thành công ấy, năng lực lãnh đạo chắc chắn có một vai trò quan trọng. Hơn bao giờ hết, các trường cần có những người lãnh đạo chuyên nghiệp, nhất quán trong mục tiêu, mềm dẻo trong giải pháp, am hiểu bối cảnh và biết nhìn xa. Ở cương vị lãnh đạo trường, họ cần phải có tầm nhìn, có sự công tâm, và hết lòng vì lợi ích và sự phát triển của trường. Hơn ai hết, họ phải có khả năng thay đổi, khả năng lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt. Đồng thời, họ phải là những người kiên định với mục tiêu và không bao giờ phản bội những giá trị đạo đức nền tảng của họ cũng như của nhà trường. Và dĩ nhiên, họ phải là những người có khả năng truyền cảm hứng và khơi gợi những gì tốt nhất trong người khác

Vai trò của người học

Trước nay chúng ta thường xem người học là “sản phẩm” của quá trình giáo dục đào tạo ở nhà trường, một đối tượng tiếp nhận thụ động và có thể dễ dàng nhào nặn. Điều này đang thay đổi.  Các trường chất lượng thấp thực chất không khác lò bán bằng tồn tại được trong thời gian qua là do xã hội  vẫn có nhiều người đi học chỉ nhằm vào tấm bằng mà không cần quan tâm tới những gì họ thực sự đạt được trong quá trình học. Chừng nào loại “khách hàng” này còn đông, thì các trường kém, trường dỏm vẫn còn chỗ đứng vững chắc. Có cầu thì có cung thôi, vì vậy nếu chúng ta chỉ trách móc các trường về việc đào tạo kém chất lượng, e là thiếu công bằng.

Vụ scandal Tân Hiệp Phát và nước mắm Massan vừa qua cho chúng ta một ví dụ thuyết phục về quyền lực của người tiêu dùng. Trong nền kinh tế thị trường, giáo dục ĐH đã và đang được xem là một dịch vụ, và là một khoản đầu tư đáng kể của mọi gia đình, hơn bao giờ hết, người học cần ý thức được sức mạnh của mình. Trong bối cảnh Việt Nam, chưa bao giờ người học có nhiều khả năng lựa chọn hơn hiện nay. Trước đây, khi cung không đủ cầu, vào ĐH là một cuộc cạnh tranh quyết liệt, và người học chỉ có thể dựa vào năng lực làm bài thi của mình để chọn trường thích hợp. Còn ngày nay, có đủ mọi thể loại: trường công, trường tư, trường có vốn nước ngoài, các chương trình liên kết, v.v.. Ngay trong từng phân khúc, các trường cũng rất đa dạng, từ mức học phí, điều kiện, phương tiện vật chất cho dạy và học, chất lượng giảng viên, chương trình học, triết lý đào tạo, uy tín trên thị trường tuyển dụng, v.v.

Vì thế, một mặt, người học cần phải là “người tiêu dùng khôn ngoan”, học cách tìm kiếm, chọn lọc và đánh giá thông tin để có hiểu biết đúng đắn về những gì nhà trường thực sự có thể mang lại, mặt khác, họ cần tạo ra một áp lực buộc các trường phải hoạt động lành mạnh hơn. Cuộc “bỏ phiếu bằng chân” của người học sẽ giúp các trường tập trung vào những hoạt động thực sự là sứ mạng và là ý nghĩa tồn tại của họ, thay vì cho những nỗ lực chỉ nhằm vào bề ngoài. Cựu sinh viên cần phải lên tiếng nhiều hơn, vì họ, hơn ai hết, hiểu rõ về chất lượng hoạt động của trường. Họ cần ủng hộ những nỗ lực đúng đắn của các trường cũng như lên tiếng về những sự thật còn nằm trong góc khuất, để giúp các trường cải thiện cũng như giúp góp phần hình thành một môi trường hoạt động lành mạnh, minh bạch về thông tin cho GD ĐH.

Chúng ta hy vọng người học sẽ ý thức ngày càng rõ quyền của họ, cũng như hy vọng các trường sẽ chú ý nhiều hơn đến tiếng nói của sinh viên.

Tiếng nói của giới doanh nghiệp và thế giới việc làm

Các nhà tuyển dụng là một bên rất quan trọng có lợi ích thiết thân với chất lượng đào tạo ĐH, nhưng cho đến nay, thật đáng tiếc là họ vẫn đóng một vai trò thụ động và hầu như không có tiếng nói gì đáng kể trong việc vận hành nhà trường.

Lý do là vì, một mặt, các trường chưa thấy hết tầm quan trọng của họ, và chính sách vĩ mô chưa tạo ra những thiết chế khích lệ họ tham gia vào việc quản trị nhà trường cũng như xây dựng một quan hệ hai chiều giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Chúng ta hy vọng điều này sẽ được cải thiện trong năm tới. Thực tế là các trường đi trước một bước trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó với thế giới việc làm như Trường ĐH Khoa học Công nghệ Saigon (HUTECH), Bách Khoa TPHCM, v.v. đều đạt được kết quả khả quan trong đào tạo và cải thiện khả năng tìm được việc làm của sinh viên. Thành công của họ một lần nữa chứng minh rằng năng lực lãnh đạo cấp trường có ý nghĩa quyết định trong việc vượt qua những hạn chế của bối cảnh để giành được những thành tựu nổi bật. Tuy thế giới việc làm có lợi ích gắn với chất lượng đào tạo của các trường, nhưng đối với từng doanh nghiệp, thì quan hệ gắn bó lợi ích đó không trực tiếp, vì thế đến nay, theo một nghiên cứu do T&C Consulting thực hiện, các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở một số hình thức hợp tác hạn chế với các trường, ví dụ trao học bổng cho sinh viên giỏi như một cách đầu tư để tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng cho họ. Để khai phá những khả năng hợp tác khác, các trường sẽ phải đóng vai trò chủ động, mà quan trọng nhất là chứng minh được năng lực của họ trong việc hợp tác với thế giới việc làm

Chính sách đối với GD ĐH

Chính sách hiển nhiên sẽ tạo điều kiện hoặc sẽ cản trở tiềm năng phát triển của các trường. Chúng ta hy vọng quy trình làm chính sách sẽ được cải thiện để bao gồm được tiếng nói của nhiều bên, đặc biệt là dựa trên dữ liệu nghiên cứu và qua quá trình phản biện của giới nghiên cứu độc lập.

Hiện nay việc xây dựng những văn bản chính sách quan trọng như Luật GD ĐH , nhất là những Nghị định, Thông tư hướng dẫn vẫn chủ yếu dựa vào đội ngũ chuyên viên của Bộ. Việc lấy ý kiến chủ yếu là thông qua công văn gửi đến các trường, tức là nhằm vào giới quản lý. Tất nhiên ý kiến của giới lãnh đạo cấp trường rất quan trọng, vì họ là người hiểu rõ nhất tác động thực tế của các chính sách, tuy nhiên cần lưu ý là các trường sẽ góp ý theo hướng có lợi cho họ, và điều gì có lợi cho các trường không chắc là lúc nào cũng có lợi cho người học và cho xã hội.

Mặc dù chính sách có vai trò vô cùng quan trọng, một lần nữa chúng ta cần nhấn mạnh sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người học trong việc định hình chính sách và cách xử sự của các trường. Trong kỷ nguyên thông tin, điều này trở thành hiện thực hơn bao giờ hết. Hiện tượng giảm nguồn tuyển sinh vài năm qua là một minh chứng. Giới làm chính sách và giới quản lý các trường cần đáp ứng với thực tế đó để tạo ra một hệ thống ĐH lành mạnh.