Công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp: Ai thu thập, ai kiểm chứng?

Phạm Thị Ly (2017)
Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong ngày 03.02.2017

Nghiêm Huê thực hiện

PV: Thưa bà, trong quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, Bộ cho biết từ năm 2018 trở đi, ngoài việc công bố 3 công khai, các trường phải công bố thêm: tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành). Ý kiến của bà về vấn đề này?

Trước hết phải ghi nhận nỗ lực của Bộ trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin ở cấp trường, là điều giới học thuật đã nhiều lần kêu gọi trước đây. Tuy vậy, có vài vấn đề cần làm rõ đối với các chỉ số trên: (1) chi phí đào tạo sinh viên được định nghĩa là bao gồm những khoản gì và không bao gồm khoản gì, ai kiểm chứng tính xác thực của những thông tin này? (2) tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được thu thập bằng phương pháp nào, “có việc làm” được định nghĩa cụ thể ra sao, ai là người thu thập và ai kiểm chứng?

PV: Theo phản ánh của dư luận, thì ngay cả 3 công khai, nhiều trường cũng chỉ công bố cho “đẹp” còn thực chất đến đâu thì chưa có sự kiểm chứng. Vậy việc Bộ yêu cầu các trường công bố thêm một số chỉ số nữa, theo bà, liệu có khả thi?

E là yêu cầu này khó lòng thực hiện được với những thông tin đáng tin cậy, vì hiện chưa có cơ chế nào kiểm chứng. Nếu những thông tin trên không thể kiểm chứng được thì có khi nó còn tạo ra tác dụng ngược.

 PV:Theo bà, giải pháp nào để các trường có thể “khai thật” các chỉ số như Bộ và xã hội mong muốn?

Những biện pháp “quản lý” dựa trên nguyên tắc áp đặt thay vì nhằm vào động lực nội tại của các trường, thì đều sẽ nảy sinh cách làm đối phó. Đã có câu nói phổ biến ở các trường: “Bộ có chính sách, ta có đối sách”. “Đối sách” ở đây tức là cách thức đối phó. Tất cả những chính sách chưa hợp lý đều chứa sẵn các khe hở để lách.

Khi nói những thông tin này khó kiểm chứng, tôi không định nói tới việc nhà nước cần lập ra hay giao cho một tổ chức, cơ quan, đơn vị nào đó làm công việc kiểm chứng, vì nếu thế câu hỏi đặt ra là lấy gì bảo đảm tính chính trực của những người này và ta sẽ lại cần một tổ chức khác giám sát những người làm công việc giám sát, v.v.., một vòng tròn bất tận và không lối thoát.

Vấn đề là tư duy làm chính sách. Cho đến nay, những người làm chính sách mới chỉ chú trọng tới mối quan hệ hai chiều “cơ quan quản lý- đối tượng bị quản lý” tức Bộ/cơ quan chủ quản và các trường, mà ít khi nghĩ tới vai trò của bên thứ ba, là các tổ chức kiểm định độc lập (xin nhấn mạnh hai chữ độc lập), các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cũng như giảng viên/nhân viên/sinh viên của trường.

Trách nhiệm giải trình có thể được áp đặt từ trên xuống bằng các chỉ thị, mệnh lệnh, quy định, nhưng nếu việc bảo đảm cho trách nhiệm giải trình được thực hiện chỉ dựa trên những cơ chế áp đặt ấy mà không có sự tham gia của các tổ chức, cơ quan, cá nhân có lợi ích liên quan và có khả năng chất vấn nhà trường, thì cũng khó mà có thực chất.

Xin cảm ơn bà!