TƯƠNG LAI CỦA HOA SEN?

Phạm Thị Ly (2017)

(Bài phỏng vấn này được thực hiện đã lâu, từ lúc HĐQT Trường ĐH Hoa Sen mới được công nhận. Tuy nhiên bài không đăng được, vì lý do gì chả hiểu. Post lên FB mọi người đọc cho vui vậy).

Thưa bà, bà có nhận định như thế nào về những tranh chấp vừa qua tại Trường ĐH Hoa Sen?

Tôi quan tâm tới giáo dục ĐH Việt Nam với tư cách là người nghiên cứu, và đặc biệt là khu vực GD ĐH ngoài công lập, nên lẽ dĩ nhiên là quan tâm đến tất cả các hiện tượng đang diễn ra, trong đó có vấn đề tranh chấp tại Trường ĐH Hoa Sen. Tôi cho rằng đó là tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, một bên đang nắm quyền điều hành, và một bên đang nắm phần lớn cổ phần. Mỗi bên đều đưa ra những thông tin khác nhau để bảo vệ cho lợi ích của mình, vì vậy, việc đánh giá thông tin nào là đúng và xử lý như thế nào là phù hợp với các quy định của pháp luật hiện nay, phải là công việc của các cơ quan có trách nhiệm và có thẩm quyền, tức chính quyền và tòa án. Tôi không có đầy đủ thông tin và kiến thức (pháp luật và kinh tế) để đánh giá đúng sai của hai bên trong những vụ án tranh chấp của họ, nhưng tôi cho rằng, trong một vụ việc thu hút sự chú ý của cả nước như thế này, các cơ quan nói trên sẽ phải rất thận trọng khi đưa ra kết luận. Có lẽ đó là lý do khiến chúng ta thấy vụ việc đã kéo dài hai năm qua mới đi đến chỗ kết thúc.

Cho dù chung cuộc bên nào đạt được mục tiêu, thì cuộc xung đột vừa qua cũng đã bộc lộ những vấn đề trong quản trị nội bộ cần xem xét thực sự nghiêm túc, không chỉ để rút kinh nghiệm cho Hoa Sen, mà còn là nhiều trường khác, và cho việc xây dựng chính sách nói chung.

Bà có thể nói rõ hơn, đó là những vấn đề gì?

Nhìn vào bức tranh chung, chúng ta có thể thấy những trường do các doanh nghiệp thành lập ngay từ đầu, như FPT hay Nguyễn Tất Thành, hoặc những trường có tính chất doanh nghiệp gia đình như Duy Tân, không xảy ra những xung đột thuộc loại này. Hùng Vương và Hoa Sen là hai trường hợp có những tương đồng, tức là xuất phát điểm từ bán công/dân lập chuyển sang tư thục, nói cách khác chuyển từ sở hữu tập thể sang sở hữu cá nhân. Hoa Sen đã thực hiện bước chuyển đó khá êm thắm so với nhiều trường khác. Rất tiếc, do cấu trúc tập quyền, trong đó HĐQT nắm cả vai trò điều hành, một cơ cấu không có thiết chế giám sát phù hợp, cho nên đã không hài hòa được lợi ích của các bên và cuối cùng là xung đột không thể cứu vãn.

Bà cho rằng những điểm yếu đó có thể cải thiện như thế nào nói chung và đối với Hoa Sen trong tương lai nói riêng?

Hệ thống GD ĐH Việt Nam cho đến nay vẫn chưa kịp thích nghi với sự thay đổi trong cấu trúc kinh tế và xã hội của đất nước. Không phải ai cũng hiểu rằng trường ĐH là tổng hòa của nhiều bên liên quan khác nhau, nhà nước, giới đầu tư, giới quản lý, giới giảng viên, người học, các nhà tuyển dụng, thế giới việc làm và công chúng nói chung; mỗi bên có lợi ích khác nhau, mối quan tâm khác nhau, và kỳ vọng khác nhau đối với trường ĐH, vì thế trường ĐH chỉ phát triển bền vững khi nó cân bằng và hài hòa được lợi ích của tất cả các bên.

Đó là điều mà chúng ta còn thiếu. Tôi biết là ở nhiều trường, cả công và tư, hoạt động của nhà trường hầu như chỉ vận hành theo ý chí của một người, từ việc lớn đến việc nhỏ. Đó là một điều đáng tiếc, vì khi giới quản lý cấp trung, giảng viên, sinh viên, và các bên khác không có tiếng nói trong việc ra quyết định, thì họ không thể đóng góp cho sự phong phú và lớn mạnh của nhà trường được.

Lối quản trị nội bộ như vậy còn dẫn tới hệ quả, là người ta đồng nhất cá nhân một người với nhà trường. Mặc dù tôi hiểu rõ tầm quan trọng của cá nhân người lãnh đạo, và trong trường hợp Hoa Sen, tôi đánh giá cao năng lực làm việc của bà Bùi Trân Phượng, nhưng tôi không cho rằng việc đánh cuộc thành bại của một trường vào một cá nhân nào, là một điều hay. Không có ai là không thể thay thế. Một người lãnh đạo giỏi là một người tạo ra những thiết chế để thu hút người tài, chứ không phải là người tự biến mình thành một nhân vật không thể thay thế.

Nước Mỹ hùng mạnh vì nhiều lý do, trong đó có lý do Tổng thống chỉ có tối đa hai nhiệm kỳ, dù người đó có công đến đâu hay xuất sắc đến mức nào. Lý do rất dễ hiểu. Một quốc gia, một tổ chức không thể tiến lên nếu không thay đổi lãnh đạo đúng lúc. Một người ở quá lâu trong một vị trí sẽ bị sức ỳ tư duy, chưa kể là bị ám ảnh quyền lực (và/hoặc quyền lợi), và sẽ trở thành vật cản cho sự đổi mới của tổ chức.

Trong trường hợp Hoa Sen nói riêng, và các trường ngoài công lập nói chung, tôi hy vọng sau này người ta sẽ chú trọng hơn tới việc cải thiện quản trị nội bộ, trước hết là tách Hội đồng Quản trị ra khỏi bộ phận điều hành, để HĐQT thực hiện đúng vai trò của họ, là lực lượng đối trọng với bộ phận điều hành, nhằm bảo đảm quyền lực được giám sát và cân bằng lợi ích của các bên, cân bằng lợi ích của hôm nay và của tương lai, của nhà trường và của xã hội. Quan trọng hơn, là cần lắng nghe tiếng nói của giảng viên, sinh viên, hơn thế nữa, đưa tiếng nói đó vào cơ chế ra quyết định của trường. Một người lãnh đạo nắm quyền tuyệt đối thì tất yếu là rất khó chấp nhận một tiếng nói khác, và sẽ lo sợ bất cứ ai có thể làm lu mờ hình ảnh tuyệt đối của mình. Điều đó không có lợi cho việc phát triển của tổ chức, vì trường ĐH, hơn bất kỳ tổ chức nào khác, là sản phẩm và thành quả công sức, trí tuệ, đóng góp của rất nhiều người.

Hiện nay, Luật đã quy định ở trường công, hiệu trưởng không đồng thời là chủ tịch Hội đồng Trường. Nhưng Luật vẫn để ngỏ điều này ở trường tư. Luật cũng có quy định hiệu trưởng không đảm nhiệm quá hai nhiệm kỳ. Đó là những quy định đúng đắn và hợp lý. Tuy nhiên, trong thực tế, nó còn tùy thuộc vào nhận thức của các bên nữa. Không hiếm trường hợp hiệu trưởng chỉ là bù nhìn. Vì thế, dù có quy định hai nhiệm kỳ, người ta vẫn có thể “buông rèm nhiếp chính” được.

Cốt lõi trong thành công của các trường là tầm nhìn của lãnh đạo, và khả năng tập hợp người tài, cũng như tận dụng được năng lực và sự đóng góp của họ. Dù là trường công hay tư, dù là vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, thì cấu trúc tập quyền cũng đều không có lợi cho sự phát triển của tổ chức.

Bà nghĩ như thế nào về tương lai của Trường ĐH Hoa Sen?

Hoa Sen là một trong những điểm sáng đầu tiên của khu vực GDĐH tư. Nhờ tư duy sáng tạo và bản lĩnh của những người sáng lập, Hoa Sen đã đạt được những thành tựu rất đáng kể trong đào tạo và phục vụ cộng đồng. Thành quả đó có công lao to lớn của những người sáng lập, của bà Bùi Trân Phượng, cũng như nhiều thế hệ lãnh đạo, giảng viên, nhân viên, và sinh viên của trường. Giai đoạn sau có nhiều trường khác nổi lên như những trường hợp thành công khác, như FPT (về khả năng kiếm việc làm của sinh viên), của Duy Tân (về nghiên cứu khoa học), Nguyễn Tất Thành (về tốc độ phát triển và năng động), v.v. nhưng Hoa Sen vẫn có những nét đặc thù hiện chưa có trường nào vượt qua được. Đó là tư tưởng về giáo dục tổng quát, về môi trường đào tạo kỹ năng mềm, và đặc biệt là các hoạt động văn hóa và phục vụ cộng đồng. Hoa Sen có tiềm năng trở thành một trường ĐH “tinh hoa”, nếu họ tập trung cho những đặc điểm cốt lõi của mình, có năng lực lãnh đạo phù hợp, và nhất là có một cơ chế hữu hiệu để thu hút người tài, duy trì sự đoàn kết và khả năng hợp tác cùng nhau. Thiếu những nhân tố vừa nêu, thì khả năng xuống dốc của Hoa Sen là điều có thể tiên đoán được.