Phạm Thị Ly (2016)
Trả lời phỏng vấn báo Văn hóa Nghệ An ngày  30  tháng 12 năm 2016
Phan Văn Thắng thực hiện

“Hiện nay, Việt Nam có Triết Lý Giáo Dục không? Nếu có, nội dung, bản chất và hiệu ứng văn hoá xã hội của nó là gì?”

Nhiều người nói Việt Nam hiện nay không có triết lý giáo dục. Tôi không tán thành nhận định ấy.

Triết lý giáo dục có thể được diễn đạt dưới hình thức một tuyên ngôn, hay một khẩu hiệu ngắn gọn, ví dụ như “nhân bản, dân tộc, khai phóng”. Tuy nhiên cái tuyên ngôn đó có được thể hiện trong thực tế hay không thì lại là vấn đề khác.

Tôi vẫn nghĩ rằng, có những triết lý ngầm ẩn trong cách chúng ta thiết kế hệ thống giáo dục và xây dựng chính sách, dù những nguyên tắc đó có được phát biểu ra thành lời hay là không. Những nguyên tắc chi phối cách chúng ta quản trị hệ thống, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập, tuyển chọn và đãi ngộ giới quản lý hay giảng viên, v.v có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với những tuyên ngôn có thể rất hay, rất đúng, nhưng không có mối liên hệ nào với thực tế đang diễn ra ở các trường.

Socrates nói: “Triết lý bắt đầu bằng sự suy tư”. Khi chúng ta tự hỏi, mục đích của giáo dục là gì? Nền giáo dục này mong muốn tạo ra những con người như thế nào và để làm gì? Bản chất của giáo dục và của kiến thức là gì và bằng cách nào chúng ta đạt được mục đích tạo ra hình ảnh được mong đợi với tư cách là kết quả của giáo dục, đó là lúc chúng ta đang nghĩ về triết lý giáo dục.

Vậy thì, triết lý giáo dục hiện đang tồn tại trong nhà trường Việt Nam là gì? Nếu chọn một cụm từ vắn tắt để diễn tả, có lẽ có thể dùng ba chữ “hồng và chuyên”. Cụm từ này có thời rất phổ biến, hiện nay không mấy ai nhắc đến nữa, nhưng nó vẫn tồn tại trong thực tế dưới vô vàn hình thức.

“Hồng và chuyên” nói lên mong muốn của hệ thống giáo dục hiện tại, là tạo ra những người có khả năng chuyên môn trong một lĩnh vực nghề nghiệp, đồng thời là những người kiên định với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Nhưng, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, xã hội xã hội chủ nghĩa là thứ ta chưa có, và đến cuối thế kỷ này cũng không biết có hay chưa, cho nên việc kiên định với một hình ảnh chưa ai biết rõ trong tương lai đã làm nảy sinh nhiều vấn đề trong thực tế hiện tại.

Bản chất của việc học tập và nghiên cứu chính là một quá trình khám phá không có điểm dừng. Tất cả mọi phát minh, sáng kiến, khám phá, v.v. đều nảy sinh trên cơ sở nghi vấn những gì đã có và đang có, kể cả việc lý giải những hiện tượng tự nhiên, lẫn thẩm quyền hay chuẩn mực. Việc buộc phải chấp nhận một chân lý bất kể nội dung chân lý ấy là gì đã triệt tiêu động lực khám phá, vốn là bản chất cốt lõi của việc học.

Vì thế, tư duy phản biện, vốn đã không phải là điểm mạnh của truyền thống văn hóa châu Á, lại càng trở nên thứ yếu trong mục tiêu giáo dục của chúng ta. Và vì được huấn luyện để chấp nhận một chân lý có sẵn, học sinh của chúng ta được mong đợi trở thành con ngoan (cha mẹ bảo gì nghe đó), trò giỏi (lặp lại đúng những gì được thầy cô truyền đạt), lúc nhỏ được cha mẹ, thầy cô nghĩ thay, lớn lên đi làm được cấp trên nghĩ thay, bước ra xã hội có chính quyền nghĩ thay, họ không được đào tạo cách suy nghĩ, không thấy cần phải suy nghĩ, và cuối cùng là không còn khả năng suy nghĩ.

Hệ quả của điều này là, học sinh của chúng ta bị đào tạo theo lối rập khuôn như sản xuất một con ốc trong cỗ máy. Thầy cô giáo không có không gian để suy nghĩ và sáng tạo trong cách dạy. Có rất ít cơ chế giúp cá nhân hóa quá trình học tập, và giúp khám phá tiềm năng khác nhau của từng em. Kết quả là nhiều em vào đại học vẫn không biết mình là ai, sống để làm gì, có những khả năng và mơ ước gì, có thể làm được điều gì. Vì không có ý thức rõ rệt về giá trị của bản thân và về mục đích sống, họ rất dễ rơi vào chỗ học hành theo lối được chăng hay chớ, cốt để lấy tấm bằng kiếm việc nuôi thân. Ít ai dám nghĩ khác, nói khác, làm khác, trong lúc chính những thứ đó là nguồn gốc tạo ra thay đổi và tiến bộ.

Triết lý đó có phù hợp với văn hoá Việt Nam, triết lý giáo dục truyền thống của Việt Nam cũng như điều kiện, định hướng và nhu cầu phát triển nền giáo dục nước nhà trong bối cảnh giáo dục thế giới hiện nay, và tương lai?

Triết lý trên đây sở dĩ bám rễ dễ dàng trong thực tiễn giáo dục Việt Nam, là vì nó khá gần với ngàn năm văn hóa Khổng Mạnh trên đất nước ta, trong đó mọi bài giảng thường bắt đầu bằng “Tử viết…”, tức lời dạy của thánh nhân, một chân lý bất khả tư nghị. Nền văn hóa này đề cao sự phục tòng, đè nén bản sắc cá nhân, thích hợp để duy trì sự ổn định của các cấu trúc xã hội cũng như địa vị thống trị của giai cấp cầm quyền.

Tuy nhiên, triết lý giáo dục này chủ yếu sản sinh ra những người vâng lời, thiếu khả năng thích ứng với bối cảnh thường xuyên thay đổi. Mà bối cảnh hiện nay thì thay đổi càng lúc càng nhanh, với tốc độ chóng mặt chưa từng có trước đây. Smartphone, mạng xã hội mới chỉ có mặt chưa đầy một thập niên, nhưng đã làm thay đổi cuộc sống và cách giao tiếp, cách làm việc của chúng ta như thế nào, mọi người đều đã thấy. Vì vậy, triết lý này cần được thay đổi.

Những yêu cầu đặt ra cho một triết lý gáo dục mới tương thích với trình độ khoa học giáo dục của nhân loại và hài hoà tích cực trong văn hoá Việt Nam theo định hướng phát triển và hội nhập?

 Triết lý giáo dục mới cần phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, nghĩa là có tính tới những yếu tố thực tế như trình độ phát triển về chính trị và kinh tế, cũng như gốc rễ văn hóa Á Đông. Tuy nhiên, vì thế giới đã trở thành một ngôi làng toàn cầu, triết lý đó phải hướng tới việc đào tạo ra những con người có thể thích ứng với ngôi làng toàn cầu này.

 Hãy đề xuất một triết lý giáo dục phù hợp nhất cho Việt Nam hôm nay? Giải trình/giải mã triết lý đó từ cả góc độ hàn lâm và thực tiễn.

Kinh tế tri thức khiến năng lực tư duy trở thành vấn đề sống còn, và thời đại thừa thãi thông tin đòi hỏi chúng ta phải biết chọn lọc, đánh giá, và sử dụng thông tin. Kinh tế tri thức cũng khiến cho khoa học trở thành liên ngành, xuyên ngành nhiều hơn. Trong mọi lĩnh vực của đời sống, cần hơn bao giờ hết khả năng làm việc cùng nhau. Mà khả năng làm việc cùng nhau đòi hỏi người ta phải dựa trên những nền tảng giá trị vững chắc, cũng như phải có sự trưởng thành về nhận thức và cảm xúc.

Vì vậy, giáo dục ngày nay phải chú trọng huấn luyện năng lực tư duy độc lập, phát triển tiềm năng của từng cá nhân, và xây dựng những giá trị nhân bản, trong đó có ý thức công dân. Tất cả những điều này đều quan trọng, nhưng nếu có điều gì cần nhấn mạnh trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh lòng biết ơn, sự khoan dung và tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Bởi vì đó là thứ chúng ta đang rất thiếu.