Lời giới thiệu

Đông Á là một khu vực nổi bật về sự tham gia của tư nhân trong giáo dục đại học (GDĐH) đặc biệt trong những năm gần đây, khi đại chúng hóa GD ĐH trở thành một xu hướng ngày càng mạnh. Mặc dù trường ĐH tư là một thực tế phổ biến và có lịch sử lâu đời ở Mỹ, bản chất của các trường tư này rất khác với các trường tư nổi lên trong vài thập kỷ gần đây ở Châu Á, cụ thể là những nước như Trung Quốc hay Việt Nam.

Vì thế, sự nổi lên của khu vực tư nhân trong GD ĐH nói riêng, sự tăng cường yếu tố tư nhân nói chung đã đặt ra những thách thức mới trong việc quản trị hệ thống ở những nước này. Những thiết chế “tư trong công” kiểu như các trường tự chủ tài chính trực thuộc các trường công, hay các chương trình liên kết quốc tế của các trường công đã làm bức tranh về các yếu tố tư nhân trong GD ĐH trở nên phức tạp hơn ta tưởng, xét về mặt quan điểm và chính sách.

Bản tin Thông tin Giáo dục Quốc tế số 28 của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xin giới thiệu bài viết của tác giả Ka Ho Mok, Khoa Khoa học Xã hội, Trường ĐH Hong Kong,  một bài nghiên cứu đã cho chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh về vấn đề này ở Trung Quốc.

Như tác giả đã nhấn mạnh một nhận định của Neubauer (2006): “GDĐH không giống như những dịch vụ công kiểu như y tế hay giao thông; nó có mối quan hệ rất chặt chẽ với những nhận định về giá trị. Truyền thống khai phóng trong việc giáo dục những công dân có hiểu biết và có tư duy phản biện vẫn là điều quan trọng để đạt tới những mục tiêu chính sách của chính phủ TQ trong việc thiết lập một xã hội hài hòa hơn”, vì thế, hiểu biết về điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với giới làm chính sách để cải thiện những quy định quản lý giúp khu vực tư phát triển mạnh mẽ hơn.

TẦM QUAN TRỌNG NGÀY CÀNG TĂNG CỦA TƯ NHÂN TRONG GIÁO DỤC: THÁCH THỨC TRONG QUẢN TRỊ ĐẠI HỌC Ở TRUNG QUỐC

Tác giả: Ka Ho Mok
Faculty of Social Sciences, The University of Hong Kong

Người dịch: Phạm Thị Ly (2016)

Những chuyển biến trong kinh tế ở Trung Quốc (TQ) kể từ cuối thập kỷ 70 đã dẫn tới không chỉ những đổi thay mạnh mẽ về xã hội mà còn là những tiến bộ về khoa học và công nghệ và cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin và truyền thông. Để tăng cường năng lực toàn cầu cho người dân TQ nhằm thích ứng với kinh tế tri thức, khu vực giáo dục đại học (GD ĐH) đã trải qua quá trình tái cấu trúc theo hướng thị trường hóa, tư nhân hóa, và phi tập trung hóa. Chính phủ TQ đã đáp ứng với những thách thức của toàn cầu hóa bằng cách mở cửa thị trường giáo dục: cho phép các trường tư, các trung tâm luyện thi, các trường ĐH nước ngoài tổ chức đào tạo ở TQ. Bài viết này khảo sát tầm quan trọng của tư nhân trong việc cung ứng GD ĐH trong một bối cảnh chính sách rộng hơn, đặc biệt là ý nghĩa chính sách của các chủ trương như đảm bảo chất lượng, ranh giới công – tư; và những mâu thuẫn giữa các trường công và các trường tư/ các trung tâm đào tạo mới hình thành.

Tổng quan

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về tác động của toàn cầu hóa đối với những bước phát triển về văn hóa, chính trị, kinh tế và xã hội của thế giới hiện đại, chúng ta không thể phủ nhận rằng quá trình thị trường hóa và chủ nghĩa tân tự do đã thay đổi cuộc sống của chúng ta rất mạnh mẽ, bất kể là chúng ta đang sống ở nơi nào (Giroux 2002; Bok 2003). Như Fukuyama (1992) đã nói rất đúng, những lực lượng thị trường là một phần không thể thiếu của toàn cầu hóa, trong khi những người khác thì coi toàn cầu hóa như là một dự án chính sách phải xem xét cẩn thận, trong đó thị trường được coi là cứu tinh của nền kinh tế (R. Yang 2005). Triết lý tân tự do có gốc rễ từ một phong trào của trí thức được các học giả như von Mises và Hayer cổ vũ, một phong trào ủng hộ việc giảm nhẹ vai trò của nhà nước, mở cửa thị trường các nước, tự do thương mại, tỉ giá linh hoạt, giảm nhẹ các thứ quy định, chuyển tài sản từ khu vực công sang tư, và phân công lao động quốc tế (Henderson 2007). Trong bối cảnh chính sách vĩ mô này, GD ĐH đã được tái cấu trúc theo nguyên tắc và kinh nghiệm của thị trường hóa, tư nhân hóa, thương mại hóa, doanh nghiệp hóa, đặc biệt là GD ĐH ngày nay được Tổ chức Thương mại Thế giới WTO coi là “hàng hóa tư” (Knight 2006; Mok 2007).

Những thay đổi mạnh mẽ trong triết lý và trong thực tế quản lý công và chính sách công tóm tắt trên đây đã tạo ra một áp lực lớn cho chính phủ nhiều nước về việc xem xét lại cách quản trị hoạt động giáo dục. Với sự trỗi dậy của khu vực tư trong giáo dục, niềm tin về việc chia sẻ công tư trong tài trợ giáo dục cũng như cung cấp dịch vụ giáo dục đã tỏ ra không còn thích hợp (Marginson 2007). Bài này dựa trên bối cảnh lý thuyết ấy để xem xét bằng cách nào Trung Quốc (TQ), một đất nước trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế mệnh lệnh sang kinh tế thị trường, đã cải cách hệ thống GDĐH của họ thông qua vận dụng những nguyên tắc và thực tiễn của thị trường.

Dưới áp lực mạnh mẽ về cải thiện năng lực toàn cầu của người học ĐH, chính phủ nhiều nước đã phải một mặt mở rộng số người vào ĐH, mặt khác, bảo đảm chất lượng cao trong đào tạo và nghiên cứu để cạnh tranh trên phạm vi quốc tế và toàn cầu. Làm thế nào để tạo ra khác biệt so với GD ĐH nước khác và bằng cách nào tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu là một vấn đề ngày càng quan trọng đối với chính phủ nhiều nước. Nhiều nước châu Á đã đi đầu trong những nỗ lực này nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia thông qua việc nâng cao số người vào ĐH. Vì nguồn ngân sách và khả năng cung ứng của nhà nước có hạn, không đủ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của GD ĐH, chính phủ các nước châu Á đã ngày càng chú ý tới việc dùng thị trường, khu vực tư và ngoài công lập để áp dụng vào việc cung ứng giáo dục, từ đó đa dạng hóa dịch vụ giáo dục và có thêm nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ này. Trong bối cảnh chính sách ấy khu vực tư trong GD ĐH đã chú trọng nhiều tới việc mở rộng quy mô đào tạo, dẫn tới những thay đổi có tính “cách mạng” và làm cho khái niệm “tư nhân” thâm nhập sâu vào các hệ thống GD ĐH của châu Á (Altbach 2004; Altbach and Levy 2005; Mok 2006).

Tầm quan trọng ngày càng tăng của tư nhân trong GD ĐH đã làm nổi lên một số vấn đề quan ngại về bản chất của hàng hóa công và tư với việc quản trị, về những định kiến giới, dân tộc, vùng miền, bất bình đẳng trong tuyển dụng/ khả năng chuyên môn/ năng lực, cũng như khả năng của nhà nước trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo (Neubauer 2006; Welch 2007). Giống như những nước khác, sự tăng trưởng của tư nhân trong GDĐH TQ cũng đã và đang phải đương đầu với những vấn nạn nêu trên.

Nền kinh tế xuyên quốc gia của TQ và chiến lược giáo dục mới

Từ cuối thập kỷ 70, động lực hiện đại hóa, cải cách và mở cửa với thế giới bên ngoài đã biến một nền kinh tế tập trung cao độ ở TQ thành một nền kinh tế định hướng thị trường và năng động hơn.

Trong bối cảnh mới của kinh tế thị trường, nhiều người thấy rằng cách làm cũ, tức quản trị tập trung đối với GDĐH đã không còn phù hợp (R. Yang 2002). Nhận thức được rằng tập trung hóa quá mức và quá nhiều quy định, hướng dẫn sẽ giết chết mọi sáng kiến và nhiệt huyết của các trường, cho nên Đảng Cộng sản TQ đã kêu gọi giải pháp từng bước sắp xếp lại việc quản lý cho hợp lý hơn, trao quyền cho các đơn vị cấp thấp để họ có sự linh hoạt nhiều hơn trong việc vận hành nhà trường. Đề cương Cải cách và Phát triển Giáo dục ở TQ của Đảng CS TQ năm 1993 đã xác định rõ giảm bớt mức độ quản lý tập trung và sự kiểm soát của nhà nước nói chung là mục tiêu dài hạn của cải cách. Chính phủ đã bắt đầu vai trò quản lý vĩ mô thông qua xây dựng khung pháp lý, phân bổ ngân sách, lập kế hoạch, cung cấp dịch vụ thông tin, quản lý những vấn đề cốt lõi và hướng dẫn chính sách; là để các trường có thể “hoạt động một cách độc lập nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội dưới sự lãnh đạo của nhà nước”.

Sự thay đổi vai trò độc quyền của nhà nước trong việc cung ứng giáo dục và cải cách trong cấu trúc giáo dục đã bắt đầu từ giữa những năm 80 và dẫn đến kết quả là sự pha trộn trong tiêu thụ công và tư. Để đáp ứng với những thách thức ngày càng tăng trong môi trường kinh tế xã hội trong thời kinh tế tri thức, chính phủ TQ nhận ra rằng không thể chỉ dựa vào nguồn cung về GD ĐH của nhà nước. Trong bối cảnh đó sự nảy nở của các tổ chức cung ứng dịch vụ giáo dục và đa dạng hóa nguồn tài chính cho giáo dục đã trở nên ngày càng phổ biến thời hậu Mao (Chen and Li 2002). Tuy vẫn có những ý kiến khác biệt về ý thức hệ trong việc phân biệt công tư trong giáo dục, các nhà lãnh đạo thời hậu Mao đã rất thực dụng trong việc cho phép khu vực ngoài công lập, bao gồm cả tư nhân, tham gia cung ứng dịch vụ giáo dục (Mok 2000). Với ý định tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của các trường ĐH nước ngoài, chính phủ TQ cũng đã khuyến khích các trường ĐH ngoài nước hợp tác với các trường trong nước, cùng xây dựng những chương trình liên kết đào tạo ở TQ lục địa. GD ĐH xuyên quốc gia phát triển rất nhanh sau khi TQ tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và ký kết Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ GATS (Huang 2005). Bài viết này dựa trên bối cảnh tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng trên toàn cầu cũng như bối cảnh tư nhân hóa GD ĐH ở TQ để khảo sát bằng cách nào, và tại sao TQ, trong lúc vẫn là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, đã áp dụng ý tưởng và kinh nghiệm của thị trường trong việc vận hành các cơ sở GD ĐH.

Mức độ nổi bật ngày càng tăng của tư nhân trong GD ĐH của TQ

Sự nảy nở các cơ sở đào tạo và sự trỗi dậy của khu vực tư/ các trường dân lập

Chính phủ TQ hiểu rõ rằng không thể chỉ dựa vào nhà nước để đáp ứng nhu cầu đào tạo bậc ĐH, nên đã cho phép khu vực ngoài công lập tham gia vào hoạt động này, vì thế các trường dân lập ra đời để mang lại nhiều cơ hội hơn cho người học. Có ba làn sóng trong quá trình phát triển của các trường dân lập ở TQ. Làn sóng đầu tiên bắt đầu cuối thập kỷ 80, đặc biệt là khi người dân địa phương khởi sự những trường tự học, những trung tâm dạy thêm, những trường bồi dưỡng kiến thức cho người lớn. Trong những năm đầu thập kỷ 80, các cơ sở đào tạo ĐH dân lập thường do một nhóm các giáo sư có kinh nghiệm khởi xướng, trong điều kiện “ba không”: không đủ nguồn lực đầu tư, không đủ thầy, và không đủ cơ sở vật chất đàng hoàng. Tháng 3 năm 1982, sau 36 năm đóng cửa GD H tư ở TQ, Trường ĐH Zhonghua Zhehui University đã khai giảng ở Bắc Kinh, thủ đô của TQ (China National Institute of Educational Research 1995). Cùng năm đó, Quốc vụ viện ban hành Hiến pháp mới khẳng định “nhà nước khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể, các doanh nghiệp nhà nước, và các nhóm xã hội khác khởi xướng những hoạt động giáo dục hợp pháp với nhiều hình thức khác nhau” (People’s Republic of China 1982).

Quyết định của Trung ương Đảng CS ban hành năm 1985 cho thấy thái độ chấp nhận của Đảng đối với giáo dục dân lập, khi hơn 100 trường loại này đã được thành lập và hoạt động trong cả nước mặc dù có nhiều khó khăn trong việc vận hành. Không có một nguồn lực tài chính và nhân sự phù hợp, những trường này đã được thành lập trong tình cảnh không có trường sở, không có tiền, không có thầy. Ví dụ, hai trường Beijing Hridian Zoudu University và Zhejiang Shuren University đã được thành lập với những điều kiện khó khăn như thế (Wei and Zhang 1995; Hu 1997). Năm 1987, Hội đồng Giáo dục Quốc gia ban hành “Quy định cho các tỉnh về việc vận hành cơ sở giáo dục của các lực lượng xã hội” nhằm điều chỉnh tình trạng rối ren trong quản trị và quản lý các cơ sở GD ĐH dân lập ở TQ (Zhu 2004).

Làn sóng thứ hai bắt đầu vào đầu thập kỷ 90. Cùng với sự trỗi dậy của các trường dân lập, những vấn đề như bằng cấp, địa vị của sinh viên những trường này so với sinh viên trường công, và nhiều vấn đề khác cũng đã nảy sinh. Theo Wei and Zhang (1995), hội thảo quốc gia đầu tiên về GD ĐH dân lập đã được tổ chức ở Vũ Hán, tháng 1 năm 1989. Hơn 70 trường dân lập đã tham dự và kết thúc hội thảo là năm kiến nghị cụ thể về những vấn đề quan trọng cũng như kêu gọi Bộ GD lựa chọn cách tiếp cận tự do hơn để đẩy mạnh GD ĐH dân lập. Từ năm 1992 đến nay, khá nhiều trường đã được thành lập với sự chấp thuận của nhà nước và tạo ra làn sóng tăng trưởng thứ hai của GD ĐH ngoài công lập.

Làn sóng thứ ba bắt đầu từ cuối những năm 90 và hiện nay vẫn đang tiếp diễn. Từ năm 1998, đã có 1.277 trường dân lập được thành lập ở TQ. Đến năm 2000, gần 1 triệu sinh viên học tập trong các trường dân lập cả nước (D.P. Yang 2002). Bảng 1 cho thấy số trường dân lập ở TQ từ năm 1996 đến năm 2004. Trong chỉ 5 năm số các trường dân lập đã tăng từ 1037 đến 1415 (bao gồm cả các cơ sở cấp bằng và không cấp bằng cử nhân). Hơn thế nữa, bảng thống kê này cũng cho thấy sự tăng trưởng của khu vực giáo dục dân lập trong các cấp tiểu học, trung học, và dạy nghề.

Tháng 3 năm 2005, Hu Jin, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Phát triển của Bộ GD TQ báo cáo về sự phát triển của GD ĐH ngoài công lập trong một buổi họp báo, đã cho biết tính đến cuối năm 2004, có 1,4 triệu sinh viên trong khu vực này, chiếm 10,4% tổng số sinh viên cả nước, tăng 3,16%. Theo Hu, tính đến 2004 có khoảng 1300 trường tư, trong đó có 228 trường được phép cấp bằng và 23 trường được cấp bằng ĐH (China   Education and Research Network   2006). Một báo cáo khác cho biết trong 1260 trường ngoài công lập, có 50 trường đã trở thành những ‘wanren daxue’, tức có quy mô trên 10.000 sinh viên mỗi trường (Lin 2006). Quan chức Bộ GD TQ cũng dự đoán rằng trong tương lai, việc mở rộng GD ĐH sẽ phải được thực hiện thông qua khu vực tư (China Education and Research Network 2006). Tuy rằng quy mô khu vực này còn nhỏ so với khu vực công, thị phần khu vực này đang tăng rất ấn tượng xét về tỉ lệ tăng trưởng và đặc biệt là trong bối cảnh chính trị xã hội chủ nghĩa. Trên quan điểm đó, rõ ràng là việc cung ứng giáo dục đã trở nên đa dạng hơn trong thời hậu Mao, nhất là với sự gia tăng thành phần tư nhân và những sáng kiến hướng tới thị trường trong việc quản trị ĐH (Lin et al. 2005).

Những trường “trực thuộc”: thị trường giáo dục trong quá trình hình thành

Tuy GD ĐH TQ đã trải qua quá trình mở rộng rất mạnh mẽ trong những năm 90, nó vẫn không mag lại đủ cơ hội giáo dục để thỏa mãn nhu cầu về GD ĐH của người dân (Chen and Yu 2005, 167–8). Với dự định đạt được các mục tiêu chính sách trong việc mở rộng đào tạo ĐH và tìm kiếm những trường ĐH “đẳng cấp quốc tế” cuối những năm 90, Bộ GD TQ đã khuyến khích các trường công thành lập các trường trực thuộc nhằm xây dựng các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu về GD ĐH. Đó là những trường thuộc sở hữu của cac trường công nhưng vận hành như những trường tư và ngày càng phổ biến ở TQ từ khi chính phủ thử tận dụng những trường này, với bản chất “bán thị trường” để đáp ứng nhu cầu đang hình thành của thị trường.

Không như các trường công, những trường này vận hành như những tổ chức tự chủ tài chính và theo nguyên tắc thị trường. Zhejiang University City College là một trong những tổ chức như thế được thành lập đầu tiên ở TQ với sự hợp tác giữa chính quyền thành phố Hangzhout, Trường ĐH Zhejiang University   và Tập đoàn Viễn thông Zhejiang Telecom Industry Corporation. Trường hợp này đã thể hiện rõ sự lai ghép giữa công và tư trong GD ĐH ở TQ. Việc ra đời của Trường này nằm trong kế hoạch phát triển của ĐH Zhejiang University. Đáp ứng với lời kêu gọi xây dựng những trường “đẳng cấp quốc tế” ở TQ, cả chính phủ trung ương và địa phương đều có ý định xây dựng Zhejiang University trở thành một trường ĐH nghiên cứu hàng đầu bằng cách sáp nhập bốn trường có trụ sở chính ở vùng Zhejiang. Để giải quyết vấn đề nhân sự và thực hiện kế hoạch sáp nhập êm ả, Bộ GD cho phép nhà trường lập một trường con, chính là City College, một trường trực thuộc, tự chủ tài chính, nhằm đào tạo bậc cử nhân và để trường mẹ Zhejiang University tập trung vào nghiên cứu và đào tạo sau ĐH. Được chính quyền trung ương và địa phương bảo trợ đặc biệt, City College đã có quyền cấp bằng ĐH ngay từ đầu (phỏng vấn ở Hangzhou China, tháng 4 năm 2004).

Thêm vào đó, chính quyền thành phố Hangzhou còn hỗ trợ tài chính dưới hình thức giảm thuế. Họ còn lập một ủy ban để hỗ trợ việc hợp tác này, bằng cách đó sinh viên và những người đã tốt nghiệp có đủ cơ hội để đi thực địa, thực tập và được tuyển dụng vào khu vực nhà nước. Hơn nữa, nhà trường duy trì quan hệ gắn bó với trường mẹ, một trong năm trường hàng đầu của danh sách các trường ĐH tinh hoa của TQ (Wen 2005). Trong một cuộc phỏng vấn giáo sư Zhou, Giám đốc Điều hành City College đã cho biết sinh viên tốt nghiệp trường này có thể được nhận vào thẳng hệ sau ĐH của Zhejiang University, còn sinh viên có thành tích học tập nổi bật có thể được chuyển tiếp với cơ chế nhanh. Rõ ràng là bản chất “cận thị trường” hay là “cận dân lập” của trường mẹ này đã tăng cường năng lực và vị trí của trường con. Với những đặc ân ấy, City College không có khó khăn gì trong việc tuyển sinh. Thú vị hơn nữa, việc vận hành trường này gắn chặt với yếu tố tư nhân, nhất là huy động vốn vay, vay nợ và xin tài trợ, cũng như khoán các dịch vụ ra ngoài cho các đơn vị khác thực hiện.

Để đáp ứng mục tiêu chính sách quốc gia là mở rộng số người được đào tạo ở bậc ĐH, những trường trực thuộc kiểu này có tham vọng tăng quy mô sinh viên lên tới 20-30 ngàn để đạt tới quy mô của một “trường ĐH tổng hợp” theo phác thảo của Bộ GD TQ về mô hình tương lai của ĐH (Chen and Yu 2005, 167). Phê phán kiểu trường “dân lập” là lợi dụng chính sách chính thức của nhà nước để kiếm lợi nhuận gây tổn hại cho quyền của sinh viên và phụ huynh”, Bộ GD cho rằng những trường tự chủ tài chính trực thuộc trường công kiểu như thế sẽ có thể thực hiện sứ mạng quan trọng của giáo dục trong thời điểm cụ thể này của lịch sử.

GD ĐH xuyên quốc gia: sự trỗi dậy của quan hệ đối tác công tư

Sau khi gia nhập WTO, chính phủ TQ bắt đầu rà soát lại bộ khung pháp lý để cho phép các trường ĐH nước ngoài tuyển sinh và thực hiện đào tạo tại đại lục theo các quy định của WTO. Tháng 9 năm 2003, Quốc vụ viện ban hành “Quy định về hợp tác quốc tế trong vận hành trường học”, một văn bản chi tiết về bản chất, chính sách và nguyên tắc, các yêu cầu cụ thể và quy trình cấp phép, lãnh đạo và tổ chức, quy trình dạy học, quản lý tài chính, cơ chế giám sát và tư cách pháp nhân, v.v. Tinh thần của văn bản này đẩy mạnh GD ĐH xuyên biên giới, khuyến khích các trường trong nước hợp tác với những trường ĐH danh tiếng ở nước ngoài để mở ra những ngành học mới nhằm cải thiện chất lượng dạy và học cũng như giới thiệu nguồn tài nguyên ưu tú của nước ngoài để áp dụng trong nước (State Council 2003, Chapter 1, Article 3). Hơn thế nữa, văn bản này không cấm các trường nước ngoài tìm kiếm lợi nhuận trong những hoạt động này.

Trong bối cảnh chính sách đó sự phát triển quan hệ đối tác công tư trong việc vận hành hoạt động đào tạo ngày càng trở nên phổ biến hơn ở TQ. Năm 1995 chỉ có 2 chương trình liên kết có thể cấp bằng nước ngoài. Đến tháng 6 năm 2004, con số chương trình liên kết với đối tác quốc tế là 745, còn những chương trình liên kết được phép cấp bằng của nước ngoài, hoặc của Hong Kong là 164 (MOE 2006). Hầu hết các chương trình này có nguồn gốc ở những nước phát triển và có nền công nghệ tiên tiến. Gần một nửa là từ Mỹ và Úc, những nước chiếm thị phần lớn nhất về xuất khẩu giáo dục; một số ít nhưng cũng khá đáng kể là từ châu Âu, đã được phép đào tạo cấp bằng ở TQ. Hình 1 cho thấy dữ liệu năm 2004 về những đối tác nước ngoài chủ yếu đã có các chương trình liên kết với các trường ĐH TQ, hiển nhiên là Mỹ và Úc có ảnh hưởng nổi bật nhất.

Nhiều chương trình liên kết được phép cấp bằng nước ngoài đã được thực hiện ở những trường TQ nổi tiếng như ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa, Zhejiang University, etc., với hơn 100 trường ĐH nước ngoài. Nhưng trong số đó, có những trường không được xếp hạng “đẳng cấp quốc tế” trong giảng dạy và nghiên cứu, cũng như có những trường có địa vị rất tốt ở Mỹ. Đến cuối năm 2004, có 164 chương trình như vậy. Trong đó có 47 (28.7%) chương trình cấp bằng cử nhân; 112 (68.3%) cấp bằng thạc sĩ; 2 (1.2%) chương trình tiến sĩ; trong khi có 2 (1.2%) chương trình chuyên ngành; và 1 (0.6%) chương trình cấp cả bằng cử nhân, thạc sĩ lẫn tiến sĩ. Những chương trình này được phép vận hành với chỉ tiêu tuyển sinh có giới hạn (từ 1 đến 15 sinh viên mỗi lớp) (MOE 2006). Về ngành học, hầu hết là kinh doanh, thương mại và quản lý.

Những con số trên đây cho thấy những chương trình liên kết này có xu hướng hướng về khách hàng và định hướng thị trường rất rõ vì hầu hết là tự chủ tài chính, thậm chí là vì lợi nhuận. Khảo sát kỹ hơn đối tượng sinh viên của những chương trình này, rất dễ thấy là họ khá khác biệt với sinh viên trong những chương trình truyền thống. Họ thường là những người đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực liên quan trước khi theo học các chương trình liên kết này và tin rằng bằng cấp này sẽ hữu dụng cho sự nghiệp của họ. Một đặc điểm khác là thời lượng của chương trình. Cũng như các chương trình truyền thống ở các trường trong nước, những chương trình liên kết đào tạo cử nhân cũng là 4 năm, nhưng có thể chia thành 4 loại, 1+3, 2+2, 3+1 và 4+0 tùy theo thời gian học tại nước ngoài. Thêm nữa, sinh viên có xu hướng dành hầu hết thời gian học trong nước vì lý do tài chính. Họ sẽ ra nước ngoài học mọt thời gian ngắn (thường là từ ba đến sáu tháng) hoặc thực tập hoặc khảo sát thực địa để đáp ứng yêu cầu học thuật của những trường cấp bằng (Huang 2006, 28).

Khảo sát về vị trí nơi có các chương trình liên kết được thực hiện cho thấy hầu hết là ở vùng biển phía đông, khu vực kinh tế phát triển thịnh vượng nhất ở TQ. Năm 2004, phần lớn các chương trình liên kết tập trung ở Shanghai (111), Beijing (108), Shandong (78), Jiangsu (61), Liaoning (34), Zhejiang (33), Tianjing (31), Shanxi (29), Guangdong (27), và Hubei (23); các vùng này đều gần vùng biển miền đông TQ. Rõ ràng là người dân vùng này đã trải nghiệm thành công đáng kể về kinh tế trong hai thập kỷ qua và nhiều người muốn học các chương trình đào tại quốc tế, cũng như có đủ tiền để chi trả. Quan trọng hơn, sự trỗi dậy của các chương trình này gợi ý rằng đối tác công tư trong dịch vụ GD ĐH đang trở thành một xu hướng ngày càng mạnh ở TQ.

Ý nghĩa chính sách của việc tăng cường tính chất tư nhân trong GDĐH ở TQ

Mờ đi ranh giới công tư trong giáo dục

Mặc dù từ “giáo dục dân lập” được sử dụng rộng rãi để miêu tả khu vực ngoài công lập, ý nghĩa của từ này không đủ rõ và đủ chính xác để diễn đạt bản chất phức tạp của giáo dục ngoài công lập. Thoạt đầu, từ này có ý nghĩa khác với “giáo dục tư”. Nó dùng để chỉ các cơ sở mầm non, tiểu học do cộng đồng làng xã tài trợ vận hành với sự hỗ trợ của nhà nước (Tsang 2003). Tuy nhiên, thuật ngữ “giáo dục dân lập” đã thay đổi ý nghĩa ban đầu này từ khi áp dụng cải cách kinh tế năm 1978. Những hình thức đa dạng của tài chính GDĐH và của các hình thức cung ứng dịch vụ GDĐH khiến sự phân biệt có vẻ đơn giản giữa công và tư trong giáo dục dân lập thành ra rất khó. Về bản chất, khu vực dân lập kết hợp những trường vận hành thông qua khu vực công, kể cả những trường thuộc sở hữu tư nhân và sở hữu tập thể (do các tổ chức được chấp thuận lập ra chẳng hạn). Tuy thế, người ta dùng từ “dân lập” và “tư nhân” thay thế cho nhau với ý nghĩa tương đương. Những người làm việc trong trường tư có xu hướng gọi trường họ là “dân lập” thay vì “trường tư” vì lý do sinh tồn, bởi “tư nhân” gợi ý “vì lợi nhuận” trong lúc “dân lập” thì dễ được xã hội chấp nhận hơn và có vẻ “đúng đắn” hơn xét về mặt chính trị. Thêm nữa, dân TQ có niềm tin vào những trường không vì lợi nhuận nhiều hơn, bởi vậy hầu hết các trường mới thành lập đều tự dán nhãn cho mình là “dân lập”.

Cái nhãn dân lập không mấy hữu ích trong việc đưa ra một định nghĩa sâu sắc hay miêu tả rõ ràng về bản chất của những trường này. Có khi nó còn gây lẫn lộn khi được dùng để nói về nguồn tài chính hay vấn đề sở hữu. Ví dụ, hiện đang tồn tại nhiều kênh tài chính giáo dục khác nhau, bao gồm bao cấp của chính phủ; quyên tặng của tư nhân và đầu tư cá nhân (của những người trong nước, Hoa kiều, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư); và nguồn vốn đầu tư hay tài trợ từ các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hay sở hữu tập thể; nguồn thu từ học phí, từ các cơ sở trực thuộc nhà trường, và từ kết quả nghiên cứu.

Xem xét nguồn tài chính từ những trường ngoài công lập này, có thể thấy rõ khu vực tư/dân lập đã dựa vào nhiều nguồn tài chính khác nhau. Ngay cả các trường công cũng có thể nhận các hỗ trợ tài chính từ khu vực tư. Có khi tỉ lệ nguồn tài chính từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước còn chiếm đại bộ phận trong nguồn kinh phí của các trường công (Wang 2003, 8). Thêm nữa, việc tăng cường GD ĐH xuyên biên giới cũng làm mờ đi sự phân biệt công tư vì hợp tác công tư giờ đây đang được khuyến khích. Từ những quan sát trên đây, có thể thấy rõ là sự tăng cường tính chất tư nhân thực chất đã khiến sự phân chia đối lập giữa công và tư theo lối truyền thống trở nên không còn phù hợp nữa trong việc khái quát hóa mối quan hệ phức tạp giữa khu vực công và khu vực tư trong quản trị giáo dục ở một nền kinh tế đang chuyển đổi như TQ (Yang 1997).

Vấn đề đảm bảo chất lượng và địa vị xã hội của các trường tư/dân lập

Sự nảy nở của các trường tư/dân lập cũng đồng thời làm dấy lên mối lo ngại về đảm bảo chất lượng và địa vị xã hội của những trường này. Theo những báo cáo gần đây, hàng ngàn sinh viên đã tập trung ở một số trường tư với các biểu ngữ và biểu tình ngồi để tỏ thái độ đối với những quy định mới về loại bằng cấp mà họ được nhận. Một vài cuộc biểu tình là về học phí quá cao ở một số trường tư, hoặc về chất lượng giảng dạy và địa vị của tấm bằng khi tốt nghiệp. Vài người biểu tình phàn nàn về việc các trường hứa hão nhiều thứ khi nhận họ vào học và làm họ vỡ mộng khi ra trường. Một sinh viên nữ của trường tư Shengsa Business School ở trung tâm thành phố Zhengzhou nói với phóng viên : “Tôi vẫn còn hy vọng vào cái viễn cảnh người ta hứa hẹn khi chúng tôi vào trường. Họ nói với sinh viên khóa của tôi và khóa sau tôi rằng chúng tôi sẽ được trường ĐH Zhengzhou University cấp bằng. Đó là lời hứa của họ với chúng tôi”. Những sinh viên này, mãi đến lễ tốt nghiệp mới biết rằng tấm bằng của họ chẳng phải là do trường ĐH Zhengzhou University cấp. Một người bình luận: “Trước tình huống này, nhà trường thú nhận rằng tờ rơi quảng cáo có ghi lời hứa hẹn đó, nhưng đó là lỗi in ấn. Rõ ràng là họ đã dối gạt người học” (Phỏng vấn trích dẫn theo www.rfa.org, truy cập ngày 7.08.2006).

Phỏng vấn sinh viên của Shengda Business School cho thấy, hầu hết chọn trường này là vì họ tin rằng họ sẽ được Zhengzhou University cấp bằng tốt nghiệp. Bởi vì Shengda College có mối quan hệ khá gần gũi với Zhengzhou University, một trường có thứ hạng cao hơn trong danh sách các trường tinh hoa, Shengda   College không khó khăn gì trong việc chiêu sinh. Gắn với thứ hạng cao của trường này là học phí cao: sinh viên phải trả 50 ngàn NDT cho bốn năm học, một mức học phí cao hơn nhiều so với mức trung bình của nhiều trường. Trường hợp tương tự là the Bohai Institute ở đông bắc vùng Shenyang vì sinh viên rất có ấn tượng với mối liên hệ chặt chẽ của trường này với Shenyang Normal University (www.rfa.org).

Kịch bản mới nảy sinh khi Bộ GD TQ ban hành quy định mới về bằng cấp của những trường dân lập/tư nhân năm 2003. Trái với thông lệ trước đây là các trường tư này có thể cấp bằng với tên của trường công mà họ có liên kết, quy định mới không cho phép các trường này ghi tên trường công liên đới trên tấm bằng như trước nữa. Điều này đã làm nhiều sinh viên thất vọng. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi 3000 sinh viên Dongruan Information Institution (liên kết với China’s North-eastern University) tụ tập biểu tình, đập phá tài sản nhà trường trong cơn giận dữ vì sự thay đổi này. Hàng ngàn sinh viên của trường Qiushi Institute ở Hangzhou đã đem thỉnh nguyện thư của họ tới chính quyền, phê phán nhà trường đã dối gạt họ trong vấn đề bằng cấp (www.rfa.org). Thêm nữa, hàng trăm sinh viên biểu tình trước cổng trường Shanghai’s Fudan   University   vào đầu tháng 9 năm 2006, phê phán nhà trường đã không giữ lời hứa trong việc hỗ trợ một số chương trình cấp bằng liên kết giữa khoa công nghệ thông tin của trường và Shanghai Yangpu Fucai Supplementary School ở vùng Yangpu của Shanghai. Một bản tuyên bố của trường Fudan University đã giải thích rằng việc đóng cửa các khóa học này và buộc 700-800 sinh viên phải chuyển trường là do khoa đã vi phạm quy chế của Bộ GD và của Fudan   University về việc vượt quá quy mô và kế hoạch đã được duyệt, và âm thầm tuyển sinh (Money 2006, 1). Theo Monney, cuộc biểu tình này ít ra là lần thứ hai trong vòng vài tháng vì các trường ĐH TQ đã siết chặt lại việc bảo vệ uy tín học thuật của mình trong việc cấp bằng.

Thêm nữa, việc đại chúng hóa GDĐH ở TQ cũng làm nảy sinh mối quan ngại sâu sắc về năng lực của các trường trong việc đáp ứng việc mở rộng này. Năm 1998, số sinh viên của TQ là 8 triệu (chưa đầy 10% tổng số người trong độ tuổi) nhưng con số này đã nhảy lên đến 23 triệu (hơn 21% tổng số người trong độ tuổi) năm 2005. Mức độ tăng nhanh như thế trong một thời gian tương đối ngắn đã gây ra lo ngại về việc đảm bảo chất lượng. Những báo cáo gần đây đã gợi ý rằng có nhiều vấn đề rất nghiêm trọng về tổ chức quản lý và chất lượng mà hệ thống GD ĐH TQ đang phải đối mặt. Thậm chí có báo cáo còn cho biết một số luận án tiến sĩ bị phát hiện đạo văn trên internet. Câu hỏi là làm thế nào một giảng viên có thể hướng dẫn 40 nghiên cứu sinh tiến sĩ cùng lúc? (China Daily, 7.09.2006). Tương tự, kinh nghiệm đi thực địa của tôi qua một dự án nghiên cứu về GD ĐH xuyên quốc gia ở Zhejiang cho thấy một vấn đề quan trọng liên quan tới các chương trình liên kết quốc tế là địa vị xã hội của những chương trình này, cũng như sự công nhận của chính phủ địa phương hay cộng đồng đối với bằng cấp của những chương trình đó (Mok and Xu, sắp xuất bản).

Mâu thuẫn giữa quản lý nhà nước và khu vực tư

Tuy rằng luật GD ĐH mới ban hành đã bảo đảm cương vị hợp pháp của các trường dân lập, và giờ đây họ có quyền chia lợi nhuận nảy sinh từ hoạt động của trường, nhưng nhiều trường dân lập vẫn thấy rằng trường họ ngày càng bị đẩy ra bên lề. Ví dụ, chính phủ TQ chẳng bao giờ làm rõ tỉ lệ tiền lãi mà các trường tư có thể chia là bao nhiêu, mặc dù Luật Thúc đẩy Giáo dục tư đã được thông qua. Sự mơ hồ này đã đặt các trường dân lập vào một vị trí khó khăn: nhiều hiệu trưởng lo ngại bị mắc bẫy bởi những khái niệm không được định nghĩa về việc tạo ra lợi nhuận (Lin et al. 2005). Thêm nữa, việc không được cấp bằng cử nhân đã gây trở ngại cho tương lai phát triển của các trường này, kết quả là những nghi vấn nghiêm trọng về cương vị xã hội của họ. Hầu hết các trường dân lập thông thường thấy rằng quyền tự chủ của họ bị cản trở đáng kể khi họ buộc phải theo các hướng dẫn của Bộ trong việc xây dựng và vận hành các chương trình đào tạo, thiết kế chương trình, cấp bằng, v.v (phỏng vấn và quan sát thực địa ở TQ, năm 2003 và 2004).

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi các hiệu trưởng và giới quản lý cấp cao của các trường dân lập gặp nhau trong một hội thảo ở Nanjing tháng 10 năm 2003, họ đã phê phán chính phủ một cách gay gắt về sự thất bại của nhà nước trong việc thúc đẩy sự quan tâm tới giáo dục dân lập khi thông qua Luật Thúc đẩy Giáo dục tư 2002. Sự khích lệ và hỗ trợ của chính phủ đối với các trường tự chủ tài chính trực thuộc trường công được giới hiệu trưởng trường dân lập coi như một sự phân biệt đối xử, biến họ thành “con ghẻ” và hạ thấp giá trị trường dân lập. Nhiều hiệu trưởng phàn nàn về vai trò nhập nhằng của những trường dân lập kiểu mới như thế vừa ra đời, cho rằng bản chất “cận dân lập” của nó và sự đối đãi đặc biệt của nhà nước quả thực là đã đẩy những trường dân lập theo lối cũ ra rìa. Trong Diễn đàn Trường Dân lập ở Bắc Kinh năm 2004, tất cả diễn giả của những trường dân lập theo kiểu truyền thống đều bày tỏ sự thất vọng đối với việc nảy nở các trường tự chủ trực thuộc trường công và phê phán thẳng thắn tình trạng áp đặt “tiêu chuẩn kép” giữa các trường dân lập truyền thống và các trường dân lập kiểu mới, tức trường tự chủ tài chính trực thuộc trường công (phỏng vấn và quan sát thực địa ở Bắc Kinh, tháng 1.2004). Người ta coi chính sách của Bộ GD về giáo dục dân lập chủ yếu là có tính chất đối phó, thụ động, không có kế hoạch chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Kết quả là các trường dân lập phải chật vật tranh đấu để sống còn trong tình trạng một thị trường giáo dục bị nhà nước kiểm soát ở TQ (Lin et al. 2005; Wen 2005).

Sự bảo lãnh chính thức đối với những trường tự chủ tài chính trực thuộc trường công đã cho thấy rõ ràng nhà nước TQ điều khiển thị trường giáo dục bằng ảnh hưởng chính trị như thế nào. Việc áp dụng một chính sách như thế là nhằm hai mục đích chính: một mặt, nhà nước khéo léo tận dụng các trường dân lập theo lối truyền thống để giải quyết những khó khăn của chính nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực GD ĐH của quốc gia. Như chúng ta đã thấy, chính phủ TQ có thể dễ dàng kiểm soát và điều khiển “thị trường giáo dục” bằng cách tạo ra cạnh tranh nội bộ không công bằng giữa các trường tự chủ tài chính trực thuộc trường công và các trường dân lập theo lối truyền thống. Trong thuật ngữ của chính sách công, nó có thể là một hành động tự giảm giá. Bằng cách lợi dụng ranh giới nhòa nhạt giữa công và tư trong GDĐH, chính phủ có thể nắm bắt cả hai khu vực công tư bằng cách làm cho bản chất của giáo dục công/tư/dân lập ở lục địa trở nên phức tạp quá mức (quan sát thực địa ở TQ năm 2003 và 2004). Như Lin đã gợi ý một cách rất xác đáng: GD ĐH tư/dân lập ở TQ đã phải chiến đấu trong vấn đề kiểm soát và tự chủ để tồn tại. Trong lúc các trường tư kêu gọi chính phủ nới lỏng kiểm soát, thì các quan chức cho rằng khu vực tư cần được kiểm soát và giám sát nghiêm ngặt hơn nữa (Lin 2004, 16). Về mặt này, sự mở rộng tính chất tư nhân trong GD ĐH đã làm căng thẳng thêm mối mâu thuẫn giữa quản lý nhà nước và khu vực tư ở TQ, nhất là khi thị trường giáo dục không phải là một thị trường mở mà là được nhà nước kiểm soát.

Suy nghĩ lại về bản chất của GD ĐH: hàng hóa công hay lợi ích tư?

Việc nảy nở như nấm của các cơ sở đào tạo ĐH và sự đa dạng của tài chính ĐH đi đôi với trào lưu thị trường hóa, thương mại hóa GDĐH ở TQ thời hậu Mao đã dẫn đến một kết quả là tình thế lưỡng nan mà TQ đang phải đối mặt: GD ĐH là hàng hóa công hay là lợi ích tư? Vì GD ĐH ngày càng theo định hướng thị trường, dân TQ bắt đầu thấy rằng tài chính giáo dục chủ yếu dựa vào sự đóng góp của cá nhân và gia đình là điều không thể chấp nhận. Trong bối cảnh cụ thể ấy, có câu nói khá phổ biến, là chi phí giáo dục đang trở thành một gánh nặng chủ yếu. Kiếm tiền chi trả cho việc học của con cái khiến các bậc cha mẹ phát điên từ khi chính quyền trung ương lẫn địa phương chuyển gánh nặng trách nhiệm xã hội về GD ĐH sang cho các cá nhân và gia đình. Mặc dù người dân vùng biển TQ có đủ khả năng chi trả cho học phí của các trường ĐH tư, kể cả những chương trình đào tạo hoàn toàn có tính chất thị trường, chúng ta cũng nên thừa nhận rằng không nhiều người dân TQ có đủ khả năng tài chính để theo học những trường ngoài công lập, nhất là người dân ở nội địa miền Tây của TQ (Zhu 2005; D.P. Yang 2005). Với những người không đủ khả năng chi trả, liệu nhà nước có xem xét vấn đề liên quan tới GD ĐH: nó là hàng hóa công hay lợi ích tư?

Như Neubauer (2006) đã chỉ ra rất đúng, GD ĐH không giống như những dịch vụ công kiểu như y tế hay giao thông; nó có mối quan hệ rất chặt chẽ với những nhận định về giá trị. Truyền thống khai phóng trong việc giáo dục những công dân có hiểu biết và có tư duy phản biện vẫn là điều quan trọng để đạt tới những mục tiêu chính sách của chính phủ TQ trong việc thiết lập một xã hội hài hòa hơn. Với những công dân được giáo dục tốt, toàn bộ xã hội sẽ được hưởng lợi không chỉ nhờ kỹ năng tốt hơn cho thị trường lao động và cho việc phát triển kinh tế, mà còn là vì những người có giáo dục tốt hơn, tư tưởng cởi mở hơn, văn minh hơn sẽ thúc đẩy một xã hội hòa bình và hài hòa hơn. Nói cho cùng, mục đích của giáo dục không chỉ hạn chế trong việc dẫn dắt, thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế, mà còn là phát triển xã hội và thúc đẩy sự phong phú về văn hóa. Vì thế, lợi ích của GD ĐH vượt ra ngoài lợi ích của mỗi cá nhân trong việc tìm việc làm kiếm sống và vươn lên sau khi tốt nghiệp. Những công dân được giáo dục với đầy đủ hiểu biết và khả năng tư duy chắc chắn sẽ đóng góp tốt hơn cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Trường hợp TQ cho thấy rõ ràng tầm quan trọng trong sự hiện diện của nhà nước ở những nước vẫn đang chật vật phấn đấu để xây dựng năng lực GD ĐH ở mức tối thiểu chấp nhận được. Điều này được diễn giải như là sự mâu thuẫn vẫn đang tiếp diễn giữa bản chất hàng hóa công và lợi ích tư của giáo dục. Có người chỉ ra rằng đây chẳng phải là vấn đề riêng của TQ. Một số nghiên cứu so sánh khác cũng gợi ý rằng sự tăng cường tính chất tư nhân trong GD ĐH ở Hoa Kỳ, Anh, Úc và các nước Đông Nam Á khác đã làm vấn đề bất bình đẳng và khác biệt trong giáo dục càng thêm căng thẳng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực GD ĐH tư ở một số nước đã khiến chính phủ gặp khó trong việc kiểm soát chất lượng. Có một số học giả khác, ghi nhận sâu sắc hơn tác động ngày càng tăng của chủ nghĩa tân tự do trong giáo dục, đã nêu ra những hậu quả tiêu cực và ngoài dự tính của thị trường hóa và tư nhân hóa trong GDĐH (Bok 2003; Hawkins 2007). Vì thế, các nhà làm chính sách cần nhận thức rõ những mâu thuẫn đang tiếp diễn này và tìm cách đạt được sự cân bằng giữa hai ảnh hưởng đối lập, hy vọng có thể đạt được lợi ích cao nhất từ cả hai khu vực công tư và cho phép cả những hình thức lai ghép vốn đang phát triển ở nhiều nơi trên thế giới.

Kết luận: nhu cầu về một thiết chế GDĐH mới

Bài viết này đã phản ánh một thực trạng là nhà nước TQ đang phải đối phó với những vấn đề rất quan trọng về quản lý và quản trị. Những thiếu sót chính liên quan tới sự thất bại của chính phủ trong việc chuyển đổi cách quản lý chặt chẽ của họ sang một thiết chế quản lý khác có thể góp phần tích cực cho những chuẩn mực của thị trường hoặc xã hội dân sự; hoặc những nguyên tắc/hướng dẫn để điều tiết hệ thống dựa trên những thiết chế của thị trường hay của xã hội dân sự. Cũng giống như những nền kinh tế mới công nghiệp hóa ở Đông Á, TQ thiếu một bộ khung pháp lý thích hợp để điều tiết những điều kiện thị trường ngày càng đa dạng và phức tạp. (Stiglitz 1996, 1999, dẫn theo Weiss 1999; Pack 2000). Tuy những thành công về kinh tế của TQ hai thập kỷ qua có vẻ như đã chứng minh rằng sự can thiệp của nhà nước thông qua cả hai con đường cơ bản và chọn lọc là cực kỳ hiệu quả, sự đa dạng ngày càng tăng của thị trường (trong đó có thị trường GDĐH đang được quản lý hiện nay) cho thấy những thiết chế quản lý nó là không thích hợp. Là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, TQ không có lựa chọn nào khác hơn là mở cửa thị trường GD ĐH cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài (giáo dục xuyên biên giới), vì thế nhiều tay chơi tiềm năng cũng sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường giáo dục dù rằng nhà nước dự định bảo hộ khu vực công bằng những chính sách can thiệp cơ bản hoặc chọn lọc. Khi sự lớn mạnh về tính chất tư nhân trong GD ĐH đã cho thấy là chế độ quản lý nó không còn phù hợp, chính phủ TQ cần xác định lại mối quan hệ giữa nhà nước với các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục khác, nhất là bằng cách cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm, chức năng và cương vị pháp lý của những chủ thể/tác nhân khác nhau trong một thị trường giáo dục đa dạng và có định hướng thị trường ngày càng rõ trong nền kinh tế đang chuyển đổi của TQ. Để kết luận, có thể nói rằng chính phủ TQ nên xây dựng một chế độ quản lý mới có khả năng đáp ứng bén nhạy hơn và phù hợp với văn hóa quản lý của TQ và với bối cảnh chính trị.

Lời cảm ơn

Tác giả xin cảm ơn những người bình duyệt đã mang lại nhiều ý kiến xây dựng quý báu để cải thiện chất lượng bài viết. Cảm ơn Quỹ Chiang Ching Kuo Foundation vì đã hỗ trợ dự án nghiên cứu làm nền tảng cho những kết quả và phân tích trình bày trong bài này.

Ghi chú

  1. Nghiên cứu này áp dụng tiếp cận định tính trong thu thập dữ liệu. Kết quả nghiên cứu trình bày ở đây chủ yếu là từ tổng thuật tư liệu về tư nhân hóa GD ĐH, cùng với phân tích chính sách, phỏng vấn sâu và quan sát thực địa, chủ yếu ở Beijing, Zhejiang và Guangdong, ba khu vực chủ yếu có nhiều trường dân lập, từ năm 2004 đến năm 2007. Vì TQ là một quốc gia rộng lớn và đa dạng, sự khác biệt về văn hóa giữa các vùng miền là rất đáng kể, tác giả không có ý khái quát những kết quả này cho cả TQ. Những quan sát và phân tích trong bài này có thể cho thấy các trường ĐH ở đô thị TQ, đặc biệt là vùng biển, đã trải nghiệm những thay đổi như thế nào trong quá trình tư nhân hóa và thị trường hóa.

Nguồn: Ka Ho Mok (2009) The growing importance of the privateness in education: challenges for higher education governance in China, Compare: A Journal of Comparative and International Education, 39:1, 35-49, DOI: 10.1080/0305792080195185.

Tài liệu tham khảo

Altbach, P. 2004. The past and future of Asian universities: Twenty-first century challenges. In Asian universities: Historical perspectives and contemporary challenges, ed. P. Altbach and T. Umakoshi. Baltimore and London: The Johns Hopkins University Press.

———, and D. Levy. 2005. Private higher education: A global revolution. Boston: Sense

Publishers.

Bok, D. 2003. Universities in the marketplace: The commercialization of higher education.

Princeton and Oxford: Princeton University Press.

Central Committee of the Communist Party of China [CCPCC]. 1993. The programme for educational reform and development in China. Zhonghua Renmin Gongheguo Guowuyuan Gongbao 2: 58–66.

Chen, B., and G. Li. 2002. Minban Gaodeng Jiaoyu Ziketiqu Yanjiu Baogao [The research report on people-run higher education]. In Minban Jiaoyu de Gaige yu Fazhan [Minban reform and development of people-run education], ed. B. Chen and G. Li. Beijing: Jiaoyu Kexue Chubanshe.

Chen, C.G., and Q.Y. Yu. 2005. Zoujin Dazhonghua: 21 Shijichu Guangzhou Shi Gaodeng Jiaoyu Fazhan Yanjiu [Towards massification: Research on Guangzhou’s higher education development in early 21st century]. Guangzhou: Jinan daxue chubanshe.

China Education and Research Network. 2006.

www.edu.cn/20050301/3129836.shtml.

China National Institute   of Educational Research. 1995. A study of NGO-sponsored and private higher education in China. Beijing: UNESCO.

Fukayama, F. 1992. The end of history. New York: Penguin.

Giroux, H. 2002. Neoliberalism, corporate culture, and the promise of higher education: The university as public sphere. Harvard Educational Review 72, no. 4: 1–52.

Hawkins, J. 2007. Higher education transformation: Some trends in California and Asia.

Paper presented at the International Symposium on The Search for New University

Governance in Asia: Incorporation, Corporatization and New Restructuring Strategies, June 1, at the City University of Hong Kong.

Henderson, J. 2007. China and the future of the developing world: The emerging global-Asia era and its consequences. Paper presented at the CEAS Seminar Series, November 19, at the Centre for East Asian Studies, University of Bristol.

Hu, W. 1997. Woguo minban jiaoyu de sizhong moshui ji qi tedian [Four models and their characteristics of minban education in china]. Jiaoyu Zhiye [Educational Perspective] 6:

44–5.

Huang, F.T. 2005. Qualitative enhancement and quantitative growth: Changes and trends of

China’s higher education. Higher Education Policy 18: 117–30.

———. 2006. Transnational higher education in Mainland China: A focus on foreign degree- conferring programs. In Transnational higher education in Asia and the Pacific region, ed. F. Huang. Hiroshima: Research Institute for Higher Education, Hiroshima University.

Knight, J. 2006. Crossborder education and GATS: risks and opportunities. Paper presented at the International Forum on Vietnam Education ‘WTO Entry and Vietnam Higher Education Reform’, December 11–12, in Hanoi, Vietnam.

Lin, J. 2004. China: Private trends. International Higher Education 36: 17–8.

———. 2006. Private universities in China: Expansion and challenges. Paper presented at the

AAS Annual Meeting, April, in San Francisco.

———, and Z. Yu. 2006. Educational expansion and shortages in secondary schools in China.

Journal of Contemporary China 15, no. 47: 255–74.

———, Y. Zhang, L. Gao, and Y. Liu. 2005. Trust, ownership, and autonomy: Challenges facing private higher education in China. The China Review 5, no. 1: 61–82.

Marginson, S. 2007. The Public/Private divide in higher education: a global revision. Higher

Education 53, no. 3: 307–333.

Ministry of Education [MOE]. 2006. List of Chinese–foreign cooperation in running schools programmes. www.jsj.edu.cn/mingdan/002.html.

Mok, K.H. 2000. Marketizing higher education in post-Mao China. International Journal of

Educational Development 20: 109–26.

———. 2006. Education reform and education policy in East Asia. London: Routledge.

———. 2007. Questing for internationalization of universities in Asia: critical reflections.

Journal of Studies in International Education 11, no. 3/4: 433–454.

 

———, and X.Z. Xu. in press. When China opens to the world: A study of transnational higher education in Zhejiang China. Paper under review by Asia Pacific Etrong tưducation Review. Monney, P. 2006. Hundreds protest Chinese university’s crackdown on certificate courses. The

Chronicle of Higher Education. 6 September.

Neubauer, D. 2006. On the public good. Paper presented at the senior seminar, Education for

2020 Project, September 6–12, at the East-West Center, Hawaii.

Pack, J.M. 2000. Industrial policy: Growth   elixir or poison. The World Bank Research

Observer 15, no. 1: 47–67.

People’s Republic of China. 1982. The Constitution of China. Beijing: Chinese Legal Press. State Council, People’s Republic of China. 2003. Regulations of the People’s Republic of China

on Chinese-foreign cooperation in running schools. www.jsj.edu.cn.

Tsang, M.C. 2003. School choices in the People’s Republic of China. In Choosing choice: School choice in international perspectives, ed. D.N. Plank and G. Sykes. New York: Teachers College Press.

Wang,   T. 2003. Minban   Jiaoyu   Yinlun [Introduction   to people-run education]. Beijing:

Zhongguo Shehui Kexue Chubanshe.

Wei, Y.T., and G.C. Zhang. 1995. A historical perspective on non-governmental higher education in China. Paper presented at the International Conference on Private Education

in Asia and the Pacific Region, July, at the University of Xiamen, China.

Weiss, L. 1999. State power and the Asian crisis. New Political Economy. Millenium Issue. www.globalization.mcmaster.ca/wps/weisswp.PdF.

Welch, A. 2007. Governance   issues and higher education   in South East Asia: Finance,

devolution and transparency in the global era. Asia Pacific Journal of Education. 27, no. 3:

237–54.

Wen, S.Y. 2005. A new thinking   on the state-owned   privately-run secondary   colleges.

International Journal of Private Higher Education 1: 39–48.

Yang, D.P. 2002. Development of education and related issues in China in the new century. In Analysis and forecast of China’s social development 2002, ed. J. Liu. Beijing: Social Sciences Documentation Publishing House.

———. 2005. Towards social justice: Education in 2005. In Analysis and forecast on China’s

social development 2006, ed. X. Yu, X.Z. Lu, P.L. Li, and P. Huang. Beijing: Social

Sciences Academic Press.

Yang, R. 1997. The debate on private higher education development in China. International

Higher Education Fall: 1–4.

———. 2002. The third delight: Internationalization of higher education in China. London: Routledge.

———. 2005. Globalization and higher education   restructuring: issues and debates.   In

Globalization and higher education in East Asia, ed. K.H. Mok and R. James. Singapore and New York: Marshall Cavendish Academic.

Zhu, Q.F. 2005. Social and economic indicators: Analysis and assessment. In Analysis and forecast on China’s social development 2006, ed. X. Yu, X.Z. Lu, P.L. Li, and P. Huang.

Beijing: Social Sciences Academic Press.

Zhu, Y.M. 2004. Perspectives on minban schools in China. Paper presented at the Shanghai

International House for Education, August 15–20, in Shanghai