THI TỰ LUẬN CÁC MÔN KHOA HỌC XÃ HỘI: NHỮNG BĂN KHOĂN

Phạm Thị Ly (2016)
Bài đăng Tuổi trẻ Cuối tuần số ra ngày 09.10.2016

Bộ GD-ĐT đang thực hiện nhiều đổi mới trong thi cử. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD-ĐT quyết tâm thực hiện hình thức thi trắc nghiệm với tất cả các môn học, trừ Ngữ văn.

Hiệp hội các Trường ĐH-CĐ Việt Nam và nhiều chuyên gia đã có ý kiến ủng hộ cách thi trắc nghiệm, kể cả đối với môn Văn và Sử. Lý do chính là vì chất lượng thi tự luận phụ thuộc nhiều vào chất lượng người chấm, trong lúc chất lượng thi trắc nghiệm thì phụ thuộc vào việc ra đề.

Quả đúng là như vậy: chất lượng thi tự luận phụ thuộc rất lớn vào trình độ, năng lực của người chấm, vì vậy khi thực hiện trên quy mô lớn như kỳ thi TNPT quốc gia, khả năng sai lệch kết quả sẽ rất lớn, trong bối cảnh nhận thức và trình độ của giáo viên còn nhiều khác biệt.

Tuy nhiên, liệu chúng ta có nên bỏ phần thi tự luận vì lý do trên đây hay không?

THI ĐỂ LÀM GÌ?

Nhiều thầy cô giáo sẽ trả lời ngay: nếu không thi thì học trò sẽ không chịu học hành cho đàng hoàng. Nói cách khác, thi được coi là một công cụ để điều khiển hành vi của người học trong cả quá trình học, một “cây gậy và củ cà rốt” để bắt người học nỗ lực tiếp thu những gì được quy định trong chương trình học.

Đó là một thực tế mà chúng ta khó phủ nhận. Tuy nhiên, quan điểm này cũng chính là nguyên nhân đã khiến việc học của con em chúng ta biến thành một cơn ác mộng, khiến có em trầm cảm, thậm chí tự tử sau các kỳ thi. Chính nó đã khiến việc học, thay vì là một quá trình khám phá và nhận thức đầy hứng thú, lại là một công việc khổ sai đầy áp lực.

Quan niệm này đã làm nảy sinh một thực tế ngược đời “thi gì học nấy” trong lúc lẽ ra phải là “học gì thi nấy”. Quan niệm này đã biến việc vượt qua kỳ thi và lấy được tấm bằng trở thành mục đích của việc học, trong lúc lẽ ra việc tìm kiếm tri thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực và nhân cách mới là mục đích thực sự của việc học.

Vì thế, cải cách thi cử nói chung, và tìm kiếm các hình thức thi cử phù hợp nói riêng, phải dựa trên việc trả lời lại câu hỏi “Thi để làm gì?”.

Thi cử là một trong những hình thức đánh giá kết quả học tập, một quá trình thu thập thông tin về những gì người học đạt được và so sánh nó với mục tiêu đã được xác định trước của chương trình học, hay là mục đích giáo dục nói chung, để biết mục đích đó đã đạt được đến mức độ nào.

Vì thế, việc đánh giá kết quả học tập/ thi cử phải được thực hiện thường xuyên trong cả quá trình học, để người học biết mức độ tiến bộ của mình, và để người dạy điều chỉnh việc dạy học của mình nhằm đạt tới mục tiêu. Việc thi cử sẽ đạt được hiệu quả hữu ích nhất khi nó gắn chặt với mục tiêu của chương trình giáo dục.

THI TRẮC NGHIỆM VÀ THI TỰ LUẬN

Khi lựa chọn một hình thức đánh giá kết quả học tập, người ta phải cân nhắc nhiều yếu tố, chẳng hạn, nó gắn bó với mục tiêu giáo dục ở mức độ nào (nó có nhằm đo lường những gì chúng ta muốn người học đạt được hay không), giá trị giáo dục của nó là gì (nó có khích lệ người học tiếp tục những hành vi mà chúng ta mong muốn, ví dụ tư duy độc lập, và hạn chế người học những hành vi không được mong muốn, ví dụ học vẹt, hay không); giá trị kinh tế của nó là gì (chi phí cho nó có quá tốn kém tới mức phi thực tế hay không, nhất là thực hiện trên quy mô lớn và so với những hình thức đánh giá khác); thời gian để thực hiện nó có khả thi hay không (bao nhiêu phút là thích hợp?); nó có phù hợp với các chuẩn mực đạo đức thông thường hay không, nó có dựa trên các thiên kiến hay không, vân vân.

Hình thức thi trắc nghiệm được ưa thích một phần là do tính “khách quan” của nó. Tức là nó không bị ảnh hưởng của người chấm. Mỗi câu trả lời chỉ có đúng hoặc sai dựa trên đáp án, vì thế người chấm không thể diễn giải khác đi được. Ngược lại, thi tự luận là một hình thức đo lường rất “chủ quan”, tức có khả năng bài thi được diễn giải và đánh giá khác nhau với những người chấm khác nhau.

Tuy nhiên, thi trắc nghiệm không đo lường được những gì mà một bài thi tự luận có thể đo, đặc biệt là trong các bộ môn Khoa học xã hội. Mặc dù một bài thi trắc nghiệm được thiết kế tốt có thể đòi hỏi thí sinh phải suy luận để tìm được câu trả lời đúng, về cơ bản nó vẫn là nhằm kiểm tra kiến thức, và nó chỉ có thể đặt người thi vào một trong hai khả năng: đúng hoặc sai.

Trong khi đó, một bài thi tự luận được thiết kế tốt sẽ đòi hỏi thí sinh không chỉ có kiến thức mà là khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề. Nó không thể chỉ dựa trên trí nhớ về những thông tin đã biết, mà đòi hỏi người viết sử dụng những thông tin đó theo một trật tự logic chặt chẽ nhằm trình bày vấn đề một cách đầy đủ. Nó đòi hỏi khả năng tư duy, vì vậy nó bộc lộ mức độ thành thạo những kỹ năng như kỹ năng lập luận và sử dụng ngôn ngữ. Nó biểu lộ những gì người học thụ đắc qua quá trình học, chứ không chỉ là những kiến thức mà người học nhớ được.

“Nếu bạn chưa hiểu một vấn đề nào đó theo ít ra là vài cách khác nhau thì thực ra là bạn chưa hề hiểu vấn đề ấy” (Bob Kizlik). Câu nói này có thể diễn đạt tầm quan trọng của thi tự luận. Bài thi tự luận phải trình bày quá trình bạn đi tới kết luận, chứ không phải chỉ nói lên kết luận ấy. Điều này đặc biệt cần nhấn mạnh đối với các môn như Ngữ Văn, Lịch sử hay Triết học. Quá trình nhận thức này mới chính là cái chúng ta muốn người học trải nghiệm, vì chỉ có trải nghiệm nó, họ mới trở thành người trưởng thành. Nó là quá trình mỗi người tự “cãi nhau” với chính mình, với bốn phương tám hướng bá quan văn võ, lật đi lật lại vấn đề, nhìn nó từ nhiều góc nhìn khác nhau, với những quan điểm và lập trường khác nhau, tự chứng minh rồi lại tự phủ định, để rồi cuối cùng đi đến một kết luận nào đó. Kết luận đó có thể đúng hay sai, chuyện đó thật ra không quan trọng lắm, vì nói cho cùng, có gì trên đời đúng tuyệt đối hay sai tuyệt đối? Cái đúng hôm nay có thể ngày mai không còn đúng, đúng ở chỗ này không đúng ở chỗ khác, đúng với người này không đúng với người kia, đúng trong bối cảnh này không đúng trong bối cảnh khác. Nhưng trong quá trình vật lộn ấy, người học hiểu được quan điểm của người khác, mài sắc khả năng lập luận cũng như rèn luyện khả năng khoan dung và biết chấp nhận sự khác biệt. Đó mới là cái mà nền giáo dục của chúng ta cần mang lại cho người học.

Thi trắc nghiệm sẽ không thể nào thể hiện được quá trình nhận thức và năng lực tư duy cũng như kỹ năng trình bày của người học. Mà đó mới chính là những năng lực sống còn khi người học bước chân vào cuộc đời thực. Nếu chỉ có thi trắc nghiệm, chúng ta vô tình khích lệ lối học coi kiến thức là mục đích của việc học, trong lúc rõ ràng kiến thức chỉ là một phần nhỏ trong những gì một người cần được trang bị để bước vào đời. Khả năng vận dụng kiến thức là điều quan trọng hơn nhiều và cần được nhấn mạnh hơn nhiều. Vì thế chúng ta cần chú trọng hơn đến việc đánh giá kết quả học tập qua hình thức tự luận.

Nhưng, nói đi thì cũng phải nói lại, để thi tự luận có thể mang lại ý nghĩa tích cực, thì giáo viên phải được huấn luyện kỹ cách đánh giá và nhất là phải hiểu thấu đáo mục tiêu của giáo dục. Nếu thi tự luận theo lối khích lệ học trò học thuộc bài văn mẫu, thì kết quả chỉ là “bằng mười phụ nhau” mà thôi.

Văn mẫu là thứ đi ngược lại hoàn toàn tất cả mục tiêu giáo dục và chuẩn mực đạo đức cũng như văn hóa học thuật. Văn mẫu là thứ công cụ tốt nhất để thầy cô giáo không cần suy nghĩ, để biến học trò thành cái máy và làm tê liệt mọi khả năng cũng như cảm hứng học tập. Điểm số duy nhất xứng đáng cho bài làm chép lại bài văn mẫu là điểm 0. Thật đáng tiếc là văn mẫu đã và đang là hiện tượng phổ biến.

Trước khi phổ biến hình thức thi tự luận, văn mẫu phải được quét sạch ra khỏi nhà trường. Các thầy cô cần được khích lệ tôn trọng những suy nghĩ độc lập và đa dạng của học trò, và giúp đỡ người học trưởng thành từng bước trong quá trình tự nhận thức.

Chắc chắn là chúng ta cần một thời gian dài để điều đó thành hiện thực. Vì thế, trong hiện tại, với kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia, chúng ta nên kết hợp hai hình thức thi trắc nghiệm và tự luận với một tỷ trọng phù hợp trong các bài thi những môn khoa học xã hội, để hai hình thức này có thể bổ sung những ưu nhược của nhau, trong lúc vẫn khích lệ người học rèn luyện cách tư duy và diễn đạt.