XÂY DỰNG MỘT HỆ THỐNG QUẢN TRỊ ĐẠI HỌC HIỆU QUẢ-

KINH NGHIỆM CỦA HOA KỲ VÀ KHẢ NĂNG VẬN DỤNG TẠI VIỆT NAM

 Phạm Thị Ly (2008)
Học giả Fulbright 2008-2009, Pratt Institute, New York, Hoa Kỳ
(Đăng trong sách “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam- Hai thời khắc đầu thế kỷ”, trang 211-241, NXB Văn hóa Saigon, 2009).

Tóm tắt: Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mà ngân sách chi cho giáo dục so vói tương quan GDP rất cao, nhưng hiệu quả thì thấp, đặc biệt là trong giáo dục đại học. Bài viết này nêu vấn đề về đổi mới hệ thống quản trị đại học của Việt Nam: Liệu có thể vận dụng những kinh nghiệm thành công trong quản trị đại học của Hoa Kỳ? Nếu không thì vì sao, và nếu có, thì với những thay đổi và điều chỉnh như thế nào; lợi ích và cái giá phải trả cho những thay đổi ấy. Bài viết cũng cho thấy điểm mạnh trong mô hình quản trị của hệ thống Hoa Kỳ là sự chia sẻ quyền lực và trách nhiệm giữa quản trị, quản lý, điều hành, cũng như đòi hỏi bắt buộc về sự minh bạch và giải trình trách nhiệm. Bài viết cũng phân tích hiện trạng của các đại học Việt Nam, lý do vì sao những chính sách mới không luôn luôn thành công, đồng thời đề nghị một số điều chỉnh trong mô hình Hoa Kỳ để có thể áp dụng được ở VN.

Ngày nay, việc lãnh đạo có hiệu quả được coi là nhân tố quyết định tạo ra thành công của một tổ chức, vì vậy tầm quan trọng của việc lãnh đạo đang được nhấn mạnh hơn bao giờ hết.  Không còn gì nghi ngờ về việc lợi nhuận của một tổ chức phụ thuộc trực tiếp vào việc sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực của tổ chức đó. Những người lãnh đạo giỏi là những người có khả năng “học được cách chắp cánh cho trí tưởng tượng, sự sáng tạo, sáng kiến, tính chủ động, các bí quyết…của những người làm việc dưới quyền mình”(Bennis 2003). Lãnh đạo giỏi là biết cách tổ chức, phối hợp những bộ óc thông minh khác nhau, tạo ra nguồn vốn trí tuệ, và đó chính là bí quyết mới tạo ra lợi thế cạnh tranh của mọi tổ chức trong thế giới ngày nay. Nói cách khác, lãnh đạo giỏi là tạo ra một hệ thống quản trị tốt. Điều này đặc biệt đúng đối với giáo dục đại học, nơi nguồn vốn quan trọng nhất chính là con người, và sản phẩm quan trọng nhất là tri thức. Một hệ thống quản trị tốt sẽ khơi dậy và khuyến khích cái tốt phát triển, trái lại nó sẽ làm băng hoại mọi giá trị và hủy hoại môi trường đại học. Vì vậy người viết bài này tin rằng muốn thay đổi hình ảnh của giáo dục đại học Việt Nam, nhất thiết phải bắt đầu từ hệ thống quản trị.

Khái niệm quản trị

 Trong tiếng Việt, dường như không có sự phân biệt thật rõ giữa “governance” (quản trị), “administration” (quản lý) và “management” (điều hành). Chúng ta vẫn thường thấy ba thuật ngữ này đều có thể được dịch sang tiếng Việt thành “quản lý” với ý nghĩa ít nhiều khác nhau tùy theo bối cảnh sử dụng. Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “điều hành: điều khiển mọi bộ phận và quy trình hoạt động chung; quản lý: tổ chức và điều khiển hoặc trông coi và giữ gìn các hoạt động theo những yêu cầu nhất định; quản trị: quản lý và điều hành công việc thường ngày”[1]. Thực ra định nghĩa như vậy không đủ để phân biệt ba khái niệm này, đặc biệt là khái niệm về quản trị, vì đó là ba khái niệm khác nhau với nội dung khác nhau tuy có liên hệ với nhau khá chặt chẽ trong thực tiễn của mọi tổ chức.

Từ “governance” (tạm dịch: quản trị) có gốc trong tiếng Latin gắn với khái niệm “tay lái”, ngày nay được xem là phương pháp, hay hệ thống mà qua đó một tổ chức, một cơ quan đơn vị được điều hành và cai quản. Cụ thể hơn, quản trị là những phương cách để những người có thẩm quyền lãnh đạo, thường là hội đồng quản trị của các tổ chức, hướng dẫn và giám sát các mục tiêu và giá trị của tổ chức đó thông qua chính sách và quy trình thực hiện. Nó là hành động xây dựng và tập hợp các quy tắc, hệ thống nhằm quản lý và kiểm soát các tổ chức, cơ quan, đơn vị, hơn là những hành động cụ thể để thực hiện việc quản lý và kiểm soát hoạt động của tổ chức đó. Khái niệm “administration” (quản lý) chính là để nói về những hành động cụ thể này, nói về việc tổ chức thực hiện những chính sách đó thông qua phối hợp các nguồn lực. Còn “management” (điều hành) là cụ thể thêm một bậc nữa, nói về quá trình triển khai, vận dụng, và hướng dẫn trực tiếp để thực hiện công việc của một tổ chức, một cơ quan hay doanh nghiệp. Management trong tiếng Pháp cổ có nghĩa là “nghệ thuật sắp đặt, hướng dẫn”, có nguồn gốc từ tiếng Latin manuagere nghĩa là “hướng dẫn bằng tay”, ngụ ý “cầm tay chỉ việc”. Người quản lý là người hướng dẫn người khác làm theo một kế hoạch đã định. Trong lúc đó, xây dựng kế hoạch là việc của nhà quản lý, còn xác định phương hướng chiến lược và cơ chế quản trị làm cơ sở cho các kế hoạch là việc của các nhà lãnh đạo. Cần phân biệt việc quản trị và quản lý vì việc quản trị bắt đầu ngay từ khi khởi đầu quá trình và nhiệm vụ của quản trị là xây dựng các chính sách, còn quản lý thì làm tất cả những việc tiếp theo.

Trong ba khái niệm này, thì quản trị có một tầm quan trọng đặc biệt, cũng như khi tay lái mà hỏng thì dù người lái có tài giỏi đến đâu,  chiếc xe có tốt đến đâu đi nữa, có dát vàng hay nạm kim cương, thì cũng không thể vận hành về đến đích.

Mô hình quản trị hiện nay của các trường đại học Việt Nam

Mô hình quản trị hiện nay của các trường đại học Việt Nam đã bắt đầu từ thập kỷ 50-60 của thế kỷ 20 và tiếp tục cho đến ngày nay, về cơ bản gần như không thay đổi, trong lúc hiện nay những điều kiện kinh tế và xã hội của đất nước cũng như bối cảnh toàn cầu đã có những thay đổi hết sức sâu sắc.

Trở lại khái niệm về quản trị, nói đến quản trị là nói đến phương thức thực hiện quyền lực, hay nói cách khác, ai là người có quyền quyết định, và các quyết định trong nhà trường đã được hình thành bằng cách nào. Hệ thống đại học Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã hoạt động với rất ít quyền tự chủ, và Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng một vai trò – về một số phương diện- gần giống như Hội đồng Quản trị của các trường đại học phương Tây, nghĩa là cung cấp ngân sách, xây dựng đường lối chiến lược phát triển, cơ chế quản lý của các trường, bổ nhiệm Hiệu trưởng, thậm chí còn quyết định thay cho các trường những việc thuộc lãnh vực của các nhà quản lý chứ không phải là chức năng của quản trị, như chương trình đào tạo, mức thu học phí hay chỉ tiêu tuyển sinh từng năm.  Vì vậy, lãnh đạo các trường gần như không có cơ hội thực hiện chức năng quản trị, mà chỉ là những nhà quản lý cao cấp, với nhiệm vụ chính là tổ chức thực hiện những chính sách và quy định của Bộ.

Một hệ thống như vậy có thể tỏ ra hiệu quả trong điều kiện sơ khai của giáo dục đại học, khi số lượng các trường còn ít, điều kiện kinh tế, văn hóa của đại bộ phận dân cư trong xã hội còn tương đối thuần nhất, những yêu cầu của xã hội đối với các trường đại học còn tương đối đơn giản, mối quan hệ của Việt Nam và các quốc gia khác còn ít phát triển. Nó có thể giúp hạn chế một số tiêu cực, ví dụ như khi các trường được tự quyết định số lượng tuyển sinh, họ có thể vì lợi ích cục bộ và trước mắt mà tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo của cơ sở vật chất và nhân lực của nhà trường, khiến chất lượng đào tạo giảm sút.

Nhưng ngày nay, điều kiện kinh tế và xã hội của Việt Nam đã khác rất xa so với thập kỷ 50-60, nhất là do ảnh hưởng của truyền thông, quá trình toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế. Bức tranh thực tế ngày nay là giáo dục đại học Việt Nam đang tụt hậu rất xa so với nhiều nước trong khu vực, và hiển nhiên là không bắt kịp những chuyển động mạnh mẽ của kinh tế và xã hội. Nền kinh tế đã từ lâu chuyển thành kinh tế nhiều thành phần, được gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”- bất luận diễn giải theo cách nào, cũng có nghĩa là ‘đã phần nào mang tính chất của kinh tế thị trường”. Mức độ phân hóa trong xã hội cũng đang diễn ra hết sức sâu sắc. Bối cảnh toàn cầu hóa đặt Việt Nam trong những tương quan cạnh tranh vô cùng gay gắt. Hệ thống đại học Việt Nam đứng trước sự lựa chọn “đổi mới hay là chết”, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO và tham gia Hiệp định GATS.

Những bất cập trong hệ thống quản trị hiện tại để lại hậu quả rõ nhất trong việc sử dụng nhân sự và nguồn lực, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo con người. Hệ thống này không khuyến khích chủ động và sáng tạo, không tạo điều kiện để minh bạch mọi hoạt động, thiếu những chính sách kiểm soát hợp lý và có hiệu quả do vậy không hỗ trợ cho sự trung thực. Mặt khác, do quyền quyết định tập trung ở cơ quan quản lý trung ương, hệ thống này không tập hợp được tiếng nói của các bên liên quan và không đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng và đa dạng ở các trường, các địa phương.

Câu hỏi đặt ra là thay đổi như thế nào? Liệu có thể áp dụng hệ thống quản trị của phương Tây – vốn được xây dựng trên một nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa hoàn toàn khác so với nước ta được không? Cái gì có thể tiếp thu, và cái gì cần phải điều chỉnh, điều chỉnh như thế nào và với những điều kiện gì?

Về mô hình quản trị của các trường đại học Hoa Kỳ

 Tại sao Hoa Kỳ?[2]

 Hoa Kỳ không phải là một quốc gia có truyền thống phát triển học thuật lâu đời so với các nước châu Âu như Đức hay Pháp. Nói đến cái nôi của truyền thống học thuật thì phải nói đến nước Đức, với Đại học Humboldt và những giá trị đến nay vẫn được các trường đại học trên toàn thế giới tôn trọng và theo đuổi.  Nhưng ngày nay, giáo dục đại học Hoa Kỳ đã đạt được những thành tựu lớn lao đến mức nó trở thành một khuôn mẫu cho nhiều quốc gia khác và có một ảnh hưởng to lớn trên toàn cầu[3]. Trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu do Đại học Giao thông Thượng hải thực hiện năm 2006, Hoa Kỳ chiếm 7 vị trí trong danh sách top 10 những đại học hàng đầu trên toàn thế giới.  Vì sao Hoa Kỳ đạt được những thành tựu to lớn như vậy? Một trong những nhân tố có tính chất quyết định phải kể đến là tính chất dân chủ trong hệ thống tổ chức và quản trị. Một ví dụ để thấy rõ tính chất dân chủ này là hệ thống kiểm định chất lượng. Hoa Kỳ có Bộ Giáo dục nhưng Bộ Giáo dục không có chức năng kiểm soát và đánh giá chất lượng cũng như hoạt động của các trường. Thay vào đó, các tổ chức kiểm định sẽ thực hiện kiểm định chất lượng của các ngành đào tạo và các trường đại học, dựa trên những tiêu chuẩn kiểm định được công bố minh bạch và công khai. Những tiêu chuẩn kiểm định này là sản phẩm lao động trí tuệ tập thể của những người đang hoạt động trong thực tiễn giáo dục đại học, họ cùng ngồi lại và thảo luận với nhau để đi đến sự đồng thuận đâu là những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể của chất lượng. Chính vì vậy, những tiêu chuẩn đó phản ánh cả thực tiễn lẫn khát vọng của những người làm giáo dục, nó không áp đặt, không hình thức, không viển vông, nó có thể biện minh và có thể thực hiện được. Cách làm đó là sản phẩm của nền dân chủ Hoa Kỳ, và đã được chứng tỏ là có hiệu quả trong thực tế.

Do vậy, kinh nghiệm quản trị đại học Hoa Kỳ rất đáng để nghiên cứu, dù điều chỉnh và vận dụng những kinh nghiệm ấy vào thực tiễn Việt Nam không phải là một vấn đề đơn giản.

Mô hình quản trị của các trường đại học Hoa Kỳ

Hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ nổi bật về tính chất đa dạng, tuy vậy về những mặt cơ bản vẫn có sự tương đồng đáng kể giữa các trường, đặc biệt là về mô hình quản trị.

Mục đích cơ bản của việc quản trị là tạo điều kiện để toàn bộ thành viên trong trường nhận thức đầy đủ mục tiêu và sứ mạng của nhà trường, để hoàn thành được mục tiêu và sứ mạng ấy với những cách thức hữu hiệu nhất nhằm mang lại lợi ích thực sự cho nhà trường và cho sinh viên.

Mỗi trường đại học có một tổ chức thực hiện công việc quản trị này (governing body) với những tên gọi khác nhau: board, directors, trustees, governers, regents. Những từ này đều được dịch sang tiếng Việt là hội đồng quản trị (HĐQT). Dù mang tên gọi nào thì tổ chức này cũng là đơn vị chịu trách nhiệm tối hậu về chất lượng đào tạo, về sự chính trực trong học thuật, về tài chính và tài sản của nhà trường. Tuy vậy, nó không can thiệp vào những hoạt động hàng ngày, những công việc ở tầm quản lý vi mô của nhà trường. HĐQT là người chủ trương đường lối và chính sách, là người biện hộ và bảo vệ cho nhà trường, và chịu trách nhiệm về tính thống nhất toàn vẹn cũng như chất lượng hoạt động của toàn bộ nhà trường[4].

Thông thường, chức năng của HĐQT là giám sát những chính sách bảo đảm chất lượng dạy và học, chuẩn thuận các chương trình đào tạo, xây dựng cơ chế tổ chức nhân sự trong đó có các quy định về thang bậc lương bổng, quy chế bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức vụ chủ chốt. Về mặt tài chính, vai trò của HĐQT là thiết lập cơ chế và chính sách, giúp cho hoạt động tài chính của nhà trường diễn ra lành mạnh, kiểm soát chi phí nhằm bảo đảm ngân sách của nhà trường được sử dụng một cách đúng đắn và tìm kiếm các cơ hội giúp ổn định cán cân tài chính của nhà trường.

Thành viên HĐQT cho dù được bổ nhiệm theo phương thức nào cũng chịu trách nhiệm cơ bản đối với nhà trường và không nên để chính trị hay những ảnh hưởng khác can thiệp vào bổn phận của họ với tư cách thành viên HĐQT của nhà trường. Người ta mong đợi họ kiên định với tuyên ngôn sứ mạng của nhà trường, và đại diện cho những quan điểm khác nhau, phản ánh những lợi ích, kinh nghiệm khác nhau, nói lên tiếng nói của những tính cách đa dạng về giới, về tuổi tác, về chủng tộc.

HĐQT nhà trường là những người thường không có quyền lợi gì về tài chính ở trong trường, thậm chí ngược lại, là những người ủng hộ tài chính cho nhà trường. Tiền thù lao nếu có phải được bảo đảm không vượt quá so với bổn phận của họ là bảo đảm cho sự thống nhất toàn vẹn và sự an toàn tài chính của nhà trường. Phần lớn các trường không chi trả khoản thù lao này cho thành viên HĐQT, mặc dù một khoản bù đắp cho chi phí lao động này vẫn có thể được coi là thích hợp, nhất là khi công việc này đòi hỏi họ phải dành thời gian cho nó, và nhiệm vụ thành viên HĐQT đòi hỏi một mức độ kiến thức ở cấp chuyên gia. Ở đây cần mở ngoặc để nói thêm về cơ cấu tài chính của các trường đại học ở Hoa Kỳ. Mặc dù phát triển rất mạnh về cả số lượng lẫn chất lượng, phần lớn đại học tư ở Hoa Kỳ là những tổ chức phi lợi nhuận. Họ được quyền lựa chọn khi đăng ký thành lập, là một tổ chức vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận. Nếu là tổ chức vì lợi nhuận thì nhà nước sẽ thu thuế và họ có thể sử dụng lợi nhuận sau thuế để chia cho các cổ đông. Nếu là tổ chức phi lợi nhuận thì nhà nước không thu thuế, nhưng lợi nhuận của nhà trường nếu có sẽ được đầu tư cho phát triển và cho lợi ích của sinh viên, chẳng hạn các quỹ học bổng và tài trợ nghiên cứu.

Thành viên HĐQT được bầu, hoặc được bổ nhiệm bằng cách nào? Số lượng thành viên của HĐQT nhiều ít khác nhau tùy từng trường, và tùy theo từng thời điểm cụ thể, nhưng dao động trong khoảng từ 12 đến 24 người. Điều lệ thành lập nhà trường có thể quy định về thành phần và cách thức bổ nhiệm thành viên HĐQT. Ví dụ HĐQT Trường Đại học Massachussette hiện nay có 22 người, gồm 3 người kỳ cựu không chính thức được bầu và 19 thành viên được bầu chọn, 17 người trong số này được nhà nước liên bang bổ nhiệm trong số đó ít nhất phải có năm người là cựu sinh viên và một người là đại diện của lực lượng lao động trong trường. Hai thành viên còn lại là sinh viên và do sinh viên bầu chọn theo nhiệm kỳ từng năm. Cách thức bầu chọn và bổ nhiệm thành viên HĐQT mỗi trường mỗi khác, nhưng nhìn chung, ở các trường công lập, nhà nước tiểu bang hoặc liên bang bổ nhiệm các thành viên HĐQT, thường là những người có tên tuổi, uy tín, phần lớn là các tỉ phú, và là những người đóng góp tài chính cho nhà trường. Họ cũng chính là những người sẽ tiến hành các hoạt động gây quỹ cho nhà trường sau này, và không thu một lợi lộc gì về tiền bạc cho bản thân họ trong các hoạt động ấy. Ở trường tư, HĐQT ban đầu là những người sáng lập, những người đầu tư tiền của xây dựng nhà trường và những người được mời tham gia, về sau chính HĐQT này sẽ bầu chọn những thành viên mới để bổ sung khi có yêu cầu.

Hai câu hỏi được đặt ra: với một thành phần “không chuyên” như vậy, trong bối cảnh các thành viên không có lợi lộc cá nhân gì trong việc tham gia HĐQT, thì liệu thành viên HĐQT có đủ năng lực lèo lái nhà trường, và nếu không có lợi lộc gì thì vì sao họ tham gia HĐQT nhà trường? Hai câu hỏi này rất cần được trả lời, vì nó thể hiện tính chất đặc thù của giáo dục Hoa Kỳ mà những người ở các quốc gia khác, thuộc một hệ thống chính trị xã hội khác, trên cơ sở những trải nghiệm thực tiễn khác, có thể khó hình dung được.

Như trên đã nói, thành viên HĐQT nhà trường do nhà nước bổ nhiệm, hoặc được bầu, thường là những người giàu có, danh tiếng, uy tín, thành công đặc biệt về một lãnh vực nào đó ở địa phương. Họ có thể không phải là một nhà khoa học hay một nhà giáo dục, nhưng chắc chắn là người có kiến thức, kinh nghiệm, và am hiểu sâu về một lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như tài chính, đầu tư, chính trị, nghệ thuật, xã hội, v.v. HĐQT của trường đại học thường có hơn hai mươi thành viên, vì vậy thành phần chuyên môn của họ cũng hết sức đa dạng, mỗi người có am hiểu sâu có uy tín và tiếng nói trong một lĩnh vực, nhờ đó HĐQT có được một quan điểm toàn diện. Hơn nữa, nền giáo dục Hoa Kỳ vốn rất chú trọng giáo dục văn hóa tổng quát (liberal arts education), nhờ vậy những người được thụ hưởng giáo dục thường có một nền tảng tri thức rộng rãi và cơ bản. Thực tế cũng cho thấy những người đạt được thành công trong xã hội, nhất là về mặt tài chính, không phải là những người mà kiến thức chỉ bó hẹp trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Họ có thể không phải là những người có bằng cấp cao hay học vị học hàm, nhưng chắc chắn là những người biết cách học hỏi và luôn luôn học hỏi để nâng cao hiểu biết.

Thành viên HĐQT không có lợi lộc gì về mặt tài chính ở trong trường, phần lớn là làm việc không lương, vậy họ tham gia HĐQT nhà trường vì lẽ gì? Khó mà hiểu đúng điều này nếu chỉ thấy Hoa Kỳ là một quốc gia tư bản chủ nghĩa, nghĩa là về cơ bản mọi hoạt động đều được thúc đẩy bằng động cơ lợi nhuận. Cần thấy rằng ngay từ những ngày đầu thành lập, Hoa Kỳ đã gắn bản sắc quốc gia với sức mạnh của giáo dục. “W.E.B. Du Bois ngay từ năm 1903 đã thấy “Giáo dục và việc làm là những cái đòn bẩy nâng con người lên”. “Giáo dục đã biến những hứa hẹn của nước Mỹ thành hiện thực”[5].  Có lẽ ít nơi nào như Hoa Kỳ, các trường đại học hoạt động không chỉ dựa trên ngân sách nhà nước, dựa trên nguồn thu từ học phí và các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ, mà còn dựa vào một nguồn quỹ hiến tặng (endowment) khổng lồ từ các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là cựu sinh viên của nhà trường. Quỹ hiến tặng của Trường Đại học Harvard trong năm 2007 là trên 37 tỷ đô la Mỹ! Như vậy để thấy, người dân Hoa Kỳ rất xem trọng vai trò của giáo dục và việc đóng góp cho giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Nhiều người Mỹ khi đã thành đạt cảm thấy họ mang một món nợ đối với xã hội và đóng góp cho các hoạt động công ích xã hội trong đó có giáo dục chính là cách để họ trả món nợ ấy. Quan niệm này là một giá trị phổ biến trong xã hội Hoa Kỳ. Tham gia việc quản trị một trường đại học với tư cách thành viên HĐQT là một vinh dự vô cùng to lớn. HĐQT phục vụ nhà trường trên cơ sở giúp nhà trường mang lại lợi ích cao nhất cho cộng đồng và cho đất nước. Đó là một đóng góp lớn lao cho cộng đồng xã hội, và rất được mọi người kính trọng.

Công việc cụ thể của Hội đồng Quản trị ở các trường đại học Hoa Kỳ

HĐQT hoạt động như một cơ quan lập pháp của nhà trường, và chủ yếu là giải quyết những vấn đề về chính sách, cơ chế; trước hết là những chính sách, cơ chế để vận hành bộ máy quản lý nhà trường, tuy rằng Hiệu trưởng được giao quyền hạn rất lớn để xử lý những công việc hàng ngày của nhà trường. Trên cơ sở những chính sách và cơ chế chung ấy, các nhà quản lý xây dựng những quy định cụ thể và chịu trách nhiệm trước HĐQT về phần việc mà mình phụ trách. Hoạt động của các HĐQT ở các trường khác nhau có thể khác nhau ít nhiều, nhưng về cơ bản có thể được miêu tả như sau:

Về mặt tài chính, HĐQT có trách nhiệm bảo đảm ngân quỹ của nhà trường được sử dụng một cách thích đáng, tài sản của nhà trường được quản lý một cách phù hợp, và mang lại những kết quả tích cực. Làm cách nào để thực hiện được điều này thông qua các hoạt động hàng ngày, là trách nhiệm của hiệu trưởng và đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt do hiệu trưởng phân công. Công việc của HĐQT là xây dựng chính sách, cụ thể là:

  • Định kỳ xem xét lại các chính sách, quy định về tiền lương, thưởng, phúc lợi, chi phí đi lại, v.v. để kịp thời bổ sung, điều chỉnh hay thay đổi cho phù hợp. Trách nhiệm về việc soạn thảo hướng dẫn và quy định thực hiện là của Hiệu trưởng và các nhà quản lý.
  • Chuẩn thuận kế hoạch ngân sách hoạt động của nhà trường: HĐQT có trách nhiệm xem xét việc chấp thuận kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm của nhà trường. Bảng dự toán này phản ánh các kế hoạch của nhà trường trong việc tận dụng những nguồn tài chính công thích hợp, cũng như nguồn thu từ học phí, từ các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ, từ các khoản tài trợ nghiên cứu của chính phủ và hiến tặng của các tổ chức và tư nhân. Phó Hiệu trưởng phụ trách về Tài chính của trường, với sự trợ giúp của các đồng sự, các nhà kiểm toán và tư vấn bên ngoài nhà trường, phải thường xuyên báo cáo về tình trạng tài chính của nhà trường với HĐQT.
  • HĐQT hàng năm ấn định mức thu học phí của sinh viên, thay mặt nhà trường vận động các khoản hiến tặng, chuẩn thuận những giao dịch lớn của nhà trường như mở rộng đất đai, xây dựng thêm cơ sở, v.v.

Về mặt nhân sự, HĐQT không can thiệp trực tiếp vào việc tuyển dụng hay sa thải nhân sự của nhà trường, ngoại trừ trường hợp lựa chọn và bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng (President). Tuy vậy, HĐQT có quyền bỏ phiếu để thông qua biên chế giảng viên, chuẩn thuận chức danh giáo sư[6].

Về mặt đào tạo và nghiên cứu khoa học, HĐQT là nơi ban hành những ưu tiên chiến lược cho nhà trường trong các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, hoạt động dịch vụ, và cùng với hiệu trưởng xác định tuyên ngôn sứ mạng của nhà trường. HĐQT giám sát những chủ trương của nhà trường trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong những vấn đề về sinh viên. HĐQT bỏ phiếu để thông qua quy định về tuyển sinh, về học bổng, thông qua các chương trình đào tạo trên cơ sở các báo cáo thường xuyên về tái cấu trúc chương trình kéo theo nó là phân bổ lại ngân sách và nguồn lực, cũng như các báo cáo về hợp tác liên kết với các trường khác. HĐQT cũng xem xét các kế hoạch phục vụ cộng đồng, các hoạt động dịch vụ, chuyển giao công nghệ của nhà trường.

Bên cạnh đó, HĐQT cũng bỏ phiếu thông qua Quy định về Hạnh kiểm Sinh viên. Đây là những quy tắc, tiêu chuẩn về hạnh kiểm và tri thức nhằm bảo vệ mục đích giáo dục của nhà trường và tính chất thống nhất của mọi hành động. Sinh viên vi phạm các nguyên tắc này có thể bị kỷ luật theo quy định.

Những giá trị tích cực trong mô hình quản trị đại học của Hoa Kỳ

Quan hệ giữa HĐQT các trường đại học Hoa Kỳ và hệ thống quản lý của nhà trường về bản chất gần giống như quan hệ giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp của nhà nước Hoa Kỳ.

Như đã trình bày ở phần trên, mối quan tâm mạnh mẽ của các cá nhân và công chúng đối với giáo dục ở Hoa Kỳ đã tạo điều kiện hình thành một cơ cấu HĐQT mang tính chất công dân và không chuyên môn. Đặc điểm đặc biệt này của HĐQT trị đã cho phép các đại học Hoa Kỳ có được một hệ thống quản trị phi tập trung, trong đó thẩm quyền và quyền lực được phân phối cho nhiều người theo một khuôn mẫu thường được gọi là “hệ thống quản trị cùng chia sẻ” (shared governance): một khuôn mẫu ra quyết định có tính chất dân chủ -đại diện hoặc tập thể. Khái niệm quản trị chia sẻ xác định rằng việc quản trị được coi như những nỗ lực liên kết trong hoạt động nội bộ nhà trường, nhưng đồng thời cũng được miêu tả như là những quyết định thuộc loại nào sẽ là lãnh địa của nhóm người nào. Ví dụ quản lý các quỹ hiến tặng và xây dựng chính sách là việc của hội đồng quản trị, tổng chỉ huy việc quản lý điều hành là việc của hiệu trưởng, và xây dựng chương trình đào tạo là việc của các giảng viên.  Không phải tất cả các quyết định đều rơi vào lãnh vực của một trong ba nhóm này một cách rõ ràng, hiển nhiên, nhưng nó lưu ý rằng phần lớn việc quản trị nên được cùng nhau thực hiện, hay nói cách khác, nhiều thành viên khác nhau trong trường nên can dự vào những quyết định trọng yếu của nhà trường, đó là bản chất cốt yếu của quá trình được gọi là “quản trị cùng chia sẻ”. Những vấn đề về chính sách giáo dục nói chung, định hướng và thực hiện những kế hoạch dài hạn, sử dụng ngân sách, lựa chọn hiệu trưởng cũng nên được cùng quyết định theo cách như vậy[7].

Thế còn trách nhiệm? Một khái niệm trụ cột trong hệ thống quản trị Hoa Kỳ là giải trình trách nhiệm (accountability). Cần lưu ý rằng việc quản trị, theo nghĩa vạch ra chính sách và kế hoạch chiến lược, thì được thực hiện theo lối phi tập trung và cùng chia sẻ, nhưng trách nhiệm thì bao giờ cũng thuộc về lĩnh vực quản lý, và bao giờ cũng là trách nhiệm cá nhân. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước HĐQT về toàn bộ hoạt động của nhà trường. Từng cán bộ, giảng viên phải chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về phần việc của mình.

Một hệ thống quản trị như vậy trong thực tế đã phát huy được trí tuệ tập thể, tránh được sự chuyên quyền, và đề cao trách nhiệm cá nhân. Đó là những giá trị cốt yếu góp phần quan trọng tạo nên hiệu quả của các trường đại học Hoa Kỳ.

Cải cách hệ thống quản trị- bài toán khó của các trường đại học Việt Nam

Trong những năm đầu của thế kỷ XX1, nhà nước Việt Nam cũng đã nhận thức được nhu cầu cấp bách phải đổi mới giáo dục đại học, và cũng đã từng ban hành chủ trương thành lập Hội đồng Trường ở các trường đại học. Nhưng cho đến nay, gần như chưa có trường công lập nào thành lập được Hội đồng trường với đầy đủ chức năng và quyền hành theo quy định, còn HĐQT của các trường đại học tư thì về bản chất hoạt động giống như HĐQT của các doanh nghiệp, không giống với khái niệm Hội đồng Trường của đại học ở các nước. Vì sao như vậy?

Chủ trương thành lập Hội đồng trường chính thức có từ luật Giáo dục năm 2005 tại điều 53 và được viết như sau:”1- Hội đồng trường đối với trường công lập, hội đồng quản trị đối với trường dân lập, trường tư thục (sau đây gọi chung là hội đồng trường) là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục. 2- Hội đồng trường có các nhiệm vụ sau đây: a/ Quyết nghị về mục tiêu, chiến lược, các dự án và kế hoạch phát triển của trường; b/ Quyết nghị về quy chế hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của  nhà trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; c/ Quyết nghị về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường; d/ Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường. 3- Thủ tục thành lập, cơ cấu tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ cụ thể của hội đồng trường được quy định trong điều lệ nhà trường”. Như vậy, xét về khái niệm, Hội đồng Trường được đề cập trong Luật Giáo dục Việt Nam năm 2005 gần như là hoàn toàn trùng khớp với chức năng và nhiệm vụ của hội đồng trường như đã được miêu tả trong hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ. Điểm khác biệt nếu có, chính là ở cơ chế bổ nhiệm và thành phần cơ cấu của Hội đồng Trường. Điều lệ Trường Đại học ban hành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30-7-2003 quy định: “Hội đồng trường có các thành viên là: Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy trường, đại diện các giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có uy tín trong và ngoài trường, các tổ chức chính trị – xã hội trong trường, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường. Chủ tịch Hội đồng trường là chuyên trách và do các thành viên của Hội đồng trường bầu theo nguyên tắc đa số phiếu. Hiệu trưởng không kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường”.

Như đã trình bày ở phần trên, Hội đồng Quản trị của các trường đại học Hoa Kỳ là một tập thể mang tính chất công dân, và nhiệm vụ chính yếu của họ là bảo đảm cho nhà trường thực hiện tốt nhất việc phục vụ cho lợi ích của cộng đồng xã hội. Thành phần của Hội đồng Trường theo quy định của nhà nước Việt nam trên đây thì khác hẳn: nó bao gồm chủ yếu là những người đang làm việc ở trong trường, hưởng lương của nhà trường, có lợi ích vật chất và tinh thần gắn chặt với nhà trường. Lẽ tất nhiên là với một thành phần như vậy, một Hội đồng trường Việt Nam, nếu như được thành lập, sẽ khó lòng tránh khỏi trùng lặp với bộ máy quản lý hiện hành, làm cho việc quản trị chồng chéo lên việc quản lý và có khả năng tạo ra mâu thuẫn, nhất là ở các trường công lập. Đó chính là lý do khiến không một trường công lập nào ở Việt Nam, cho đến hiện nay, tha thiết với việc thành lập Hội đồng trường, và chủ trương này hầu như đã không triển khai được trong thực tế ở các trường công lập.

Ở các trường đại học tư thì tình hình có khác. Đại học tư ở Việt Nam tất yếu có HĐQT, bởi vì các trường đại học tư cần một số vốn lớn ban đầu để có thể hoạt động, nên các nhà sáng lập và đầu tư đương nhiên trở thành thành viên của HĐQT nhà trường. Tuy vậy, một lần nữa cần phải nhấn mạnh một thực tế là HĐQT của các trường đại học tư ở Việt Nam hoạt động giống như HĐQT của các doanh nghiệp, chứ không giống như HĐQT của các trường đại học ở Hoa Kỳ. Điểm khác biệt hết sức căn bản là thành viên HĐQT của các trường đại học tư ở Việt nam là những nhà đầu tư, chứ không phải những nhà tài trợ. Lợi ích của nhà trường gắn chặt với lợi ích của cá nhân họ. Điều này hoàn toàn khác so với các trường đại học Hoa Kỳ, khi thành viên HĐQT không ăn lương, không chia lãi, không có lợi ích vật chất gì đối với nhà trường. Một khi thành phần đã khác, tính chất đã khác, lẽ đương nhiên mục tiêu và bản chất hoạt động cũng sẽ khác.

Liệu có thể xây dựng ở Việt Nam một HĐQT trường đại học theo khuôn mẫu của Hoa Kỳ, với thành phần tương tự, tính chất, chức năng và nhiệm vụ tương tự được không? Câu trả lời là không, ít nhất là trong bối cảnh hiện tại. Vì sao? Như có thể thấy rõ trong phần trên, cơ chế quản trị của các trường đại học Hoa Kỳ được xây dựng trên nền tảng xã hội của một quốc gia phát triển, trong một hệ thống minh bạch về trách nhiệm, một xã hội rất phát triển về ý thức công dân. Không phải không có những doanh nhân giàu có và thành đạt ở Việt Nam có thể tài trợ cho trường đại học mà không nhằm thu lại một món lợi nhuận cụ thể, không phải không có những người tâm huyết có thể làm việc không hưởng lương cho trường đại học để trường đại học ấy có thể phục vụ tốt nhất cho cộng đồng xã hội, nhưng những người như vậy còn là một thiểu số rất ít và Việt Nam chưa có một hệ thống pháp lý hỗ trợ cho những nỗ lực ấy trở thành hiện thực, trái lại, rào cản thì quá nhiều và quá mạnh. Rào cản lớn nhất phải kể đến là xu hướng thương mại hóa giáo dục. Giáo dục là lợi ích công, hay một hàng hóa khả mại, câu hỏi ấy vẫn đang là đề tài của cuộc tranh luận bất tận ngay cả ở các nước phát triển, nhưng trong thực tế ở Việt Nam, giáo dục đang là hàng hóa. Xây dựng hệ thống quản trị đại học, thực chất là xây dựng cơ chế phân bố thẩm quyền và trách nhiệm, nhưng một khi thẩm quyền được xem như quyền lực, và quyền lực gắn trực tiếp với lợi ích vật chất, thì tham tố này sẽ làm thay đổi hoàn toàn bức tranh về việc tái cấu trúc hệ thống quản trị.

Những trình bày trên đây cho thấy cải cách hệ thống quản trị ở các trường đại học Việt Nam là một bài toán nan giải. Hội đồng Trường là một cơ chế quản trị tiên tiến và đã chứng tỏ tính chất hữu hiệu qua những thành công của hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ, chính vì vậy nhà nước Việt Nam đã chủ trương vận dụng thậm chí đã đưa vào Luật Giáo dục, với một số điều chỉnh về thành phần tham gia như đã nói trên. Thực tế cho thấy mô hình này đã không triển khai được trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Việt Nam không thể sao chép hoàn toàn mô hình của Hoa Kỳ, như đã phân tích, và cũng không thực hiện được một mô hình có điều chỉnh như đã điều chỉnh trong Điều lệ Trường Đại học, vậy thì đâu là giải pháp để cải cách hệ thống quản trị đại học Việt Nam?

Một số khuyến nghị

Trở lại thực tế hiện nay của Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm thay công việc của HĐQT cho các trường. Đã có ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT nên trả lại vai trò này cho các trường[9], đã có nhiều kiến nghị về việc nâng cao quyền tự chủ của các trường đại học[10], nhưng có lẽ vấn đề cần được giải quyết một cách cơ bản hơn và có hệ thống hơn.

Giáo dục, về mặt nào đó, là một loại dịch vụ, do đó là một thứ hàng hóa, nhưng do tính chất tác động sâu sắc đến xã hội, nó phải được coi là một hàng hóa đặc biệt được chi phối sâu sắc bởi tính chất lợi ích công của nó, và về cơ bản phải được xem là lợi ích công. Không có một nền kinh tế vững mạnh nào mà không có cột trụ vững chắc của giáo dục, và chưa từng có một quốc gia nào phó mặc cho giáo dục trở thành hàng hóa theo quy luật của kinh tế thị trường mà có thể thành công trong phát triển kinh tế. Giáo dục làm thay đổi cuộc sống và số phận của các cá nhân, nhưng cũng trực tiếp sản sinh ra tri thức và tạo ra thay đổi cho xã hội về tất cả các mặt kinh tế, chính trị và văn hóa. Hoa Kỳ ý thức rất rõ về điều này: “Giáo dục đã biến những hứa hẹn của nước Mỹ thành hiện thực” (bài đã dẫn). Chính vì vậy những thay đổi trong chính sách giáo dục phải được cân nhắc trên cơ sở lợi ích của quốc gia, thay vì lợi ích của một ngành, một trường, hay một nhóm lợi ích nào.

Cơ chế HĐQT của các đại học Hoa Kỳ đã chứng tỏ được tính chất hữu hiệu của nó, là do nó đã tách việc quản trị ra khỏi việc quản lý, giống như cơ quan lập pháp phải tách rời khỏi cơ quan hành pháp, và tách việc quản trị ra khỏi những mối liên hệ về quyền lợi vật chất vốn có thể khuynh đảo mọi quyết định. Lịch sử đã chứng minh chỉ có quyền lực mới có thể hạn chế được quyền lực, và chỉ có cơ chế giải trình trách nhiệm minh bạch trong một hệ thống luật pháp công minh mới có thể ngăn chặn được việc lạm dụng quyền lực, vì lạm dụng quyền lực là xu hướng tự nhiên của con người. Giáo dục đại học cũng không là ngoại lệ.

Tách việc quản trị ra khỏi việc quản lý và bảo đảm cho việc quản trị không bị chi phối trực tiếp bởi lợi ích vật chất không phải là điều không thể làm được trong thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhưng điều này cần có một hệ thống hỗ trợ. Ngay ở Hoa Kỳ thành viên chủ chốt của HĐQT trường công lập cũng là do nhà nước bổ nhiệm, bởi vì HĐQT phục vụ cho lợi ích của cộng đồng xã hội thông qua việc bảo đảm cho nhà trường thực hiện đúng tuyên ngôn sứ mạng của họ.  Thành viên HĐQT thay vì đại diện cho các thành phần khác nhau trong trường như quy chế hiện nay ở Việt Nam, nên là những thành phần ngoài trường và đại diện cho những tiếng nói khác nhau, mà quan trọng nhất là tiếng nói của các doanh nghiệp và các nhà hoạt động văn hóa và xã hội, vì họ đại diện cho lợi ích của nền kinh tế và lợi ích công chúng.  Họ không trực tiếp can dự vào việc quản lý và điều hành nhà trường, nhưng giám sát những hoạt động này, có thẩm quyền bổ nhiệm và sa thải hiệu trưởng giống như HĐQT ở các nước. Các quyết định của HĐQT là quyết định tập thể, được thực hiện thông qua bỏ phiếu. HĐQT là một tập thể vài chục thành viên, gồm những người có uy tín lớn trong xã hội, nên mua chuộc hay lũng đoạn HĐQT sẽ là một việc khó khăn. Trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của Việt Nam, có một HĐQT làm việc hết lòng và không lương là một điều không thực tế, vì vậy, HĐQT nên do nhà nước bổ nhiệm và trả lương xứng đáng, dù vị trí thành viên HĐQT của họ có thể (và nên là) một vị trí kiêm nhiệm. Thành viên HĐQT nên là những người đã đạt được những thành công đáng kể trên một lĩnh vực nhất định trong xã hội, vì như vậy họ sẽ sống trong những kinh nghiệm thực tiễn của lĩnh vực ấy và mang vào HĐQT những tiếng nói đa dạng của thực tiễn. Khi một HĐQT đã hình thành, nếu có một vị trí bị khuyết cần bổ sung, thì HĐQT sẽ đề cử và bầu chọn một người thay thế để nhà nước chuẩn thuận.  HĐQT nên hưởng lương trực thuộc Bộ GD&ĐT và chịu trách nhiệm trước Bộ GD&ĐT cũng như trước công luận xã hội về kết quả và chất lượng hoạt động của nhà trường. Hiệu Trưởng báo cáo trực tiếp với HĐQT và giải trình trách nhiệm trước HĐQT về mọi mặt hoạt động của nhà trường.

Một mô hình như vậy có gì giống và khác so với mô hình của Hoa Kỳ? Về cơ bản nó không khác, vì thành phần, chức năng và nhiệm vụ là tương tự. Điểm khác biệt nếu có, là nó hưởng lương của Bộ GD&ĐT và chịu trách nhiệm trước Bộ về kết quả hoạt động của nhà trường. Nó không ra khỏi được khuôn khổ của Bộ GD&ĐT, không thể có được một mức độ tự chủ giống như các trường đại học Hoa Kỳ, ít ra là trong bối cảnh hiện tại. Nhưng ít nhất, nó tách việc quản trị ra khỏi việc quản lý, nó tạo ra một cơ chế giám sát hợp lý, hạn chế việc lạm quyền và nâng cao trách nhiệm cá nhân của người quản lý. Nó làm cho nhà trường gắn bó hơn với lợi ích và nhu cầu của xã hội. Nó bảo đảm cho nhà trường phục vụ cho lợi ích của sinh viên và của công chúng hơn là phục vụ lợi ích của một nhóm người.

Thế còn cái giá phải trả? Không một bước tiến bộ nào mà không đòi hỏi nhân loại phải trả giá. Một mô hình HĐQT như vậy, nếu có thể thực hiện được ở Việt Nam, đòi hỏi một cái giá như thế nào? Trước hết, nó làm giảm “quyền lực” của Bộ GD&ĐT đối với các trường đại học, cụ thể là quyền lực của các Cục, Vụ, các cán bộ và chuyên viên liên quan. Lẽ thường, không ai muốn từ bỏ quyền lực, nhất là khi quyền lực gắn với quyền lợi vật chất. Vì vậy mà mặc dù Luật Giáo dục 2005 đã nêu rõ “tiến tới xóa bỏ Bộ chủ quản”, cho đến nay các trường vẫn hoàn toàn phụ thuộc Bộ GD&ĐT từ chuyện lớn như kinh phí, nhân sự, cho đến chuyện nhỏ như chương trình đào tạo của từng ngành hay kế hoạch và chỉ tiêu tuyển sinh. Một mô hình như đã nói trên sẽ làm tăng trách nhiệm của hiệu trưởng các trường, tạo một cơ chế minh bạch khiến những thủ đoạn gian dối khó có đất sống. Ví dụ HĐQT có thể yêu cầu kiểm toán độc lập làm việc với các báo cáo tài chính để bảo đảm việc sử dụng ngân sách của nhà trường là đúng đắn và có hiệu quả. Chính vì vậy trong thực tế nó sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi cụ thể của một số người. Nó chạm tới vấn đề cốt lõi nhất của hệ thống quản trị là hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực. Nếu tính trên tương quan GDP, Việt Nam là nước có tỉ lệ chi cho giáo dục vào loại rất cao nhưng hiệu quả thì rất thấp. Tổng chi phí cho giáo dục ở Việt Nam so với GDP không những thuộc loại cao mà còn đạt giải quán quân trong những nước cao nhất thế giới. Năm 2004, con số công bố của nhà nước về chi phí cho giáo dục là 4,3% GDP trong lúc Trung Quốc chi 2,5%, Philippines 3,2%, Nga 3,8%, Thái lan và Hàn Quốc là 4,2%[11]. Đó là chưa nói đến phần đóng góp cũng hết sức to lớn của hàng triệu gia đình. Năm 2006 tổng chi cho giáo dục lên tới 8,4% GDP, năm 2007 lên tới 9,2% GDP khi ngân sách nhà nước tăng thêm gần 1% nữa. Trong tổng chi phí, phần chi ngân sách nhà nước cho giáo dục cũng tăng từ 4,2% năm 2000 lên 5,6% GDP năm 2006, chứng tỏ nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến giáo dục, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ sự lãng phí và thiếu hiệu quả[12].

Đổi mới hệ thống quản trị cần thực hiện đồng thời hai chiến lược: một mặt nó tạo ra cơ chế giám sát minh bạch khiến sự gian dối không có đất sống, mặt khác, nó tưởng thưởng xứng đáng cho trí tuệ, cho những nỗ lực và hành động trung thực. Cho nên việc xây dựng một cơ chế tách quản trị ra khỏi việc quản lý và giám sát quản lý một cách hữu hiệu phải gắn liền với việc thay đổi hệ thống lương, bảo đảm cho đồng lương phản ánh đúng thu nhập thực tế nói chung và phản ánh đúng giá trị lao động. Hiện tượng tiền lương thấp nhưng thu nhập thực tế thì cao bằng đủ mọi nguồn khác nhau dù chính đáng hay không chính đáng là một hiện tượng không lành mạnh cần phải chấm dứt.

Cái giá phải trả, trong ngắn hạn, có thể là giá đắt đối với một số người, khi quyền lực và quyền lợi không còn, nhưng sẽ là một cái giá quá rẻ so với lợi ích lâu dài của đất nước, khi sự thay đổi trong hệ thống quản trị làm đảo lộn thang bậc giá trị hiện hành, xác lập một thang bậc giá trị mới phù hợp với những giá trị mà tất cả các trường đại học thực sự trên thế giới đều trân trọng và theo đuổi: sự trung thực, tinh thần tự do, tài năng và phẩm giá của con người.

New York, tháng 10 năm 2008

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “Governance and desion making”, http://education.stateuniversity.com/pages/2014/Governance-Decision-making-in-Colleges-Universities.html
  2. “Leadership and Governance”, p.14. Nguồn: http://www.msche.org/
  3. Gayle Dennis John, Tewarie, Bhoendradatt, White, A. Quinton, JrGovernance in the Twenty-First-Century University: Approaches to Effective Leadership and Strategic Management”, Source: ERIC Clearinghouse on Higher Education
  4. “Principles for university governance” http://www.msstate.edu/dept/audit/PDF/0109.pdf
  5. “Good university governance in Australia”. James A. Swansson, Karen E Mow & Stephen Bartos, National Institute for Governance, The University of Canberra

Ghi chú 
1] Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Giáo dục 1996

[2] Phần trả lời cho câu hỏi này (“Tại sao Hoa Kỳ?”), tác giả viết theo ý tưởng của TS. Vũ Thị Phương Anh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Trung Quốc là một ví dụ minh họa rất rõ về việc ảnh hưởng khuôn mẫu giáo dục đại học Hoa Kỳ. Xem thêm “Chuyển đổi sang hệ thống đào tạo theo tín chỉ- Kinh nghiệm của Trung Quốc”, Bản tin Thông tin Giáo dục Quốc tế số 4 năm 2006 . http://lypham.net/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=18&Itemid=2

[4] Xem thêm “Leadership and Governance”, p.14. Nguồn: http://www.msche.org/

[5] Drew Fraust- Diễn văn nhậm chức Hiệu Trưởng Trường Đại học Harvard”. Nguồn: http://www.president.harvard.edu/speeches/faust/071012_installation.html.   Bản tiếng Việt đọc tại

http://lypham.net/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=81&Itemid=2

[6] Bao gồm cả hai loại: chức danh giáo sư danh dự dành cho những người hiến tặng tiền bạc, tài sản cho nhà trường và chức danh giáo sư dựa trên những phẩm chất và thành tích hoạt động đặc biệt

[7] Xem thêm: http://education.stateuniversity.com/pages/2014/Governance-Decision-making-in-Colleges-Universities.html

[8] Bản Điều lệ này được ban hành năm 2003, trước khi có Luật Giáo dục 2005. Vì vậy về nguyên tắc Điều lệ phải được viết lại, hoặc điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với Luật Giáo dục, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một văn bản như vậy, do đó Điều lệ này tạm thời vẫn có giá trị thi hành.

[9] Vũ Quốc Phóng, “Bộ GD cần trả lại vị trí HĐQT cho các trường đại học”. Nguồn: www.vietnamnet.vn/giaoduc

[10] Phạm Phụ, “Đại học tự chủ mới có cạnh tranh”. Nguồn: http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/10/808337/

[11] Nguồn: Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2006: 2006 World Development Report, World Bank.

[12] Nguồn: “Đề án cải cách giáo dục Việt Nam: Phân tích và đề nghị của nhóm nghiên cứu giáo dục Việt Nam”. Các tác giả: Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản) – GS Trần Nam Bình (Đại học New South Wales, Úc) – GS Trần Hữu Dũng (Đại học Wright State Dayton, Ohio Mỹ) – GS Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine , Mỹ) – GS Trần Hữu Quang (Việt Nam) – GS Hồng Lê Thọ (Nhật Bản) – GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda Tokyo, Nhật Bản) – GS Hà Dương Tường (Đại học Công nghệ Compiègne Pháp) – Chuyên viên cao cấp Vũ Quang Việt (Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hợp Quốc).