PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC

 Tác giả: Rocker Vowell
Người dịch: Phạm Thị Ly (2012)

 Chương 3: Công cụ nghiên cứu: Thư viện và tài liệu tham khảo

Chúng ta đã đi đến đâu:

Chúng ta đã bàn về logic bên trong của nghiên cứu giáo dục và đã xem xét những biến tố điển hình trong một công trình nghiên cứu. Chúng ta đã thấy cần phải làm rõ vấn đề, định nghĩa vận hành các biến tố, và xây dựng một kế hoạch thực hiện việc nghiên cứu.

Bây giờ chúng ta sẽ đi đâu

 Trong chương này chúng ta sẽ bàn đến những cách hữu hiệu để sử dụng thư viện, sách tham khảo, vànhững nguồn thông tin khác như những công cụ để tìm kiếm thông tin hữu ích trong việc làm rõ mối quan hệ giữa những biến tố nghiên cứu và thực hiện việc nghiên cứu ở mọi cấp độ.

Tổng quan về Chương này

Không nhất thiết (hay cũng có thể nói: không nên) chỉ dựa vào kiến thức và sự suy xét của bản thân chúng ta khi tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề cần nghiên cứu.  Bất kể câu hỏi nào mà chúng ta quan tâm, hẳn cũng đã có một ai đó từng quan tâm và tìm cách giải quyết cũng như chúng ta vậy. Chúng ta nên đem những nghiên cứu đang có này vào việc giải quyết vấn đề bản thân mình đang quan tâm, để có thể tận dụng được kinh nghiệm của người khác. Rất nhiều thông tin trong thư viện, trong các sách tham khảo, trong ngân hàng dữ liệu và trong các nguồn khác có thể hết sức hữu dụng nếu chúng ta biết cách dùng. Chương này sẽ giới thiệu nhiều công cụ cho người nghiên cứu mà ta có thể tìm được trong thư viện. Ngày càng nhiều dịch vụ cung cấp thông tin được thực hiện dưới dạng vi tính hóa. Bằng cách dùng những dịch vụ này sao cho có hiệu quả, chúng ta có thể tận dụng các nguồn thông tin tổng hợp và toàn diện để giải quyết câu hỏi nghiên cứu của mình theo cách tốt nhất.

Sau khi đọc chương này bạn sẽ có thể:

  1. Mô tả cách sử dụng thư viện sao cho có hiệu quả trong việc tìm kiếm thông tin
  2. Mô tả cách dùng các cơ sở dữ liệu điện tử để tìm kiếm thông tin.
  3. Xác định kiểu thông tin có thể có được từ các danh mục và dịch vụ tóm tắt sau đây:
  4. Dùng những nguồn tài nguyên trên đây để định vị loại thông tin cụ thể
  5. Xác định kiểu thông tin có thể có được từ các nguồn như tạp chí, bài tổng thuật, và sách.
  6. Xác định những nguồn chủ yếu qua đó những thông tin nào được phổ biến và miêu tả cách dùng những thông tin ấy.
  7. Miêu tả những chiến lược hiệu quả để thực hiện tổng thuật về một vấn đề cụ thể.
  8. Miêu tả những chiến lược hiệu quả để ghi chú thông tin tư liệu đối với từng dự án nghiên cứu.

 Dùng thư viện để giải quyết vấn đề nghiên cứu

Các bạn đọc của quyển sách này đều đã từng dùng thư viện, nhưng phần lớn chúng ta chưa dùng thư viện một cách hiệu quả như đáng lẽ chúng ta đã có thể. Thư viện là một công cụ có giá trị để giải quyết nhiều vấn đề của giáo dục. Giá trị của thư viện là hiển nhiên về mặt các bài báo và kết quả nghiên cứu chính thức của các dự án nghiên cứu. Còn nơi nào khác mà sinh viên có thể tìm đủ các trích dẫn để làm đầy từ 4 tới 6 trang bài làm theo yêu cầu? Tuy nhiên, quan điểm này phản ánh một nhận thức khá hẹp về  vai trò của thư viện trong nghiên cứu giáo dục. Một nhận thức phù hợp hơn là coi thư viện như một công cụ quan trọng trong việc giúp chúng ta theo sát những diễn tiến mới nhất trong lĩnh vực chuyên ngành của mình cũng như giúp chúng ta giải quyết những vấn đề giáo dục cụ thể khi nó nảy sinh.

Nguồn tài nguyên của thư viện rất hữu ích ngay cả khi chúng ta làm những việc thông thường, chẳng hạn như thử tìm cách đo lường thái độ đối với âm nhạc của Johnny hay tìm một cách nào hay hơn để dạy Johnny làm toán chia có hai chữ số. Thư viện cũng có thể hữu ích y như thế khi chúng ta làm một cái gì có tính chính quy chẳng hạn như viết luận án hay chuẩn bị cho một bài báo khoa học để đăng trên tập san chuyên ngành. Trong cả hai trường hợp, mục đích của chúng ta nên là dùng thư viện như một công cụ để giúp làm rõ và giải quyết vấn đề.

Phần tiếp theo của chương này sẽ miêu tả những nguồn tài liệu cụ thể có sẵn trong nhiều thư viện. Mức độ quen thuộc của những loại người đọc khác nhau  đối với các nguồn tài liệu này thì khác nhau khá đáng kể. Có khi bạn đã biết những nguồn tài liệu này rồi và đã dùng nó khá thường xuyên và có kết quả tốt. Cũng có khi bạn chưa quen thuộc với nó. Mục đích của bạn phải là nhận thức được ta đang có những nguồn tài liệu nào và bằng cách nào sử dụng những nguồn tài liệu đó để giải quyết những vấn đề giáo dục.

Những nguồn liên kết trực tuyến

Sử dụng thư viện trực tuyến

Nên lưu ý rằng hầu như tất cả các thư viện đều yêu cầu có mật mã để sử dụng toàn bộ các dịch vụ trực tuyến. Tuy vậy nhiều khi bạn cũng có thể dùng ít ra là một vài dịch vụ trực tuyến của thư viện cho dù bạn là người ngoài. Thêm nữa, gần như lúc nào cũng có thể xin phép sử dụng (đôi khi với một khoản lệ phí) những thư viện trực tuyến không cho tiếp cận tự do.

Chẳng hạn, nếu bạn là sinh viên hay giảng viên của trường đại học Purdue University Calumet ở Hammond, Indiana, bạn có thể vào trang nhà của thư viện và dùng một số dịch vụ của thư viện dù bạn không phải là sinh viên hay giảng viên của trường đã đăng ký sử dụng thư viện. Tuy nhiên, để sử dụng cơ sở dữ liệu ERIC thì bạn phải có tên người dùng và mật mã.

Tôi sẽ dùng thư viện trường tôi {Purdue University Calumet} làm ví dụ. Địa chỉ thư viện như sau:

http://library.calumet.purdue.edu/

Danh mục Giới thiệu Sách Trực tuyến. Bạn có thể truy cập danh mục giới thiệu trực tuyến này bằng cách nhấp chuột vào nó từ trang chủ hoặc truy cập trực tiếp từ địa chỉ sau:

HTTP://pulse.lib.purdue.edu/

Bất cứ ai dùng danh mục giới thiệu sách này thì đều có thể tìm thấy thông tin về việc thư viện Purdue University Calumet có cuốn sách mình cần tìm hay không hay đã cho mượn nó rồi. Ví dụ, dùng từ khóa  “Vockell AND research,” bạn sẽ thấy thư viện đang có bản in của cuốn sách tái bản lần thứ hai mà bạn đang đọc này. Vì nó là một cuốn sách rất phổ biến, bạn cũng sẽ có thể thấy rằng có người nào đó đang mượn cuốn sách này của thư viện.

Cơ sở dữ liệu. Để có thể truy cập bất cứ cơ sở dữ liệu điện tử nào có sẵn trong thư viện, tôi cần có một cái tên người sử dụng và mật mã truy cập. Tôi có hai thứ đó, nhưng nhiều bạn đang đọc những dòng này không có. Những cơ sở dữ liệu này bao gồm nhiều loai sẽ được liệt kê sau trong chương này, trong đó có ERICPsycINFO.

Những nguồn khác. Nhân viên thư viện đã bổ sung nhiều đặc tính hữu ích cho trang này; những thứ mà giảng viên, sinh viên thường yêu cầu khi đến thư viện. Giờ đây họ có thể tiếp cận mọi nguồn tài nguyên của thư viện ngay khi họ đang ở nhà hay ở văn phòng. Ví dụ, với bảng lựa chọn sau đây, tôi sẽ có thể:

  • Tìm được lời khuyên về việc viết bài báo cáo cuối học kỳ
  • Tìm thấy gần như hầu hết mọi loại báo chí trên thế giới
  • Có thông tin thời tiết ở địa phương và trong cả nước
  • Có được câu trả lời cho những vấn đề về sức khỏe do bộ phận dịch vụ của Columbia University hay Phòng khám Mayo Clinic thực hiện.
  • Xem một giới thiệu tổng thuật phim trong Cơ sở Dữ liệu Điện ảnh trên internet.
  • Tìm được những từ giải thích cho từ Louie, Louie chẳng hạn.

Vì tôi là người thông minh, tôi có thể đạt được tất cả những thứ trên đây bằng cách dùng trình duyệt thông thường (mà chẳng cần phải vào trang web của thư viện). Tuy nhiên, chuyên vên thư viện của trường tôi là những người rất sáng tạo và tôi thường tìm thấy ở đó nhiều ý tưởng mới.

Trang nhà của Thư viện Trung tâm Trường Đại học Purdue (ở West Lafayette).

http://thorplus.lib.purdue.edu/

Vì Purdue University Calumet là một phần của hệ thống Purdue nói chung, tôi có thể truy cập trang này với nhiều tiện ích đặc quyền của sinh viên và giảng viên tại cơ sở chính. Thực ra thì sự tiện lợi của việc đó cũng chẳng lớn lao chi như ta tưởng, vì máy tình đã làm cho cái thư viện nhỏ của trường tôi cũng hữu dụng chẳng kém gì cái thư viện lớn hơn ở cơ sở chính.

Thư viện từ xa

Bằng cách nhấp chuột vào các biểu tượng và chọn từ trang chủ của danh mục trực tuyến, tôi cũng có thể tìm tài liệu trong những thư viện lớn khác của bang Indiana, tất cả các danh mục trực tuyến của 10 trường đại học lớn, và thư viện các viện nghiên cứu chính trên toàn nước Mỹ. Hầu hết các trường đại học đều có những hoạt động phục vụ tương tự để người đọc có thể dùng thư viện từ xa, tuy không phải nơi nào cũng làm tốt như thư viện Purdue.

Điều quan trọng cần nhớ là một khi bạn có internet, chớ có giới hạn việc tìm kiếm của bạn trong những thư viện địa phương. Bạn có thể tìm thông tin ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chừng nào bạn còn có thể tiếp cận được một nguồn thư viện được ủy nhiệm. Dưới đây là một số nguồn tài liệu từ xa ưa thích của tôi:

WorldCat là một cơ sở dữ liệu tôi có thể truy cập qua tùy chọn FirstSearch trong thư viện trường tôi. Nó tạo điều kiện cho tôi tìm thấy bất kỳ cuốn sách nào mà tôi quan tâm, và cho biết thư viện nào gần chỗ tôi đang có cuốn sách đó.

Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ 

http://lcweb.loc.gov/homepage/lchp.html

Đây là một danh sách cực kỳ toàn diện về những tác phẩm và những nguồn tài liệu có thể truy cập trực tuyến dễ dàng.

Amazon.com

http://www.amazon.com

Khi tôi tìm thông tin về một cuốn sách mới ra, thường có thể tìm được dễ dàng hơn ở tiệm sách trực tuyến này thay vì tìm ở thư viện; nhất là khi muốn mua. Thêm nữa, những người đọc khác thường để lại những đánh giá và bình phẩm của họ giúp tôi hiểu nhiều hơn về chủ đề ấy.

Thư viện ảo

Một số nguồn thông tin hay nhất trên internet thậm chí không tồn tại như một thực thể vật chất đơn thuần. Thư viện ảo là một loạt các đường dẫn có hệ thống nhằm tổ chức và trình bày thông tin về những chủ đề khác nhau. Một số thư viện ảo tốt nhất là:

Internet Public Library

http://www.ipl.org/

Librarians Index to the Internet

http://lii.org/

The WWW Virtual Library

http://www.vlib.org/

The Library in the Sky

http://www.nwrel.org/sky/index.html

Trung tâm Thông tin Về Các Nguồn Tài liệu Giáo dục (Educational Resources Information Center – ERIC)

Trung tâm Thông tin Về Các Nguồn Tài liệu Giáo dục (ERIC) là một nguồn thông tin có giá trị cho giảng viên và người nghiên cứu; trong đó có thông tin nghiên cứu. Đó là một hệ thống thống tin quốc gia của liên bang, bao gồm 16 trung tâm thông tin tư liệu của cả nước. Những đơn vị này tập trung vào các chủ đề sau:

  • Giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục cho người lớn, và hướng nghiệp
  • Đánh giá kết quả giáo dục
  • Cao đẳng cộng đồng
  • Tư vấn và các dịch vụ phục vụ sinh viên
  • Giáo dục trẻ năng khiếu và giáo dục cho người thiểu năng
  • Quản lý giáo dục
  • Giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học
  • Giáo dục Đại học
  • Công nghệ và thông tin
  • Ngôn ngữ và ngôn ngữ học
  • Việc học đọc, tiếng Anh và truyền thông
  • Giáo dục nông thôn và những trường quy mô nhỏ
  • Gáo dục khoa học, toán học và môi trường
  • Giáo dục xã hội học và khoa học xã hội
  • Việc giảng dạy và đào tạo giáo viên
  • Giáo dục những vấn đề đô thị

Có thể tìm được những địa chỉ trực tuyến này trong nhiều ấn phẩm của   ERIC, trong đó có những ấn phẩm sẽ được bàn đến ở đoạn sau. Nếu bạn dùng bản điện tử của cuốn sách này, bạn có thể nhấp chuột vào bất cứ cái tên nào trong danh sách liệt kê trên đây và vào được trang đó trực tiếp.

Mỗi trung tâm thông tin tư liệu như thế tập trung vào một lãnh vực cụ thể của giáo dục, chẳng hạn như tư vấn hay giáo dục đặc biệt. Một trong những trách nhiệm của các trung tâm này là thu thập các tài liệu chứa đựng những thông tin quan yếu đối với lĩnh vực chuyên môn mà họ quan tâm. Các trung tâm thông tin tư liệu này khác nhau khá nhiều do những dịch vụ độc nhất mà họ mang lại,  và cách dễ nhất để tìm thông tin nào đang có trong lãnh vực bạn quan tâm là hỏi ngay các trung tâm thông tin tư liệu ấy.

Cơ sở dữ liệu ERIC

Một bộ phận có giá trị nhất của hệ thống ERIC là Cơ sở dữ liệu ERIC, có lẽ là nguồn thông tin lớn nhất thế giới về giáo dục. Cơ sở dữ liệu này chứa đựng hơn một triệu bản tóm tắt các tài liệu và bài báo khoa học về nghiên cứu giáo dục và về thực tiễn giáo dục. Có thể truy cập Cơ sở dữ liệu ERIC qua Internet hoặc qua những mạng lưới công hay cácđơn vị có tính chất kinh doanh. Bạn cũng có thể tiếp cận những bản tóm tắt của ERIC dưới dạng bản in thông qua Danh mục hiện tại các Tạp chí trong Giáo dục Current Index to Journals in Education (CIJE) và Nguồn Tài liệu về Giáo dục  Resources in Education (RIE). Cơ sở dữ liệu này được cập nhật hàng tháng (hàng quý thì có dĩa CD), bảo đảm rằng thông tin được đưa ra là mới nhất và chính xác..

Cách tốt nhất để tìm thông tin qua ERIC là dùng máy tính. Khi tiếp cận thông tin qua máy tính, có thể bạn không thấy rõ mình đang dùng nguồn tư liệu hay trung tâm thông tin tư liệu cụ thể nào của ERIC. Chúng ta sẽ miêu tả việc dùng máy tính để tìm thông tin sau. Đoạn sau đây trước hết sẽ miêu tả hai nguồn thông tin chính của ERIC.

{Lưu ý rằng kiến thức cụ thể về Current Index to Journals in Education (CIJE) và về Resources in Education (RIE) không còn cần thiết để dùng bản điện tử của cơ sở dữ liệu ERIC. Chúng ta có lý do để bỏ qua việc bàn về bản in của các tài liệu này. Tuy nhiên, tôi mong bạn sẽ ít nhất là nhìn vào hình 3 và cuộc thảo luận về máy tính hóa việc tiếp cận cơ sở dữ liệu ERIC

Current Index to Journals in Education (CIJE) là một ấn phẩm của ERIC nhằm giúp người đọc theo sát những gì đang được công bố trên các tập san khoa học có liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới giáo dục. CIJE xuất bản hàng tháng, và mỗi sáu tháng có một danh mục tổng hợp. Nó công bố bản tóm tắt cũng như một số đoạn trích dẫn của hàng ngàn bài báo khoa học về các chủ đề của giáo dục được công bố hàng năm. Bằng cách đọc bản tóm tắt, chúng ta có thể biết bài báo định nói về điều gì, và nếu ta quan tâm muốn biết nhiều hơn, thì các trích dẫn cho ta biết chính xác trang nào trong tập san gì ta có thể đọc được toàn bộ bài báo.

Để dùng bản in của CIJE, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc tham khảo phần mục lục. Đó có thể là danh mục các số ra hàng tháng hoặc cả năm. Nếu chúng ta bắt đầu việc tìm kiếm với một chủ đề có sẵn trong trí, thì nên khởi sự với danh mục chủ đề. Ví dụ như, giả sử ta đang tìm thông tin về những kỹ thuật điều trị dựa vào gia đình để tập trung tăng cường khả năng. Chúng ta có thể bắt đầu bằng danh mục gần nhất dưới tiêu đề “Điều trị dựa vào gia đình” hay “Tăng cường khả năng”. Trong Danh mục CIJE tháng 1-tháng 6 -2004, với tiêu đề đó ta có thể tìm thấy 17 bài báo khoa học được liệt kê trong trang 672. Một trong các bài đó là:

Kỹ thuật điều trị dựa vào gia đình: Hội nhập việc tăng cường khả năng vào quá trình IFSP. Andrews, Mary A.; Andrews, James B. Journal of Childhood Communication Disorders. V15 n1 p 41-46 1993

EJ 446 919

Thông tin “EJ 446 919” cho chúng ta biết rằng có thể dùng nó để tìm bài này trong phần chính, ở đó ta sẽ thấy  bài này như trong hình 3.1. {Lưu ý rằng tríchdẫn này dễ tìm hơn nhiều khi dùng máy vi tính, sẽ được miêu tả sau}.

Hình 3.1. Một đề mục từ cơ sở dữ liệu ERIC, miêu tả một bài báo khoa học. Đây là một đề mục tiêu biểu trong bản in của Danh mục Hiện hành về Các bài báo khoa học trong Giáo dục

Phần đầu của đề mục này cho ta biết có thể tìm bài báo ở đâu, nếu ta muốn tiếp tục theo đuổi bài báo này. Thông tin trong ngoặc cho ta biết, ngoài việc có trong Journal of Childhood Communication Disorders, bài này còn được in lại trong Kho Lưu trữ Vi phim của trường đại học.

Danh sách các ký hiệu nhận diện cho chúng ta biết những thuật ngữ được miêu tả nhiều lần trong bài và những từ khóa đó được dùng để liệt kê bài báo trong danh mục CIJE. Thông tin về các ký hiệu nhận diện này, thoạt đầu có vẻ thừa thãi vô dụng, hóa ra lại thường rất hữu ích. Bằng cách nhập vào những từ khóa đó, chúng ta sẽ có thể tìm thấy bài báo. Hơn nữa, bằng cách biết rằng những từ này được dùng cho bài báo ta đang xem xét, ta cũng có thể thấy những bài tương tự có thể tìm được ở đâu. Chẳng hạn, trong trường hợp này, chúng ta biết rằg “can thiệp sớm” và “Kỹ năng làm cha mẹ” là những ký hiệu nhận diện áp dụng cho bài này, và chúng ta có thể sẽ muốn coi với nhũng ký hiệu đó thì trong danh mục còn bài gì khác nữa mà ta quan tâm. Tất cả các ký hiệu nhận diện được liệt kê sau đoạn trích đều thích đáng đối với bài báo đang xem xét, nhưng cái bài nằm trong danh mục CIJE chỉ xuất hiện dưới những từ được đánh dấu sao. Bởi thế, chúng ta có thể sẽ thấy bài này được liệt kê dưới các ký hiệu như *Child Rearing, *Communication Disorders; *Early intervention; *Family Involvement; Individual Development; Objectives; Parenting Skills; Skill Development; *Teamwork; and Young Children.

Cuối cùng, bản tóm tắt của bài báo sẽ miêu tả nội dung bài báo. Bằng cách đọc bản tóm tắt này, chúng ta có thể quyết định liệu mình có nên theo đuổi tiếp bài báo này nữa hay thôi. Nhũng chữ đầu trong ngoặc ở cuối bản tóm tắt cho thấy ai đã viết bản tóm tắt đó. Nếu bản tóm tắt này do tác giả viết ra thì điều này sẽ được nói rõ ở đây. {Trong trường hợp này, tác giả đã viết bản tóm tắt và một trong các chuyên gia bình duyệt chuyên nghiệp của ERIC đã duyệt lại với chữ tắt JDD}.

(Còn tiếp)

Người dịch: Phạm Thị Ly

Xin lưu ý: Vui lòng liên hệ với người dịch khi muốn đăng lại bài này. Xin cảm ơn.