TỰ CHỦ ĐẠI HỌC PHẢI ĐI ĐÔI VỚI TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH

Phạm Thị Ly (2016)
Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong số ra ngày 26.10.2016

Theo TS. Phạm Thị Ly, Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM/ Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá GD ĐH, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tự chủ ĐH vẫn là con đường rất gập ghềnh. Việt Nam mới thực hiện giao quyền tự chủ cho các trường nên có nhiều vấn đề nảy sinh. Tiền Phong đã trao đổi với TS. Phạm Thị Ly xung quanh câu chuyện bùng phát mở ngành của các trường đại học được giao thí điểm tự chủ.

  1. Thưa bà, khái niệm tự chủ Đại học hiện nay đã được các trường Đại học của Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý hiểu đúng chưa? Tại sao?

Tôi không nghĩ là có nhiều người hiểu đầy đủ về tự chủ ĐH. Lý do rất dễ hiểu. Chúng ta sống quá nhiều năm trong nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa, trong đó các trường có rất ít quyền tự chủ, nếu không nói là chẳng có chút nào, vì tất cả công việc các trường phải làm là thực hiện những kế hoạch và yêu cầu của Bộ chủ quản, dựa vào ngân sách nhà nước cấp, sinh viên ra trường đi đâu và làm gì các trường không cần phải quan tâm. Việc chuyển sang kinh tế thị trường và sự tham gia của khu vực tư nhân vào thị trường giáo dục đã và đang đặt ra một áp lực cạnh tranh đòi hỏi các trường phải thay đổi, nhất là khi ngân sách nhà nước cấp ngày càng eo hẹp. Những trường muốn đổi mới để thích ứng với bối cảnh này vấp phải những hạn chế trong chính sách, quy định, vốn không kịp thay đổi cho phù hợp. Hơn thế nữa mỗi trường có một bối cảnh và nhu cầu khác nhau, vì vậy cần những con đường đi và cách làm khác nhau. Bởi thế họ có nhu cầu phải có thêm quyền tự quyết để có thể thực hiện được những sáng kiến đổi mới.

Tuy nhiên, ở các trường nhiều người hiểu “tự chủ” như là “muốn làm gì thì làm”, tức rất gần với tùy tiện. Nhà nước thì khiến người ta nghĩ rằng “tự chủ” nghĩa là “tự thu tự chi”. Cả hai phía, cơ quan quản lý nhà nước và các trường đều không nhắc tới trách nhiệm giải trình, và không nhiều người thấy rằng trách nhiệm giải trình là điều kiện tiên quyết để tự chủ ĐH không trở thành tùy tiện và gây hậu quả xấu cho người học, cũng như cho xã hội.

Cụm từ “tự chủ tự chịu trách nhiệm” giờ đây trở nên rất quen thuộc. Đó là một sự nhầm lẫn kéo dài và cần phải chấm dứt. “Tự chịu trách nhiệm” không phải là thứ chúng ta cần phải nhấn mạnh, bởi lẽ “tự chịu trách nhiệm” là nghĩa vụ đương nhiên của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Trách nhiệm giải trình có một ý nghĩa khác.

Trách nhiệm giải trình gắn với khả năng biện minhnghĩa vụ pháp lý, tức là liên quan tới sự mong đợi về khả năng chịu trách nhiệm. Trách nhiệm giải trình là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách mà chúng ta đưa ra trong việc lãnh đạo, quản lý, và thực hiện công việc; gắn với nghĩa vụ báo cáo, giải thích, biện minh cho mọi hậu quả của những việc chúng ta làm. Khả năng giải trình trách nhiệm được hiểu như năng lực thực hiện nghĩa vụ thông tin đầy đủ, năng lực biện minh cho hành động của mình trong quá khứ hoặc tương lai, và chịu đựng sự trừng phạt nếu như hành động ấy vi phạm các quy tắc đạo đức và pháp lý.

Điều lệ Trường ĐH 2014 có hơn 20 ngàn từ, trong đó chỉ có 110 từ nói về trách nhiệm giải trình của các trường, và 110 từ đó cũng không thể hiện đầy đủ ý nghĩa của trách nhiệm giải trình. Rất may là Nghị quyết 89/NQ-CP của chính phủ ngày 10.10.2016 khi nói về GDĐH đã nhìn nhận và sử dụng cụm từ này; coi đó là một vế quan trọng trong việc mở rộng quyền tự chủ.

Vậy phải hiểu tự chủ như thế nào cho đúng? Khái niệm tự chủ đại học có thể được định nghĩa là sự độc lập ở mức cần thiết đối với các tác nhân can thiệp từ bên ngoài mà nhà trường cần có để có thể thực hiện được việc quản trị và tổ chức nội bộ, ví dụ như tạo ra và sử dụng các nguồn tài chính ngoài ngân sách công, tuyển dụng nhân sự, xây dựng các tiêu chuẩn cho học tập, đào tạo và nghiên cứu, và cuối cùng, là quyền tự do trong việc tổ chức thực hiện nghiên cứu và giảng dạy”. Tự chủ ĐH không thể tách rời trách nhiệm giải trình của nhà trường, và việc thừa nhận quyền tự chủ của các trường không thể tách rời việc xây dựng một cơ chế hữu hiệu để các trường thực hiện trách nhiệm giải trình của họ. Tự chủ mà không đi với trách nhiệm giải trình thì chẳng khác gì cỗ xe chỉ có chân ga mà không có chân phanh!

  1. Về vấn đề mở ngành, do việc mở ngành của các trường ĐH tự chủ không còn phải xin phép Bộ GD&ĐT như trước kia. Điều này có thuận lợi và hạn chế gì, thưa bà?

Việc mở ngành ở các trường tự chủ không cần xin phép Bộ có thể là tốt hoặc không tốt, tùy theo cách chúng ta làm. Thật ra trước đây (và ngay cả hiện nay) việc xin phép mở ngành theo lối chúng ta đang làm cũng không hề bảo đảm cho chất lượng, mặc dù các quy định về việc số người có bằng cấp chuyên môn và nhiều yêu cầu khác thoạt nghe có vẻ rất có lý. Đó là vì cách xét duyệt chỉ xem xét những yếu tố hình thức mà các trường có thể đối phó khá dễ dàng. Việc cởi bỏ những hạn chế này chỉ tốt khi nhà nước đưa ra những quy định hợp lý, và các trường phải có một hội đồng trường đủ năng lực để đánh giá trách nhiệm giải trình của những người điều hành, trong đó có trách nhiệm về việc quyết định mở ngành.

Nếu không có những điều kiện ấy, chúng ta có thể sẽ thấy các trường mở bất cứ ngành nào mà họ kiếm được người học, mục đích là để tạo nguồn thu, mà không quan tâm tới chất lượng đào tạo cũng như nhu cầu của thị trường. Hệ quả là chúng ta có thể sẽ tạo ra ngày càng nhiều cử nhân thất nghiệp trong tương lai.

Ở Hà Lan, trước khi quyết định mở ngành, các trường phải thực hiện nghiên cứu khảo sát nhu cầu của thị trường và khả năng đáp ứng của các trường khác trong khu vực. Họ phải trình bày đề xuất của họ trước một hội đồng đại học bao gồm thành viên từ nhiều trường, trước khi được chấp thuận. Nó khác với cơ chế xin cho. Nó là sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các trường để bảo vệ lợi ích chung và bảo vệ lòng tin của công chúng đối với nhà trường.

  1. Chỉ trong vòng 3 năm thực hiện Nghị định của chính phủ về thí điểm giao quyền tự chủ cho các trường ĐH nhưng đã có hàng chục ngành học mới được mở ra, bà nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi không có đủ dữ liệu để đánh giá việc mở ngành đó là tốt hay xấu. Nhìn chung tôi nghĩ các trường đang cố gắng đáp ứng với nhu cầu của thị trường và điều đó đáng khích lệ. Tuy vậy, nếu điều này đi kèm với việc minh bạch hóa để người đọc có thể tự đánh giá và quyết định, thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Các cơ quan nghiên cứu độc lập có thể khảo sát số liệu sinh viên từng ngành ra trường hàng năm, tỉ lệ có việc làm, thu nhập trung bình, v.v. Những dữ liệu đó góp phần giúp các trường nâng cao trách nhiệm giải trình của họ, và giúp người học có thêm thông tin để lựa chọn.

  1. Nhiều nhà quản lý có băn khoăn có hiện tượng các trường mở ngành ồ ạt mà không đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Vậy theo bà, với các trường ĐH tự chủ, việc mở ngành nên được hiểu như thế nào là đúng?

Các trường nên được quyền tự quyết định về việc mở ngành, nhưng họ cần đảm bảo trách nhiệm giải trình của mình trước người học và trước công chúng. Ví dụ, chuẩn đầu ra, đội ngũ giảng dạy và thành tích của họ, điều kiện học tập, mức học phí, v.v. tất cả phải được công khai trên trang web của nhà trường.

  1. Để các trường tự chủ hoàn toàn là điều cần thiết nhưng điều kiện pháp lý đi kèm là phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý. Nhưng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, cho phép các trường được tự chủ, nhất là trong tuyển sinh, theo bà liệu có đảm bảo chất lượng đào tạo?

Thu hẹp số lượng tuyển sinh không tự động làm tăng chất lượng đào tạo của các trường, mặc dù chúng ta cũng hiểu là trong điều kiện vật chất và nhân sự hạn hẹp thì khó đảm bảo chất lượng. Nhưng chúng ta nên nghĩ xa hơn một chút. Cải thiện cách giảng dạy, tận dụng phương tiện trực tuyến, thay đổi chương trình đào tạo và cách tiếp cận, những đổi mới sáng tạo đó có thể giúp các trường đáp ứng được nhu cầu của số đông sinh viên mà vẫn bảo đảm chất lượng. Vấn đề không phải là các trường tuyển bao nhiêu sinh viên, mà là các trường đang đào tạo họ như thế nào. Nếu các Thầy không thay đổi nội dung và phương pháp đào tạo, thì dù có một thầy một trò, kém vẫn hoàn kém.

  1. Trong khi đó, các nhà quản lý vẫn nói chất lượng đào tạo của các trường sẽ để cho thị trường khẳng định, nhưng để thị trường đánh giá được thì sinh viên cũng đã phải trải qua vài khóa học. Người học sẽ là người bị thiệt nếu lựa chọn những trường không chất lượng. Bà nghĩ sao?

Cũng lại là vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình. Các trường không thể “tự chịu trách nhiệm”, bởi vì thực tế là sinh viên phải gánh hậu quả. Chính vì thế, cần có những cơ chế tạo ra sự minh bạch về thông tin để người học tự đánh giá và quyết định. Một khi nhà nước tạo ra cơ chế đó và thông tin được cung cấp đầy đủ, thì người học phải chịu trách nhiệm về quyết định của họ.

  1. Đúng như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, không thể không giao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Vậy theo bà, các trường ĐH cần làm gì, chuẩn bị những gì để có thể phát huy được quyền tự chủ nhưng đồng thời nâng cao được chất lượng đào tạo.

Các trường đang xem sinh viên như những “khách hàng” của mình, vì họ trả tiền để mua dịch vụ giáo dục. Cũng tốt, không có gì sai trái trong việc đó, nhưng thật ra khách hàng thực sự của nhà trường chính là các doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp mới là nơi sử dụng những sản phẩm mà nhà trường tạo ra. Trừ khi các trường vẫn muốn bám lấy cái nhìn và lợi ích ngắn hạn, còn nếu nhìn xa hơn, thì họ sẽ nhận thấy niềm tin của xã hội là tài sản quý giá nhất mà họ cần phải vun đắp và gìn giữ. Tự chủ mang lại cho các trường một không gian lớn hơn để thể nghiệm đổi mới, nhưng cũng đồng thời là những trách nhiệm lớn hơn, với sinh viên, với thầy cô giáo, với xã hội. Niềm tin của xã hội không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi. Nó được xây dựng dựa trên sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của nhà trường. Không có điều đó, sớm muộn gì niềm tin cũng sẽ mất.

Xin cảm ơn bà!

Nghiêm Huê thực hiện