TÁI CẤU TRÚC HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

TẠI SAO, BAO GIỜ, NHƯ THẾ NÀO, VÀ ĐỂ LÀM GÌ?

Phạm Thị Ly (2016)

Có thể tóm tắt hiện trạng hệ thống GDĐH Việt Nam hiện nay bằng ba nghịch lý thoạt nhìn ta thấy rất mâu thuẫn: Một, số trường tính trên tổng số dân vẫn còn thấp so với các nước[1], nhưng chúng ta vẫn có cảm tưởng đang có quá nhiều trường, là do hiện tượng thiếu nguồn tuyển: ngoại trừ một số ít trường đỉnh, hầu hết các trường công nhóm dưới và trường tư đang phải cạnh tranh quyết liệt để giành thí sinh. Hai, số người vào ĐH dù đã tăng rất đáng kể nhưng vẫn còn thấp so với các nước[2], thế nhưng tỉ lệ người có bằng ĐH và thất nghiệp lại đang không ngừng tăng. Ba, tuy nhiều cử nhân thất nghiệp nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu người làm được việc. Ba nghịch lý trên cho thấy đang có một khoảng cách khá xa giữa những gì các trường đang làm, và những gì xã hội thực sự cần.

Đó là hệ quả trực tiếp từ việc phát triển tự phát của hệ thống GDĐH trong hai thập kỷ qua. Sự phát triển tự phát đó đã dẫn tới một hiện tượng ngược đời là hệ thống ĐH của Việt Nam vừa thừa vừa thiếu. Thừa, bởi thống kê tuyển sinh năm 2015 đã cho thấy tổng chỉ tiêu cho tất cả các trường đã lớn hơn tổng số thí sinh dự thi. Thiếu, bởi tuy chúng ta có hơn 400 trường ĐH và CĐ nhưng chúng ta vẫn không có một trường nào đạt đến những chuẩn mực được quốc tế công nhận, cả về thành tích nghiên cứu lẫn văn hóa khoa học. Quan trọng hơn, chúng ta cảm thấy thiếu là vì hệ thống hiện tại không có tính đa dạng cần có: tuy nhiều trường, nhưng trường nào cũng vận hành trong một khung pháp lý và quy định xét về bản chất là như nhau, với những quy tắc và động lực giống nhau, với mục tiêu, chiến lược, mô hình hoạt động và cách hành xử không mấy khác nhau.  Kết quả là, các trường tạo ra những sản phẩm gần giống nhau, trong lúc cuộc đời thì cần rất nhiều thứ khác nhau. Những người thành công sau khi ra trường chính là những người đã biết tự bổ khuyết cho mình những gì nhà trường còn thiếu.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, khoảng cách giữa trường ĐH và nhu cầu cuộc sống sẽ dãn ra ngày càng xa, cùng với nó là sự lạc hậu của nguồn lực con người, bởi không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của GDĐH trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa. Tái cấu trúc hệ thống GDĐH là nhằm giải quyết vấn đề này.

QUẢN TRỊ HỆ THỐNG VÀ CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRƯỜNG

Tái cấu trúc hệ thống GDĐH thực chất là một bài toán về quản trị hệ thống. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có một hệ sinh thái đại học đa dạng. Cũng giống như trong thế giới tự nhiên, thành viên của một hệ sinh thái đa dạng sẽ bổ sung cho nhau và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng của xã hội.

Cần lưu ý là việc tái cấu trúc hệ thống GDĐH của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang chịu tác động mạnh mẽ của các hệ thống xếp hạng và nhiều nước đang có những chiến lược mạnh mẽ nhằm tạo ra một vài trường ĐH nghiên cứu xuất sắc. Mặc dù ai cũng công nhận mục đích, lý do và tầm quan trọng của một hệ thống GDĐH đa dạng, các nước châu Âu thường không chọn cách tiếp cận từ trên xuống, tức là không áp đặt sứ mạng của các trường. Họ đưa ra chính sách để các trường tự lựa chọn con đường và sứ mạng của mình dựa trên đặc điểm mạnh yếu của mình. Bản thân việc ủy thác vai trò và cương vị khác nhau cho từng trường là một việc khó khăn, và thách thức đặc biệt đối với nhà nước là làm cách nào để giữ được sự quân bình của hệ thống; tránh tình trạng trường nào cũng chạy đua để trở thành trường ĐHNC tạo ra hiện tượng lạc hướng về sứ mạng. Rất nhiều người lo rằng thành tích của các trường ĐHNC đẳng cấp quốc tế ở một số nước sẽ phải trả bằng cái giá đè lên vai tất cả các trường còn lại. Thách thức đối với những người làm chính sách là giữ được tương quan hợp lý giữa việc đầu tư cho một số đỉnh cao đồng thời duy trì được nguồn lực để phát triển hệ thống theo chiều rộng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của quốc gia.

Đối với Việt Nam, việc xây dựng một số trường ĐHNC chỉ là một phần, thậm chí chưa phải là phần việc cấp bách nhất của việc tái cấu trúc hệ thống. Tái cấu trúc hệ thống phải nhắm vào đại bộ phận các trường và nhắm vào những nhu cầu bức thiết nhất của dân chúng, cũng như của sự phát triển kinh tế và xã hội.

Sở dĩ cần đặt vấn đề về tái cấu trúc hệ thống là vì, thứ nhất, thế giới đang thay đổi cách nhìn nhận đối với việc đánh giá GDĐH, thay cho đánh giá thành tích từng trường, hiện nay đang có xu hướng nhìn nhận kết quả và tác động mà cả hệ thống tạo ra. U21 chẳng hạn, là bảng xếp hạng hệ thống GD các nước theo quan điểm như vậy. Hai là, chúng ta đều biết rằng thế giới đang ngày càng trở nên tương thuộc, sự phát triển lành mạnh của từng trường không thể tách rời bối cảnh chính sách của cả hệ thống. Vì vậy, tạo ra một hệ sinh thái đại học đa dạng thực chất có nghĩa là tạo ra những con đường khác nhau, những khoảng không gian khác nhau để mọi loại trường đều có thể tìm thấy chỗ đứng và phát triển lớn mạnh, vì sự đa dạng đó chính là cái mà chúng ta cần.

MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ NHU CẦU XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH

Nghị định 73/ NĐ-CP về phân tầng và xếp hạng có hiệu lực từ 25.10.2015 là nhằm giải quyết vấn đề sắp xếp lại hệ thống. Ưu điểm của nó là xác định rõ các loại trường, và có những tiêu chí khác nhau cho từng loại trường khác nhau. Nghị định này đã đưa ra những tiêu chí cụ thể của từng loại trường, dựa vào đó các trường thực hiện kiểm định và đề xuất kết quả tự đánh giá, phân loại. Bộ GD-ĐT thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Nghị định nêu rõ, phân tầng thực hiện theo chu kỳ 10 năm, còn xếp hạng thì 2 năm một lần. Những điều này cho thấy, Bộ GD-ĐT đang chọn cách tiếp cận theo lối quản lý hành chính, và từ trên xuống. Mặc dù dựa trên những tiêu chí khách quan và công khai, nhưng việc đánh giá hiện trạng được thực hiện thông qua một tổ chức do Bộ chỉ định, và kết quả phải do chính phủ phê duyệt đã gợi ra ít nhiều tính chất “xin cho” và cho thấy một cách làm khá xa lạ với thực tiễn quốc tế.

Vì chọn cách tiếp cận từ trên xuống như vậy, cho nên Nghị định đã hoàn toàn bỏ trống hai câu hỏi quan trọng nhất mà lẽ ra các nhà làm chính sách phải trả lời: mục tiêu của việc phân tầng xếp hạng là gì và chính sách của nhà nước đối với từng loại trường sẽ là như thế nào?

Nói cách khác, Nghị định 73 chỉ cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và tiêu chí, quy trình để thực hiện phân tầng và xếp hạng, nhưng không cho biết phân tầng xếp hạng như thế là để làm gì, và không cho biết bất cứ một hướng đi chính sách nào để các trường căn cứ vào đó quyết định mình nên chọn con đường nào để đi.

Do vậy, dựa trên văn bản, có thể nói hiện nay Nghị định 73 đang lấy việc phân tầng xếp hạng làm mục đích tự thân, trong lúc đáng lẽ phải coi phân tầng xếp hạng là phương tiện để tái cấu trúc hệ thống.

Tuy không nói rõ là các trường có thể chuyển từ tầng này sang tầng khác (như trong Dự thảo) nhưng việc quy định chu kỳ phân tầng 10 năm đã có ngụ ý là các trường có thể thay đổi cương vị từ một trường nghiên cứu thành trường thực hành hoặc ngược lại, tùy theo kết quả hoạt động.

Ý nghĩa của những điều này là gì?

Chính vì lấy việc phân tầng xếp hạng làm mục đích tự thân, Nghị định 73 chọn một giải pháp đơn giản và dễ làm nhất là trộn lẫn các tiêu chí dùng để phân tầng và tiêu chí dùng để xếp hạng, hay nói cách khác là dùng chính những tiêu chí phân tầng để xếp hạng dựa trên sự khác nhau về lượng. Điều này không hợp lý bởi vì hai lý do sau: (i) phân tầng và xếp hạng có mục đích khác nhau, cho nên lẽ ra phải có tiêu chí và cách làm khác nhau; và (ii) không nên có một bảng xếp hạng duy nhất do chính phủ phê duyệt, vì việc này sẽ biến việc xếp hạng vốn là một hoạt động học thuật thành một công việc hành chính, tạo ra nghi ngờ và gây ra ngộ nhận về chất lượng các trường. Một trường có thể tốt về mặt này nhưng kém về mặt khác, vì thế cách xếp hạng truyền thống của ARWU hay THES đang bị công kích kịch liệt. Thay vào đó, thế giới đang chuyển sang xếp hạng đa chiều (multi-rank) nhằm phản ánh đầy đủ hơn kết quả hoạt động của các trường.

Hệ quả là, việc phân tầng (đúng ra nên gọi là phân loại) đáng lẽ phải dựa trên sứ mạng thì trở nên một cuộc chạy đua về cương vị cao thấp trong hệ thống; vì ai cũng nghĩ là trường ĐH nghiên cứu thì có cương vị cao hơn, có uy tín và danh tiếng hơn, và được nhà nước đầu tư nhiều hơn.

Tâm lý cố để được công nhận cương vị ĐHNC này tạo ra một hiệu ứng trái ngược với mục đích thực sự mà việc phân tầng đáng lẽ phải nhắm đến, tức là là tạo ra một không gian phát triển cho các loại trường khác nhau. Nếu không có chính sách khích lệ kịp thời để điều chỉnh hành vi của các trường, chúng ta sẽ thấy việc phân tầng xếp hạng này thậm chí còn làm trầm trọng hơn tình trạng hiện tại: ai cũng muốn được công nhận là trường ĐHNC, ai cũng muốn có thứ hạng cao, và vì thực chất việc đầu tư cho nghiên cứu cần nhiều tiền bạc và thời gian cho nên không phát triển kịp, có thể sẽ có nhiều trường chọn con đường tắt, là mua thành tích hay làm giả số liệu, thay vì tập trung cho sứ mạng cốt lõi của mình.

TRỞ LẠI HIỆN TRẠNG

Hệ thống GDDH Việt Nam cần được tái cấu trúc lại. Sở dĩ số trường của ta còn ít, nhưng ta vẫn có cảm tưởng dường như nó thừa, là vì cái ta có chưa phải là cái ta cần, còn cái ta cần thì thật ra chưa có, hoặc chưa có đủ. Ta thấy thừa, là vì hầu hết các trường không khác nhau nhiều về đặc trưng, về sứ mạng. Tái cấu trúc hệ thống phải là một cơ hội để các trường xác định lại hồ sơ năng lực của mình thay vì là một cuộc đua thành tích. Bởi vì trong thị trường lao động ngày nay, danh tiếng ảo của trường không thay thế được năng lực thật của người học, vốn là phản ánh trực tiếp về chất lượng đào tạo của nhà trường.

Có một điều cần nhấn mạnh, là dưới tác động của hiện tượng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều hơn trên toàn cầu, quan niệm về tấm bằng và về giá trị của thực học ngày nay đang thay đổi. Phụ huynh và sinh viên đã có cái nhìn thực tế hơn. Bằng đại học tỏ ra quá đắt đỏ và giá trị của nó không đáng với giá tiền phải trả, vì vậy đang có xu hướng chuyển từ chỗ học để lấy tấm bằng sang học để thụ đắc những kỹ năng cần cho cuộc sống. Nhưng dường như các trường ĐH Việt Nam và các cơ quan quản lý đã không bắt kịp với những thay đổi này của cuộc sống. Cách phân tầng xếp hạng chỉ nhằm mục đích xác định cương vị của trường đã nói lên điều này. Nó phản ánh lối tư duy chạy theo thành tích, chú trọng sự hào nhoáng bề ngoài của các nhà quản lý cả ở cấp trường lẫn cấp hệ thống. Trong lúc đó, cái mà chúng ta cần là lối tư duy xem GDĐH như một dịch vụ phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp và nhằm vào những kết quả thực tế mà nó mang lại cho người học, bởi vì chính lối tư duy này mới có thể tạo ra thay đổi về chất lượng.

THÁCH THỨC TRONG VIỆC THỰC THI

Thách thức trong việc thực thi phụ thuộc vào kỳ vọng và mục tiêu đặt ra cho việc phân tầng xếp hạng. Nếu phân tầng xếp hạng chỉ là để xác định cương vị và vị trí của các trường, có lẽ không có nhiều thách thức lớn, ngoại trừ việc lòng tin của xã hội có thể sẽ bị xói mòn càng thêm sâu sắc nếu kết quả phân tầng và xếp hạng không thuyết phục được công chúng.

Nếu phân tầng xếp hạng được coi như một mục đích tự thân, nó sẽ có rất ít ý nghĩa đối với mục tiêu tái cấu trúc hệ thống. Để có thể sắp xếp lại hệ thống GDĐH theo hướng hợp lý hơn và đa dạng hơn, cần có những chính sách khích lệ phù hợp cho tất cả các loại trường để các trường tự lựa chọn sứ mạng của mình. Có thể kết hợp cách tiếp cận từ trên xuống với những cách khác từ dưới lên, nhằm làm giảm nhẹ việc hành chính hóa, và nhất là, để việc phân loại các trường gắn chặt với sứ mạng của từng trường và động lực tự thân của họ. Vì xét cho cùng, phân loại là dựa trên sứ mạng, và sứ mạng chỉ có ý nghĩa khi nó không chỉ là một lời tuyên bố, mà chi phối toàn bộ kế hoạch chiến lược và cách thức vận hành nhà trường.

Đó mới là thách thức lớn phải vượt qua để tạo ra sự thay đổi về chất lượng.

 

[1] Tỉ lệ của Mỹ là 1 trường trên 67 ngàn dân. Malaysia là: 1/55 ngàn. Việt Nam là 1/212 ngàn dân.

[2] Tỉ lệ vào ĐH trên tổng số dân trong độ tuổi 18-22 của Việt Nam năm 1987 là 2%, hiện nay là 25% (World Bank), trong lúc hiện nay tỉ lệ này của Trung Quốc là 30%   , Hàn Quốc  97%, Úc 86%).