ĐƯỢC VÀ MẤT QUA MỘT KỲ THI

Phạm Thị Ly (2015)
(Đăng trên Thời báo Kinh tế Saigon ra ngày 27.08.2015)

Sau khi những bức xúc của xã hội liên quan đến kỳ thi TNPT&TSDH 2015 tạm lắng xuống, cần nhìn lại bức tranh toàn cảnh kỳ thi này để rút ra những bài học cần thiết.

Tràn ngập trên mặt báo là những bài phản ánh nỗi khổ, sự lo lắng bất an của hàng trăm ngàn thí sinh và gia đình họ. Cũng không ít ý kiến chuyên gia đã phân tích những bất cập. Chắc chắn là những người có trách nhiệm sẽ cần ngồi lại để đánh giá tình hình và điều chỉnh cách làm cho những năm tới.

Chúng ta có quá bất công khi chỉ nhìn thấy những bất cập, mà không ghi nhận những điểm sáng của kỳ thi năm nay? Trong bức tranh rối ren mà chúng ta đang thấy, phần nào là do bản thân cách làm không thích hợp, phần nào là do lỗi kỹ thuật, phần nào là do kế thừa quán tính tâm lý cũ mà ra, phần nào là hệ quả của cấu trúc quản trị tập quyền? Những gì có thể sửa, trong ngắn hạn và trong dài hạn?

NHỮNG ĐIỂM SÁNG

Trước hết, chúng ta cần ghi nhận nỗ lực đổi mới của Bộ GD-ĐT. Cách làm năm nay hoàn toàn khác so với mọi năm, và xuất phát điểm là mong muốn cải thiện một thực trạng nhức nhối, đó là áp lực thi cử đè nặng lên toàn xã hội. Dù thành công hay thất bại, thì quyết tâm đổi mới vẫn là một điều cần khích lệ. Có quyết tâm đó thì chúng ta mới có cơ may thay đổi.

Xưa nay, tuyển sinh ĐH vẫn là một cuộc đấu giành chỗ ngồi trong những trường tốt.Với cách làm này, ít nhất chúng ta thấy cuộc đấu được diễn ra công khai, trong đó thua thắng của mình được quyết định bằng tương quan giữa những người tham gia cuộc đấu. Tạm gác qua vấn đề điểm ưu tiên thì về nguyên tắc, cuộc đấu này dựa trên nguyên tắc công bằng và minh bạch: những người có điểm cao nhất sẽ là những người được chọn.

Thí sinh cũng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Trước hết, điểm thi có thể tính theo các tổ hợp môn khác nhau, do đó thí sinh nắm trong tay nhiều quân bài hơn. Thay vì chỉ có một tổng điểm cố định như trước (do chọn ngành, chọn trường trước khi thi), nay thí sinh có thể lựa chọn các tổ hợp khác nhau, và có nhiều tổng điểm hơn thay vì chỉ có một; từ đó dẫn tới khả năng có thể lựa chọn các ngành khác nhau. Những năm trước, thí sinh có thể thi hai đợt, với chỉ hai khối thi khác nhau. Nhưng năm nay chỉ cần dự một kỳ thi, với 8 môn thi, thí sinh đã có thể có 24 tổ hợp khác nhau và do vậy có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.

Một điểm sáng quan trọng nhất là, do năm nay việc quyết định vào trường nào diễn ra sau khi đã có điểm thi, cho nên cơ hội mở rộng hơn đối với các em học giỏi và các trường có thể tuyển được những em giỏi nhất. Trước đây chỉ cần cạnh tranh với những người thi cùng trường với mình là có thể đậu; nay với cách xét tuyển mới này thì muốn đậu phải là người giỏi nhất trong số những người có cùng mong muốn vào trường. Vì vậy các trường có uy tín có phạm vi lựa chọn rộng hơn và sẽ tuyển được nhiều sinh viên giỏi hơn. Đối với sinh viên, cơ hội rộng mở hơn cho người giỏi: Những năm trước việc chọn trường diễn ra trước khi thi cho nên nhiều em giỏi vì sợ thi rớt đã chọn những trường có mức điểm chuẩn khiêm tốn để nắm chắc cơ hội vào ĐH. Năm nay những em điểm cao có thể mạnh dạn đăng ký xét tuyển ở những trường tốt nhất. Nói cách khác, cơ hội để vào những trường vừa khớp với mức điểm của mình là nhiều hơn so với mọi năm.

NHỮNG BẤT CẬP

Những điểm bất cập đã được đề cập nhiều, tựu trung gồm ba điểm chính: (1) bất hợp lý trong vấn đề điểm ưu tiên khiến những thí sinh khá giỏi có thể bị đánh bạt ra ngoài; hệ quả là các trường đã loại bỏ những em khá để nhận những em kém hơn (2) việc rút và nộp hồ sơ gây quá nhiều áp lực, tốn kém và bất an; (3) hiện tượng thí sinh ảo khiến không thể phán đoán chính xác từ đó dẫn tới việc thí sinh chọn bất cứ trường nào mình có thể đậu bất kể mong muốn về nghề nghiệp tương lai. Hệ quả là những nỗ lực hướng nghiệp đã bị phá vỡ.

Đối với những bất hợp lý nói trên, cần đi tới nguồn gốc sâu xa hơn và giải pháp khắc phục cho tương lai.

Điểm ưu tiên là chính sách đã áp dụng nhiều năm nhưng không gây ra bất hợp lý nghiêm trọng như năm nay (do thang đo dành cho tuyển sinh ĐH bị thu hẹp lại), là điều đã không được lường trước.Tuy vậy điều này có thể điều chỉnh được bằng một chính sách ưu tiên hợp lý hơn.

Việc rút và nộp hồ sơ quá tốn kém và căng thẳng cho cả thí sinh và các trường, là do hạ tầng IT bất cập. Điều này là lỗi kỹ thuật, và hoàn toàn có thể khắc phục được để thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến thay cho việc nộp bản cứng và chờ dữ liệu của Bộ để cập nhật như hiện nay.

Vấn đề thí sinh ảo cũng có thể giải quyết bằng các giải pháp kỹ thuật, hoặc thay thế bằng những quy định hợp lý hơn. Sở dĩ việc nộp-rút, rút-nộp gây náo loạn như hiệu ứng domino là do thí sinh không nhận thức được bức tranh điểm sàn năm nay khác hẳn so với mọi năm. Mọi năm, 21 điểm thi ĐH đã là xuất sắc, 24-25 điểm đã là ngưỡng thủ khoa, thì năm nay 25-27 điểm vẫn chưa là gì cả ở những trường top. Điều này đáng lẽ sẽ không xảy ra nếu toàn bộ dữ liệu điểm thi được công bố công khai, để mỗi thí sinh và kể cả các trường lượng định được bức tranh chung. Tình trạng náo loạn này cũng sẽ không xảy ra nếu cơ sở dữ liệu của các trường liên thông và không phải đi qua Cục Khảo thí để gây tắc nghẽn thông tin như vừa qua.

Nói cách khác, tuyển sinh năm nay như một đoàn tàu cả triệu hành khách quẹo cua gấp, quán tính những năm trước khiến thí sinh không lường được bối cảnh năm nay để thích ứng.Tuy vậy, cần nhìn nhận một cách công bằng, là hiện tượng náo loạn chỉ xảy ra chủ yếu ở một số trường công top trên, và lẽ ra đã có thể tránh được với một cách làm hợp lý hơn.

BÀI HỌC CẦN THIẾT

Đối với Bộ GD-ĐT, có lẽ bài học cần thiết nhất là, mọi đổi mới có tác động đến cả triệu người như vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và tham vấn chuyên gia rộng rãi, thậm chí cần thử nghiệm hoặc tổ chức phản biện trước khi thực hiện. Nếu làm như vậy, đã không có việc phần mềm xét tuyển mãi đến ngày 11.08 mới đưa vào sử dụng được, hoặc đã không có hiện tượng tắc nghẽn thông tin và nháo nhào nộp rút. Nhiều bất cập lẽ ra có thể thấy trước, như vấn đề điểm ưu tiên, hồ sơ ảo.

Đối với các trường, trong đợt tuyển sinh vừa qua, các trường đã hoàn toàn bị động, và mặc dù đã nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu rút-nộp của thí sinh, cũng không thể hạn chế được tác động dây chuyền của hiệu ứng tâm lý đám đông. Bài học cho các trường là chủ động tận dụng những cơ hội Bộ mang lại ngay từ đầu, như những trường có phương án tuyển sinh riêng đã làm, để có thể đáp ứng nhanh nhạy hơn với phản ứng của thí sinh.

Đối với thí sinh và gia đình, một phần áp lực là do tâm lý phải vào ĐH, nhất là ĐH công danh tiếng, bằng mọi giá. Áp lực này càng tăng khi cả thí sinh lẫn phụ huynh đã ngộ nhận về bức tranh điểm số năm nay. Có lẽ bài học quan trọng nhất mà phụ huynh cần rút ra, là tỉnh táo trước mục tiêu vào ĐH của con em. Nếu không xem vào ĐH là mục tiêu tối hậu, mà xem trọng hơn học vấn, tri thức, nghề nghiệp tương lai của con em, họ sẽ có thái độ bình tĩnh hơn. Đã đành ai cũng muốn vào học những trường có uy tín, nhưng kể cả ở những trường tốt nhất, cũng không ai có thể học thay cho mình, và tấm bằng có sáng giá đến đâu cũng không thay thế được học vấn và tri thức. Vì vậy, không nên vào một trường nào đó chỉ vì mình có thể vào được, bất chấp năng lực, tố chất, ý thích và mơ ước của bản thân.Trượt nguyện vọng 1 không phải là tận thế, và cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Cuộc đời không phụ những người có ý chí và đam mê, nếu những bất cập của một kỳ thi ĐH có thể làm chuyển hướng đời mình một cách tiêu cực, thì cần thấy rằng bản thân mình cũng có trách nhiệm không nhỏ.

Phạm Thị Ly