BỊ DỒN RA NGOÀI THÁP NGÀ, GIẢNG VIÊN HỢP ĐỒNG THẤY CUỘC ĐỜI KHÔNG CÒN MÀU HỒNG

Tác giả: RACHEL L. SWARNS
Người dịch: Phạm Thị Ly (2014)

Gần 18 tháng sau khi lấy bằng tiến sĩ văn học Anh, James D. Hoff vẫn đang chật vật xếp hàng để được nhận dạy một môn ở một trường đại học khác trong thành phố.

Sinh viên gọi ông là “giáo sư” và trong lớp James D. Hoff trông chẳng khác gì những giáo sư Anh ngữ khác, phân phát tài liệu và kêu gọi sinh viên ngâm thơ, thưởng thức hay nghiền ngẫm những tác phẩm của nhiều nhà văn khác nhau, như James Baldwin, Stephen Crane hay thi ca của Beat.

Tóc vàng, râu màu cát sậm, ông có một niềm say mê vô hạn với thơ ca Mỹ, và có thể nói ông đang sống với mơ ước của mình. Ông đã xuất bản nhiều bài viết về Ezra PoundLaura Riding, và có thể quên đi những mối lo lắng của mình nhờ niềm vui trong việc giúp những người trẻ tuổi khám phá sức mạnh của văn học.

Nhưng mối lo lắng của ông không ngừng quay lại ám ảnh. Ban đêm, nhiều khi ông nằm thao thức trong bóng tối, tự hỏi liệu ông có thể xoay sở để sống cuộc đời hàn lâm này trong bao lâu nữa.

Ông không phải giáo sư. Ông là một giảng viên hợp đồng, một công việc ngày càng phổ biến hơn và bấp bênh hơn, một công việc không hề có gì là bảo đảm về chỗ làm, về phúc lợi y tế, và không có con đường chắc chắn để trở thành một người trong biên chế đại học.

Mười tám tháng sau khi bảo vệ xong bằng tiến sĩ, Hoff vẫn chưa tìm được một việc làm toàn thời gian. Ông sống một cách giật gấu vá vai, chật vật xếp hàng chờ được xếp lớp để dạy ở nhiều trường khác nhau trong thành phố. May lắm thì ông kiếm được chừng bốn chỗ dạy mỗi học kỳ, với số giờ dạy ngang với một người dạy toàn thời gian, nhưng chỉ được trả mỗi năm 24.000 đô la Mỹ.

Học kỳ này, ông chỉ có ba lớp.

“Tôi lo lắm” Hoff nói về cảm xúc của ông khi biết rằng ông sẽ có thể thâm hụt 3.000 đô la Mỹ trong cán cân thu chi của mình. Ông 42 tuổi, có vợ, một đứa con mới tập đi, và một khoản nợ trong thẻ tín dụng.

Mayor Bill de Blasio là người đã nêu ra vấn đề bất bình đẳng thu nhập ở nơi này. Chúng ta đã biết nhiều về cuộc đấu tranh của những người công nhân không có bằng đại học và thu nhập thấp, về khoảng cách thu nhập ngày càng lớn, về sự suy giảm trong việc bảo đảm công ăn việc làm trong các doanh nghiệp ở Mỹ.

Nhưng cơn địa chấn này cũng đã lay động đến cả giới hàn lâm, tạo ra một xã hội người được kẻ mất, người có tất cả và kẻ chẳng có gì, người “bên trong” và kẻ đứng ngoài, trong giới giảng viên.

“Đây là cuộc đời tôi, là công việc mà tôi rất yêu thích”. Hoff nói về việc giảng dạy, nghiên cứu, và viết lách của ông. “Nhưng với tôi, làm một giảng viên hợp đồng cũng giống như là thường xuyên ở trong tình thế khủng hoảng kinh tế”.

Từ năm 1993 đến năm 2011, tỉ lệ giảng viên không có biên chế trong cả nước Mỹ đã tăng từ 57 đến 70%, theo Hiệp hội Các Giáo sư Đại học. Trong số đó, phần lớn là các giáo sư hợp đồng giống như Hoff.

City University of New York, là nơi Hoff đã làm việc hợp đồng trong khi theo học nghiên cứu sinh tiến sĩ, giảng viên hợp đồng bán thời gian chiếm 62% trong tổng số 18.600 giảng viên, theo Professional Staff Congress, một tổ chức đại diện cho giảng viên và nhân viên nhà trường, cho biết. Các nhà nghiên cứu, quan chức của nhà trường cho biết rằng việc thu hẹp các nguồn hiến tặng và ngân sách nhà nước sụt giảm là nguyên nhân chính khiến nhà trường phải dựa vào đội ngũ bán thời gian và ít tốn phí hơn.

CUNY, cũng đang trải qua tình trạng giảm sút trầm trọng số sinh viên nhập học, đã chi 10 triệu đô la Mỹ hỗ trợ quyền lợi y tế cho các giảng viên hợp đồng và hỗ trợ một chương trình đưa thêm khoảng 200 giảng viên vào biên chế. Các giảng viên hợp đồng nói rằng cần nhiều hơn thế, rất rất nhiều.

Nhiều người tưởng giảng viên hợp đồng là người đang hành nghề chuyên nghiệp, với một hay hai môn học nào đó. Nhưng với sự sụt giảm những chỗ làm có biên chế, ngày càng nhiều người trong giới hàn lâm như Hoff, không thể nào tìm được một chỗ làm toàn thời gian trong trường đại học.

Họ ngày càng ngang bướng, bị khích động bởi các trường trả tiền quá trễ và hủy lớp vào phút chót. Nhiều giảng viên hợp đồng nói rằng họ bị loại ra ngoài việc quản trị trường đại học và không được tham gia quyết định những vấn đề liên quan tới lớp mà họ dạy. Và còn nhiều những thứ không xứng với phẩm giá của họ gây ra sự khó chịu, ví dụ như bị từ chối không giao chìa khóa tủ đồ dùng dạy học hay không được vào văn phòng sau giờ làm việc.

“Họ cảm thấy thiếu phẩm giá, thiếu sự tôn trọng, cảm thấy người khác không nhìn nhận sự hiện diện của họ”. Barbara Bowen nói. Bà là chủ tịch Hội Cán bộ Công nhân viên Trường Đại học Thành phố New York (CUNY), người đã nói rằng hội này đang đòi tăng cường bảo đảm chỗ làm cho giảng viên hợp đồng trong việc thương lượng hợp đồng lao động tương lai.

Giảng viên hợp đồng cũng sống rất chật vật. Hoff, người đang dạy học kỳ này ở Trường ĐH Manhattan và Viện Kỹ thuật Thời trang, đã phải dọn từ Manhattan đến Bronx để tìm một căn hộ có giá thuê rẻ tiền hơn. Vợ ông làm cho một tập san khoa học. Hai vợ chồng không thể xoay xở mua nổi một nơi ở hay dành dụm cho việc học đại học của đứa con gái 22 tháng tuổi của họ.

Ngày nào ông cũng mở hộp thư để xem tin tức về những công việc mới. Ông đã từ lâu không còn chỉ tìm kiếm những việc trong biên chế, không còn tìm bất cứ việc làm toàn thời gian nào nữa. Đó là những vị trí ổn định trong các trường đại học hay cao đẳng, hay các cơ quan trực thuộc các trường, những công việc có thể đảm bảo cho ông tiếp tục dạy học và theo đuổi hoạt động học thuật.

Hoff là người đầu tiên trong gia đình ông đặt chân vào đại học. Thời tuổi trẻ, ông mơ ước trở thành một nhà thơ, một học giả. Ông vẫn đang bám níu lấy những khát vọng ấy, ít ra là cho tới giờ phút này.

“Năm năm nữa, hãy đến nói chuyện với tôi, tôi có thể sẽ cảm nghĩ khác đi chăng”. Ông nói thế.

Nguồn: New York Times ngày 19.1.2014

Bản tiếng Việt: Thông tin GDQT của Trung tâm Nghiên cứu & Đánh giá GDĐH Trường ĐH Nguyễn Tất Thành số 15.2014