Tác giả: Philip G. Altbach[1]
Người dịch: Phạm Thị Ly (2010)

Kết quả xếp hạng đại học năm 2009 cho thấy mức độ gia tăng rất khiêm tốn trong con số những trường đại học châu Á lọt vào danh sách 100 trường hàng đầu—trong Bảng Xếp hạng Đại học Thượng Hải, con số này từ 5 lên 6, và trong Bảng Xếp hạng của Thời báo Times, là từ 14 lên 16. Các nhà bình luận lập tức liên hệ tới sự trỗi dậy về mặt khoa học và đào tạo ở châu Á và đồng thời là sự sa sút của phương Tây. Tuy nhiên, về cơ bản, sự trác việt trong học thuật, năng suất nghiên cứu khoa học và thanh danh, những thứ mà các hệ thống xếp hạng cố nắm bắt và phản ánh, không phải là một “trò chơi có tổng bằng không” (zero-sum game), nghĩa là hễ bên này thắng thì bên kia thua, bên này được thì bên kia mất. Sự cải thiện chất lượng của đại học ở một nơi nào đó trên thế giới không có nghĩa là các đại học ở nơi khác nhất thiết phải suy sụp. Hơn nữa, sự thay đổi ở châu Á hoàn toàn không mang tính chất kịch tính. Thật là một điều tốt khi các trường đại học bên ngoài các khu vực quyền lực truyền thống của Bắc Mỹ hay Châu Âu có thể nâng cao chất lượng và giành được sự công nhận ngày càng tăng cho thành quả của họ.

Tuy nhiên, việc xem xét sự phát triển trong khoa học và đào tạo của châu Á cũng sẽ rất có ích vì khu vực này là nơi có những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới; một số nước châu Á đã và đang nhấn mạnh trọng tâm của họ là vừa mở rộng vừa cải thiện chất lượng của giáo dục đại học. Tuy gần như không thể nêu lên những nhận định khái quát hóa về một khu vực rộng lớn và đa dạng như thế, chúng ta vẫn có thể nêu lên một vài thực tế có ý nghĩa đối với phần lớn khu vực này.

Châu Á là mảnh đất của đa số các trường đại học tư trên thế giới, và thành phần tư nhân này vẫn đang tiếp tục mở rộng trong vùng. Trừ vài ngoại lệ, khu vực tư này nằm dưới đáy của hệ thống thứ bậc uy tín. Nói theo cách các nhà kinh tế học, các trường tư “đáp ứng nhu cầu” và đem lại cơ hội vào đại học cho nhiều người, nhưng nói chung không phải với chất lượng cao. Khu vực tư nhân không đóng góp nhiều vào việc nâng cao chất lượng của giáo dục đại học châu Á.

Châu Á có một khu vực có chất lượng cao đặc biệt. Nhiều trường đại học Nhật Bản được xếp hạng rất cao. Singapore và Hong Kong có một hệ thống đào tạo xuất sắc. Có những trường đại học xuất sắc ở Hàn Quốc và Đài Loan. Khoảng mươi trường hàng đầu của Trung Quốc đang tiến về vị trí “đẳng cấp quốc tế”. Các Viện Khoa học Công nghệ của Ấn Độ, dù không phải là những trường đại học theo quan niệm truyền thống, cũng là những trường hàng đầu. Nhưng nhìn chung, các trường đại học châu Á không có lợi thế khi so sánh với những trường đại học ở Bắc Mỹ, Tây Âu, hay Úc. Một số yếu tố về cơ chế, học thuật và văn hóa có thể cản trở ngay cả những trường đại học tốt nhất châu Á trên đường vươn tới đỉnh cao học thuật trong tương lai gần, và về mặt nào đó, có thể cản trở việc cải thiện chất lượng của các trường đại học châu Á nói chung.

Chiến lược của các nước Châu Á trong việc nâng cao chất lượng đại học là khác nhau. Singapore và Hong Kong đã đạt được những thành công đáng kể đơn giản vì họ xây dựng các trường đại học phương Tây ở châu Á bằng cách thuê nhiều giảng viên ngoại quốc, dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy chính, và sao chép những chuẩn mực phương Tây về tổ chức và quản lý. Hàn Quốc đã hỗ trợ nhiều chiến dịch quốc gia nhằm nâng cấp việc nghiên cứu khoa học và đào tạo, chẳng hạn như dự án “Trí tuệ Hàn Quốc”. Đài Loan phần nào dựa vào việc thuyết phục các nhà khoa học Đài Loan được đào tạo từ phương Tây trở về nước để cải thiện chất lượng những trường trọng điểm đang được nhận sự hỗ trợ đặc biệt. Singapore có chiến lược mời gọi các trường đại học nước ngoài mở chi nhánh tại Singapore và cho họ nhiều điều kiện ưu đãi tài chính để thực hiện điều này—tuy rằng nhiều chi nhánh như thế đã thất bại.

Nỗ lực của Trung Quốc gây ấn tượng mạnh mẽ nhất: sự kết hợp các nguồn tài chính to lớn được bơm vào những trường được xác định là thành đạt nhất; sự sáp nhập nhằm tạo ra những trường vừa có chất lượng cao vừa có quy mô đạt hiệu quả kinh tế; cùng với những nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường học thuật kích thích năng suất cao.

Tuy vậy, rất có thể là ở Trung Quốc và đâu đó ở châu Á, có một cái “trần thủy tinh” sẽ sớm bị chạm đến. Tài chính và những nguồn lực khác kết hợp với những chiến lược đổi mới có thể tạo ra những tiến bộ chỉ đến thế mà thôi. Những thách thức về văn hóa, học thuật và lịch sử tồn tại dai dẳng có thể làm chậm đi tiến trình nâng cấp chất lượng các trường đại học châu Á. Sự trỗi dậy của giáo dục đại học châu Á không nhất thiết là không thể nào tránh khỏi, ít nhất trong một tương lai gần.

Những trở ngại chủ yếu

Một nền văn hóa học thuật dựa trên giá trị tài năng, tự do truy vấn và sự cạnh tranh – kết hợp với yếu tố hợp tác và ít nhiều linh động – là điều cốt yếu đối với một trường đại học đẳng cấp quốc tế. Nhiều người ở châu Á nhìn nhận tầm quan trọng của những nhân tố này và những khó khăn trong việc thực hiện, cũng như những trở ngại nằm ở truyền thống lịch sử và ở những nhân tố khác.

Những mối quan hệ tất nhiên là cần thiết ở bất cứ đâu và trong tất cả mọi tổ chức, mọi xã hội. Nhưng ở Châu Á, quan hệ và mạng lưới cá nhân—người Trung Quốc gọi là guanxi—vẫn đang ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống học thuật, từ việc tuyển sinh cho đến việc thăng tiến của các giáo sư và phân bổ ngân sách nghiên cứu. Một thí dụ là hiện tượng “đồng huyết”[2] phổ biến trong giảng viên. Những người được đào tạo từ một trường đại học nào đấy lại được chính trường ấy tuyển dụng và tiếp tục sự nghiệp của mình tại đó. Điều này có thể hạn chế những cách nghĩ mới và sự đổi mới do quan điểm tôn trọng thái quá hệ thống tôn ti trật tự trong học thuật (của đại học đó). Thường thì cũng khó có thể khuyến khích đổi mới trong một môi trường như vậy. Những sợi dây ràng buộc giữa một cựu sinh viên với giáo sư hướng dẫn của mình có thể định hình quan điểm của nhà trường, hay của cấp khoa và kìm chế sự thay đổi, hoặc khuyến khích thêm chủ nghĩa bè phái.

Nhiều trường đại học Châu Á kết hợp chính sách thăng tiến đối với giảng viên và mối quan hệ thân thuộc trong lúc không có một hệ thống “biên chế” chính thức. Hậu quả là, nhiều người được bổ nhiệm học vị theo cách ấy đã được thăng tiến mà không có sự đánh giá thận trọng đúng mức. Hơn thế nữa, nhiều hệ thống đào tạo ở khu vực này đã không đem lại một sự bảo vệ chính thức cho quyền tự do học thuật hay một chính sách thăng tiến khuyến khích năng suất lao động và những hoạt động dài hạn.

Việc giảng dạy, và ở mức độ nào đó, cả nghiên cứu, thường theo những phương pháp hoàn toàn truyền thống và nhấn mạnh diễn giảng, với rất ít tương tác giữa thầy và trò. Các giáo sư thường chỉ đơn giản lặp lại bài giảng của họ và để lại rất ít thời gian cho câu hỏi và thảo luận, nếu có. Có nhiều ý kiến phê phán cách dạy truyền thống này trong những năm gần đây, và nhìn nhận rằng nó không đóng góp gì vào việc học tập lâu dài cũng như phát triển tư duy độc lập. Những phương pháp này tiếp tục kéo dài tới cả đào tạo sau đại học, nơi mà sự tuân thủ quy cách được coi là quy tắc, và những công việc “thực hành” độc lập vẫn chưa phải là một chuẩn mực phổ biến.

Hệ thống thứ bậc là trung tâm của những mối quan hệ học thuật mọi loại. Điều này thường có nghĩa là sinh viên bị cản trở trong những giao tiếp tương tác không chính thức với các giáo sư, như các bạn đồng nghiệp của họ thường được hưởng ở các trường đại học phương Tây. Giảng viên trẻ thường bị buộc tuân thủ các phương pháp và chủ đề của những giáo sư lớn tuổi. Những quyết định về học thuật trọng yếu thường nằm trong tay những giáo sư có kinh nghiệm, do lòng kính trọng của người châu Á đối với người lớn tuổi, cũng như do bản chất của nhiều xã hội châu Á, mặc dù một số trường đại học hàng đầu đã và đang cất nhắc các giáo sư trẻ và tuyển dụng nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài.

Nạn tham nhũng trong giới học thuật đang tồn tại khắp nơi, ít nhất là trong một mức độ giới hạn nhất định, nhưng dường như đó là căn bệnh phổ biến ở một số nước châu Á. Những bài viết về chủ nghĩa thiên vị trong tuyển sinh, về đạo văn trong công bố khoa học, về giả mạo kết quả nghiên cứu thường xuyên xuất hiện trên nhiều nhật báo ở châu Á. Một nghiên cứu do Đại học Vũ Hán thực hiện ước tính hằng năm khoảng 100 triệu đô la đã được chi ra cho các báo cáo khoa học “ma” do các nhà khoa học và giới sinh viên sản xuất ra. Một trong những tạp chí y khoa hàng đầu thế giới của Anh, Lancet, cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không trở thành một quốc gia siêu cường về nghiên cứu khoa học trước năm 2020 như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã hứa hẹn, nếu như sự gian lận khoa học không bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Hiện có ít thống kê về điều này, nhưng nhiều giai thoại cho thấy vấn đề gian lận trong khoa học khá phổ biến, ngay cả ở một số trường đại học châu Á hàng đầu.

Ở hầu hết các nước châu Á, đào tạo sau đại học còn đang trong giai đoạn tương đối mới,— nó cần cả hai nhiệm vụ là mở rộng và định hình những chương trình đào tạo hiệu quả nhằm cung cấp một cơ sở nghiên cứu cho các trường đại học châu Á, và năng lực đào tạo thế hệ giáo sư và chuyên gia nghiên cứu kế thừa. Thông thường, các giáo sư tập trung công việc vào đào tạo sau đại học sẽ có khuynh hướng trở thành những người nghiên cứu tích cực nhất. Trách nhiệm chuyên môn của họ nhấn mạnh vào việc nghiên cứu và đào tạo một số ít nghiên cứu sinh. Ngay cả những trường đại học tốt nhất của châu Á cũng nhấn mạnh việc đào tạo đại học nhiều hơn—khiến việc hình thành những trường đại học nghiên cứu thêm phần khó khăn, mặc dù một số trường hàng đầu như ở Trung Quốc chẳng hạn, đã mở rộng rất đáng kể những chương trình đào tạo sau đại học.

Quốc tế hóa được công nhận rộng rãi là một phần tất yếu của bất kỳ trường hàng đầu nào. Nhiều trường đại học châu Á đã và đang nhấn mạnh điều này, tuy có những điều bất lợi khá lớn. Cái gì sẽ tượng trưng cho sự quân bình giữa ngôn ngữ địa phương và tiếng Anh, với tư cách ngôn ngữ chính của truyền thông khoa học? Trong nhiều trường đại học, các giáo sư được khuyến khích công bố kết quả nghiên cứu trên những tạp chí chuyên ngành lớn của quốc tế— một nhiệm vụ không phải dễ dàng trong lãnh vực khoa học và học thuật vốn có tính cạnh tranh cao độ. Một số lớp được dạy bằng tiếng Anh, nhưng đôi khi mang lại những kết quả tốt xấu lẫn lộn.

Những vấn đề phức tạp liên quan tới các chi nhánh đào tạo của các đại học nước ngoài, những chương trình cấp bằng do nhượng quyền sử dụng thương hiệu và sự tham gia của những trường đại học nước ngoài thì nhiều và đa dạng, và không phải luôn luôn có lợi cho các trường châu Á. Phần lớn sinh viên du học ở nước ngoài trên thế giới là người châu Á, và nhiều người trong số họ không trở về nước sau khi tốt nghiệp—mặc dù xu hướng này đang thay đổi từ từ.

Trở ngại cuối cùng là thu nhập của nghề giảng viên—tâm điểm của bất cứ trường đại học nào nhưng đặc biệt quan trọng đối với một trường đại học “đẳng cấp quốc tế”. Đối với nhiều nước châu Á, các giáo sư được trả lương không tương xứng so với các ngành nghề khác ở địa phương và quá thảm hại so với tiêu chuẩn quốc tế. Khối lượng công việc giảng dạy thường quá lớn khiến họ khó lòng có thể dành nhiều thời gian cho hoạt động nghiên cứu. Ở nhiều nước, các giảng viên được thăng tiến nhờ vào thâm niên thay vì phẩm chất. Một thách thức khác là việc thiếu vắng hệ thống biên chế dài hạn nhằm bảo đảm vững chắc cho tự do học thuật. Các giáo sư cần được bảo vệ nghề nghiệp tốt hơn, và cũng cần nhiều tiền hơn, đồng thời cần một môi trường cạnh tranh để bảo đảm năng suất cao trong lao động khoa học.

 Tương lai của các trường đại học châu Á

 Tuy rất khó khái quát hóa về tình hình các nước châu Á, nhưng chúng ta cũng có thể có một số nhận định chung. Phần lớn các nước châu Á—với một vài ngoại lệ đáng chú ý ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore—vẫn đang mở rộng nhanh chóng quy mô tuyển sinh. Bởi vậy, việc cạnh tranh giành lấy các nguồn tài chính công cho việc mở rộng hệ thống khá quyết liệt. Các trường đại học hàng đầu thường bỏ lỡ cơ hội trong việc đấu tranh giành nguồn lực. Bộ phận trường tư đang tăng trưởng thì không quan tâm đến nghiên cứu khoa học, và sẽ không tạo ra những trường đại học có uy tín.

Nhiều nước châu Á đang thực hiện những kế hoạch tham vọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, và một số nước đã và đang tạo ra những tiến bộ ấn tượng. Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, và nhiều nước khác đã đầu tư lớn cho giáo dục đại học, với những trường đại học hàng đầu đang được nâng cao thấy rõ. Các nước khác—đáng chú ý nhất là Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, và hầu hết những nước nghèo hơn ở châu Á—còn một con đường rất dài trước mặt.

Trong khi có những tiến bộ rất ấn tượng ở một số nước châu Á và trong một số lĩnh vực học thuật, vẫn còn nhiều trở ngại trên con đường tiến đến vị trí đẳng cấp quốc tế. Cuộc đấu tranh ấy là một con đường dài và đòi hỏi không chỉ nguồn lực mà cả sự thay đổi những thói quen học thuật đã ăn sâu. Nhưng việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế là cần thiết đối với châu Á để tiếp tục những tiến bộ rất ấn tượng trong kinh tế. Nhân lực có khả năng nghiên cứu ở trình độ cao và có kỹ năng tốt là điều rất cần cho tương lai của châu Á.

Nguồn: Philip G. Altbach, The Asian Higher Education Century?, INTERNATIONAL HIGHER EDUCATION No. 59 (Spring, 2010).

Ghi chú

[1] Philip G. Altbach là giáo sư đại học Monan University và giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học của Đại học Boston, Hoa Kỳ.

[2] “inbreeding” (sự giao phối giữa những người có quan hệ thân thuộc gần gũi), ở đây có ý nói nội giao về tinh thần, một hiện tượng ngăn cản giảng viên tiếp nhận và giao lưu với những ý tưởng khác với mình (Chú thích của người dịch).