Phạm Thị Ly (2015)
(Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 22.9.2015)

 1-Trong 15 năm qua, số lượng trường ĐH tăng hơn gấp đôi trong khi số học sinh vẫn tương đương. Hầu hết các tỉnh đều có trường ĐH của tỉnh hoặc của bộ, ngành đóng trên địa bàn. Chị đánh giá thế nào về việc phát triển số lượng và chất lượng ĐH ở VN? Việc các tỉnh đều có ĐH chị thấy sao?

Câu hỏi về việc số lượng trường đang có hiện nay là nhiều hay ít, rất khó trả lời, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác liên quan: vào trình độ phát triển của nền kinh tế, nhu cầu nhân lực, chất lượng đào tạo, dân số trong độ tuổi, khả năng chi trả của người dân, tầm nhìn và chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nếu tính tỉ lệ trên dân số, Mỹ có 4762 trường ĐH-CĐ với dân số 319 triệu, tỉ lệ 1 trường cho 67 ngàn dân, thì con số tương ứng của Việt Nam là 425 trường, 90 triệu dân, tỉ lệ 1 trường cho 212 ngàn dân. So với một nước trong khu vực gần ta hơn như Malaysia chẳng hạn, tỉ lệ này là 1 trường cho 55 ngàn dân. Tỉ lệ người vào ĐH-CĐ trên tổng số dân ở độ tuổi 18-22 của ta mới là 25%, còn rất thấp so với các nước (Hàn Quốc 97%, Úc 86%, Trung Quốc 30%, Malaysia 37%) (WB, 2013).

Tất nhiên những con số này, như đã nói, đứng một mình chưa có ý nghĩa gì. Phải nhìn vào những nghịch lý đang tồn tại: (i) mặc dù số trường còn ít nếu so tỉ lệ dân số như đã nói trên, các trường vẫn đang thiếu nguồn tuyển; (ii) mặc dù tỉ lệ vào ĐH còn thấp, cử nhân ra trường vẫn thất nghiệp; (iii) mặc dù nhiều cử nhân thất nghiệp, các doanh nghiệp vẫn thiếu người. Vì vậy không thể không nghĩ rằng đang có một khoảng cách khá xa giữa những gì các trường đang làm và những gì xã hội thực sự cần.

Mỗi tỉnh có một trường ĐH là điều hay hoặc dở? Tôi không cho đó là điều dở, nếu như các trường ĐH địa phương được xác định sứ mạng là những ĐH cộng đồng, tức là nhằm vào nhu cầu học tập suốt đời và phục vụ trực tiếp cho việc phát triển cụ thể của từng địa phương, chứ không phải là để cấp bằng cho những người chỉ cần bằng cấp để leo cao mà không cần học tập.

2- Chị nói: mặc dù số trường còn ít nếu so tỉ lệ dân số như đã nói trên, các trường vẫn đang thiếu nguồn tuyển; (ii) mặc dù tỉ lệ vào ĐH còn thấp, cử nhân ra trường vẫn thất nghiệp; (iii) mặc dù nhiều cử nhân thất nghiệp, các doanh nghiệp vẫn thiếu người. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?

 Như đã nói, đang có một khoảng cách giữa những gì các trường làm và những gì xã hội thực sự cần. Giải pháp là thu hẹp khoảng cách ấy. Các trường thiếu nguồn tuyển là vì số người vào ĐH đang giảm. Số người vào ĐH giảm có nhiều lý do, trong đó quan trọng là vì khả năng chi trả của dân chúng còn thấp, trong lúc triển vọng việc làm của người có bằng ĐH không mấy sáng sủa. Cử nhân thất nghiệp cũng do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến chất lượng đào tạo có vấn đề, và do một nguyên nhân sâu xa hơn: chính sách sử dụng người tài. Tất nhiên người có tài thực sự bây giờ vẫn có nhiều cánh cửa mở ra cho họ, không làm trong khu vực nhà nước thì làm cho tư nhân, nước ngoài. Nhưng như chính Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận đã nói, bằng giả bằng dỏm chỉ có thể vào làm cơ quan nhà nước. Việc có những người học hành không ra gì vẫn có cương vị cao trong xã hội đã phá hủy hết động lực học tập của người trẻ.  Đó mới là cái gốc của vấn đề. Chưa kể học hộ, thi thuê, bằng giả, những thứ đã phá tan giá trị của tấm bằng đại học.

3- Nhiều trường tuyển sinh rất khó khăn, phần vì số thí sinh không thay đổi phần vì chất lượng chưa tạo được sự tin cậy, phải bán trường. Chị đánh giá thế nào về vấn đề này?

 Bán trường, sáp nhập là điều bình thường và lành mạnh. Nó cho ta thấy sức mạnh của bàn tay thị trường. Những trường quản lý không hiệu quả, không vượt qua được thử thách, thì chuyển giao để người khác làm, thực chất cũng không khác gì việc mua bán sáp nhập các doanh nghiệp.

4-Nhiều người cho rằng cứ để trường ĐH phát triển theo cơ chế thị trường. Trường nào mạnh (cả về chất lượng, tài chính) thì tồn tại, trường nào không tốt sẽ bị xã hội đào thải? Quan điểm của chị thế nào? Nếu như vậy, trước khi bị đào thải, rất nhiều sinh viên sẽ là người được làm thí nghiệm?

 Có hai vấn đề: (1) vai trò và trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ người học, và (2) khả năng tự bảo vệ mình của người học. Vấn đề thứ nhất không phải chỉ liên quan đến việc siết chặt các tiêu chuẩn cấp phép thành lập trường, mà còn là tăng cường cơ chế giải trình trách nhiệm của các trường trước công chúng, trong đó có những quy định về minh bạch thông tin. Vấn đề thứ hai là, người học cũng cần chịu trách nhiệm về quyết định lựa chọn của mình. Thời buổi internet bây giờ, tìm hiểu thông tin nhiều chiều về một trường không phải là quá khó. Hơn nữa, việc mua bán một trường cũng có thể không ảnh hưởng xấu đến sinh viên, vì một khi đã mua trường, người mua thường phải có năng lực làm cho nó tốt hơn. Có lẽ pháp luật cần quy định trường hợp một trường bị đóng cửa hoặc tự đóng cửa thì vấn đề quyền lợi của sinh viên sẽ được giải quyết như thế nào.

5- Theo chị, việc quy hoạch và phát triển trường ĐH ở VN có hợp lý chưa? Đâu là giải pháp để đảm bảo về số lượng và chất lượngtương ứng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực?

 Hệ thống GDDH Việt Nam cần được tái cấu trúc lại. Sở dĩ nếu tính tỉ lệ dân số, thì số trường của ta còn ít, nhưng ta vẫn có cảm tưởng dường như nó thừa, là vì cái ta có chưa phải là cái ta cần, còn cái ta cần thì thật ra chưa có, hoặc chưa có đủ. Số trường tuy chưa phải là nhiều, nhưng ta thấy thừa, là vì hầu hêt các trường không khác nhau nhiều về đặc trưng, về sứ mạng. Giữa trường công và trường tư, nếu đặt qua một bên vấn đề tài chính, thì thực sự hiện nay cũng không khác nhau là mấy trong sứ mạng và cách thức vận hành, dù rằng đáng lẽ nó phải khác. Nghị định 73 của chính phủ vừa ban hành về phân tầng và xếp hạng là một nỗ lực trong việc tái cấu trúc hệ thống, rất tiếc là mục đích của việc phân tầng xếp hạng không được nêu rõ trong nghị định,và cũng không ai biết những chính sách được xây dựng dựa trên kết quả phân tầng xếp hạng sẽ như thế nào, cho nên chưa thể dự đoán kết quả của nó.

MINH GIẢNG thực hiện