Phạm Thị Ly (2016)

 (Trình bày tại Hội thảo “Thực trạng và xu thế phát triển của các trường đại học ngoài công lập tại thành phố Hồ Chí Minh”do Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐHSP TPHCM tổ chức ngày 26.07.2016)

              Trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục đại học (GDĐH) và chuyển sang kinh tế thị trường, GD ĐH ngoài công lập là một giải pháp gần như không thể né tránh ở Việt Nam, cũng như ở các nước đang phát triển. Các văn bản chính sách ở Việt Nam cũng ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của GD ĐH ngoài công lập (NCL), và chủ trương bình đẳng công tư nhằm tạo điều kiện cho các trường tư phát triển. Tuy vậy, hiện trạng các trường NCL về mặt tổ chức và quản trị vẫn còn rất ngổn ngang. Có thể nói đó là hệ quả của một chính sách nhiều lúng túng và bất cập, và đàng sau đó là một quan niệm thiếu nhất quán về việc nên đối xử với các trường ĐH tư như những doanh nghiệp, hay là những tổ chức xã hội có sứ mạng phục vụ lợi ích công. Bài viết này trình bày quan điểm về một nút thắt khó tháo gỡ trong việc phát triển chính sách cho khu vực ngoài công lập: vấn đề vì lợi nhuận (VLN) hay không vì lợi nhuận (KVLN) của các trường.

 Các yếu tố phân biệt trường VNK và KVLN

Có ba yếu tố để xác định tính chất vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận của một tổ chức, đó là cách sử dụng lợi nhuận, cấu trúc quản trị, và quan trọng nhất là tính chất sở hữu.

Đối với trường không vì lợi nhuận (KVLN), thặng dư tạo ra không được chia cho cá nhân nào mà sẽ được đầu tư trở lại cho sự phát triển của nhà trường. Cấu trúc quản trị, hay là cơ chế ra quyết định của trường KVLN dựa trên một Hội đồng Trường được bầu chọn bao gồm đại diện của nhiều bên liên quan khác nhau. Hội đồng này là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường, có nghĩa vụ thực hiện sứ mạng của trường và bảo vệ lợi ích của xã hội. Họ chỉ làm công việc lãnh đạo và giám sát kết quả công việc của bộ phận điều hành, tức là Ban Giám hiệu nhà trường. Chính vì tách biệt giữa lãnh đạo và quản lý, cơ chế này không tạo ra hiện tượng quyền lực độc đoán vốn là một thiết chế phá hủy những động lực tạo ra sự xuất sắc, nhất là trong hoạt động hàn lâm. Cuối cùng, yếu tố quyết định là tính chất sở hữu. Trường KVLN không thuộc sở hữu cá nhân, cũng không thuộc sở hữu tập thể, hay sở hữu nhà nước, mà là sở hữu cộng đồng. Có nghĩa là nó không thể có cổ phiếu, cổ đông. Không ai có thể bán nó hoặc để thừa kế nó cho người khác.

Vì sao sở hữu cộng đồng lại là yếu tố cốt lõi của các trường tư KVLN? Bởi vì trường tư KVLN hoạt động được nhờ tiền hiến tặng và học phí. Tiền hiến tặng có được là nhờ chính sách miễn thuế, tức cũng là một phần của nguồn lực công. Nếu vẫn duy trì sở hữu tư nhân, thì chẳng khác nào biến của công thành của tư. Nhà đầu tư có thể không nhận lãi hoặc lãi thấp, nhưng bán cổ phần để kiếm lời, thì đó vẫn là vì lợi nhuận. Vì thế, ba tính chất trên đây nói lên cách hiểu phổ quát trên thế giới về khái niệm trường KVLN.

Xét trên ba tính chất nói trên thì hiện nay ở Việt Nam chúng ta không có bất cứ trường tư nào có thể coi là trường KVLN.  Trường ĐH Fulbright Viêt Nam tuyên bố chính thức KVLN, nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động, vì vậy chưa có căn cứ để xem xét cơ cấu quản trị và cách sử dụng tài chính của trường. Ngoài ba tính chất này, riêng ở Việt Nam, thì còn có thêm một yếu tố nữa: được nhà nước công nhận là trường KVLN. Cần lưu ý một điều là, định nghĩa về KVLN trong các văn bản pháp lý ở Việt Nam không hoàn toàn trùng khớp với cách hiểu phổ quát trên đây. Hiện nay, theo các văn bản mới nhất, thì trường KVLN chỉ được xác định bằng ba điểm: (a) chia lãi không lớn hơn lãi trái phiếu; (b) chênh lệch thu chi là tài sản chung hợp nhất không phân chia; và (c) có văn bản cam kết hoạt động KVLN, được Thủ tướng ra quyết định công nhận.

beyourself-1ib0zlyĐiều này rất khác với thực tiễn quốc tế. Trong thế giới phương Tây, và kể cả ở các nước trong khu vực, không có vấn đề cương vị KVLN phải được Thủ tướng chính phủ công nhận. Các nước được nhìn nhận là VLN hay KVLN là do tính chất sở hữu (thể hiện trong Điều lệ tổ chức và hoạt động), cơ cấu quản trị (thể hiện trong thực tế), và việc sử dụng lợi nhuận của nhà trường (thể hiện qua báo cáo kiểm toán). Trong khi đó, ở Việt Nam từ trước đến nay, khi nói về trường KVLN, người ta chỉ chú trọng đến yếu tố thứ nhất nói ở phần trên, tức là cách sử dụng lợi nhuận. Mà ngay cả trong vấn đề này, cách xử lý của Việt Nam cũng khác với thế giới: chấp nhận chia lãi nhưng có giới hạn. Yếu tố thứ ba là quyền sở hữu, thì khung pháp lý hiện hành của Việt Nam vẫn thừa nhận cổ đông của trường KVLN và quyền sở hữu cá nhân của họ, nhưng dùng một tên gọi khác là “thành viên góp vốn”. Về cấu trúc quản trị, Điều lệ Trường ĐH 2014 có quy định khá rõ ràng về Hội đồng Trường trong đó thành viên góp vốn chỉ là một bộ phận. Tất cả những điều này có nghĩa là, những quy định của chúng ta về trường ĐH KVLN dựa trên một cách hiểu thiếu nhất quán và xa lạ với thực tiễn quốc tế, do đó đã nảy sinh nhiều bất cập và tranh chấp.

Ngay cả nếu chỉ áp dụng định nghĩa hiện tại trong khung pháp lý của Việt Nam, thì chúng ta cũng chưa có trường KVLN. Đối với các trường đã hoạt động từ lâu như Hoa Sen, phần chia lãi cho cổ đông (kể cả dưới hình thức cổ phiếu thưởng) những năm trước đây đã vượt rất xa so với lãi suất trái phiếu, có năm lên đến 152% như năm 2012, trong khi lãi suất trái phiếu cùng năm là 9% (theo thông tin trên báo Bảo vệ Pháp luật ngày 24.11.2015). Đối với những trường mới thành lập về sau như Phan Chu Trinh, chúng ta mới chỉ chứng kiến tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận của nhà trường. Cần phải có báo cáo kiểm toán và sự công nhận của Bộ GD-ĐT để có thể coi đó là trường KVLN theo định nghĩa của Việt Nam.

Các trường mới thành lập vào năm 2015, 2016 sau khi Điều lệ Trường ĐH đã ban hành năm 2014 theo Quyết định 70/QĐ-TTg có một thuận lợi là có được sự công nhận của nhà nước về cương vị KVLN của họ ngay từ đầu, và được ghi rõ trong Quyết định thành lập trường. Đó là trường hợp Trường Đại học Mỹ ở Việt Nam (American University of Vietnam- AUV) và Trường ĐH Fulbright Việt nam (Fulbright University Vietnam- FUV). Tuy vậy, ngay cả hai trường này cũng không tuân thủ quy định của Bộ GD- ĐT về cơ cấu Hội đồng Trường. Quy định này nêu rõ HĐQT phải tuân thủ Điều 17 Luật GD ĐH, nghĩa là phải có đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học có trụ sở; đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể; đại diện giảng viên, thành viên góp vốn chỉ chiếm 20% tổng số thành viên của Hội đồng Quản trị (HĐQT), nhưng FUV hiện nay có một HĐQT gồm 15 thành viên, không ai thuộc các đối tượng nêu trên.

 Khả năng chuyển đổi các trường tư hiện nay thành trường KVLN

Xét về mặt pháp lý, chưa bao giờ việc chuyển đổi này lại dễ dàng hơn hiện nay. Điều 34 của Điều lệ Trường ĐH 2014 nói rõ quy trình và thủ tục để được công nhận là Trường ĐH KVLN, kể cả thành lập mới hoặc chuyển đổi từ những trường tư đang hoạt động.

Điều lệ Trường ĐH 2014 quy định việc chuyển đổi này phải được sự đồng ý của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn. Quy định như thế là hợp lý, bởi vì việc chuyển sang KVLN phải là quyết định của đa số những người bỏ vốn xây dựng nhà trường. Điều này hợp lẽ công bằng, vì trước khi trở thành KVLN, họ đã và đang hoạt động như những doanh nghiệp. Những người bỏ vốn mở trường là những người dám chấp nhận rủi ro để tạo ra giá trị tăng thêm cho xã hội và cho chính họ. Trở thành KVLN là chấp nhận nhiều hạn chế trong việc chia lãi và trong việc quyết định công việc của nhà trường, vì vậy đó phải là quyết định của chính họ. Nhà nước hay ai khác nếu áp đặt việc chuyển đổi này trái với nguyện vọng của những người góp vốn thì có khác gì quốc hữu hóa tài sản tư nhân? Làm như vậy là gửi đi một tín hiệu rất xấu đối với kinh tế thị trường. Còn ai dám bỏ vốn làm ăn cái gì nữa? Nếu ai cũng chăm chăm làm thuê kiếm tiền, ăn nhịn để dành và chôn tiền xuống dưới gầm giường thay vì chấp nhận mạo hiểm đem ra đầu tư, thì làm sao nền kinh tế có thể tiến lên được?

Vì vậy các trường tư hiện nay nếu muốn lựa chọn trở thành trường KVLN, cần làm thủ tục chuyển đổi theo quy định.

Ảnh hưởng của cương vị VLN/KVLN đối với mục tiêu của nhà trường

             Có một định kiến tồn tại rất dai dẳng trong xã hội, và không chỉ ở Việt Nam: các trường VLN chỉ nhằm vào lợi nhuận đơn thuần, bằng mọi giá để có lợi nhuận, và vì thế có khả năng gây tổn hại cho lợi ích công của xã hội. Vì thế, cho đến nay, vẫn có nhiều người quan niệm rằng giáo dục chân chính nhất thiết phải là KVLN.

Có ba vấn đề phải xem xét đối với quan niệm nói trên. Một là, có nhất thiết phải KVLN để phục vụ lợi ích xã hội? Nói cách khác, liệu chúng ta có chắc chắn rằng các trường KVLN luôn luôn phục vụ lợi ích công tốt hơn các trường VLN?

Trong một bài viết tiêu đề “Ai hưởng lợi ở những trường phi lợi nhuận” đăng trên Báo Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 12.09.2015, tác giả bài này đã chứng minh rằng trong thực tế người chi trả cho hoạt động của các trường phi lợi nhuận thực chất chính là người đóng thuế, còn người hưởng lợi lại là sinh viên nhà giàu và giới quản lý của nhà trường. Vì thế, như một học giả nổi tiếng là Daniel Levy đã nhận định, có rất nhiều trường đang vận hành như những cỗ máy vì lợi nhuận dưới cái vỏ bọc pháp lý KVLN.

Nhiều người cho rằng chỉ những trường KVLN mới có thể thực hiện giáo dục khai phóng. Thực chất thì không có lý lẽ hay bằng chứng nào hỗ trợ cho một nhận định như thế cả. Dĩ nhiên các trường vì lợi nhuận có thể cắt giảm những phần giáo dục đại cương và chỉ nhằm vào những kiến thức và kỹ năng chuyên môn để người học có thể đi làm được ngay, với mục đích làm giảm chi phí đào tạo và tăng lợi nhuận. Nhưng đó là những trường có tầm nhìn ngắn hạn, và tư duy theo lối chụp giựt như vậy cũng chỉ có thể thành công trong ngắn hạn. Những trường có tầm nhìn dài hạn, để có thể tìm kiếm lợi nhuận bền vững và phát triển trong một bối cảnh cạnh tranh, bao giờ cũng tìm cách đáp ứng tốt nhất những gì mà thị trường cần đến.

Đừng nghĩ là giáo dục khai phóng chỉ cần thiết và có ích cho xã hội mà không có tác dụng gì đáng kể đối với cá nhân trong công cuộc tìm kiếm việc làm và sự thịnh vượng. Những người được giáo dục trong tinh thần khai phóng là những người có khả năng suy nghĩ thấu đáo với một tầm nhìn rộng lớn, có khả năng phản biện và biết sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt ý tưởng một cách thuyết phục, cũng như có kiến thức rộng và hiểu biết sâu trong một lĩnh vực chuyên môn, nhờ đó có đủ năng lực để lựa chọn những quyết định tốt nhất trong mọi tình huống, và trở thành những người năng động luôn nhìn thấy cơ hội và tạo ra cơ hội cho mình. Một khi thực tế cho thấy giáo dục khai phóng giúp tạo ra những người sáng giá trên thị trường lao động, các nhà đầu tư giáo dục sẽ có động lực mạnh mẽ hơn ai hết để thực hiện giáo dục khai phóng.

Hai là, quan niệm về vai trò của trường ĐH đang thay đổi mạnh mẽ và tính chất dịch vụ của nó đang ngày càng được nhấn mạnh. Các trường VLN thực chất chính là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giáo dục, họ mang lại giá trị gia tăng cho xã hội và cũng xứng đáng được trân trọng như bất kỳ hoạt động dịch vụ nào khác.

Ba là, trong bối cảnh một nước đang phát triển như Việt Nam, nguồn lực công thì hạn hẹp, truyền thống hiến tặng cho đại học gần như hoàn toàn thiếu vắng, nếu loại trừ các trường VLN bằng khung chính sách hoặc bằng định kiến, liệu có phải là giải pháp tốt để phát triển khu vực NCL?

Vì thế chúng tôi cho rằng không cần quá nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa KVLN và VLN nhất là trong bối cảnh Việt Nam, nơi không dễ phân biệt KVLN thực sự và giả hiệu. Sự phân biệt này dựa trên một định kiến cần được tháo gỡ để khu vực ngoài công lập có thể phát triển.

Bất cập chính sách và những khuyến nghị để tháo gỡ

 Có nhiều điểm không hợp lý trong quan điểm và chính sách của Việt Nam đối với trường KVLN. Một mặt, chính sách này thừa nhận sở hữu tư nhân đối với trường KVLN, mặt khác, lại hạn chế quyền quyết định của những người góp vốn; thậm chí, trao quyền quyết định cho những người không phải là thành viên góp vốn và không có cơ chế nào kiểm soát quyền lực này. Đại hội toàn trường không phải là bộ phận có quyền quyết định cao nhất của trường KVLN, bởi vì Đại hội chỉ có quyền bầu và miễn nhiệm Ban Kiểm soát chứ không có quyền bầu và miễn nhiệm Hội đồng Quản trị. Đại hội cũng chỉ có thể góp ý chiến lược và quy chế của trường, chứ không có quyền quyết định (khoản 2, Điều 33, Điều lệ Trường ĐH 2014).  Đó chính là lý do đã gây ra tranh chấp giữa những người đang nắm quyền điều hành, và những người đã góp vốn xây dựng nên nhà trường.

Có thể nói rằng, với khung pháp lý hiện hành, thì trường KVLN thực chất là trường của Hội đồng Quản trị. Thêm nữa, quyền lực của Hội đồng Quản trị này không bị kiểm soát, đặc biệt là khi thành viên hội đồng quản trị kiêm nhiệm công tác điều hành. Đó không phải là một cơ chế có thể tạo ra cân bằng và động lực phát triển.

Quan điểm của chúng tôi là, trong vấn đề này, nhà nước không cần can thiệp quá sâu vào việc điều hành hay quản trị của các trường, mà chỉ cần làm một việc cực kỳ quan trọng, là tạo ra cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình của tất cả các trường, công cũng như tư. Ví dụ, các trường có quyền tự xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của mình, nhưng văn bản này phải được nêu công khai trên trang web của nhà trường. Tương tự như vậy, cơ cấu tổ chức của trường, báo cáo kiểm toán hàng năm, v.v. cần được công khai.

Để đảm bảo cho các trường ĐH thực hiện được sứ mạng của mình, có đóng góp tích cực cho xã hội, và đem lại cho người học một dịch vụ tương xứng với số tiền mà họ đã trả, thì hai nhân tố được xem như điều kiện tối quan trọng và cần thiết là: (1) một cơ cấu thẩm quyền có khả năng bao hàm tiếng nói của tất cả các bên liên quan khác nhau trong quá trình ra quyết định; và (2) một cơ chế giải trình trách nhiệm hữu hiệu để bảo đảm quyền lực được giám sát và cân bằng lợi ích của các bên khác nhau.

Cả hai điều kiện này đều còn thiếu trong khung pháp lý hiện hành đối với trường KVLN ở Việt Nam.Vì thế, có lẽ, một cách nhìn thực tế hơn là chúng ta không nên sa lầy vào vấn đề vì LN hay KVLN. Câu hỏi về vì LN và KVLN không quan trọng bằng vấn đề nhà trường đã mang lại điều gì cho người học và cho xã hội, và những giá trị ấy có xứng đáng với số tiền mà người học đã trả hay không.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 Daniel Levy (2010). “East Asian Private Higher Education: Reality and Policy”, World Bank Report. Bản dịch tiếng Việt của Phạm Thị Ly: “Giáo dục ĐH tư ở Đông Á, chính sách và thực tiễn”. NXB ĐH Quốc gia Hà nội, 2015.

Altbach, Philip G., and Jorge Balán. (2007).World Class Worldwide: Transforming Research Universities in Asia and Latin America Baltimore, MD: The Johns Hopkins University Press.

Cai, Y., and F. Yan. (2009). The Responses of Private Higher Education Institutions to Market-Oriented  Environments in China—an Institutional Approach. Paper read at the 22nd CHER conference, 10-12 September, at Porto.

Cowen, Tyler, and Sam Papenfuss. (1999). The Economics of for-Profit Higher Education.

Fairfax, VA: Department of Economics, George Mason University.

Cummings, William.K. (1997). Private Education in Eastern Asia. In The Challenge of Eastern Asian Education, edited by William Cummings and Philip G. Altbach. NewYork: State University of New York Press, pp. 135-152.

Lee, K. (1987). Past, Present and Future Trends in the Public and Private Sectors of Korean Higher Education. In Public and Private Sectors in Asian Higher Education Systems, edited by Research Institute for Higher Education. Hiroshima, Japan: Research Institute for Higher Education, Hiroshima University, pp. 49-70.

Lee, Molly N. N. (1999). Corporatization, Privatization, and Internationalization of Higher Education in Malaysia. In Private Prometheus: Private Higher Education and Development in the 21st Century, edited by Philip G. Altbach. Westport, CT.: Greenwood, pp. 137-161.

Levy, Daniel C. (2010). East Asian Private Higher Education: Reality and Policy. World Bank Report. Bản dịch tiếng Việt của Phạm Thị Ly: “Giáo dục ĐH tư ở Đông Á, chính sách và thực tiễn”. NXB ĐH Quốc gia Hà nội, 2015.

Loc, Nguyen. (2002). Non-Public or People-Founded Higher Education in Vietnam. In The Report of the Second Regional Seminar on Private Higher Education: Its Role inHuman Resource Development in a Globalised KnowledgeSociety, edited byUNESCO PROAP and SEAMEO RIHED. Bangkok, Thailand, pp. 129-136.

Hayden M, Grant Harman, Pham Thanh Nghi, eds. (2010). Reforming Higher Education in Vietnam: Challenges and Priorities. Springer.

Phuong, Le Dong. (2006). The Role of Non-Public Institutions in Higher Education Development of Vietnam. Doctoral Dissertation, Hiroshima University,Hiroshima, Japan.

CÙNG CHỦ ĐỀ VÀ CÙNG MỘT NGƯỜI VIẾT:

Tiếng Anh

Ly T Pham and Hayden M. (2015). Vietnam’s Higher Education System In Transition: The Struggle To Achieve Potential (Chapter 9, p 147-162). Asia: The Next Super Power, Springer. Rajika Bhandan and Alessia Lefe1bure eds, AIFS Foundation.

Hayden M. and Ly T Pham (2015). Higher Education Access and Inclusion: The Case of Vietnam. In Mitigating Inequality: Higher Education Research, Policy, and Practice in an Era of Massification and Stratification. Robert Teranishi and Loni Bordoloi Pazich et al. Emarald Group Publishing, United Kingdom.

Ly T Pham and Jamil Salmi (2016). Higher Education Leadership and Governance Transforming in Vietnam: An initiative analysis.  In Academic Governance and Leadership in East and Southeast Asia. Hayden M., Lynn Meek, Jung-Cheol Shin, and Julie Rowlands eds, Australia (Đang bình duyệt).

Tiếng Việt

Phạm Thị Ly (2016). Cần nhấn mạnh sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, và tạo ra một thị trường tự do cạnh tranh. Trả lời phỏng vấn báo Văn hóa Nghệ An, số ra ngày 10.07.2016.

Phạm Thị Ly (2015). “Ai hưởng lợi ở những trường không vì lợi nhuận?”. Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 12.09.2015.

Phạm Thị Ly (2015). Khuyến nghị chính sách cho GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm Đông Á. Tham luận tại Hội thảo “Giải pháp đột phá đổi mới toàn diện GDĐH Việt nam” do ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 25.10.2014 tại Hà Nội. Đăng trên Tạp chí Khoa học Giáo dục số 115 ra tháng 04-2015.

Phạm Thị Ly (2014). Trường đại học có phải là cái quán phở?. Bài đăng trên Người Lao Động số ra ngày 5.10.2014. bản đầy đủ có tên “Trường ĐH có phải là một doanh nghiệp?” trên trang www.lypham.net

Phạm Thị Ly (2014). Bước vào cuộc cạnh tranh mới. Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 13.09.2014. Bản đầy đủ có tên “GDĐH ngoài công lập đi về đâu?” trên trang www.lypham.net

Phạm Thị Ly (2014). Học phí tăng, chất lượng có tăng? Thời báo Kinh tế Sài gòn số  ra ngày 18.09.2014, tr. 70-71.

Phạm Thị Ly (2014). Ngăn chặn phi lợi nhuận giả hiệu. Người Lao động, 14.09.2014. Bản đầy đủ hơn có nhan đề: “Vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, khoảng trống giữa đạo đức, chính sách, pháp lý và thực tiễn”. Bản tiếng Anh: Ly T. Phạm, “For Profit versus Not for Profit Schools in Vietnam”. www.lypham.net

Phạm Thị Ly (2014). Trường phi lợi nhuận liệu có khả thi. Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 13.08.2014.

Phạm Thị Ly, Đàm Quang Minh (2014). GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam, những nút thắt cần tháo gỡ. Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 10.08.2014.

Phạm Thị Ly (2014). Trường Đại học là của ai. Thời báo Kinh tế Sài gòn số 33 ra ngày16.08.2014, tr. 60-61.

Phạm Thị Ly (2014). Khoảng trống chính sách nhìn từ vụ việc ĐH Hùng Vương. Thời báo Kinh tế Saigon số ra ngày 09.01.2014 tr. 58-60. Bản tiếng Anh trên trang www.lypham.net: Ly T Pham. 2014. Policy Gaps Seen Through Disputes in Hung Vuong University.

Pham Thi Ly (2014). ĐH ngoài công lập, vì sao rối ren. Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số 6–2014, 22 -2- 2014. Bản đầy đủ hơn có tên “Cần thay đổi cách nhìn với các trường ngoài công lập” trên trang www.lypham.net

Pham Thi Ly, “Bình đẳng công tư trong GDĐH”. Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ, 21-7-2013.

Pham Thi Ly, “Học phí và giải trình trách nhiệm”, Thời báo Kinh tế Saigon, số 48 ngày 28-11-2011.

Pham Thi Ly, “Trường tư phi lợi nhuận liệu có được chấp nhận” Thời báo Kinh tế Saigon số 49 ngày 1-11-2011.