TÌM KIẾM NHỮNG THƯỚC ĐO HOẠT ĐỘNG CÓ Ý NGHĨA CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Báo cáo của Thompson Reuter, 2010.
Lược dịch: Phạm Thị Ly (2012)

GIỚI THIỆU

Những hằng số mới: trách nhiệm giải trình, khả năng cạnh tranh, và sử dụng nguồn lực có tính chất chiến lược

Ngày nay, đang có một nhu cầu liên tục không ngừng với việc đo lường và lượng hóa các hoạt động và kết quả của các trường đại học (ĐH). Các trường ĐH cần tuân thủ những yêu cầu bắt buộc của nhà nước, cần cạnh tranh toàn cầu để giành giảng viên giỏi và sinh viên, cần thường xuyên rà soát chương trình theo các tiêu chí kiểm định, cần phải đưa ra những quyết định chiến lược về việc nên tập trung vào những thế mạnh đang có hay là nên phát triển những lĩnh vực mới.

Thực tiễn này có thể thấy rất rõ khi Thomson Reuter thực hiện cuộc khảo sát ý kiến của các nhà quản lý ĐH trên toàn cầu. Bản báo cáo này phản ánh kết quả cuộc khảo sát ấy.

Vai trò của họ tuy có thay đổi khác nhau – có lúc họ là người phải tuân thủ các quy định, có khi họ phải xác định những nhu cầu chiến lược và các cơ hội khả dĩ, hoặc phải kiểm chứng dữ liệu để lưu giữ minh chứng cho quá trình tiến bộ, nhưng ở vai trò nào họ cũng thấy rằng thước đo là một vấn đề vô cùng trọng yếu để có thể thực hiện được trách nhiệm của mình.

Đo lường thành quả hoạt động nghiên cứu: sự đầu tư vào chất lượng

Các nhà lãnh đạo đã đi đến kết luận vắn tắt về tầm quan trọng của việc đo lường hoạt động nghiên cứu với tư cách là một sự đầu tư vào chất lượng. Đó là những thước đo, những tiêu chuẩn đã giúp họ xác định mục tiêu, phân bổ ngân sách, và thúc đẩy thành tựu của nhà trường với giảng viên, các nhà tài trợ, các đơn vị hợp tác, và với sinh viên.

Tìm kiếm thông tin: một thách thức lớn

Tìm kiếm thông tin, tạo ra thông tin, tập hợp những dữ liệu cần thiết được coi là một quá trình phức tạp và tiêu tốn nhiều thì giờ.

Bởi vậy các trường phải tìm dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, từ những dữ liệu nhà trường tự thiết lập, đến những cơ sở dữ liệu bên ngoài của chính phủ, của các hiệp hội, và các đơn vị cung cấp dịch vụ bán thông tin.

Nhưng cách tiếp cận theo lối lẻ tẻ này thường không đủ để trả lời những câu hỏi phức tạp của nhà trường. Dữ liệu thường khi quá “toàn cầu” và không dễ chẻ nhỏ ra thành dữ liệu của từng khu vực.

Các trường cũng chật vật tìm cách so sánh mình với những trường khác, như một vị lãnh đạo ĐH đã phát biểu: “Làm gì có cái gọi là tiêu chuẩn quốc gia? Không ai xác nhận tính hiệu lực của các con số”. Và vì ít có các cơ sở dữ liệu hỗ trợ, các nhà quản lý ĐH nói rằng họ và đội ngũ nhân viên của họ tiêu tốn không biết bao nhiêu thì giờ đánh vật với câu hỏi về quản lý và diễn giải dữ liệu.

Tìm kiếm thông tin: những hệ quả

Thời gian phải dành cho việc thiết lập và xử lý dữ liệu nội bộ hoặc tổ chức lại dữ liệu thu thập từ bên ngoài khiến các trường thấy khó khăn trong việc đáp ứng những đòi hỏi của việc đo lường kết quả hoạt động.

Những cơ sở dữ liệu miễn phí hay giá thấp không đáp ứng được nhu cầu cụ thể của từng trường. Các nhà quản lý ĐH có định kiến rằng những nguồn thông tin do bên thứ ba cung cấp và phải trả tiền, thì đắt và không phải là giải pháp khả dĩ cho những yêu cầu về dữ liệu của họ. Mọi sự càng khó hơn khi ta đi xa hơn, không chỉ đơn thuần là do lường những gì đã diễn ra mà là dựa trên một lập trường chủ động hơn, tức là đo lường những gì có thể giúp chúng ta xây dựng những ngành đào tạo mới chẳng hạn, hoặc xác lập những mục tiêu cho tương lai.

Công nhận tầm quan trọng của việc đưa ra quyết định trên cơ sở thông tin đầy đủ, lãnh đạo các trường nói rằng họ sẵn sàng trả giá cho thời gian và nỗ lực bỏ ra. Tuy nhiên, họ công nhận nhu cầu phải có nhiều hơn những nguồn dữ liệu hữu ích hơn và được thiết lập hay phân tích theo những yêu cầu cụ thể của khách hàng.

Bảng 1. Các trường lưu dữ liệu dựa trên những thước đo nào?

Thước đo Tỉ lệ
Các nguồn kinh phí tài trợ 41%
Lương giảng viên 36%
Ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học 36%
Xếp hạng 23%
Bằng sáng chế 18%
Thành quả nghiên cứu 18%
Tỉ lệ tốt nghiệp 14%
Hiến tặng từ các nguồn tư nhân 14%
Mức tăng trưởng trong số SV nhập học 9%
Uy tín của giảng viên 9%

 

Tìm kiếm thông tin: Các yêu cầu

Các nhà quản lý ĐH cần những thông tin tương ứng với nhu cầu của họ, những thông tin họ có thể chế biến cho phù hợp với những gì họ cần, những dữ liệu giúp họ đối sánh giữa các cá nhân, giữa các khoa, giữa trường này và trường khác trong phạm vi quốc gia.

Cũng quan trọng chẳng kém gì bản thân dữ liệu, là những dịch vụ hỗ trợ đi kèm.  Những hỗ trợ này giúp chúng ta tổ chức, quản lý, và tích hợp những kết quả phân tích thông tin ấy vào trong dòng chảy công việc hiện tại.

Lãnh đạo các trường tỏ ra rất rõ ràng: không ai mong đợi rằng nhu cầu về đo lường hoạt động sẽ giảm nhẹ đi. Các trường không thể chỉ dựa vào đánh giá đồng nghiệp và uy tín trước đây như xưa nữa, họ phải có khả năng lượng hóa được những hoạt động hiện tại.

Bảng 2: Năm yếu tố hàng đầu của một giải pháp dữ liệu lý tưởng

1 Định nghĩa các tiêu chuẩn 45%
2 Dữ liệu có thể tiếp cận rộng rãi 41%
3 Cập nhật đúng lúc 32%
4 Đo lường nhiều hoạt động 14%
5 Dữ liệu giúp làm sáng tỏ (về con người, về từng đơn vị, từng chuyên ngành, lĩnh vực, v.v.) 9%

Có thể kết luận gì từ danh sách những thứ ước muốn của các nhà quản lý nêu trong Bảng 2? Những yếu tố này cho thấy khoảng cách giữa chất lượng, khả năng tiếp cận, và khung thời gian hạn chế của những nguồn dữ liệu bên ngoài, cũng như giới hạn của những dữ liệu nhà trường tự thiết lập. Nó cũng thể hiện nhu cầu có một bộ dữ liệu thuận tiện, linh hoạt và được chuẩn hóa để đo lường kết quả hoạt động của nhà trường, đặc biệt là những thành quả mà  giảng viên và sinh viên đạt được.

THƯỚC ĐO: TIỀM NĂNG

Mặc dù nhiều nhà quản lý ĐH cho biết họ vẫn xây dựng các nhóm nghiên cứu thông qua mạng lưới chuyên ngành và qua uy tín truyền miệng, hạn chế của lối đánh giá chủ quan này đang ngày càng rõ ràng hơn. Cạnh tranh toàn cầu để giành sinh viên và giảng viên ngày càng khốc liệt. Chính phủ và các tổ chức tài trợ thường xuyên đòi hỏi các trường lượng hóa kết quả của các chương trình nghiên cứu và bản thân họ cũng lượng hóa quá trình ra quyết định của mình.

Vì vậy, các trường cũng xoay qua các thứ thước đo, nhằm lượng hóa những thông tin cơ bản chẳng hạn số lượng bài báo khoa học, số lượng quan hệ hợp tác, bài trình bày hội thảo, mức độ trích dẫn, bằng sáng chế, nguồn tiền tự tạo ra được ngoài ngân sách được cấp.

 

Đánh giá nghiên cứu trong thế giới thực: Trường hợp của Australia

•    Bởi vì các trường được hỗ trợ thông qua hai cơ chế tài trợ trọn gói dựa trên kết quả hoạt động, việc xem xét định kỳ (tự đánh giá của nhà trường, và đánh giá của chính phủ) là một phần của quá trình lập kế hoạch chiến lược.

•    “Hồ sơ thành tích học thuật” dự định ổn định trong vòng 5-10 năm, bao gồm những điểm mạnh và những ưu tiên trong hoạt động NCKH cho những năm tới

.•    Người ta mong đợi mỗi giảng viên sẽ đóng góp cho những lĩnh vực ưu tiên cách này hay cách khác, các khoa tạo điều kiện cho các đơn vị của họ đóng góp ít ra là một lĩnh vực ưu tiên. Nguồn lực được sử dụng linh hoạt nhằm hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên.

•    Sự nhất quán với các lĩnh vực ưu tiên sẽ được hiệu trưởng và phòng NCKH của trường rà soát hàng năm.

•    Nhóm 8 trường hàng đầu! Đây là website so sánh định tính các thước đo kết quả hoạt động của 8 trường ĐH nghiên cứu hàng đầu của Australia.

CÔNG CỤ ĐO LƯỜNG: KHẢ NĂNG VÀ NHỮNG QUAN NGẠI

Quan điểm của Hirsch’s  về việc áp dụng chỉ số h cho mọi thứ thước đo – mặc dù nó ngày càng có giá trị với tư cách một công cụ đánh giá, – là không nên dùng nó như  một phương pháp đánh giá duy nhất. Lựa chọn nhiều công cụ trắc lượng và đối sánh khác nhau sẽ mang lại một bối cảnh giúp chúng ta xây dựng một quan điểm đa diện và có ý nghĩa hơn đối với việc đánh giá hoạt động nghiên cứu.

Cũng như với những lĩnh vực hoạt động khác của nhà trường, các nhà quản lý cũng muốn đối sánh hoạt động nghiên cứu. Trong thực tế, gần bốn phần mười dữ liệu đối sánh được nêu ra như những yếu tố quan trọng nhất của việc đối sánh là công cụ đánh giá dựa trên trích dẫn. Cụ thể là, họ muốn biết liệu nghiên cứu có cái mà họ gọi là “tác động xuyên lĩnh vực” hay không, một hiệu ứng vượt ra ngoài không gian ảnh hưởng mà ta có thể dự đoán được.

Một thứ nhất định phải có nữa là khả năng tích hợp dữ liệu về kết quả nghiên cứu với thông tin về những lãnh vực khác như việc học tập và mức độ thành công của sinh viên.

Những người trả lời cuộc khảo sát cũng quan tâm tới tầm mức quy mô của việc đo lường: liệu các dữ liệu về hoạt động nghiên cứu có tập trung chỉ vào khoa học tự nhiên, công nghệ và toán học? Liệu những thước đo này có thể đo lường được hoạt động nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn?  Phải chăng dữ liệu chỉ tập trung vào ấn phẩm tiếng Anh, hay là có tính chất toàn cầu hơn?

NGUỒN DỮ LIỆU TƯƠNG ỨNG VỚI NHIỆM VỤ

Sản phẩm và dịch vụ của Thomson Reuters giải quyết những nhu cầu và vấn đề quan tâm của những người trả lời khảo sát, bằng cách thực hiện việc thiết kế dữ liệu chất lượng cao nhằm đo lường, đối sánh và phân tích theo yêu cầu cụ thể của khách hàng.

Quá trình lựa chọn tập san khoa học của Thomson Reuters dựa trên những nguyên tắc cốt yếu đã được thiết lập cách đây 70 năm bởi một nhà thư viện và thống kê học là S. C. Bradford.  Nguyên tắc này thường được gọi là Định luật Bradford, chứng minh rằng chỉ một nhóm tương đối nhỏ tập san khoa học là chiếm một tỉ lệ lớn thông tin khoa học trong một chuyên ngành.

Quá trình biên tập nhằm loại bỏ những bài không mấy thiết yếu có ý nghĩa lớn trong việc tạo ra một tập san có giá trị siêu hạng — không chỉ là một quá trình tích lũy không kỳ thị. Việc chọn lựa một tập san, giữ nó lại trong danh sách này, là một quá trình tiếp diễn liên tục dựa trên ý kiến các chuyên gia biên tập của Thomson Reuters. Mỗi năm, họ xem xét một cách hệ thống hàng ngàn tập san mới, và cả những tập san đã được đưa vào danh mục trước đây, để bảo đảm rằng những tập san ấy vẫn duy trì chất lượng cao và có ý nghĩa quan trọng đối với chuyên ngành, vì đó là lý do khiến những tập san đó có tên trong danh mục.