Phạm Thị Ly (2016)

Như chúng ta đã biết, bình duyệt đồng nghiệp (peer-review) có vai trò quan trọng trong việc xét duyệt biên chế và bổ nhiệm giáo sư, cũng như trong đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học để quyết định chấp nhận đăng hay từ chối một bài báo khoa học, hoặc để xét tài trợ nghiên cứu. Bài này chỉ bàn đến bình duyệt trong việc xét biên chế và đề bạt giảng viên.

Bình duyệt được xem như một phương pháp đánh giá quan trọng nhằm bổ sung cho các đánh giá định lượng thuần túy mà giới hàn lâm hay gọi là “đếm hạt đậu”, tức là đếm số bài báo khoa học để tính thành tích. Bình duyệt được coi trọng bởi vì trong những tiêu chí định lượng có những thứ rất dễ làm giả, và giá trị rất đáng ngờ, trong khi đó một người bình duyệt có năng lực và có trách nhiệm có thể mang lại một sự đánh giá xác đáng và tinh tế nhờ cân nhắc đầy đủ nhiều yếu tố bối cảnh liên quan.

Thế nhưng, bình duyệt có mặt trái của nó, trong đó đáng kể nhất là sự chủ quan. Ở các ĐH Hoa Kỳ, nơi vốn thường được coi là có hệ thống đánh giá bình duyệt chặt chẽ, minh bạch và công bằng, cũng có nhiều trường hợp gây tranh cãi, thậm chí có vụ đã dẫn đến thảm sát.

Một số trường hợp nổi bật

Ignacio Chapela là nhà sinh thái học vi sinh nổi tiếng của University of California, Berkeley, từng có bài đăng trên tập san danh giá Nature. Ông bị từ chối trong đợt xét duyệt biên chế năm 2003 của nhà trường, mặc dù ông được sự ủng hộ với số phiếu thuận nhất trí của hội đồng xét duyệt. Những người ủng hộ ông cho rằng ông bị đánh trượt biên chế là do ông phản đối một thỏa thuận của Khoa Sinh học với công ty Norvatis, trong đó Khoa nhận tiền để đổi lấy mức độ ít nghiêm ngặt hơn trong các công bố khoa học và giữ kín một số thông tin. Jasper Rine, là người có quan hệ với Norvatis, cũng đồng thời là thành viên của Hội đồng Xét Biên chế. Chapela cũng là người phản đối thỏa thuận giữa UC Berkeley, University of Illinois, Urbana-Champaign, và British Petroleum về nghiên cứu nhiên liệu sinh học, vì nó có thể dẫn đến hệ quả nghiêm trọng về biến đổi gen.

Tuy nhiên cuối cùng thì ông cũng được duyệt biên chế vào năm 2005.

David Rolfe Graeber là giáo sư môn Nhân loại học của Trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics), từng dạy ở Yale từ năm 1998 đến 2007. Trường hợp bị từ chối biên chế của ông đã dẫn tới một bức thư phản đối với 4.500 chữ ký. Một bức thư của đồng nghiệp sau khi có tin David bị từ chối biên chế đã viết: “Tác phẩm của ông về lý thuyết nhân loại học quả là lỗi lạc phi thường. Tôi coi ông là nhà nhân loại học vĩ đại nhất trong thế hệ của ông, và so với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tôi chưa từng khẳng định mạnh mẽ đến thế với bất kỳ ai ngoài ông”.

Một trường hợp bi thảm hơn, Amy Bishop, nguyên là nữ giảng viên của University of Alabama ở Huntsville, và là một nhà sinh học tốt nghiệp ở Đại học Harvard, đã bị kết án chung thân vì bắn chết ba đồng nghiệp và làm bị thương một người trong một cuộc họp Khoa, do bị từ chối xét duyệt vào biên chế, năm 2009. Trước đó, năm 1992, Valery Fabrikant, một giáo sư ngành kỹ nghệ ở Concordia University, đã bắn chết bốn đồng nghiệp, cũng do bị từ chối biên chế. James Sherley, giáo sư ở MIT, đã tuyệt thực để phản đối quyết định từ chối ông vào biên chế. Bốn ngày sau khi được thông báo quyết định từ chối biên chế, giáo sư Antonio, 45 tuổi, đã dạy ở Princeton hơn 10 năm, tự tử bằng cách tự cắt cổ.

Vấn đề đặt ra

Biên chế có nghĩa là sự bảo đảm an toàn về chỗ làm suốt đời, tức sẽ không bị sa thải trừ khi vi phạm đạo đức nghiêm trọng, hoặc khi nhà trường phá sản. Thiết chế này thoạt tiên là nhằm bảo vệ quyền tự do học thuật của giới hàn lâm, nhưng sau này bị phê phán nhiều bởi lẽ trước khi được xét biên chế, nhiều người sẵn sàng im lặng trước những việc lẽ ra phải lên tiếng, và sau khi có biên chế thì trở nên lười biếng hơn vì không còn động lực phấn đấu.

Theo số liệu của Hiệp hội Các Giáo sư Đại học Mỹ, trong ba mươi tám năm qua, tỉ lệ các giáo sư trong biên chế đã bị cắt giảm gần một nửa. Giáo sư trong biên chế giảm từ 45,1% năm 1975 chỉ còn 24,1% vào năm 2011, và hiện nay chỉ có một phần sáu (16,7%) giáo sư trên tổng số là đang có một vị trí trong biên chế.

Bị từ chối biên chế trở thành một thực tế ngày càng phổ biến hơn, nhất là ở những trường danh giá. Rất ít người lên tiếng, hầu hết chọn giải pháp đi tìm một nơi khác thay vì khiếu nại hay kiện cáo. Vì vậy, cho đến nay, những vấn đề của quy trình xét duyệt vẫn nguyên đó: Xét biên chế là một quá trình bí mật. Ứng viên bị từ chối nhìn chung không bao giờ biết tại sao, có thể là những lý do có cơ sở và khách quan, nhưng cũng có thể là kỳ thị hay cảm tính. Rất khó biết lý do thực sự của những quyết định này.

Tuy vậy, đã có trường hợp thắng kiện: Mike Adams, phó giáo sư môn Tội phạm học của University of North Carolina Wilmington, đã kiện nhà trường ra tòa năm 2007 vì không chấp thuận hồ sơ xin đề bạt giáo sư của ông năm 2006, do quan điểm tôn giáo của ông khi ông viết bài bình luận trên báo. Tòa xử Adams thắng kiện.

Một trường hợp khác, Stephen Kershnar, phó giáo sư State University of New York, cũng là người viết bình luận cho một tờ báo địa phương. Ông bị từ chối bổ nhiệm giáo sư vì phê phán công khai chính sách quản lý sinh viên của trường. Hiệu trưởng cho rằng ông đã diễn giải những chính sách của nhà trường một cách sai lầm nhiều lần và không có chứng cứ. Nhà trường yêu cầu mỗi khi ông viết gì về trường thì phải được sự đồng thuận của một hội đồng do nhà trường thành lập, nhưng ông không đồng ý. Vụ việc chuẩn bị được đưa ra công luận thì nhà trường quyết định xem xét lại hồ sơ của ông và cuối cùng đã chấp thuận bổ nhiệm giáo sư cho ông vô điều kiện.

Giải pháp?

Những ví dụ kể trên cho thấy bình duyệt vẫn là một phương pháp đánh giá có thể gây nhiều tranh cãi trong quá trình xem xét biên chế và bổ nhiệm giáo sư.

Dù khó khăn và không hoàn hảo, cho đến nay cũng không có cách nào tránh được việc sử dụng bình duyệt trong bổ nhiệm/ đề bạt giảng viên. Có lẽ mọi người đều dễ dàng đồng ý rằng một bộ tiêu chí rõ ràng và một quy trình minh bạch sẽ giúp giảm thiểu xung đột. Tuy vậy, rất khó có thể xây dựng những tiêu chí định lượng quá chi tiết, vì rõ ràng là nó có thể không thích hợp trong những bối cảnh quá đa dạng. Phần lớn mọi người vẫn muốn có một khoảng không linh hoạt để vận dụng, và chính vì vậy mà bình duyệt trở thành cần thiết. Tuy vậy, “linh hoạt” và “tùy tiện” hay “cảm tính” chỉ cách nhau có một sợi tóc. Trong trường hợp xấu nhất, quyết định bỏ phiếu thuận hay phiếu chống còn có thể bị dẫn dắt bởi những động cơ không lành mạnh: tham nhũng, hối lộ, ghen tị, mâu thuẫn lợi ích cá nhân, trả thù, v.v.
Vì vậy, đề cao minh bạch và công bằng là tuyệt đối cần thiết, nhưng chưa đủ. Cần có những thiết chế hợp lý để xử lý xung đột hoặc bất đồng. University of Glasgow (UK) có thể lập Hội đồng Xử lý Khiếu nại (gồm những người không tham gia Hội đồng Xét duyệt) chỉ trong trường hợp có chứng cứ cho thấy quy trình đã không được tuân thủ, và quyết định của Hội đồng này là quyết định cuối cùng. Phòng Nhân sự các trường cũng cần được huấn luyện cách truyền đạt thông điệp này cho người bị từ chối, sao cho nó mang ý nghĩa xây dựng và tích cực, đồng thời mở ra một con đường cho họ tự cải thiện cũng như một cơ hội để làm lại.