Phạm Thị Ly (2015)

Câu chuyện chức danh giáo sư mà Trường ĐH Tôn Đức Thắng nêu lên vừa qua đã đặt ra một vấn đề lớn hơn, không chỉ là ghi nhận thành tích, sự ưu tú và mức độ đóng góp của từng người trong giới giảng viên, mà là sử dụng họ như thế nào trong việc tổ chức hoạt động giảng dạy để có thể đạt được kết quả tốt nhất cho chất lượng đào tạo. Nói cách khác, giả định rằng các giáo sư/ phó giáo sư là những người đã thực sự đạt được trình độ xuất sắc trong chuyên ngành, làm thế nào để họ phát huy được vai trò lãnh đạo khoa học, và tạo ra tác động cao nhất với các thế hệ học trò?

Câu hỏi này được đặt ra trên cơ sở thực tế hiện nay, là trong việc tổ chức giảng dạy, không có sự phân biệt giữa các GS/PGS và những giảng viên trẻ mới vào nghề, cũng như không có một chiến lược thích hợp để xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ và chuẩn bị cho họ bước lên những nấc thang nghề nghiệp cao hơn.

Kết hợp giữa các giáo sư đầu ngành và trợ giảng

Ở các nước, sinh viên cao học và nghiên cứu sinh thường được dùng làm trợ giảng cho các giáo sư. Công việc của họ là hướng dẫn thảo luận nhóm, hướng dẫn làm thí nghiệm, làm đồ án, chấm bài, v.v. Mục đích là nhằm giúp họ rèn luyện những kỹ năng cơ bản của nghề giảng dạy/nghiên cứu; đồng thời giải phóng các giáo sư khỏi những việc không đòi hỏi sự uyên bác để họ có thêm thời gian tập trung cho việc sáng tạo tri thức mới.

Thông thường, bài giảng chính thức do các giáo sư đảm nhiệm; và vì số lượng giáo sư đầu ngành không có nhiều, nên những bài giảng này có khi được thực hiện trong những giảng đường cả vài trăm người. Với quy mô như thế, sự tương tác giữa thầy và trò đương nhiên bị hạn chế. Những điểm sinh viên có thể chưa hiểu rõ sẽ được giải quyết trong những buổi thảo luận nhóm với quy mô tối đa là vài chục sinh viên do trợ giảng phụ trách. Trợ giảng đóng vai trò là cầu nối giữa các giáo sư và sinh viên.

Mô hình này trước hết có lợi cho sinh viên, vì họ được tiếp xúc với những trí tuệ lỗi lạc nhất trong chuyên ngành. Lối tổ chức giảng dạy này dựa trên quan điểm cho rằng người thầy trước hết và trên hết là người truyền cảm hứng, chứ không chỉ là người chuyển giao tri thức. Những giáo sư có tên tuổi là những người đã đạt được sự ưu tú nổi bật trong chuyên ngành, chính là vì họ có sự đam mê đặc biệt, nhờ đó họ đạt đến những thành tựu ngoại hạng. Họ cũng đã có đủ tích lũy để có một tầm nhìn toàn cầu trong sự phát triển của chuyên ngành, có đủ sự uyên bác để trở thành tiếng nói có thẩm quyền trong chuyên môn. Những điều này đặc biệt quan trọng đối với sinh viên, là những người đang bước những bước đầu tiên trong chuyên ngành và rất cần một cảm hứng mạnh mẽ cũng như một định hướng đúng.

Cách tổ chức giảng dạy hiện tại của các trường ĐH Việt Nam không có sự phân biệt này. GS. TSKH. Nguyễn Phùng Quang cho biết, ngay cả ở Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, một trường công hàng đầu về ngành kỹ thuật ở Việt Nam, phương thức tổ chức giảng dạy vẫn y hệt như ở giữa thế kỷ trước, tức cách đây khoảng 60 năm khi trường này được thành lập. Vì có điều kiện giảng dạy ở nhiều trường, GS Quang nhận xét lối tổ chức của các trường khác cũng y như thế, tức là chia nhỏ lớp và giao cho giảng viên, không phân biệt người dạy là giảng viên mới vào nghề hay giáo sư đầu ngành. Vì vậy có thể nói, cách tổ chức như vậy đã không tạo điều kiện cho những người ưu tú trong chuyên môn thực thi vai trò lãnh đạo khoa học của họ với các thế hệ kế tiếp.

Xây dựng lực lượng kế thừa

Lực lượng hàn lâm cần liên tục được bổ sung và nâng cấp để bắt kịp với những thay đổi đang diễn ra quá nhanh ngoài xã hội. Các trường ĐH Việt Nam hiện đang rất bị động trong việc chuẩn bị lực lượng kế thừa. Rất ít trường, kể cả những trường công lớn và nguồn lực dồi dào, có một chiến lược nhất quán trong việc tuyển dụng, đãi ngộ, và nhất là tạo ra động lực và điều kiện phát triển sự nghiệp cho giảng viên trẻ.

Khắc phục tình trạng đồng huyết

Giảng viên trẻ hiện nay phần lớn là sinh viên giỏi được giữ lại trường. Điều này tạo ra tình trạng đồng huyết vốn là một nguyên nhân phá hủy sự đa dạng cũng như động lực đổi mới, một điều tối cần thiết cho sự phát triển của khoa học, nhất là trong bối cảnh văn hóa coi trọng thứ bậc như Việt Nam.

Thêm vào đó, việc tuyển dụng cán bộ giảng dạy ở trường công được xem như tuyển dụng viên chức, với một quy trình tuy phức tạp và nghiêm ngặt nhưng lại thiếu tính minh bạch và cạnh tranh, cho nên rất khó thu hút người giỏi để bổ sung cho đội ngũ giảng viên.

Quân bình giữa giảng dạy và nghiên cứu

Hiện nay, giảng viên trẻ vừa được giữ lại trường đã phải lao vào giảng dạy năm sáu trăm giờ một năm, vừa là để đáp ứng nhu cầu của nhà trường, vừa là để có thu nhập đủ sống. Với bề dày thành tích còn khiêm tốn, họ rất khó xin được kinh phí của các đề tài, dự án cả trong lẫn ngoài nước. Vì vậy họ không có cơ hội để vươn lên trong chuyên môn. Một số ít vượt qua được những trở ngại này, do lòng say mê và khả năng đặc biệt, hoặc do có những thuận lợi khác, còn phần đông không có một con đường để phấn đấu.

Vì vậy phải thay đổi cơ cấu này. Cần khích lệ các giáo sư đưa giảng viên trẻ tham gia vào các dự án, đề tài nghiên cứu, hỗ trợ họ và ghi nhận thích đáng sự đóng góp của họ, để họ có cơ hội trưởng thành. Cần giảm số giờ dạy của họ để họ có thời gian cho việc nghiên cứu. Muốn vậy, phải hình thành chế độ trợ giảng như đã nói trên.

Tổ chức bộ môn theo hướng phát triển chuyên môn sâu

Cũng theo GS.TSKH. Nguyễn Phùng Quang, các tổ bộ môn hiện nay bao hàm một phạm vi chuyên môn quá rộng, khiến giới giảng viên phải dàn trải sức lực trong nhiều lĩnh vực khó có thể đào sâu nghiên cứu trong chuyên ngành hẹp. Lý do có lẽ là vì cách tổ chức bộ môn này dựa trên quan niệm coi trường ĐH là nơi chủ yếu là để giảng dạy, không quan tâm đúng mức đến nhu cầu nghiên cứu và tạo ra tri thức mới.

Vai trò lãnh đạo khoa học của giới hàn lâm

             Mặc dù ai cũng nói người thầy có vai trò to lớn trong chất lượng đào tạo và kết quả giáo dục nói chung của nhà trường, thực tế hiện nay là họ có một tiếng nói rất yếu trong cơ cấu ra quyết định của nhà trường.

Lẽ ra, giới hàn lâm, đặc biệt là các giáo sư, phải có tiếng nói quyết định trong những vấn đề học thuật, cụ thể là duy trì các tiêu chuẩn đào tạo và chuẩn mực trong nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo, mở ra các bộ môn và các chuyên ngành, tức là những hoạt động cốt lõi của nhà trường.

Trong thực tế, mặc dù hầu hết các trường công đều có Hội đồng Khoa học và Đào tạo trong cơ cấu tổ chức, nhưng theo luật định, đó là một tổ chức do nhà trường thành lập và chỉ có nhiệm vụ tư vấn cho hiệu trưởng, chứ không phải là một tổ chức có thẩm quyền. Điều 19 Luật GDĐH giao cho Hội đồng một trách nhiệm khá rộng: “tư vấn cho hiệu trưởng về việc xây dựng: Quy chế đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên; Kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của nhà trường; Đề án mở/hủy bỏ chuyên ngành đào tạo; định hướng/kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, phân công thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, khoa học và công nghệ”.

Thế nhưng thực tế thì công việc của họ hầu như chỉ là xét duyệt các đề tài nghiên cứu và đề xuất phân chia kinh phí cho nghiên cứu. Hầu như có rất ít không gian cho họ thực thi những chức năng luật định. Một phần là vì những quy định, hướng dẫn nhiều khi rất chi tiết của Bộ GD-ĐT khiến họ chẳng có việc gì mà làm. Hai là, quan trọng hơn, Hội đồng Khoa học không phải là một tiếng nói thẩm quyền, thậm chí, họ không có được sự độc lập cần thiết, bởi vì thành phần của Hội đồng chủ yếu là người trong trường. Tiếng nói và ảnh hưởng của họ yếu ớt đến nỗi, chúng ta hầu như chưa bao giờ nghe thấy có một trường hợp nào xảy ra mâu thuẫn ý kiến giữa hội đồng và lãnh đạo nhà trường. Thậm chí, ở một số trường tư, hội đồng khoa học còn chẳng có, hoặc có cũng như không, vì họ tồn tại chỉ để làm đẹp đội hình, chứ không có vai trò gì trong quá trình ra quyết định.

Ở cấp khoa, Hội đồng khoa học có một ảnh hưởng mạnh hơn. Điều này cũng dễ hiểu, vì hội đồng khoa học cấp trường bao gồm các giáo sư trong những chuyên ngành khác nhau, còn ở cấp khoa, họ có chung một lĩnh vực chuyên môn gần gũi hơn, có nhiều mối quan tâm chung và lợi ích chung hơn, do đó mà dễ dàng chia sẻ ý kiến hơn và có động lực mạnh mẽ hơn trong việc tham gia vào công việc chung của khoa.

Có lẽ, điều cần làm là tăng cường vai trò lãnh đạo khoa học của các giáo sư, cân bằng tiếng nói của các bên khác nhau trong quá trình ra quyết định của nhà trường. Ví dụ, trở lại vấn đề tổ chức hoạt động đào tạo, các giáo sư là những người hiểu rõ hơn hết phải tổ chức như thế nào là có lợi nhất cho việc học hỏi và tạo ra tiến bộ cho sinh viên, trong lúc các nhà quản lý thì phải quan tâm trước hết đến khía cạnh tài chính và phân bổ nguồn lực. Cả hai góc nhìn này đều quan trọng và đều cần được cân nhắc trong quá trình ra quyết định, thay cho thực tế hiện nay, giới chuyên môn được xem không khác những người thợ dạy, còn việc vận hành nhà trường thì hầu như chỉ nằm trong tay giới quản lý.

Việc cân bằng tiếng nói thẩm quyền của giới hàn lâm và giới quản lý cần được đặt trên nền tảng là chức danh giáo sư được trao cho những người thực sự xứng đáng với vai trò lãnh đạo khoa học, những người mà thành tựu của họ được công nhận trên phạm vi quốc tế, và sự uyên bác nổi bật của họ vượt xa những người đang ở một thang bậc thấp hơn của hệ thống hàn lâm. Nếu không có nền tảng này, thì những nỗ lực tăng cường tiếng nói của giới hàn lâm sẽ thành ra hoàn toàn vô nghĩa.