Phạm Thị Ly (2015)
(Bài đăng báo Người Lao Động ngày 10.10.2015. Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tang-hoc-phi-roi-sao-nua-20151010220441583.htm)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 86/2015/NĐ-CP về mức thu và chính sách miễn giảm học phí ở các trường công lập, theo đó mức HP tăng tối đa ở các trường ĐH thí điểm tự chủ có thể lên tới hơn 44 triệu/năm với ngành Y dược trong năm nay, tức khoảng 2000 USD, tương đương với 100% GNI đầu người của Việt Nam. Đối với những trường chưa thực hiện tự chủ tài chính, mức học phí cao nhất vào khoảng 8,8 triệu/năm, tức khoảng 400 USD, tương đương 20% của GNI đầu người.

Mức học phí như vậy là cao hay thấp và sẽ dẫn tới những hệ quả xã hội như thế nào?

Để trả lời mức học phí như vậy là cao hay thấp, thông thường có ba cách tiếp cận: về phía nhà trường, mức học phí được so sánh với chi phí đào tạo, bao gồm cả đầu tư phát triển. Về phía người học, mức học phí được so sánh với triển vọng thu nhập trong tương lai. Về phía quản lý hệ thống, mức học phí được so sánh với thu nhập trung bình đầu người và so sánh với các quốc gia khác.

Thực ra cả ba cách tiếp cận này đều có liên đới với nhau. Chúng ta không thể nói mức thu như vậy là cao hay thấp mà không đặt nó trong tương quan với chất lượng người thầy và những điều kiện học tập, hay môi trường trải nghiệm mà nhà trường mang lại.

Hơn thế nữa, phải đặt nó trong tương quan với những kết quả mà người học có thể thụ đắc trong quá trình giáo dục, bởi vì những kỹ năng, tri thức, tầm nhìn, cách suy nghĩ mà người học gặt hái được trong bốn năm ĐH sẽ quyết định trực tiếp những cơ hội mà họ có thể giành được sau khi tốt nghiệp, tức là quyết định triển vọng thu nhập trong tương lai.

Từ góc độ quản lý hệ thống, nhà nước phải giải quyết bài toán cân bằng giữa mức thu học phí, khả năng chi trả của người dân, và nhu cầu nhân lực cho tăng trưởng vì mức cân bằng này sẽ quyết định số người vào ĐH, và tỉ lệ nguồn nhân lực được đào tạo kỹ năng cao cho sự phát triển của nền kinh tế.

Con đường nào từ lo lắng đến đồng thuận?

Mức tăng học phí này đã gây ra lo lắng cho nhiều gia đình thu nhập thấp. Một phần là vì số tiền này rất lớn đối với nhiều gia đình đặc biệt là ở nông thôn, vùng xa, khu vực làm công ăn lương, thêm nữa vì học phí chỉ là một phần trong chi phí theo học ĐH. Mối lo lắng này càng tăng trong bối cảnh ngày càng nhiều cử nhân thất nghiệp khiến triển vọng việc làm của những người có bằng ĐH không mấy sáng sủa.

Tuy vậy, tình hình thất nghiệp này cũng đồng thời là một tín hiệu báo động về chất lượng đào tạo của các trường, đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ để cải thiện. Nguồn lực tài chính là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ để tạo ra chuyển biến nổi bật trong chất lượng đào tạo, nhưng nếu không có điều kiện cần ấy, thì sự thật là không thể nào cải thiện được chất lượng. Vì vậy, chủ trương tăng học phí là cần thiết, vì mức học phí hiện nay còn thấp so với các nước. Tính trung bình học phí một năm ở trường công của Mỹ là 9.804 USD, chiếm 17,7 % so với GNI đầu người, ở Malaysia là 8,500 USD tương đương 79% GNI đầu người. Tuy nhiên, những con số này chỉ có ý nghĩa rất tương đối vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác liên quan.

Để chủ trương tăng học phí nhận được sự đồng thuận của người dân, cần thực hiện nó cùng với những cải cách cần thiết, cụ thể là:

Công bằng về cơ hội

Một số gia đình sẽ không có khả năng chi trả mức học phí này. Nếu không có chính sách hỗ trợ, hệ quả sẽ là khoảng cách ngày càng giãn rộng giữa các nhóm thu nhập khác nhau, tạo ra bất ổn xã hội. Vì vậy, mức học phí cao phải kèm theo chính sách học bổng, miễn giảm và cho vay đa dạng và linh hoạt. NĐ 83 đã nêu những chính sách này, nhưng nó vẫn chưa đủ bao hàm các nhóm bất lợi khác nhau và cần được hỗ trợ.

Vì vậy, để mở rộng cơ hội vào ĐH cho mọi người, ngoài các nguồn ngân sách cấp, cần có quy định một tỷ lệ nhất định nguồn thu học phí phải được dùng cho hỗ trợ học bổng, miễn giảm, thông qua nhiều cơ chế đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng. Tiêu chuẩn, quy trình xét chọn, kết quả xét chọn những người được nhận học bổng cần được công khai trên trang web của các trường. Đó là cách “lấy của người giàu để chi cho người nghèo”, một lối tái phân phối của cải xã hội thực hiện trong phạm vi cấp trường. Xã hội có lợi vì luôn có một cánh cửa mở ra cho những người nỗ lực và không bỏ sót người tài, các trường có lợi vì thu hút được người giỏi, nhờ đó củng cố uy tín và thành tích.

Kể cả khi đã có những chính sách như vậy, vẫn sẽ có những người không đủ giàu để đóng học phí và không đủ giỏi để được cấp học bổng. Cần có những nguồn cho vay để phục vụ đối tượng này. Hệ quả là, người học sẽ phải cân nhắc việc theo đuổi tấm bằng ĐH với một món nợ không nhỏ và có trách nhiệm hơn với việc học tập của mình, hoặc sẽ chọn theo học các trường cao đẳng, trung cấp nghề với thời gian ngắn hơn, chi phí thấp hơn và có thể tìm được việc ngay.

Cải thiện cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình của nhà trường

Việc tăng học phí sẽ nhận được sự đồng thuận lớn hơn của xã hội, nếu có một cơ chế tốt hơn để nhà trường thực hiện trách nhiệm giải trình của mình trước xã hội, chứ không chỉ là trước cơ quan quản lý nhà nước. Quy chế ba công khai phải được tăng cường, và mọi hành động hướng về minh bạch, công khai đều cần được khích lệ.

Một cơ chế giúp nhà trường thực hiện trách nhiệm giải trình, cũng như bao hàm được tiếng nói của các bên khác nhau trong quá trình ra quyết định, chính là hội đồng trường. Cơ chế này cần được xây dựng và củng cố để có thể hoạt động một cách thực chất. Có một sự thực là, cơ chế hội đồng trường cho đến nay vẫn còn mới đối với Việt Nam, vai trò và thẩm quyền của hội đồng trường vẫn còn hạn chế, vì vậy còn nhiều việc phải làm để hội đồng trường thực sự phản ánh được tiếng nói của các bên liên quan trong GDĐH. Đó là điều cần làm, để tăng cường ý nghĩa thiết yếu của nhà trường đối với xã hội. Một khi nhà trường chứng tỏ được sự thích đáng của mình trong việc đáp ứng nhu cầu của xã hội, sự ủng hộ đối với chủ trương tăng học phí sẽ trở thành tất yếu.

Tác động đối với hệ thống

Theo NĐ 86, mức học phí tăng mạnh nhất ở những trường thí điểm tự chủ tài chính, với mức tăng ngang bằng với các trường mạnh nhất hiện nay của khu vực ngoài công lập. Điều này sẽ tạo ra một mặt bằng cạnh tranh mới, nhất là trong bối cảnh số người vào ĐH hiện thấp hơn tổng số chỉ tiêu của tất cả các trường.

Các trường công bắt đầu phải cạnh tranh để giành sinh viên. Trường mạnh, có uy tín lâu đời phải cạnh tranh để giành sinh viên giỏi. Trường nhỏ, ít uy tín hơn, thuộc nhóm dưới, thì phải cạnh tranh để có sinh viên mà tồn tại. Đã bắt đầu xuất hiện một xu hướng tuyển chọn người thực sự giỏi để làm công tác quản lý ở những trường công tự chủ tài chính. Nói cách khác, cơ chế tự chủ tài chính đã đặt các trường vào một bối cảnh có tính chất thị trường hơn, đòi hỏi họ phải cải thiện cách vận hành theo lối đặt hiệu quả lên hàng đầu như những doanh nghiệp. Bàn tay vô hình của thị trường là một cơ chế “tưởng thưởng ta bằng những thành công, và trừng phạt ta bằng những thất bại”, sẽ kích thích tư duy “dám làm dám chịu”, giúp các trường thay đổi mạnh mẽ theo hướng gắn bó với những nhu cầu của thị trường, và làm cho các trường trở thành có ích hơn.

Tăng học phí ở khu vực công lập cũng làm khoảng cách bất bình đẳng giữa trường công và trường tư thêm giãn rộng. Với mức học phí ngang bằng, trường công vẫn có lợi thế hơn hẳn nhờ khoản bao cấp đất đai và trường sở. Với mức tăng học phí mới, các trường công có thể trả lương giảng viên tốt hơn, khiến ưu thế của trường ngoài công lập giảm đi trong việc thu hút người dạy. Tương quan mới này sẽ đòi hỏi các trường phải cải thiện môi trường làm việc, xây dựng bản sắc riêng của mình để có thể tồn tại. Một số trường tư có thể không tồn tại nổi phải sáp nhập hay đổi chủ, và cuối cùng sẽ chỉ còn lại những trường có tiềm lực tài chính mạnh, có tầm nhìn xa, có thiết chế quản trị nội bộ hiệu quả và tạo dựng được thế mạnh riêng là có thể đứng vững.

Chúng ta hy vọng rằng việc giao quyền tự chủ tài chính cho một số trường thí điểm, và tiến tới mở rộng hơn số trường này trong tương lai, không có nghĩa là nhà nước đẩy GDĐH hoàn toàn vào khu vực thị trường mà không có những can thiệp cần thiết. Nó chỉ có ý nghĩa như một cơ chế giúp tạo ra động lực thúc đẩy các trường cải thiện chất lượng đào tạo, bởi vì một khi giảm bớt phụ thuộc vào nguồn ngân sách, các trường sẽ phải hướng tới thị trường nhiều hơn và đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi thực tế của xã hội. Trong lúc đó, nhà nước có thể tập trung sức lực cho việc quản lý hệ thống, và tập trung nguồn lực cho việc bù đắp những khiếm khuyết của thị trường, chẳng hạn như bảo đảm công bằng trong cơ hội tiếp cận ĐH và thúc đẩy phát triển những ngành cần thiết cho xã hội nhưng thị trường không có đủ động lực đáp ứng, ví dụ như sử học, dân tộc học, khảo cổ, v.v. Thay vì cấp kinh phí dàn trải cho các trường như trước đây, nhà nước có thể xây dựng các quỹ tài trợ nghiên cứu trên cơ sở cạnh tranh và không phân biệt công tư. Nhà nước cũng có thể hỗ trợ các trường trong những kế hoạch phát triển dài hạn, chẳng hạn tập huấn thành viên hội đồng trường, phát triển năng lực giảng viên, hỗ trợ kiểm định độc lập, và quan trọng nhất là thúc đẩy những thiết chế nhằm bảo đảm trách nhiệm giải trình của các trường.