Phạm Thị Ly (2015)
(Đăng Tạp chí Tia Sáng số ra ngày 02.10.2015. Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=9062 )

 Giáo sư được coi là thang bậc cao nhất trong sự nghiệp của giới hàn lâm, theo truyền thống điều này phản ánh những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ cộng đồng. Tuy vậy ngày nay, do sự thay đổi của các trường ĐH, do tính chất quốc tế hóa ngày càng tăng, do sự phát triển của xã hội tri thức, tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư đang trở nên ngày càng đa dạng và linh hoạt.

Malaysia là một nước tương đối gần với Việt Nam về nhiều mặt, với khoảng cách GDP chỉ khoảng 5 lần. Hai nước cùng chia sẻ những đặc điểm khu vực và không quá xa về trình độ phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, thừa hưởng một hệ thống giáo dục theo mô hình Anh, và có một quyết tâm to lớn của giới lãnh đạo trong việc cải thiện kết quả giáo dục và nghiên cứu khoa học, những năm gần đây Malaysia bứt phá lên khá xa trong GDĐH.

Đối với Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển, đặc biệt những nước đã có kinh nghiệm lâu đời và đạt được nhiều thành tựu trong giáo dục và khoa học như Mỹ hay Châu Âu là điều quan trọng. Tuy vậy, nhiều điều rất khó áp dụng do những khác biệt trong hệ thống chính trị và văn hóa, cũng như trong trình độ phát triển của nền kinh tế. Có những chính sách có thể áp dụng được ở những nước thu nhập 40-50 ngàn USD một năm, nhưng sẽ không sao chép được ở một đất nước thu nhập đầu người chỉ 2.000 USD/năm. Vì vậy, có lẽ sẽ hữu ích hơn nếu chúng ta tìm hiểu những nước gần với mình hơn, họ đã học hỏi những kinh nghiệm phương Tây như thế nào, đã vượt qua những khác biệt ra sao, và đạt được thành tựu gì. Malaysia là một trường hợp như vậy khi chúng ta muốn tìm hiểu những kinh nghiệm quốc tế trong việc bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Vấn đề chức danh giáo sư được xem là quan trọng, vì nó gắn với chất lượng của lực lượng hàn lâm, một nhân tố sống còn của các trường ĐH. Một hệ thống bổ nhiệm chức danh minh bạch và công bằng, ghi nhận những thành tựu và đóng góp của những người làm nghề giảng dạy và nghiên cứu ở các trường ĐH, sẽ giúp duy trì động lực phấn đấu của những người mới bước vào nghề hàn lâm, tạo điều kiện để những người có kinh nghiệm và kỹ năng dày dạn thực thi vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

QUAN NIỆM PHỔ QUÁT TOÀN CẦU VỀ VAI TRÒ CỦA CÁC GIÁO SƯ

Với rất ít khác biệt, thang bậc vị trí trong nghề hàn lâm thường bao gồm 5 bước từ thấp đến cao: trợ giảng, giảng viên, giảng viên cao cấp, phó giáo sư và giáo sư.

Giáo sư, vị trí cao nhất trong thang bậc học thuật này, được mong đợi thực hiện vai trò lãnh đạo hoạt động chuyên môn trong chuyên ngành của họ. Boyer (1990) cho rằng vai trò của giáo sư ngày nay không còn chỉ là giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng, mà còn là tạo ra tri thức mới và đem những tri thức ấy ứng dụng vào cuộc sống. Với cương vị lãnh đạo về học thuật, giáo sư có vai trò là mẫu mực cho thế hệ sau. Người ta kỳ vọng các giáo sư hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp và học trò, cũng như đóng vai trò là hình ảnh của nhà trường, hành động như một “đại sứ” của nhà trường trong việc giao tiếp với cộng đồng rộng lớn ngoài xã hội.

KINH NGHIỆM MALAYSIA

Ở Malaysia, bậc thang hàn lâm có sáu mức độ: trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư, và giáo sư xuất sắc (distinguished professor). Bậc giáo sư chia thành ba cấp C, B, A từ thấp đến cao.

Bộ GD Malaysia ban hành tiêu chuẩn khung cho mỗi chức danh, đồng thời cho phép các trường một mức độ linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và bối cảnh của từng trường. Việc xây dựng bộ khung hướng dẫn này rất quan trọng, vì nó đem lại một quy trình đề bạt công bằng, minh bạch và nhất quán, đảm bảo sự liêm chính và uy tín của những người được bổ nhiệm.

Thông thường một giảng viên sẽ tuần tự đi qua từng bậc thang, nhưng cũng có quy định bổ nhiệm vượt cấp trong trường hợp có những thành tựu nổi bật. Hội đồng xét duyệt do nhà trường thành lập với sự cân nhắc chọn lọc rất thận trọng. Chỉ có giáo sư hạng A mới được nộp đơn xin xét đề bạt giáo sư xuất sắc. Riêng hội đồng xét duyệt giáo sư xuất sắc thì do Bộ Giáo dục thành lập.

Tiêu chuẩn khung mà Bộ Giáo dục đưa ra hướng dẫn các trường xem xét đánh giá hồ sơ thành tích của ứng viên về các mặt sau:

  • Năng suất công bố khoa học trong lĩnh vực chuyên ngành
  • Được sự công nhận và khen ngợi của đồng nghiệp trong nước lẫn quốc tế
  • Thiết lập được một mạng lưới cộng tác đồng nghiệp rộng và sâu trong nước và quốc tế
  • Có những hoạt động xuất sắc trong việc lãnh đạo chuyên môn cũng như trong việc quản lý hoạt động khoa học của đơn vị
  • Chứng tỏ một tinh thần cộng sự và hợp tác mạnh mẽ trong giới chuyên môn.

Giáo sư xuất sắc phải đạt được thành tựu trong những lĩnh vực nói trên ở một mức độ đặc biệt nổi bật, thể hiện qua các giải thưởng quốc tế, và có những đóng góp to lớn cho đất nước cũng như cho kho tang tri thức của nhân loại. Cho tới nay chỉ có rất ít người được bổ nhiệm vị trí danh dự này.

TIÊU CHUẨN BỔ NHIỆM GIÁO SƯ

Hướng dẫn của Bộ chỉ đóng vai trò là cột mốc đối sánh giúp các trường xây dựng tiêu chuẩn và quy trình của riêng mình. Vì vậy nó có ý nghĩa tham khảo hơn là một quy định bắt buộc, cả ở trường công lẫn trường tư.

Để được bổ nhiệm giáo sư, một giảng viên cần phải tạo dựng được uy tín và sự tôn trọng của đồng nghiệp trong nước lẫn quốc tế. Họ phải là người có đóng góp liên tục trong lĩnh vực chuyên môn, tạo ra tác động nổi bật trong xã hội, biểu hiện một năng lực trí tuệ nổi bật thông qua tư duy sắc bén và tầm nhìn chiến lược. Họ cũng phải mẫu mực trong việc gìn giữ những giá trị cơ bản của nghề hàn lâm, như sự liêm chính trong hoạt động khoa học. Họ phải thực thi trách nhiệm của mình qua nhiều hoạt động đa dạng: không chỉ giảng dạy và nghiên cứu, mà còn là hướng dẫn giảng dạy, đào tạo nghiên cứu sinh, tham gia các hội thảo, làm tư vấn, xây dựng mạng lưới cộng tác đồng nghiệp, phục vụ xã hội, và thúc đẩy uy tín, bảo vệ hình ảnh của nhà trường.

Tiêu chí cụ thể để bổ nhiệm giáo sư ở Malaysia như sau:

STT

Tiêu chí

Trọng số
1 Nghiên cứu và công bố quốc tế

–        Lãnh đạo 5 dự án nghiên cứu với tổng kinh phí khoảng 350 ngàn USD

–        Có 20 bài báo khoa học, 20% trong đó là tác giả chính trong tạp chí ISI

 

30-40
2 Giảng dạy và hướng dẫn:

–        Đào tạo ít nhất 1 tiến sĩ hoặc 2 thạc sĩ

–        Giảng dạy 60 tín chỉ và được đánh giá tốt

 

30-40
3 Khả năng lãnh đạo học thuật và mức độ được công nhận:

–        Là diễn giả chính của 2 hội thảo quốc gia/quốc tế; hoặc:

–        Là chuyên gia bình duyệt của một tạp chí có trong danh mục ISI (5 bài); hoặc

–        Được mời bình duyệt trong hội đồng đề bạt phó giáo sư

 

10-20
4 Phục vụ ĐH và cộng đồng:

Là thành viên của các hội đồng/ủy ban quốc gia và quốc tế (bất cứ hoạt động gì)

 

5-15
5 Tư vấn, quan hệ với giới doanh nghiệp, chuyển giao tri thức:

– Thực hiện 5 hoạt động phục vụ trong lĩnh vực chuyên môn

5-15

Điều mà chúng ta có thể học ở Malaysia là: (1) kết hợp giữa việc bảo vệ tiêu chuẩn với sự linh hoạt của các trường; (2) bộ tiêu chuẩn rất đơn giản và phản ánh thực chất những đòi hỏi cốt lõi đối với chức danh giáo sư.

Kết quả là, trong thời gian 2009-2013, với 1.472 GS/PGS, Malaysia công bố 33.472 bài báo khoa học, tỉ lệ 22,7 bài trên mỗi giáo sư; trong lúc Việt Nam công bố 7.727 bài báo khoa học với một lực lượng khoa học bao gồm hơn 9000 GS/PGS, tỉ lệ 0,85 bài mỗi giáo sư, chỉ bằng 1/26 so với Malaysia.