NHỮNG BẤT CẬP CỦA KỲ THI TNPT & TUYỂN SINH ĐH 2015

Ly Phạm &Hữu Duy & Hồng Hạnh

Tuy việc sử dụng kết quả thi TNPT để làm một trong những cơ sở xét tuyển ĐH không phải là hiếm ở các nước, nhưng cách tổ chức thực hiện theo kiểu nộp vào rút ra dựa trên thông tin cập nhật trên website của các trường như chúng ta đang làm, thì lại là một cách làm độc nhất vô nhị trên thế giới.

Về mặt tổ chức thực hiện

Một trong những mục tiêu của việc kết hợp 2 kỳ thi TNPT và tuyển sinh ĐH là tiết kiệm và giảm áp lực nhờ giảm bớt một kỳ thi, nhưng thực tế là thí sinh phải tốn kém hơn gấp bội nhất là những gia đình ở tỉnh xa, vì phải đi lại rút hồ sơ nơi này và nộp hồ sơ nơi khác. Chi phí này có thể phải lên đến hàng chục triệu một trường hợp đối với những gia đình phải mua vé máy bay và thuê trọ. Áp lực tâm lý còn lớn hơn gấp bội so với mọi năm, vì ngay cả những em điểm cao, khả năng rớt cũng vẫn đáng kể, vì những lý do sẽ phân tích ở phần sau.

Cộng điểm ưu tiên

Một khảo sát thực tế cụ thể trên danh sách 1000 thí sinh cho thấy, trên 84% được cộng điểm ưu tiên với những mức độ khác nhau. Tổng điểm ưu tiên trong trường hợp cao nhất có thể lên tới 6,5 điểm (2 điểm đối tượng+1,5 điểm khu vực+3 điểm thưởng), tạo ra một sự chênh lệch quá lớn trong cơ hội trúng tuyển và hoàn toàn không hợp lý. Điểm số là thể hiện năng lực, và năng lực là thứ mỗi người phải tích lũy và rèn luyện để có, không thể được ban phát như một ơn huệ. Cần có chế độ ưu tiên và hỗ trợ cho người có công, cho học sinh vùng sâu vùng xa, để họ có cơ hội vào ĐH, nhưng sự ưu tiên này phải được thể hiện bằng việc cung cấp điều kiện học tập, chứ không phải bằng điểm số. Thay cho các mức điểm ưu tiên khác nhau, cần đưa ra các mức hỗ trợ tài chính khác nhau, từ miễn giảm một phần tới miễn giảm toàn bộ học phí và cung cấp thêm học bổng cho những đối tượng cần được ưu tiên, nhưng cạnh tranh về điểm số thì phải tuyệt đối công bằng.

Bởi vì hệ quả của việc cộng điểm ưu tiên sẽ là loại bỏ những em có khả năng cao để nhận vào ĐH những em có khả năng kém hơn. Phương Tây có câu “đầu vào là rác thì đầu ra cũng là rác”. Chất lượng GDĐH đã và đang có vấn đề, nay lại xói mòn tiêu chuẩn chất lượng đầu vào như vậy thì ai cũng có thể thấy kết quả sẽ ra sao.

Quan trọng hơn, một hệ quả khác của việc cộng điểm là hủy hoại nguyên tắc cạnh tranh công bằng, vốn là động lực mạnh mẽ nhất nhằm đạt tới sự ưu tú, mà tạo ra và duy trì sự ưu tú là sứ mạng quan trọng bậc nhất của trường ĐH, là đóng góp lớn lao nhất của trường ĐH cho xã hội, là lý do tồn tại của nó.

Vì sao chính sách cộng điểm ưu tiên tuy đã tồn tại nhiều năm qua nhưng không gây bức xúc trong xã hội như năm nay? Xét về mặt kỹ thuật, mọi năm có hai kỳ thi khác nhau tức là hai đề thi hoàn toàn khác nhau. Việc cộng điểm cho việc xét TNPT không gây trở ngại gì, vì tỉ lệ tốt nghiệp PT bao giờ cũng gần 100%. Đối với kỳ thi ĐH, đề thi ĐH mọi năm bao giờ cũng khó hơn nhiều so với đề thi TNPT vì vậy mang tính chất phân loại rất rõ. Nói cách khác, đạt được 15 điểm cho ba môn thi không phải là dễ, nếu đạt được 15 điểm đã là học lực loại khá, và dù có được cộng thêm ba điểm ưu tiên, thì 18 điểm không đủ để chiếm chỗ của những em thực sự giỏi. Vấn đề của năm nay là, vì 60-70% đề thi là dành cho mục tiêu xét tốt nghiệp, cho nên hầu hết học sinh có thể đạt tổng điểm 21 cho ba môn khá dễ dàng. Từ 21 điểm trở lên là khoản phân biệt học sinh khá giỏi và nhích lên được 1 hay 2 điểm trong khoảng này là rất khó. Với 21 điểm phổ biến đại trà cộng với 1-3,5 điểm ưu tiên, hầu như tất cả những em khá giỏi (đạt điểm 24-25) nhưng không được cộng điểm ưu tiên đã bị đánh bạt ra ngoài. Điểm ưu tiên đã tự động chiếm chỗ khoản được dùng để phân biệt học sinh trung bình kém với học sinh khá giỏi; hậu quả là ngay cả những em điểm cao cũng có nhiều khả năng thi rớt.

Một lý do khác khiến học sinh nháo nhào rút hồ sơ, mà rõ ràng Bộ đã không lường trước, là với tình hình cộng điểm như trên, số thí sinh đạt tổng điểm 24 trở lên (sau khi cộng ưu tiên) có số lượng rất cao và làm thay đổi cán cân tuyển sinh ở các trường tạo ra một bức tranh khác hẳn với mọi năm. Cụ thể là, Bộ GD-ĐT và các chuyên gia đều khuyên học sinh căn cứ vào điểm tuyển năm trước của các trường để cân nhắc chọn trường và chọn ngành, nhưng thực tế là, điểm tuyển công bố của các trường không có nghĩa là đạt điểm ấy sẽ đương nhiên đỗ. Lấy ví dụ Đại học Y Phạm Ngọc Thạch công bố điểm sàn 17-21, nhưng số hồ sơ từ điểm 23.75 trở lên đã là 801 em, chiếm hết toàn bộ chỉ tiêu. Những em có điểm thi từ 21-23,75 nếu không được cộng ưu tiên sẽ bị dạt ra ngoài. Những em này căn cứ vào điểm tuyển năm ngoái là 18-22 đã nộp đơn vào trường này, nay phải cuống cuồng rút ra để nộp trường khác. Một số trường ngưỡng điểm có thể trúng tuyển đang tăng lên từng ngày: Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đến ngày 12.08 đã có 310 thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên ở ngành bác sĩ đa khoa, trong khi ngành này có 349 chỉ tiêu (đã trừ các chỉ tiêu tuyển thẳng, cử tuyển và dự bị). Nếu có thêm thí sinh trên 28 điểm nộp hồ sơ thì ngay cả các em 28 điểm đã nộp hồ sơ cũng sẽ rớt. Cộng thêm hồ sơ ảo do bốn nguyện vọng, tình hình hiện vẫn đang rối như tơ vò chưa có lối thoát.

Vì bức tranh điểm sàn bất thường như vậy, phần lớn học sinh buộc phải chọn tổ hợp môn thi nào mình có điểm cao nhất, dựa trên tổ hợp đó để chọn ngành và chọn trường cho an toàn, mặc dù ngành ấy các em không hề yêu thích. Ví dụ một em 27,5 điểm bị loại ra khỏi trường y mà em mơ ước, nộp đơn vào trường bách khoa là nơi mà tổ hợp Toán Lý Hóa của em đủ điểm đậu. Kết quả là xã hội rất có thể mất một bác sĩ tâm huyết và cho ra trường một kỹ sư tồi.

Mục tiêu của tuyển sinh ĐH

Mục tiêu của tuyển sinh ĐH đối với nhà trường là chọn lựa những em có khả năng thích hợp nhất trong lĩnh vực đào tạo của nhà trường để giúp các em phát triển hết mức những khả năng và thiên hướng nhằm đạt tới sự ưu tú khả dĩ. Mục tiêu vào ĐH của học sinh là theo đuổi một quá trình chuẩn bị cho một nghề nghiệp thích hợp nhất với tố chất và năng lực của mình.

Thế nhưng, với cách tuyển sinh hiện nay, do thông tin tắc nghẽn giữa nhà trường và học sinh, có nguy cơ là nhiều em, kể cả những em điểm cao, chấp nhận vào bất cứ trường nào mà mình có khả năng đậu, dù nó có thích hợp với mình hay không. Các trường, do chỉ dựa trên một thông tin duy nhất là điểm thi TNPT, không thể đánh giá được những yếu tố khác của thí sinh (như năng lực thể chất, đặc điểm tâm lý và tính cách, năng khiếu, v.v.) để tìm người phù hợp. Đó là chưa kể trong bối cảnh người học sụt giảm, các trường cạnh tranh giành sinh viên bằng nhiều cách trong đó không loại trừ việc gây khó khăn trong rút hồ sơ.

Thêm vào đó, việc cộng điểm ưu tiên đã khiến bức tranh về năng lực thí sinh bị sai lệch rất đáng kể. Việc ra đề thi nhằm vào hai mục tiêu khác nhau (Tốt nghiệp PT: đánh giá việc đạt được chuẩn kiến thức tối thiểu; và tuyển sinh ĐH: so sánh trình độ phát triển trong năng lực tư duy) đã khiến kết quả thi (thể hiện qua phổ điểm năm nay) không phân biệt được học sinh trung bình khá, kết quả là nhà trường khó lòng tuyển được đúng đối tượng.

Hệ quả chung

Thi cử được xem không chỉ nhằm đánh giá kết quả học tập mà còn góp phần định hướng cách học của học sinh. Ví dụ như thành tích hoạt động cộng đồng được xem là một trong những yếu tố xét tuyển vào ĐH của các trường ĐH Mỹ, điều này khích lệ các em tham gia vào những hoạt động công ích và tình nguyện nhằm phục vụ cộng đồng. Qua những hoạt động này, các em phát triển những kỹ năng quan trọng như lên kế hoạch, phát biểu trước đám đông, thuyết phục người khác, làm việc nhóm, và tăng cường ý thức công dân. Nếu đường vào ĐH chỉ được quyết định bằng một yếu tố độc nhất là điểm bài thi, và bài thi này chỉ dựa trên trắc nghiệm kiến thức, thì điều này sẽ kích thích lối học từ chương nhấn mạnh vào ghi nhớ kiến thức và coi nhẹ việc xây dựng năng lực, rèn luyện kỹ năng ở bậc học phổ thông.

Ở cấp độ hệ thống, mặc dù các trường “có vẻ như” được tự chủ trong việc xây dựng phương án tuyển sinh, xác định điểm tuyển; và thí sinh “có vẻ như” có nhiều lựa chọn hơn trong việc chọn trường và chọn ngành, nhưng trong thực tế, hầu hết các trường, đặc biệt là nhóm dưới và trường ngoài công lập, cũng như các thí sinh, đều hết sức bị động, vì mức độ tự chủ và khả năng lựa chọn của họ bị đóng khung trong giới hạn của những hướng dẫn có tính chất kỹ thuật và hạ tầng IT bất cập của Bộ. TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Báo Tuổi trẻ, 13.08.2015) đã phải nói rõ: nút thắt xét tuyển đang nằm ở Cục Khảo thí, là do thông tin điểm thi của từng thí sinh không được công bố minh bạch.

Câu hỏi đặt ra

Câu hỏi đặt ra là, vì sao Bộ không thể làm được một phương án hợp lý hơn, như nhiều nước đã làm: xét tốt nghiệp PTTH để công nhận tốt nghiệp và tổ chức thi đánh giá năng lực kiểu như ĐHQG Hà Nội đang thực hiện (tương tự kỳ thi SAT ở Mỹ), dựa vào dữ liệu điểm số này các trường xác định điểm tuyển, coi điểm số là một căn cứ xét tuyển, cùng với những căn cứ khác?

Thử xem xét lợi và hại của phương án này. Xét công nhận tốt nghiệp PT thay cho thi tốt nghiệp sẽ nhấn mạnh đánh giá trong tiến trình, thay vì chỉ đánh giá dựa trên một bài thi lý thuyết, nhờ đó sẽ khích lệ các em tham gia nhiều hoạt động khác nhau trong quá trình học tập ở trường phổ thông, là điều có lợi cho việc phát triển toàn diện nhân cách.

Giao việc xét tốt nghiệp cho các trường, liệu có “tiêu cực”? Chỉ khi nào tỉ lệ tốt nghiệp PT quá thấp, thì khả năng tiêu cực để được công nhận tốt nghiệp mới dễ xảy ra. Nhiều năm nay, kết quả thi tốt nghiệp luôn là 95-100%. Muốn rớt cũng khó! Vả lại, xét tốt nghiệp dựa trên cả một quá trình ba năm, liên quan tới đánh giá của nhiều giáo viên, dựa trên những tiêu chuẩn rõ ràng, “tiêu cực” hiển nhiên là không dễ.

Xét tốt nghiệp như vậy, liệu có bảo đảm chuẩn chất lượng thống nhất của bằng tốt nghiệp phổ thông? Trước hết, với tình trạng tốt nghiệp gần 100% như từ trước đến nay, kỳ thi TNPT quốc gia hầu như không có ý nghĩa gì trong việc bảo đảm chuẩn chất lượng thống nhất, vì các trường dạy như thế nào đi nữa thì các em đều đỗ tốt nghiệp. Sau nữa, việc bảo đảm chuẩn chất lượng thống nhất về nguyên tắc có thể thực hiện bằng nhiều cách, một kỳ thi quốc gia không phải là cách duy nhất, càng không phải là cách tốt nhất.

Tách việc thi và tuyển trong tuyển sinh ĐH bằng cách tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhiều lần trong năm tại nhiều địa điểm sẽ giúp giảm áp lực với học sinh, vì họ có nhiều cơ hội cải thiện điểm số. Thi một lần, kết quả chưa cao, học tiếp và thi lại, cho đến khi có kết quả phù hợp với mức điểm tuyển vào một trường nào đó mà học sinh mong muốn. Nhà nước có thể tập trung nguồn lực tổ chức tốt kỳ thi này, kết hợp với thu phí dự thi (từ lần 2) để chia sẻ chi phí và nâng cao trách nhiệm của người học. Dữ liệu điểm thi này có thể công khai để tránh tiêu cực. Vả lại, điểm thi này chỉ nên được xem là một trong các yếu tố xét tuyển vào ĐH.

Các trường dựa trên dữ liệu điểm thi được công bố công khai, cân đối với năng lực hấp thụ, chỉ tiêu tuyển sinh, đặc điểm hoạt động đào tạo của mình để xác định điểm tuyển. Điểm tuyển này được xem là điều kiện cần, còn điều kiện đủ sẽ do từng trường xác định tùy theo đặc điểm của trường mình, có thể là kết hợp xét học bạ, phỏng vấn trực tiếp, bài tự luận, bài kiểm tra năng khiếu bổ sung… để quyết định những thí sinh nào được trúng tuyển. Những tiêu chuẩn xét tuyển này phải được xác định rõ ràng và nêu công khai trên trang web của nhà trường.

Quá trình xét tuyển này có tiêu cực hay không, là trách nhiệm của từng trường. Nếu các trường không kiểm soát được quá trình này và để xảy ra tiêu cực thì họ đang làm công việc của con rắn ăn vào đuôi mình để sống: đầu vào thấp, đầu ra không tốt, uy tín của nhà trường sẽ bị hủy hoại, chóng chày cũng đến lúc không còn người học. Nhất là trong bối cảnh nguồn lực công sụt giảm, các trường sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào người học, tức là vào thị trường. Học sinh giỏi sẽ vào những trường tuyển sinh công bằng, minh bạch, thành tựu của họ sau khi ra trường sẽ tạo ra sự thành công bền vững của nhà trường.