Phạm Thị Ly (2015)
Bản ngắn hơn đăng trên Báo Người Lao Động ngày 22.06.2015

Quan sát diễn biến trong khu vực giáo dục ĐH, chúng ta đang thấy hai hiện tượng thọat nhìn có vẻ trái ngược: một mặt, nền kinh tế tri thức đòi hỏi ngày càng nhiều những người lao động trí tuệ có kỹ năng cao, tức là được đào tạo ít ra là ở bậc ĐH; và mặt khác, là hiện tượng cử nhân thất nghiệp ngày càng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác. Cùng với hai hiện tượng này là giá cả của việc theo học ĐH đã tăng chóng mặt trong mấy thập kỷ qua. Những sự kiện ấy đang cho chúng ta thấy điều gì?

Học phí như một khoản đầu tư và tỉ lệ hoàn vốn

 Ở Mỹ, học phí ĐH đã tăng gấp năm lần từ năm 1983 đến nay (sau khi đã điều chỉnh theo mức lạm phát). Tổng số nợ của sinh viên Mỹ hiện nay là 1,2 ngàn tỉ đô la Mỹ[1]. Tính bình quân, một sinh viên ra trường năm 2012 đang gánh một khoản nợ là 29.400 USD[2].  Trong một số ngành như y khoa hay luật, khoản nợ phải trả có thể lên đến hàng trăm nghìn đô la Mỹ.  Nếu họ có việc làm tốt thì khoản nợ ấy không thành vấn đề. Nhưng nếu họ thất nghiệp thì kết quả có thể là họ phải ở nhờ trong tầng hầm nhà cha mẹ và sống lay lắt cho đến khi đủ tuổi già để nhận trợ cấp xã hội, như giáo sư luật Glenn Reynolds, tác giả cuốn “Bong bóng giáo dục đại học” đã viết.

Số người vào đại học đã và vẫn đang tăng nhanh trên phạm vi toàn cầu. Đại chúng hóa GDĐH bắt đầu ở Mỹ vào thế kỷ 19, muộn hơn ở Châu Âu và Đông Á trong thế kỷ 20, và chỉ trong vòng hai thập kỷ, số người vào ĐH trong độ tuổi học ĐH của dân số đã tăng từ 14% đến 32% trên toàn cầu. Cách đây 20 năm, chỉ 5 quốc gia có tỉ lệ này trên 50%, hiện nay đã có 54 nước (tính đến 2012). Ở Việt Nam, con số này tăng từ 2% đến 25% trong thời gian 1994-2014. Cơn khát bằng cấp này xuất phát từ một niềm tin cho rằng bằng đại học là tấm vé để bước vào giai cấp trung lưu trong xã hội.

Liệu có đúng là như thế? Một tổ chức nghiên cứu có tên là PayScale đã thu thập dữ liệu của những người đã tốt nghiệp từ 900 trường ĐH, xem họ đã học ngành gì và hiện nay họ kiếm được bao nhiêu tiền. Đối chiếu với chi phí họ phải bỏ ra để lấy được tấm bằng, PayScale đưa ra một bảng cho thấy tỉ lệ hoàn vốn trong 20 năm qua khá lạc quan đối với các ngành khoa học và kỹ thuật. Một kỹ sư tốt nghiệp University of California, Berkeley có thể kiếm được nhiều hơn 1,1 triệu USD trong 20 năm so với một người chưa bao giờ vào ĐH. Đối với khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn, có sự khác biệt rất lớn. “Không ai nghi ngờ rằng những ngành này làm tâm hồn thăng hoa, nhưng chẳng phải lúc nào nó cũng giúp làm căng phồng cái ví tiền” (bài đã dẫn). Một người tốt nghiệp ngành nghệ thuật hay khoa học nhân văn ở những trường danh tiếng như University of Columbia chẳng hạn, có thể đạt tỉ lệ hoàn vốn 12,6% hàng năm, trong khi sinh viên ngành nghệ thuật tốt nghiệp từ trường Murray State University ở Kentucky kiếm được ít hơn những người chỉ học hết trung học 147.000 USD trong vòng 20 năm, tỉ lệ hoàn vốn là một con số âm.

Không may là chúng ta chưa bao giờ làm một nghiên cứu tương tự để có số liệu về Việt Nam. Tuy vậy, tình trạng cử nhân thất nghiệp hiện nay thì không chỉ Việt Nam mới có. Tổ chức tư vấn McKinsey cho biết, Hoa Kỳ hiện có 42% sinh viên tốt nghiệp đang làm ở những vị trí không cần tới bằng đại học. 41% sinh viên tốt nghiệp từ các trường top không thể tìm nổi việc làm đúng chuyên môn, trong khi các nhà quản lý cho rằng chỉ có 39% sinh viên tốt nghiệp có đủ kỹ năng sẵn sàng cho thị trường lao động. Bốn triệu chỗ làm đang trống vì những người tìm việc không có những kỹ năng cần cho công việc.

Đòi hỏi của công chúng về cơ hội tiếp cận GDĐH và lợi thế của học vấn

Giáo dục nói chung và đặc biệt GDĐH, vừa là hàng hóa công (mỗi công dân có giáo dục sẽ là một người đóng góp tích cực vào sự phồn vinh và phát triển của cả xã hội) vừa là lợi ích tư (học vấn ĐH là sự đầu tư cho một nghề nghiệp kiếm sống trong tương lai và đem lại lợi ích cho bản thân người học). Nếu nhấn mạnh ý nghĩa hàng hóa công, giáo dục sẽ là trách nhiệm của nhà nước và do đó ngân sách công sẽ là nguồn chủ yếu duy trì hoạt động của các trường. Nếu nhấn mạnh ý nghĩa lợi ích tư, GDĐH là một dịch vụ như những dịch vụ hàng hóa khác, vận hành như một thị trường. Trong hai vế hàng hóa công và lợi ích tư thì vế thứ hai đang ngày càng nổi bật, khiến GDĐH ngày càng tiến sâu vào khu vực thị trường. Thị trường giáo dục được định nghĩa là tổng số những hành động của người tiêu dùng giáo dục khi họ theo đuổi lợi ích của cá nhân mình qua sự học (David F.Labaree, 2011).

Đã từ lâu, trong mọi xã hội, học vấn được xem là cơ hội đổi đời. Ở Việt Nam, tâm lý “học để làm quan” đã tồn tại từ rất lâu, sau này mở rộng thêm “học để làm chủ, hay là để làm thuê lương cao”. Chính vì vậy, cả xã hội lao vào cơn sốt học tập với mục tiêu rất cụ thể là tấm bằng. Công chúng, cũng như các nhà làm chính sách đều thấy rằng đòi hỏi của mọi người về cơ hội tiếp cận giáo dục là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, có một thực tế là, mọi người đang theo đuổi GDĐH bởi vì GDĐH mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động, khi và chỉ khi số người có bằng ĐH còn ít. Đại chúng hóa GDĐH đã khiến bằng ĐH không còn là của hiếm, do đó không tạo ra sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh như xưa nữa. Ở Mỹ, trong thế kỷ 19, bằng trung học là một lợi thế. Đầu thế kỷ 20, lợi thế là bằng đại học; ở Việt Nam thì đó là bằng cao đẳng (“Phi cao đẳng bất thành phu phụ”) đến giữa thế kỷ 20 đó mới là bằng đại học. Từ cuối thế kỷ 20 đến nay, lợi thế là bằng sau đại học. Ở các nước đang phát triển, trong bối cảnh GDĐH còn tụt hậu, cuộc chạy đua về lợi thế hiện nay là bằng cấp của các trường ngoài nước.

Lạm phát bằng cấp là hiện tượng vẫn đang tiếp diễn. Nói cách khác, có một mâu thuẫn không thể giải quyết giữa việc mở rộng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân, và duy trì lợi thế của những người có bằng cấp.  Bình đẳng và đặc quyền vốn là hai thứ loại trừ nhau.

Giải ảo đại học: vấn đề bằng cấp và thực học

Như trên đã phân tích, có hai động lực làm cho bằng cấp mất giá. Một là động lực tất yếu, khi bằng cấp không còn là của hiếm. Hai là chất lượng đào tạo, khi người có bằng chẳng có mấy khác biệt đáng kể về mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc, phẩm chất công dân, so với người không có bằng.

Số người vào ĐH ở Việt Nam bắt đầu giảm từ năm 2011 là hệ quả tất yếu của hai động lực nói trên. Thêm vào đó là học phí tăng trong lúc triển vọng việc làm u ám. Chuyển động của thị trường giáo dục đang trở nên rõ ràng hơn cả ở ngoài nước lẫn trong nước: gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ đã buộc mọi người nhìn lại giá trị của GDĐH như một khoản đầu tư. “Cuộc chạy đua bằng cấp đã thổi phồng yêu cầu học vấn của công việc một cách giả tạo, và kết quả là người ta dành ngày càng nhiều thời gian để đi học cốt để lấy tấm bằng nhằm duy trì vị trí hiện tại” (David F.Labree, 2011). Thế nhưng, khi bằng cấp không còn là bảo chứng cho chất lượng lao động (và do đó không đủ để bảo đảm cho một chỗ làm đáng mơ ước), thì người tiêu dùng giáo dục bắt đầu choàng tỉnh.

Bây giờ là lúc chúng ta phải dũng cảm nhìn nhận rằng,  cả hai phía nhà trường và người học đã biến bằng cấp trở thành mục đích và là món hàng trao đổi giữa hai phía, thay vì phải xem những giá trị gia tăng mà GDĐH mang lại cho người học, khả năng của giáo dục trong việc chuyển hóa những giá trị xã hội vào năng lực và phẩm chất của cá nhân, mới là mục tiêu thực sự của nhà trường và của người học.

Người sử dụng lao động ngày nay muốn mua một món hàng có thể dùng được và tạo ra được giá trị thặng dư, chứ không thể chỉ mua một cái nhãn hiệu để trang trí, bởi nếu họ làm vậy thì chính họ cũng sẽ bị diệt vong. Họ là một vai rất quan trọng tạo ra chuyển động trên thị trường GDĐH. Thực tế này buộc các trường, đặc biệt là các trường ĐH Việt Nam, tư duy lại về chiến lược của mình.

Có hai vấn đề sinh tử đối với các trường: chất lượng và giá cả. Nếu các trường không chứng minh được rằng sản phẩm của mình, tức sinh viên tốt nghiệp, có một năng lực và phẩm chất khác hẳn những người chưa đi học, thì họ không có lý do để tồn tại. Nếu họ tạo ra được sự khác biệt ấy với một cái giá quá cao, thì họ sẽ tự thu hẹp thị phần của mình trong tầng lớp thu nhập cao. Một yếu tố khác đang tác động mạnh mẽ đến thị trường GDĐH: công nghệ thông tin và truyền thông đã khiến nhà trường không còn là nơi độc quyền cung cấp kiến thức và thông tin nữa. Giáo dục trực tuyến mở đại trà đang mở ra một cơ hội mới cho người học để họ tự trang bị những gì mà thị trường lao động đòi hỏi. Mặc dù vậy, nhà trường truyền thống với lối học tập mặt đối mặt vẫn mang lại những trải nghiệm không thể thay thế.

Mở rộng cơ hội tiếp cận ĐH trong lúc duy trì chất lượng và sự tín nhiệm đối với giá trị của GDĐH với một chi phí số đông công chúng có thể chấp nhận được là một việc khó và đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên. Nó đòi hỏi nhà trường phải thích ứng với một bối cảnh đã thay đổi; đòi hỏi nhà nước phải thúc đẩy các trường tăng cường trách nhiệm giải trình; và đòi hỏi người học phải là những người tiêu dùng khôn ngoan.

Ghi chú:

[1] Nguồn: http://www.economist.com/news/leaders/21647285-more-and-more-money-being-spent-higher-education-too-little-known-about-whether-it

[2] Nguồn: http://www.economist.com/news/united-states/21600131-too-many-degrees-are-waste-money-return-higher-education-would-be-much-better?fsrc=scn%2Ffb%2Fwl%2Fpe%2Fiscollegeworthit