KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
NGOÀI CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM–NHÌN TỪ KINH NGHIỆM ĐÔNG Á

Phạm Thị Ly (2014)
(Trình bày tại Hội thảo “Giải pháp đột phá đổi mới toàn diện GDĐH Việt nam” do ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 25.1.2014 tại Hà Nội).
Đăng trên Tạp chí Khoa học Giáo dục số tháng 4.2015)

 GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đòi hỏi giới nghiên cứu phải nhanh chóng góp phần mang lại ý tưởng, dữ liệu, thông tin và sự phân tích sâu sắc, cẩn trọng cho những người làm chính sách để họ có thể có những đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Trong khi ghi nhận và trân trọng những đặc điểm đã làm nên sự ưu tú của các trường đại học phương Tây, chúng ta thường ít lưu ý đầy đủ đến những đặc điểm của khu vực, của quốc gia và văn hóa, là điều có tác dụng rất lớn và rất trực tiếp đến sự phát triển của GDĐH. Do sự khác biệt rất lớn về truyền thống văn hóa và lịch sử, về hệ thống chính trị, những kinh nghiệm của phương Tây về mặt nào đó có thể có ý nghĩa ít quan trọng hơn đối với Việt Nam so với những gì đang diễn ra ở Đông Á. Bài học của phương Tây là quan trọng, nhưng bài học quan trọng hơn là những nước Đông Á có truyền thống và nhiều đặc điểm gần gũi với chúng ta, như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, kể cả Malaysia và Thái Lan đã học hỏi những bài học phương Tây ấy như thế nào để đạt được thành tựu ngày nay. Trong quá trình đó họ đã có những trở ngại, thách thức như thế nào, đã vượt qua nó, hoặc đã thất bại ra sao, là điều có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển chính sách GDĐH cho Việt Nam. Bài viết này nêu lên những khuyến nghị chính sách chủ yếu đối với bộ phận GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam dựa trên những quan sát với khu vực GDĐH tư ở Đông Á.

GDĐH tư ở Việt Nam trong bối cảnh Đông Á[1]

GDĐH tư ở Đông Á có một mức độ tăng trưởng cực kỳ ấn tượng trong vòng hai thập kỷ qua. Tỉ lệ sinh viên nhập học trong các trường tư hiện nay tính chung là 38,6% ở Đông Á, nổi bật là trường hợp Hàn Quốc 80%, Nhật 77,4%, Indonesia 71% và Philippines 65,5%. Việt Nam năm 2014 có khoảng 14% sinh viên hiện đang học trong các trường NCL, một con số khiêm tốn so với các nước Đông Á khác.

Bối cảnh lịch sử cho sự ra đời của các trường ĐH tư ở Đông Á rất khác với Hoa Kỳ và phương Tây. Nếu Châu Âu có nhiều trăm năm lịch sử thống trị, chưa nói là độc quyền của ĐH công, trước khi xuất hiện các ĐH tư, thì trường ĐH hiện đại xuất hiện ở Đông Á muộn hơn rất nhiều. Khoảng cách lịch sử dài hơn này có thể phần nào lý giải vì sao cho đến hiện nay ở nhiều nước Châu Âu, ý tưởng về GDĐH tư, nhất là vì lợi nhuận, hoặc không được hoan nghênh, hoặc bị cấm. Hoa Kỳ tuy có trường tư từ lâu, nhưng bộ phận vì lợi nhuận thì chỉ mới phát triển gần đây, và phát triển rất nhanh. Đông Á cũng chỉ mới phát triển GDĐH tư gần đây nhưng bộ phận này nhanh chóng chiếm một địa vị lấn át về số lượng.

Không thể miêu tả dù chỉ vài nét chính GDĐH tư ở Đông Á trong vài dòng, bởi vậy chỉ có thể nói, nó cực kỳ đa dạng. Mức độ khác nhau giữa các nước, giữa hai khu vực công và tư, giữa các loại trường trong cùng một khu vực công hay tư, giữa các phân khúc, giữa các trường trong cùng một phân khúc, lớn đến nỗi mọi sự khái quát hóa đều rất dễ bất cập và một chính sách chung cho tất cả mọi trường trong khu vực tư là bất khả, và không thể học hỏi từ kinh nghiệm nước khác mà không tính đến bối cảnh cụ thể của mình. Tuy vậy, có một số điểm nổi bật trong GDĐH tư ở Đông Á mà Việt Nam cần chú ý.

Các phân khúc chính

Trước hết là một sự phân loại sơ bộ. Trên thế giới nói chung và Đông Á nói riêng, có ba loại trường tư: lọai có số lượng nhiều nhất là loại trường “hấp thụ nhu cầu xã hội” bao gồm đủ loại từ những trường bán bằng cho đến những trường vì lợi nhuận hoạt động nghiêm túc và đem lại kết quả đào tạo khả quan. Loại thứ hai là những trường tư do các tổ chức xã hội hay tôn giáo lập ra nhằm đáp ứng nhu cầu của một cộng đồng nhất định trong xã hội, và loại thứ ba là những trường được gọi là “bán tinh hoa”(semi-elite)[2] tức những trường tuyển sinh rất cạnh tranh, giảng viên ưu tú, tiêu chuẩn học thuật nghiêm ngặt, học phí cao và có danh tiếng tốt. Những trường này chỉ chiếm khoảng 5% tổng số trường tư ở Đông Á theo ước tính của một báo cáo do Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2010.

Việt Nam trước năm 1975 đã từng có những trường của các tôn giáo ở miền Nam, ví dụ như Trường Đại học Vạn Hạnh của Phật giáo. Từ năm 1993 đến nay tức là kể từ khi trường tư được phép thành lập sau khi đất nước thống nhất, chưa có trường thuộc tôn giáo nào ra đời. Việt Nam có trường tư bán tinh hoa hay không là một câu hỏi khó trả lời bởi biên giới tương đối mờ. RMIT xét về nhiều mặt rõ ràng là thuộc phân khúc trên của trường tư Việt Nam, nhưng tính chất “cung ứng dịch vụ” khá rõ trong khi sứ mạng xã hội ngoài việc đào tạo dường như mờ nhạt khiến có thể vài người phân vân cho rằng nó thuộc về phân khúc “hấp thụ nhu cầu” có đẳng cấp hơn là thuộc loại “bán tinh hoa”. Có lẽ có thể nói trước khi xảy ra vụ bãi miễn HĐQT vào tháng 8-2014, Hoa Sen có thể được xem là một trường bán tinh hoa ở mức thấp, dựa trên mức độ quốc tế hóa, chất lượng đào tạo, mức thu học phí, sự khác biệt và uy tín trong xã hội. Thăng Long hay FPT cũng được xem là những trường có uy tín, tuy xét về nhiều mặt khác có thể chưa phải là trường bán tinh hoa. Những trường khác do quá trình hoạt động chưa đủ dài để có thể đánh giá. Như vậy có thể nói, tuyệt đại đa số trường tư ở Việt Nam thuộc loại trường “hấp thụ nhu cầu xã hội” mà Levy Daniel C.(2010) đã chỉ ra là bao gồm từ những thứ chẳng ra gì (bán bằng, gian lận, chất lượng thấp đến mức không thể chấp nhận) cho đến những trường đào tạo theo nhu cầu xã hội một cách nghiêm túc, hướng tới thị trường và đạt kết quả đáng khích lệ.

Tuy không khẳng định Việt Nam có thực sự có những trường bán tinh hoa hay không, chúng tôi có xu hướng không quá coi trọng cái tên gọi, mà nhấn mạnh nhiều hơn đến ý niệm có những trường tư vượt lên trước khá xa so với những trường tư khác, thậm chí về nhiều mặt còn có thể trở thành mẫu mực cho cả các trường công, chẳng hạn trong khả năng đáp ứng nhanh nhạy với những thay đổi của môi trường và thị trường, xây dựng những quan hệ đối tác với khu vực doanh nghiệp, quản trị chuyên nghiệp trong đó đặc biệt nổi bật là văn hóa phục vụ và động lực tuyển chọn người tài.

Những vấn đề chính sách nổi bật

         Tài chính đương nhiên là huyết mạch của GDĐH tư, ở Đông Á cũng như trên toàn cầu. Nhưng có thể nói ở Đông Á nó có ý nghĩa cốt yếu hơn hết, vì hai lý do: (i) trừ một số ít ngoại lệ, Châu Á không có truyền thống hiến tặng cho ĐH như ta thấy ở Hoa Kỳ, và cũng có rất ít chính sách khích lệ hiến tặng; (ii) thu nhập từ nghiên cứu và các hoạt động dịch vụ khác cũng không nổi bật. Vì lẽ đó,khu vực GDĐH tư ở Đông Á hầu như hoàn toàn dựa vào nguồn thu học phí. Các trường bán tinh hoa có thể có nguồn thu đa dạng hơn, từ nghiên cứu, tư vấn và hợp tác quốc tế, nhưng trường hợp này vẫn còn quá hiếm hoi ở Việt Nam.

Khác với Hoa Kỳ hay châu Âu, châu Mỹ Latin, các chính phủ Đông Á không tài trợ trực tiếp cho khu vực GDĐH tư. Tuy vậy, vẫn có các khoản tài trợ gián tiếp, bao gồm quỹ tín dụng sinh viên, các quỹ nghiên cứu trên cơ sở cạnh tranh, cho vay ưu đãi. Ở Thái Lan, bao cấp gián tiếp của chính phủ gồm tín dụng sinh viên, các khoản vay linh hoạt (nhằm bồi dưỡng giảng viên, cải thiện hạ tầng, mua sắm trang thiết bị); miễn giảm thuế (thuế nhập khẩu, thuế chuyển quyền sở hữu đất, tem phiếu miễn thuế), và tài trợ nghiên cứu. Ở Trung Quốc chính quyền địa phương có thể giúp về phương diện vật chất, thường là cho tặng đất đai hay trường sở. Nhật Bản trong những năm 80 đã hỗ trợ các trường mới thành lập bằng cách xây hẳn trường sở và giao cho tư nhân vận hành, nhất là ở vùng nông thôn.

Tài trợ gián tiếp còn là những thứ nằm ngoài ý định của nhà nước, như chia sẻ nguồn giảng viên. Rất phổ biến ở Đông Á tình hình các giáo sư trường công đảm nhiệm dạy một số môn ở trường tư. Nếu cấm triệt để điều này, chắc chắn sẽ có rất nhiều trường tư buộc phải đóng cửa.

Việt Nam cũng không ra ngoài bối cảnh đó, tức cũng phụ thuộc gần như tuyệt đối vào học phí và dựa vào nguồn giảng viên của ĐH công. So với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng đã có một số chính sách tài trợ gián tiếp cho khu vực GDĐH tư, chẳng hạn tín dụng sinh viên hiện nay không phân biệt công tư. Theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội hóa, các trường ngoài công lập đều được hưởng chính sách ưu đãi thuê đất có thời hạn dành cho xây trường học. Có thể ví dụ: ĐH Công nghệ Sài gòn được giao gần 20.000m2 tại Q8, Tp.HCM; Đại học Nguyễn Tất Thành hơn 10.000m2 tại Q.4 và gần 4,5ha tại Q.9; Đại học Hoa Sen có 1.483m2 tại Q.1 và 9.500m2 tại phần mềm Quang Trung; Đại học Hutech với hơn 4ha tại Q.9, Đại học Duy Tân được cấp 31ha tại Hòa Cầm – Tp. Đà Nẵng. Cũng theo chính sách này, chương trình kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất vay cho ngành giáo dục được áp dụng cho các trường từ mầm non tới đại học, bao gồm trường tư. Ở Tp.HCM, rất nhiều trường nhận được hỗ trợ này.

Chính sách và các quy định nhằm quản lý khu vực GDĐH tư. Đây là lĩnh vực gây tranh luận nhiều nhất. Nóng bỏng nhất là vấn đề áp đặt trần học phí, chỉ tiêu tuyển sinh, xin mở ngành. Kiểm soát mức thu học phí có thể là một đòn chí mạng với quyền tự chủ của các trường tư, cũng như khả năng sống còn của nó (Levy, 2010). Malaysia can thiệp vào việc tuyển sinh bằng cách áp đặt các trường tư cũng phải nhận một tỉ lệ người sắc tộc. Áp đặt giới hạn tuyển sinh, như có thể thấy ở Đài Loan, cũng làm tổn thương nghiêm trọng năng lực tự chủ, và do đó, làm giảm sức cạnh tranh của họ trên thị trường.

Chính sách đối với GDĐH tư luôn luôn phải chịu đựng sức ép mâu thuẫn từ hai phía: một mặt là những đòi hỏi của công chúng, của các nhà giáo dục mong muốn nhà nước tăng cường thêm các quy định để thực hiện vai trò giám sát về chất lượng; và mặt khác là đòi hỏi của các trường tư muốn giảm nhẹ sức ép của các loại quy định, để bảo đảm quyền tự chủ của nhà trường, vì tự chủ là thế mạnh sống còn của họ trong một môi trường ngày càng cạnh tranh.

Việt Nam cũng chia sẻ những đặc điểm chung trên đây của một số nước Đông Á. Tuy không bị áp đặt trần học phí, nhưng vẫn còn các quy định hạn chế số lượng tuyển sinh, và thủ tục mở ngành vẫn còn là một cơn ác mộng. Đặc biệt là về nhân sự, Việt Nam có lẽ là một ngoại lệ khi việc bổ nhiệm hiệu trưởng và hội đồng quản trị của trường ĐH phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương.

A vector illustration of a business concept of a businessman helping his colleague to achieve success together

A vector illustration of a business concept of a businessman helping his colleague to achieve success together

Vấn đề vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. GDĐH vì LN ở Đông Á có hình thức phổ biến nhất là những doanh nghiệp gia đình nhỏ, đôi khi là những cơ sở lớn do các công ty làm chủ sở hữu, và các chuỗi cung ứng quốc tế kiểu như Laureate và Apollo, chẳng hạn INTI University College ở Malaysia (là của Laureate), hay Limkokwing University of Creative Technology, đặt cơ sở tại Malaysia, tự quảng cáo mình là “trường ĐH toàn cầu hóa nhất thế giới” có mặt tại Cambodia, Trung Quốc, Indonesia, và nhiều nước Đông Á khác. So với các vùng khác trên thế giới, rõ ràng là trường vì LN phổ biến hơn ở Châu Á.

Nhiều nước Đông Á có bộ phận GDĐH vì LN là chính. Philippines là một ví dụ, từ lâu họ đã có các trường vì LN, trong đó có một vài trường rất lớn và rất nhiều trường nhỏ. Ở Malaysia, khoảng 90 phần trăm trường tư là vì LN, và chiếm phần lớn số lượng sinh viên. Indonesia cũng là một nước mà trường tư chủ yếu là trường vì LN.

Các trường vì LN bị lên án vì chất lượng đào tạo thấp, nhiều khi bị coi như lò bán bằng. Trường hợp Trung Quốc có vẻ như thật đáng buồn vì minh họa cho một thực tế: sinh viên đã trả một số tiền lớn cho những thứ không có giá trị thật, có người được nhận vào mà đến bằng trung học cũng chẳng có, trúng tuyển vào trường nhờ hối lộ, và có những chương trình học không hề giống mảy may nào với những lời quảng cáo (D. Levy, 2010).

Ở Việt Nam, vấn đề vì LN-Phi LN này đã âm ỷ từ lâu, và được sử dụng làm lý do cho những tranh chấp quyết liệt bùng nổ tại một loạt trường trong năm 2014: trường hợp ĐH Hùng Vương, ĐH Hoa Sen, ĐH Công nghệ Saigon, là những trường hợp điển hình. Cần lưu ý là trên thế giới, nhất là ở phương Tây, trường ĐH có một lịch sử lâu dài được xem là thuộc về lợi ích công, nhiều nơi miễn cưỡng chấp nhận GDĐH tư nhưng vẫn cấm trường vì lợi nhuận. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về GDĐH tư ở Đông Á: “Nhiều trường tư vì lợi nhuận trên thế giới đang hoạt động dưới cái vỏ bọc pháp lý phi LN. Nó vận hành vì LN bằng cách dành toàn những vị trí trên đỉnh cho người nhà và trả một mức lương khủng khiếp, hoặc dùng những thủ thuật xảo trá để sở hữu và kiếm lợi từ cho thuê đất đai tài sản. Chừng nào không có chia lời chính thức cho chủ sở hữu hay các cổ đông thì nó vẫn có thể là phi LN về mặt pháp lý. Đông Á có những trường tuy về pháp lý là phi LN nhưng thực chất là vận hành vì lợi nhuận như thế hay không, và điều này phổ biến đến mức nào so với các khu vực khác, là điều rất khó biết” (Daniel Levy, 2010).

Chính sách của Việt Nam trong vấn đề vì LN-Phi LN có lẽ là rất khác thường so với thông lệ của Đông Á và của thế giới: cho đến năm 2013 trước khi Luật GDĐH và Nghị định 141/NĐ-CP ban hành, tất cả các trường tư ở Việt Nam đều là các trường vì LN mặc định, bởi vì Quy chế hoạt động của ĐH tư thục ban hành theo QĐ 61/QĐ-TTg năm 2009 đã quy định khung pháp lý cho các trường được tổ chức theo Luật doanh nghiệp giống như một công ty cổ phần. Tuy vậy, nhà nước vẫn cố gắng kềm chế tính chất “vì LN” của các trường bằng cách quy định 25% chênh lệch thu chi phải đưa vào tài sản chung không chia, chẳng khác nào một sắc thuế bổ sung đối với nhà đầu tư, tạo ra một tác động ngược: đầu tư cho giáo dục trở thành không bình đẳng so với đầu tư vào lĩnh vực khác, thậm chí vào sòng bài. Mãi đến khi Nghị định 141 nói trên ra đời, khung pháp lý của Việt Nam mới chính thức có định nghĩa về trường không vì LN: “Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức, hoặc nhận lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ quy định trong cùng thời kỳ”. Tuy vậy, chính sách này đã lập tức tạo ra sóng gió, bởi nó gây ra những tác động ngoài dự kiến: quyền lực nằm trong tay những người điều hành mà không có cơ chế giám sát, khiến nhà đầu tư không thể không giành lấy quyền điều hành và người điều hành thì có khả năng cướp quyền của người sở hữu, gây ra tranh chấp nội bộ không thể nào giải quyết được, làm cho các trường trở thành suy yếu và uy tín bị tổn thương nghiêm trọng.

Khuyến nghị chính sách cho GDĐH ngoài công lập (NCL) ở Việt Nam

          Nền tảng cho mọi chính sách đối với GDĐH NCL phải dựa trên một nhận thức đúng đắn về vai trò và khả năng đóng góp của khu vực tư đối với hệ thống GDĐH nói chung và đối với sự phát triển của quốc gia. Cần nhớ rằng chính khu vực GDĐH công của các nước cũng đang được tư nhân hóa một phần dưới nhiều hình thức khác nhau. Hợp tác công tư giữa các trường cao đẳng tư và các trường ĐH công cũng đang ngày càng phổ biến, nhất là ở Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là xu hướng GDĐH trên thế giới đang dịch chuyển từ chỗ xem GDĐH từ chỗ là hàng hóa công trở thành một lợi ích tư và được xem là một khoản đầu tư tư nhân cả về phía nhà đầu tư lẫn người học. Sứ mạng xã hội của trường ĐH đang bị phai nhạt, thay vào đó là tính chất dịch vụ của GDĐH đang ngày càng nổi bật. Đó là một thực tiễn phổ biến trên toàn thế giới mà những người làm chính sách cần lưu ý.

Mục tiêu của việc phát triển chính sách đối với GDĐH NCL là tạo điều kiện tăng cường tự do cạnh tranh một cách lành mạnh (để bảo vệ nhà đầu tư), và minh bạch về trách nhiệm giải trình (để bảo vệ người học và xã hội). Những vấn đề quan trọng nhất trong chính sách đối với GDĐH NCL là chính sách về tài chính, quản trị và đảm bảo chất lượng.

Khuyến nghị về chính sách tài chính

Mặc dù không tài trợ trực tiếp cho các trường NCL, nhà nước cần cân nhắc một mức độ hỗ trợ nhất định đối với khu vực NCL, kể cả các trường vì LN lẫn không vì LN. Như trên đã phân tích, vì LN hay không vì LN thực ra không có mấy ý nghĩa trên thực tế, vì rất khó biết thế nào là phi LN thực sự thế nào là phi LN giả hiệu. Vả lại, dù cho vì LN hay không vì LN thì điều quan trọng nhất vẫn là các trường đang tạo ra một kết quả như thế nào cho xã hội, và kết quả ấy không chỉ có lợi (hay có hại) cho bản thân người học, mà còn có lợi (hay có hại) cho toàn xã hội. Bởi lẽ đó, nhà nước cần cân nhắc việc hỗ trợ về tài chính cho GDĐH NCL kể cả các trường vì LN để giúp các trường phát triển một cách lành mạnh.

Trong vấn đề tài chính, những khoản tài trợ gián tiếp như kinh nghiệm của các nước Đông Á là rất đáng lưu ý. Quyết định 107/2006/QĐ-TTg về tín dụng sinh viên được áp dụng không phân biệt sinh viên trường công hay trường tư ở Việt Nam là một điểm son đáng ghi nhận và cần tiếp tục theo đuổi.

Về lâu dài, chính sách tài chính đối với trường NCL không thể tách rời chính sách chung đối với trường công lập. Một ví dụ có thể xem xét là, thay vì cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các trường công, nhà nước sẽ cấp trực tiếp cho những sinh viên đủ điều kiện, và họ sẽ mang số tiền ấy đóng cho trường nào mà họ chọn học, không kể là trường công hay trường tư, một chính sách kiểu như “voucher” sẽ tạo ra cạnh tranh chất lượng giữa tất cả các trường công cũng như tư để xây dựng uy tín và thu hút người học. Tương tự như vậy, các Quỹ nghiên cứu cần chuyển sang cơ chế cạnh tranh dựa trên bình duyệt quốc tế, không phân biệt người nộp đơn hay đơn vị nộp đơn là công hay tư, thay vì cấp trực tiếp cho các trường.

Học bổng theo mục tiêu không phân biệt công tư cũng là một cơ chế khích lệ nhằm thực hiện các mục tiêu của nhà nước. Một thực tế phổ biến là các trường NCL chỉ nhằm vào đào tạo những ngành chi phí thấp, vì như vậy sẽ hiệu quả hơn về mặt tài chính. Nhà nước có thể cấp học bổng trực tiếp cho những ngành mà thị trường có rất ít động lực, nhưng lại có ý nghĩa quan yếu cho sự phát triển xã hội, ví dụ như lịch sử, văn học, dân tộc học, khảo cổ học v.v. qua đó tạo ra nhu cầu và kích thích các trường NCL đáp ứng.

Một điểm khác đáng lưu ý là tài chính của trường NCL chịu ảnh hưởng rất lớn từ những chính sách khác của nhà nước đối với trường công, không chỉ là chính sách tài chính. Ví dụ như chủ trương mở rộng quy mô các trường công, tăng nguồn kinh phí, thúc đẩy tư nhân hóa trường công, tăng cường đối tác công tư ở các trường công, v.v. tất cả đều làm thu hẹp không gian của các trường NCL. Vấn đề không phải là cần ưu tiên cho khu vực nào, hoặc là cần mở rộng số lượng người vào ĐH, mà là những điều đó phục vụ cho mục tiêu gì của nhà nước.

Khuyến nghị về chính sách quản trị

Về cơ bản nhà nước không cần can thiệp vào cơ chế quản trị của các trường NCL vì LN, với bản chất doanh nghiệp, họ có thể tự tìm ra con đường tốt nhất để thực hiện công việc của mình cho có hiệu quả. Cái mà họ xem là “hiệu quả” liệu có xâm phạm lợi ích công hay không, thuộc trách nhiệm giám sát của các tổ chức bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng. Vấn đề cần quan tâm là cơ cấu quản trị của các trường không vì LN, nếu như nhà nước quyết định cần có một hành lang pháp lý cho trường không vì LN để khích lệ loại trường này. Chính cơ chế quản trị của trường không vì LN, cùng với tính chất sở hữu, là những yếu tố quyết định đảm bảo cho nó không trở thành phi LN giả hiệu[3].

Cần phân biệt sở hữu tập thể và sở hữu cộng đồng. Quy chế dự thảo về Điều lệ Trường ĐH không vì lợi nhuận của một trường NCL mới được công bố gần đây có xác định: “Trường không có “chủ thật sự” mà thuộc sở hữu chung. Chủ sở hữu chung gồm những người lao động trong nhà trường, những cá nhân, tổ chức có tham gia đóng góp xây dựng/phát triển trường và cộng đồng địa phương. Trường không có cổ đông, không có thành viên góp vốn”. “Sở hữu chung” như đã nêu trên thực chất là sở hữu tập thể, và sở hữu tập thể về bản chất là sở hữu cá nhân. Tuy thế, những cá nhân này lại được đại diện bởi một Hội đồng quản trị có quyền lực tuyệt đối, thậm chí Dự thảo ban đầu còn quy định Chủ tịch HĐQT có thể kiêm nhiệm Hiệu Trưởng. Quy định như trên sẽ trao quyền tuyệt đối cho những người điều hành mà không có bất kỳ lực lượng nào giám sát, và như vậy, về thực chất thì “sở hữu chung” tức là “sở hữu của HĐQT” trên thực tế.

Luật Dân sự Việt Nam năm 2005, tại điều 220 có quy định về hình thức sở hữu cộng đồng, theo đó nó được định nghĩa là tài sản hình thành do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất. Định nghĩa này hoàn toàn phù hợp với trường không vì LN nếu ta hiểu nguồn vốn ban đầu là nguồn hiến tặng nhưng người hiến tặng không giữ quyền sở hữu tư nhân với nó.

Như chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, trường không vì LN chỉ có thể hình thành trong điều kiện có sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước và sự trưởng thành trong văn hóa hiến tặng của xã hội. Điều cốt yếu nhất đối với trường không vì LN là một cơ chế thực sự bảo đảm cho việc giám sát và trách nhiệm giải trình của nhà trường trước công chúng. HĐQT của trường không vì LN phải được cấu tạo từ những người thực sự có uy tín trong việc bảo vệ lợi ích công, phải phản ánh được tiếng nói của các bên liên quan, và quan trọng nhất là phải có thẩm quyền bổ nhiệm/sa thải hiệu trưởng (hoặc ít ra là có tiếng nói quyết định) cũng như phải chịu trách nhiệm giải trình minh bạch trước cộng đồng xã hội về hoạt động của nhà trường. Để làm được việc đó, cơ chế quản trị của trường không vì LN nhất thiết phải tách bạch giữa HĐQT (là bộ phận lãnh đạo, có tính chất lập pháp) với Ban Giám Hiệu (là bộ phận quản lý điều hành, có tính chất hành pháp), đồng thời việc công khai báo cáo thường niên của nhà trường trên trang web, trong đó có báo cáo tài chính được kiểm toán, phải là quy định bắt buộc.

Khuyến nghị về chính sách đảm bảo chất lượng

Vấn đề hóc búa nhất trong chính sách đối với trường NCL là vấn đề đảm bảo chất lượng. Có nhiều tiếng nói đòi hỏi một sự đối xử công bằng giữa các trường công và trường tư, điều mà Levy gọi là một chính sách trung lập công tư. Tuy nhiên, ông không tán thành quan điểm này, bởi lẽ một chính sách như nhau sẽ thúc đẩy các trường tư trở thành giống như các trường công, làm mất đi sự đa dạng rất cần cho hệ thống. Về điều này, bản báo cáo của Daniel Levy nêu một nhận xét rất đáng chú ý:

“Tuy nhiên thường là với những trường có chất lượng tốt thậm chí xuất sắc đặc biệt, có một nguy cơ chính trong việc áp đặt các quy định về chất lượng, một trường hợp không chỉ đúng với riêng Đông Á, là bắt họ phải tuân theo tiêu chuẩn và chuẩn mực của các trường công hàng đầu. Có thể kể ra một số ví dụ như tỉ lệ giảng viên toàn thời gian, giảng viên có bằng tiến sĩ, số lượng công bố quốc tế, tỉ lệ giảng viên trên sinh viên, diện tích đất trên mỗi sinh viên, hay số lượng chuyên ngành tối thiểu. Tất nhiên, một số tiêu chuẩn đòi hỏi có thể hợp lý đối với những trường tư chọn con đường cạnh tranh về kiểm định chất lượng hoặc các nguồn tài trợ đặc biệt của chính phủ. Nhưng một tiêu chuẩn cao tác động tới tất cả mọi trường thì nhiều khả năng dẫn đến kết quả phải xử phạt, phải cấm cản, và gây bực bội cho nhiều trường tư, khi các quy định đặt ra những đòi hỏi quá cao hoặc không thích hợp với sứ mạng và khả năng của các trường. Cũng vậy, nhiều khi tỉ lệ giảng viên sinh viên bị diễn giải là bằng chứng của kém chất lượng, lại có thể là lợi thế của hiệu quả cao.”

Vì vậy, khuyến nghị của chúng tôi là xây dựng những tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thích hợp với từng phân khúc, thích hợp với tính chất và sứ mạng của các trường, và nhất là nhấn mạnh kết quả đầu ra thay vì nhấn mạnh vào quá trình. Chúng ta đã thấy việc đòi hỏi các trường phải có một số lượng giáo sư tiến sĩ nhất định đã kích thích việc chạy đua bằng cấp mà kết quả là lợi bất cập hại. Vả lại trong nhiều lĩnh vực đặc thù, trình độ chuyên môn thực sự của người thầy quan trọng ngàn lần hơn tấm bằng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta đã có quá nhiều ví dụ về những người mà trình độ không hề tương xứng với bằng cấp. Việc có nhiều giáo sư tiến sĩ không quan trọng bằng việc có những người đã từng có kinh nghiệm chuyên môn trong thực tế chuyên ngành. Liệu một giáo sư có thể dạy tốt môn kế toán nếu bản thân ông ta chưa một ngày làm nhiệm vụ kế toán trong một doanh nghiệp để hiểu hết những ngóc ngách trong nghề? Điều này đặc biệt quan trọng đối với trường NCL là những trường về bản chất hướng tới việc đáp ứng những nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

******

Việt Nam chia sẻ nhiều đặc điểm của GDĐH tư ở Đông Á, cũng như đang đương đầu với những khó khăn mà các nước Đông Á khác đang đối mặt. Kinh nghiệm của Đông Á khẳng định tầm quan trọng của quá trình tư nhân hóa GDĐH, của khu vực GDĐH NCL, và cho thấy rằng để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của khu vực này, cần một cách tiếp cận linh hoạt hơn và hướng tới kết quả thực tiễn nhiều hơn. Trong trường hợp Việt Nam, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến tình trạng lạm phát về bằng cấp đã khiến cho GDĐH trở thành méo mó. Mở rộng GDĐH không nên là một mục đích tự thân, nếu như nó chỉ làm tăng số người có bằng cấp mà không làm tăng số người làm được việc và có khả năng cạnh tranh được trong một thị trường toàn cầu.

Các nhà làm chính sách là những người luôn luôn phải cân nhắc trước những mục tiêu đôi khi mâu thuẫn và trước các nhóm lợi ích khác nhau; không thể có quyết định nào có thể vừa lòng tất cả các bên hay đáp ứng tất cả mọi mục tiêu cùng lúc. Tất cả vấn đề là lựa chọn chính sách nào vào thời điểm nào thì có lợi nhất cho sự phát triển của đất nước.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

Altbach, Philip G., and Jorge Balán. 2007.World Class Worldwide: Transforming Research Universities in Asia and Latin America Baltimore, MD: The Johns Hopkins University Press.

Cai, Y., and F. Yan. 2009. The Responses of Private Higher Education Institutions to Market-Oriented Environments in China—an Institutional Approach. Paper read at the 22nd CHER conference, 10-12 September, at Porto.

Cowen, Tyler, and Sam Papenfuss. 1999. The Economics of for-Profit Higher Education.

Fairfax, VA: Department of Economics, George Mason University. Cummings,William.K.1997.Private Education in Eastern Asia. In The Challenge of Eastern Asian Education, edited by William Cummings and Philip G. Altbach. NewYork: State University of New York Press, pp. 135-152.

Dai, NgoDoan.2006.Vietnam. In Higher Education in South-EastAsia, edited by UNESCO.

Bangkok: the UNESCOAsia and PacificRegional Bureaufor Education,pp.219-250.

Lee, K. 1987. Past, Present and Future Trends in the Public and Private Sectors of Korean Higher Education. In Public and Private Sectors in Asian Higher Education Systems, edited by Research Institute for Higher Education. Hiroshima, Japan: Research Institute for Higher Education, Hiroshima University, pp. 49-70.

Lee, Molly N. N. 1999. Corporatization, Privatization, and Internationalization of Higher Education in Malaysia. In Private Prometheus: Private Higher Education and Development in the 21st Century, edited by Philip G. Altbach. Westport, CT.: Greenwood, pp. 137-161.

Levy, Daniel C. 2010. East Asian Private Higher Education: Reality and Policy. World Bank Report.

———. 2006. The Unanticipated Explosion: Private Higher Education’s Global SurgeComparative Education Review50 (2):217-240.

 

———. 2008b. Exploring the Viability of a Semi-Elite Category. Paper read at the 33rd Annual Conference of The Associate forthe Study of Higher Education (ASHE), International Division, November 5-8, at Jacksonville, Florida.

———. 2008c. Private Higher Education’s GlobalSurge: Emulating U.S. Patterns? Paper read at Privatization in Higher Education Conference, January 6-8, at the Samuel Nieman Institute for Advanced Studies in Science and Technology, Technion, Haifa, Israel.

Loc, Nguyen. 2002. Non-Public or People-Founded Higher Education in Vietnam. In The Report of the Second Regional Seminar on Private Higher Education: Its Role inHuman Resource Development in a Globalised KnowledgeSociety, edited byUNESCO PROAP and SEAMEO RIHED. Bangkok, Thailand, pp. 129-136.

Hayden M, Grant Harman, Pham Thanh Nghi, eds. (2010). Reforming Higher Education in Vietnam: Challenges and Priorities. Springer.

Phuong, Le Dong. 2006. The Role of Non-Public Institutions in Higher Education Development of Vietnam. Doctoral Dissertation, Hiroshima University,Hiroshima, Japan.

CÙNG CHỦ ĐỀ VÀ CÙNG MỘT NGƯỜI VIẾT:

 

Tiếng Anh

Ly T Pham and Hayden M. (2015). Vietnam’s Higher Education System In Transition: The Struggle To Achieve Potential (Chapter 9, p 147-162). Asia: The Next Super Power, Springer. Rajika Bhandan and Alessia Lefe1bure eds, AIFS Foundation.

Hayden M. and Ly T Pham (2015). Higher Education Access and Inclusion: The Case of Vietnam. In Mitigating Inequality: Higher Education Research, Policy, and Practice in an Era of Massification and Stratification. Robert Teranishi and Loni Bordoloi Pazich et al. Emarald Group Publishing, United Kingdom.

Ly T Pham and Jamil Salmi (2016). Higher Education Leadership and Governance Transforming in Vietnam: An initiative analysis.  In Academic Governance and Leadership in East and Southeast Asia. Hayden M., Lynn Meek, Jung-Cheol Shin, and Julie Rowlands eds, Australia (Đang bình duyệt).

Tiếng Việt

Phạm Thị Ly (2016). Cần nhấn mạnh sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, và tạo ra một thị trường tự do cạnh tranh. Trả lời phỏng vấn báo Văn hóa Nghệ An, số ra ngày 10.07.2016.

Phạm Thị Ly (2015). “Ai hưởng lợi ở những trường không vì lợi nhuận?”. Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 12.09.2015.

Phạm Thị Ly (2015). Khuyến nghị chính sách cho GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm Đông Á. Tham luận tại Hội thảo “Giải pháp đột phá đổi mới toàn diện GDĐH Việt nam” do ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 25.10.2014 tại Hà Nội. Đăng trên Tạp chí Khoa học Giáo dục số 115 ra tháng 04-2015.

Phạm Thị Ly (2014). Trường đại học có phải là cái quán phở?. Bài đăng trên Người Lao Động số ra ngày 5.10.2014.

Phạm Thị Ly (2014). Bước vào cuộc cạnh tranh mới. Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 13.09.2014. Bản đầy đủ có tên “GDĐH ngoài công lập đi về đâu?” trên trang www.lypham.net

Phạm Thị Ly (2014). Học phí tăng, chất lượng có tăng? Thời báo Kinh tế Sài gòn số  ra ngày 18.09.2014, tr. 70-71.

Phạm Thị Ly (2014). Ngăn chặn phi lợi nhuận giả hiệuNgười Lao động, 14.09.2014. Bản đầy đủ hơn có nhan đề: “Vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, khoảng trống giữa đạo đức, chính sách, pháp lý và thực tiễn”. Bản tiếng Anh: Ly T. Phạm, “For Profit versus Not for Profit Schools in Vietnam”. www.lypham.net

Phạm Thị Ly (2014). Trường phi lợi nhuận liệu có khả thi. Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 13.08.2014.

Phạm Thị Ly, Đàm Quang Minh (2014). GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam, những nút thắt cần tháo gỡ. Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 10.08.2014.

Phạm Thị Ly (2014). Trường Đại học là của ai. Thời báo Kinh tế Sài gòn số 33 ra ngày16.08.2014, tr. 60-61.

Phạm Thị Ly (2014). Khoảng trống chính sách nhìn từ vụ việc ĐH Hùng Vương. Thời báo Kinh tế Saigon số ra ngày 09.01.2014 tr. 58-60. Bản tiếng Anh trên trang www.lypham.net: Ly T Pham. 2014. Policy Gaps Seen Through Disputes in Hung Vuong University.

Pham Thi Ly (2014). ĐH ngoài công lập, vì sao rối ren. Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số 6–2014, 22 -2- 2014. Bản đầy đủ hơn có tên “Cần thay đổi cách nhìn với các trường ngoài công lập” trên trang www.lypham.net

Pham Thi Ly, “Bình đẳng công tư trong GDĐH”. Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ, 21-7-2013.

Pham Thi Ly, “Học phí và giải trình trách nhiệm”, Thời báo Kinh tế Saigon, số 48 ngày 28-11-2011.

Pham Thi Ly, “Trường tư phi lợi nhuận liệu có được chấp nhận” Thời báo Kinh tế Saigon số 49 ngày 1-11-2011.

 

Ghi chú

[1]Hầu hết những tư liệu và nhận định về GDĐH Đông Á trình bày trong bài này là dựa trên một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2010: “Giáo dục Đại học tư ở Đông Á”, do giáo sư Levy Daniel, ĐH Albany thực hiện. Tác giả xin cảm ơn GS. Levy đã cho phép sử dụng bản dịch và đã có nhiều trao đổi ý kiến rất qúy báu giúp người viết có một cái nhìn rộng hơn theo quan điểm so sánh quốc tế.

[2]Trường tư như Harvard là trường tinh hoa thực sự không ai có thể phủ nhận, nhưng nhìn trên toàn thế giới thì trường hợp nước Mỹ có nhiều tính chất ngoại lệ.

[3]Xem thêm bài “Ngăn chặn phi lợi nhuận giả hiệu” của Phạm Thị Ly trên báo Người Lao Động số ra ngày 13.09.2014.