Phạm Thị Ly (2014)
(Bài đăng trên tạp chí VIP- Đất Việt số tháng 11.2014)

Có thể nói vấn đề vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận là chỗ nhạy cảm nhất của giáo dục đại học (GDĐH) tư, đặc biệt là ở Đông Á, nơi khu vực tư đang chiếm trung bình 38,6% tổng số sinh viên, mà nổi bật là trường hợp Hàn Quốc 80%, Nhật 77,4%, Indonesia 71% và Philippines 65,5%. Vấn đề này cũng đang nổi lên như một tâm điểm gây mâu thuẫn ở Việt Nam mặc dù Việt Nam năm 2014 mới chỉ có khoảng 14% sinh viên hiện đang học trong các trường NCL, một con số khiêm tốn so với các nước Đông Á khác.

Xem xét vấn đề vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận trong khu vực có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Bởi lẽ, trong khi ghi nhận và trân trọng những đặc điểm đã làm nên sự ưu tú của các trường đại học phương Tây, chúng ta thường ít lưu ý đầy đủ đến những đặc điểm của khu vực, của quốc gia và văn hóa, là điều có tác dụng rất lớn và rất trực tiếp đến sự phát triển của GDĐH. Do sự khác biệt rất lớn về truyền thống văn hóa và lịch sử, về hệ thống chính trị, những kinh nghiệm của phương Tây về mặt nào đó có thể có ý nghĩa ít quan trọng hơn đối với Việt Nam so với những gì đang diễn ra ở Đông Á. Bài học của phương Tây là quan trọng, nhưng bài học quan trọng hơn là những nước Đông Á có truyền thống và nhiều đặc điểm gần gũi với chúng ta đã học hỏi những bài học phương Tây ấy như thế nào để đạt được thành tựu ngày nay.

Để hiểu được thực tiễn Đông Á, cần đặt nó trong tương quan so sánh với các trường ĐH ở Châu Âu và Hoa Kỳ, để thấy rằng trường ĐH phương Tây có một lịch sử rất dài được xem là lợi ích công, thậm chí nhiều nước châu Âu chỉ rất gần đây mới thu học phí ở trường công và chấp nhận ĐH tư, tuy trường vì lợi nhuận vẫnbbị cấm. Hoa Kỳ là một trường hợp rất không điển hình, khi GDĐH tư tồn tại đã lâu và chủ yếu là phi lợi nhuận, chỉ trong vài thập kỷ gần đây mới có khu vực vì lợi nhuận (LN); và tuy khu vực này đang tăng nhanh, người ta không ghi nhận được trường hợp nào nổi bật có xảy ra tranh chấp nội bộ vì lý do mâu thuẫn phi LN -vì LN.

Theo Daniel Levy (2010), hầu hết các trường đang vận hành vì lợi nhuận trên thế giới đều là các trường phi lợi nhuận về mặt pháp lý. Nó vận hành vì lợi nhuận bằng cách dành toàn những vị trí trên đỉnh cho người nhà và trả một mức lương khủng khiếp, hoặc dùng những thủ thuật xảo trá để sở hữu và kiếm lợi từ cho thuê đất đai tài sản. Chừng nào không có chia lời chính thức cho chủ sở hữu hay các cổ đông thì nó vẫn có thể là phi lợi nhuận về mặt pháp lý. Đông Á có những trường tuy về pháp lý là phi LN nhưngthực chất là vận hành vì lợi nhuận như thế hay không, và điều này phổ biến đến mức nào so với các khu vực khác trong sự thịnh hành của những trường, là điều rất khó biết. Vì vậy, chúng ta tạm để qua một bên những trường phi LN giả hiệu, để nói về những trường vì LN “chính thức” ở Đông Á.

Thực tiễn các trường Vì LN ở Đông Á

GDĐH vì LN có hình thức phổ biến nhất là những doanh nghiệp gia đình nhỏ, đôi khi là những cơ sở lớn do các công ty làm chủ sở hữu, và các chuỗi cung ứng quốc tế kiểu như Laureate và Apollo, chẳng hạn INTI University College ở Malaysia là của Laureate, hay Limkokwing University of Creative Technology, đặt cơ sở tại Malaysia, tự quảng cáo mình là “trường ĐH toàn cầu hóa nhất thế giới” có mặt tại Cambodia, Trung Quốc, Indonesia, và nhiều nước Đông Á khác. So với các vùng khác trên thế giới, rõ ràng là trường vì LN phổ biến hơn ở Châu Á.

Nhiều nước Đông Á có bộ phận GDĐH vì LN là chính. Philippines là một ví dụ, từ lâu họ đã có các trường vì LN, trong đó có một vài trường rất lớn và rất nhiều trường nhỏ. Ở Malaysia, khoảng 90 phần trăm trường tư là vì LN, và chiếm phần lớn số lượng sinh viên. Indonesia cũng là một nước mà trường tư chủ yếu là trường vì LN.

Các trường vì LN bị lên án vì chất lượng đào tạo thấp, nhiều khi bị coi như lò bán bằng. Trường hợp Trung Quốc có vẻ như thật đáng buồn vì minh họa cho một thực tế: sinh viên đã trả một số tiền lớn cho những thứ không có giá trị thật, có người được nhận vào mà đến bằng trung học cũng chẳng có, trúng tuyển vào trường nhờ hối lộ, và có những chương trình học không hề giống mảy may nào với những lời quảng cáo (D. Levy, 2010). Bởi lẽ đó, có những nước tuy dỡ bỏ việc cấm GDĐH tư nhưng vẫn không cho phép vì lợi nhuận.

Chính sách với các trường vì LN

Làm thế nào để xác định rõ và đối xử ra sao với các trường vì LN là một câu hỏi khó.Trung Quốc nhất định cứ dán nhãn phi lợi nhuận cho các tổ chức giáo dục nhưng cho phép hình thức vì lợi nhuận đối với các tổ chức đào tạo. Cũng như Ấn Độ vừa đồng thời lên án “lợi nhuận quá đáng” lại vừa hoan nghênh các “nhà đầu tư”.Tuy khu vực vì LN bị phàn nàn vì những hiện tượng tiêu cực, nhưng đưa ra những quy định như thế nào để chống lại thực tế ấy là điều không dễ và nếu đưa ra quá nhiều quy định thì điều này sẽ phá hủy cả những trường tư lành mạnh khác.

Những quy định nặng nề khắc nghiệt đối với vì lợi nhuận có thể gây nguy hiểm cho nhiều trường. Điều này đặc biệt nghiêm trọng vì Đông Á là khu vực vốn đã có tỉ lệ vì lợi nhuận cao trong khu vực GDĐH tư. Hơn thế nữa, tuy một số trường vì lợi nhuận có thể chết, những trường khác chắc chắn sẽ chuyển sang cương vị phi lợi nhuận mà không thay đổi gì đáng kể trong cách hoạt động và xử sự thực sự của mình, là điều chỉ tăng thêm dối trá và thất thu thuế (Levy, 2010).

Rất đáng xem xét trường hợp Brazin. Brazin là một nước có tỉ lệ GDĐH tư lớn nhất Châu Mỹ Latin, chủ yếu là các trường phi lợi nhuận về mặt pháp lý nhưng vận hành như những trường vì lợi nhuận. Trong thập kỷ 90 Brazin đã quyết định một cách rất thực tế rằng họ không thể kiểm soát “phi lợi nhuận” thông qua các quy định, cũng như tính rằng có thể tăng thu cho ngân sách thông qua thuế, đã cho phép các trường vì lợi nhuận tồn tại hợp pháp. Ngày nay 19% sinh viên ở Brazin học trong các trường vì lợi nhuận, là tỉ lệ cao nhất ở các nước châu Mỹ.

Vấn đề là, GDĐH tư hiện chiếm một phần ba tổng số sinh viên toàn cầu. Tỉ lệ này cao hơn và ngày càng cao ở Đông Á. Dù ta có công nhận hay không, các trường vì lợi nhuận đang phục vụ cho mục tiêu chung của GDĐH. Thêm vào đó, các trường vì lợi nhuận nộp thuế, như cách nhìn của chính quyền địa phương ở Trung Quốc. Mặt khác, trừng trị việc tìm kiếm lợi nhuận có thể rất rắc rối, bởi lẽ cùng lúc đó người ta đang khuyến khích những hoạt động kinh doanh lan tràn phổ biến ở các trường công, như đang diễn ra ở hai trường uy tín bậc nhất của Trung Quốc, ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh.

Đây là vấn đề về sự minh bạch và công bằng, cũng như một thị trường có hiệu quả, chứ không phải là vấn đề đạo đức, vì cái được coi là “thương mại hóa thô thiển” (Wongsothorn and Yibing 1995, dẫn theo Levy, 2010), của người này lại có thể là một mục tiêu theo đuổi chính đáng của người khác.

Khuyến nghị chính sách cho khu vực vì LN ở Việt Nam

Tỉ lệ người vào ĐH ở VN còn thấp, và tỉ lệ sinh viên trong khu vực tư cũng thấp, điều đó có nghĩa là GDĐH cần phải tiếp tục phát triển và sẽ phải dựa vào khu vực tư để tăng trưởng, tương tự con đường của các nước Đông Á. Một cách thực tế, người học không quan tâm nhiều đến loại trường mà quan tâm nhiều hơn đến uy tín của trường và chất lượng đào tạo.

Loại trường nào cũng đều có ưu điểm và nhược điểm, và loại này không loại trừ những loại khác, trái lại bổ sung cho nhau. Việc phân định rõ các loại trường không nhằm mục đích phân chia đẳng cấp hoặc nhằm làm mạnh thêm định kiến xã hội, mà nhằm tạo ra các thiết chế chính sách phù hợp. Ví dụ như trường không vì lợi nhuận thì cần được sự hỗ trợ của nhà nước trong việc miễn thuế, cấp đất, cấp vốn đối ứng. Để được nhận những ưu đãi đó, nó phải thuộc sở hữu cộng đồng, phải được đặt dưới sự lãnh đạo của những người có uy tín trong việc bảo vệ lợi ích công, phải tách bạch giữa lãnh đạo và quản lý nhằm giám sát việc điều hành, và phải được kiểm toán để bảo đảm minh bạch trong trách nhiệm giải trình.

Trường vì lợi nhuận thì cần được đối xử về cơ bản giống như một doanh nghiệp, tức là phải bảo vệ quyền sở hữu của nhà đầu tư cũng như quyền quyết định của họ trong việc quản trị nhà trường. Có một điểm khiến ngay cả trường vì lợi nhuận cũng không hoàn toàn giống các doanh nghiệp. Tài sản vật chất của trường vì lợi nhuận là thuộc quyền sở hữu và quyết định của nhà đầu tư, nhưng giá trị tinh thần của nó thì thuộc về xã hội. Vì vậy, ngay cả trường vì lợi nhuận cũng phải bảo đảm trách nhiệm giải trình của mình trước sinh viên và trước công chúng, và cần được nhà nước hỗ trợ để khích lệ đầu tư vào giáo dục.

(Viết tại TP.HCM tháng 10-2014)