Đối thoại với Đối thoại Giáo dục- Bài 3.
HỌC PHÍ ĐẠI HỌC VÀ CƠ HỘI TIẾP CẬN GIÁO DỤC

Phạm Thị Ly (2015)

Quan điểm của Nhóm Đối thoại Giáo dục cho rằng chủ trương giữ học phí thấp để người nghèo có thể theo học là một cách tiếp cận sai lầm vì học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo; đồng thời đa số nguồn lực của trường phải dựa vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, chỉ sinh viên từ gia đình khá giả mới đi học đại học được, và chi phí đào tạo các sinh viên này lại được nhà nước bao cấp là chủ yếu. Nói cách khác, như GS. Phạm Phụ đã nói, giữ học phí thấp là lấy tiền của người nghèo để nuôi người giàu.

Có thể đặt ra một số câu hỏi như sau: Vì sao học phí thấp thì chỉ sinh viên từ gia đình khá giả mới đi học được? Hiện nay số sinh viên thuộc nhóm thu nhập thấp đang chiếm tỉ lệ như thế nào trong toàn hệ thống, và nếu tăng học phí, và tăng đến mức độ nào, thì có bao nhiêu sinh viên có thể được hưởng lợi từ việc tăng học phí này và bao nhiêu sinh viên sẽ mất cơ hội học tập vì học phí gia tăng, và cuối cùng, hệ quả của những điều này là gì?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng tôi cho rằng cần đề cập tới tầm quan trọng của việc bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận ĐH. Nó không phải chỉ là một lý tưởng nhân văn, mà quan trọng hơn, liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, tức là năng lực cạnh tranh của quốc gia và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hơn thế nữa, nó là một động lực quan trọng bảo đảm cho sự ổn định xã hội. Nói cách khác, trau dồi học vấn để thay đổi số phận cuộc đời và tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn là một động cơ quan trọng của mọi cá nhân. Động cơ này cần được nuôi dưỡng bởi nó bảo đảm cho dòng chảy tri thức và nguồn lao động trí tuệ được liên tục phát triển; và nó mở ra một cánh cửa cho sự dịch chuyển xã hội theo hướng khích lệ sự ưu tú. Một khi người nghèo không có con đường nào, cơ hội nào để thay đổi số phận, thì khoảng cách bất công, bất bình đẳng sẽ càng lúc càng giãn rộng và tình trạng này chứa đựng mầm mống bất ổn xã hội nghiêm trọng.

Hiện trạng về công bằng trong cơ hội tiếp cận ĐH ở Việt Nam

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tiếp cận ĐH của người dân, như khả năng học tập, nguồn thông tin, động cơ theo học, nền tảng văn hóa của gia đình và trình độ giáo dục của cha mẹ trong đó có quan niệm về giới, đặc điểm vùng miền, môi trường xã hội, và khả năng tài chính. Bài này chỉ xem xét nhân tố sau cùng.

Để đánh giá mức độ công bằng trong cơ hội tiếp cận ĐH, có nhiều chỉ số khác nhau chẳng hạn tỉ lệ sinh viên nữ trên tổng số (GPI), tỉ lệ sinh viên ở mỗi nhóm thu nhập khác nhau, có hoàn cảnh kinh tế- xã hội khác nhau trên dân số (EEI), v.v. Một chỉ số có tính chất tổng hợp là chỉ số tiếp cận giáo dục (EAI) xác định bằng tỉ lệ nhập học trên dân số, tỉ lệ sinh viên nữ trên số người học, tỉ lệ hoàn thành bậc học, và chỉ số công bằng, với trọng số 25:10:25:40 (Usher and Cervenan 2005).

Theo kết quả tổng điều tra mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê năm 2012[1] thì hiện đang có mức khác biệt rất cao trong khả năng tiếp cận ĐH giữa các nhóm thu nhập khác nhau ở Việt Nam: Số người có bằng đại học trong độ tuổi 25-34 chỉ chiếm 0,4% trong nhóm thu nhập thấp nhất, trái lại, con số này ở nhóm thu nhập cao nhất là 20,1%. So với, hai con số này của năm 2006 là 0,2 và 14,1 ta có thể thấy cả hai nhóm đều tăng, và tuy khoảng cách có được thu hẹp lại, cũng vẫn còn rất xa.

Thêm nữa, xét riêng chỉ số công bằng giáo dục (EEI – phản ánh khả năng có được bằng ĐH trong các nhóm dân số khác nhau), thì con số này trong cả nước là 37,76%, kém xa so với các nước phát triển như Hà Lan, Anh, Canada, Mỹ lần lượt là 67%, 64%, 63%, 57%. Quan trọng hơn, xét cụ thể theo các nhóm thu nhập khác nhau, thì ở ngũ phân vị thu nhập thấp nhất khả năng này hầu như bằng không. Với nhóm thu nhập trung bình thấp chỉ số này là 31,61; và với nhóm thu nhập cao nhất là 60,66. Đó chính là lý do nhóm Đối thoại Giáo dục cho rằng hiện nay phần lớn sinh viên không thuộc những gia đình nằm trong tầng lớp thu nhập thấp nhất. Và vì số tiền ngân sách nhà nước cấp cho các trường ĐH công lấy từ tiền thuế của người dân, trong đó có người nghèo, nên GS. Phạm Phụ đã nói rằng đó là “lấy tiền của người nghèo để nuôi người giàu”.

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng cần cân nhắc nhiều hơn trước khi rút ra một kết luận như trên. Thống kê trên đây chỉ cho chúng ta thấy mối tương quan giữa thu nhập và trình độ học vấn, nhưng không nói lên quan hệ nhân quả. Nó cho chúng ta biết là trong nhóm người giàu thì có nhiều người có bằng ĐH hơn, nhưng điều này không có nghĩa là những người đang đi học ĐH phần lớn là người giàu. Nói các khác, mặc dù tỉ lệ người giàu có bằng đại học cao hơn, nhưng phần lớn người học ĐH hiện nay vẫn là từ những gia đình không giàu, thậm chí theo quan sát của nhiều người, hầu hết sinh viên trong các trường ĐH ở Việt Nam là từ gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình, chỉ một thiểu số là từ gia đình khá giả. Những người giàu thực sự thì con cái đã đi học ở nước ngoài, hoặc ít ra là những trường tư học phí rất cao trong nước. Do đó việc tăng học phí, nếu diễn ra, sẽ ảnh hưởng lớn đến rất nhiều sinh viên (và rộng ra là rất nhiều gia đình). Nếu chúng ta tính đến một thực tế là, càng nghèo, thì người dân càng tha thiết cho con vào ĐH để mong thoát khỏi cuộc sống lầm than, thì sẽ thấy không ít gia đình đã phải bán nhà cửa, ruộng vườn, vay mượn để con cái theo đuổi việc học.

Vì vậy chúng tôi cho rằng nhận định sau đây của VED cần được xem xét thận trọng hơn: Thứ nhất, học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo. Thứ hai, học phí thấp dẫn đến đa số nguồn lực của trường phải dựa vào ngân sách nhà nước. Vì hai lý do này, chỉ sinh viên từ gia đình khá giả mới đi học đại học được. Tuy cả hai nhận định đều đúng, nhưng nó không nhất thiết dẫn đến cái kết luận tiếp theo như trên. Rất tiếc là chúng ta không có số liệu thống kê cả nước để biết tỉ lệ sinh viên từ các nhóm gia đình thu nhập khác nhau cụ thể như thế nào[2]. Con số này vô cùng quan trọng để biết rằng, khi học phí tăng, thì có bao nhiêu phần trăm sẽ được nhận học bổng, và bao nhiêu sẽ phải bỏ học.

Có một thực tế là khả năng chi trả của người dân rất có giới hạn. Về mặt tài chính, có hai lý do trực tiếp dẫn đến hiện trạng khả năng theo đuổi ĐH rất thấp trong nhóm thu nhập thấp. Một là chi phí theo học ĐH trường công hiện chiếm 96,89% tổng thu nhập của một gia đình thu nhập thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng), còn nếu học trường tư thì chiếm đến 122,12%. Trong lúc đó, với gia đình thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng thì chi phí học trường công chỉ chiếm 23,51% và trường tư là 32,67%. Nếu tính riêng học phí, thì học phí trường công chiếm 16,77% tổng thu nhập của gia đình thu nhập thấp, trường tư chiếm 40,70%[3].

Rõ ràng khả năng chi trả là một rào cản đáng kể. Tuy nhiên, lý do thứ hai mới thật là quan trọng và đáng chú ý: tương quan giữa chi phí và lợi ích. Hiển nhiên là đối với mọi gia đình, chi phí theo học đại học là một khoản đầu tư cho tương lai. Vậy khoản đầu tư này mang lại lợi ích gì so với chi phí sẽ phải bỏ ra? Tổng cục Thống kê có một báo cáo phân tích mối tương quan giữa thu nhập và học vấn dựa trên số liệu điều tra năm 2009, tuy nhiên báo cáo này không cho biết cụ thể tỉ lệ hoàn vốn của học vấn ĐH. Một nghiên cứu của Nguyễn Xuân Thành năm 2006 cho biết suất sinh lợi của việc học thêm một năm ở phổ thông trung học là 11,43%[4]. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của Phạm Lê Thông năm 2011 về ảnh hưởng của trình độ học vấn đối với thu nhập, dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2008 đã cho biết rằng tầm quan trọng của học vấn đối với thu nhập ngày càng được khẳng định trong kinh tế thị trường, nhưng so với các nước phát triển thì suất sinh lợi ở Việt Nam thấp hơn nhiều[5]. Cần lưu ý là những nghiên cứu này dựa trên số liệu điều tra dân số từ năm 2008 về trước, khi số người có bằng ĐH còn ít, và tình trạng cử nhân thất nghiệp không ở mức độ đáng kể như hiện nay.

Nhìn ra thế giới

Nước Mỹ đã từng bao cấp để duy trì các trường ĐH công với chất lượng tốt và giá thấp trong thế kỷ 20. Từ năm 1940 đến 1977, số người có bằng ĐH đã tăng từ 1/20 đến ¼ trên tổng số dân ở độ tuổi 25-29 [6]. Khi Luật GDĐH ban hành năm 1972, có thêm điều khoản tài trợ cho sinh viên thu nhập thấp, nhằm bảo đảm rằng không ai là không được vào đại học vì lý do tài chính khó khăn.

Ngày nay bức tranh đó đã kết thúc. Ở những trường đỉnh, nơi tiêu chuẩn tuyển chọn cực kỳ ngặt nghèo, chỉ có 5 phần trăm tổng số sinh viên xuất thân trong gia đình thuộc nhóm có thu nhập thấp nhất trong xã hội. Mặc dù các trường có thể xin tài trợ để cấp thêm học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi, nhưng điều này sẽ khiến họ phải giảm chi tiêu cho những ưu tiên khác chẳng hạn như mở rộng hay nâng cấp cơ ngơi, hoặc chi lương khủng cho các ngôi sao hàn lâm, v.v. là điều dễ thu hút chú ý (và tài trợ tư nhân) hơn. Tài trợ từ nguồn ngân sách thì liên tục giảm. Vì vậy, việc theo học ĐH ngày càng khó hơn với người nghèo. Hiện nay, ba phần năm thanh niên Mỹ trong nhóm gia đình thu nhập cao nhất có bằng ĐH trước tuổi 24, trong lúc với nhóm thu nhập thấp nhất thì tỉ lệ này là một phần tư.

Với những người vào ĐH thì sao? William J. Bennett, nguyên Bộ Trưởng Giáo dục Mỹ, nói rằng thay vì trả học phí, sinh viên nên dùng tiền đó đầu tư vào việc mua cổ phần hay trái phiếu còn hơn! [7]. Ông nói vậy bởi vì, như E. Amstrong và Laura Hamilton đã nêu ra, giờ đây đang có một thỏa thuận ngầm giữa nhà trường và người học là yêu cầu bớt đi từ cả hai phía. Nạn nhân là những sinh viên xuất thân trong gia đình nghèo, bước khỏi cánh cổng trường ĐH không có mục đích gì cho cuộc sống, nản lòng thối chí và có rất ít triển vọng cho tương lai[8]. Trong lúc đó, có tới 36 vị hiệu trưởng của những trường tư được gọi là phi lợi nhuận, trong năm 2012, đã hưởng mức lương trên 1 triệu USD một năm. Ở California Polytechnic University trong thời gian 1975 – 2008, số giáo sư tăng từ 11.614 người lên 12.019 người, nhưng số cán bộ quản lý và nhân viên hành chính tăng từ 3.800 người lên 12.183 người[9]. Hẳn là điều này có liên quan đến việc học phí tăng nhanh như tên lửa trong ba thập niên qua.

Có một thực tế là chi phí học ĐH ngày càng tăng, và vượt quá mức chịu đựng của rất nhiều gia đình. Vậy tiền ở đâu để trả cho mức học phí ấy và mức lương ấy của các hiệu trưởng? Chính là tiền chính phủ cho vay trong các chương trình tín dụng sinh viên. Hiện nay, 70% sinh viên Mỹ tốt nghiệp với một khoản nợ tính trung bình là 30.000 USD, và tổng nợ của sinh viên là 1,2 tỉ USD, lớn hơn tổng số dư nợ tín dụng của cả nước, mà có người cho là một quả bom chờ nổ.

Ở cấp trường, học bổng ngày càng chuyển sang hướng xét chọn theo thành tích thay vì theo nhu cầu của người học. Không may là sinh viên trong gia đình thu nhập thấp thường phải kiếm sống hàng ngày và có ít cơ hội tham gia các hoạt động sáng tạo hay khởi nghiệp để tạo dựng thành tích và gây ấn tượng với các trường. Đã có một nghiên cứu cho thấy mối tương quan rõ rệt giữa điểm thi SAT và thành tích học tập nói chung với hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Bởi vậy, học bổng thay vì thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng thì có khi lại làm cho hố sâu ngăn cách về cơ hội càng sâu thêm.

Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

Vấn đề tài chính cho GDĐH là một thách thức lớn, vì nó phải nhằm vào hai mục tiêu có vẻ như khó đạt được đồng thời: bảo đảm nguồn chi cho nhu cầu không ngừng tăng của các trường để có thể đem lại một dịch vụ có chất lượng, cũng như duy trì các hoạt động nghiên cứu có thể không mang đến lợi ích kinh tế tức thời; và hai là, bảo đảm công bằng về cơ hội cho người dân để tầng lớp thu nhập thấp có thể thay đổi cuộc đời và tạo ra những dịch chuyển xã hội tích cực.

Trong một bài viết trước, chúng tôi đã nêu quan điểm cho rằng tăng đầu tư từ ngân sách công là ít khả thi và giải pháp hợp lý không chỉ là tăng học phí mà chủ yếu là các trường phải cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực. Bài này phân tích thêm dưới góc độ học phí.

Ở các nước, có ba chiến lược chính đối với học phí ĐH: (i) học phí cao, mức hỗ trợ cao cho sinh viên; (ii) học phí trung bình, hỗ trợ trung bình; (iii) học phí thấp, mức hỗ trợ thấp[10]. Cách thứ nhất có nhược điểm là, nó để lại một gánh nặng nợ nần cho sinh viên, và nếu như triển vọng việc làm không mấy sáng sủa, số người theo học ĐH sẽ giảm làm suy giảm chất lượng của nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của quốc gia. Thêm nữa, có rất ít ngân hàng mặn mà với tín dụng sinh viên do thời gian thu hồi thì dài mà khả năng không thu được cũng rất cao, trừ khi họ có được sự bảo lãnh của nhà nước.

Cách thứ ba, học phí thấp và hỗ trợ thấp giúp làm tăng cơ hội vào ĐH, tăng số người được học ĐH. Tất nhiên nguồn thu của các trường sẽ giảm, nghĩa là hoặc ngân sách công phải tài trợ trực tiếp cho các trường, hoặc các trường phải tìm được những nguồn thu khác từ hiến tặng và dịch vụ phục vụ cộng đồng. Nếu như khoản thu học phí thấp được bù đắp bằng ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các trường, thì thực chất là nhà nước đang gián tiếp tài trợ cho người giàu bằng tiền thuế của toàn dân trong đó có người nghèo, bởi vì chính sách này khiến số tiền sinh viên thực trả sẽ thấp, trong số đó có thể có nhiều sinh viên thuộc gia đình thu nhập trung bình và cao. Điều này làm cho gánh nặng ngân sách tăng lên, nghĩa là phải tăng thuế, hoặc khiến những khoản tài trợ trực tiếp cho sinh viên thuộc nhóm thu nhập thấp phải giảm đi.

Trong khi đó, chiến lược thứ hai tìm cách cân bằng giữa nhu cầu của các trường, khả năng tài trợ của ngân sách địa phương, và khả năng chi trả của người dân, để ba bên cùng chia sẻ gánh nặng, thay vì trút gánh nặng từ bên này sang bên khác.

Trong trường hợp Việt Nam, có ba điểm cụ thể cần tính đến khi xác định chính sách học phí: một là khả năng của ngân sách và hiệu quả sử dụng nguồn tài chính công[11]; hai là khả năng chi trả của người dân và hiện trạng trong vấn đề bình đẳng cơ hội[12]; và ba là bức tranh thực tế về chất lượng đào tạo của các trường[13], về tình trạng thất nghiệp[14], về sự tham gia cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục quốc tế[15] cũng như của nguồn nhân lực từ các nước trong khu vực khi hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.

Ngân sách nhà nước tài trợ trực tiếp cho các trường hiện nay khó lòng tăng vì vậy cần tập trung vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách công thông qua xây dựng một cơ chế đánh giá chất lượng hoạt động của các trường thay vì chỉ dựa trên đầu vào.

Học phí sẽ phải tăng để đảm bảo chất lượng ở mức chấp nhận được, kèm theo mức hỗ trợ tương ứng bao gồm miễn giảm học phí, tín dụng và học bổng, nhưng điều cần lưu ý là chính sách học bổng phải được xây dựng một cách linh hoạt và khôn ngoan, bao gồm học bổng dựa trên thành tích lẫn học bổng theo nhu cầu cần được hỗ trợ.

Khuyến nghị thứ hai là chính sách tăng học phí phải gắn chặt với quá trình tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường và công khai thông tin về mọi hoạt động của nhà trường, bao gồm những kế hoạch cải cách quản trị để mọi quyết định của nhà trường bao hàm được tiếng nói của các bên liên quan khác nhau. Vấn đề là tăng thêm nguồn lực chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ để tăng cường chất lượng. Làm sao các trường có thể thuyết phục được xã hội, nếu họ không có đủ năng lực biện minh cho những quyết định, hành động và kết quả công việc của mình?

Khuyến nghị thứ ba là tăng cường cạnh tranh thông qua mở rộng tự chủ trong việc xác định mức học phí tùy theo năng lực và uy tín của từng trường. Liệu nhà nước có nên quy định mức trần học phí ở trường công hay không, là một câu hỏi khó trả lời, vì cả những lý lẽ ủng hộ lẫn phản bác đều mạnh mẽ. Ở Mỹ, có tiểu bang thì nhà nước nắm lấy thẩm quyền này, có tiểu bang thì không[16]. Những người ủng hộ giao cho các trường tự quyết mức học phí cho rằng khó lòng có một mức học phí chung cho các trường với địa bàn khác nhau, cơ sở vật chất và đội ngũ khác nhau, sứ mạng và trọng tâm hoạt động khác nhau; hay chung cho các ngành với những chi phí đào tạo thực tế rất khác nhau. Những người phản đối cho rằng điều này sẽ biến các trường công thành ra không khác với trường tư, khiến học phí tăng cao đến mức làm giảm số người đi học và xói mòn sứ mạng phục vụ lợi ích công của nhà trường, cụ thể là đem lại cơ hội giáo dục bậc cao với chi phí thấp nhất có thể. Chúng tôi cho rằng việc giao tự chủ xác định mức học phí cho nhà trường cần gắn chặt với một cơ chế hữu hiệu về trách nhiệm giải trình và công khai thông tin về nhà trường, như khuyến nghị của VED về đảm bảo chất lượng đã nêu ra. Nhà nước cần đặt các trường công cũng như tư vào một bối cảnh cạnh tranh, không chỉ cạnh tranh về uy tín, mà còn về chất lượng và giá cả, vì đó là động lực để cải thiện hiệu quả. Tất cả những việc nhà nước cần làm là đặt ra luật chơi để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và công bằng.

Khuyến nghị thứ tư là nhà nước có hỗ trợ học phí, từng phần hoặc toàn bộ, cho những ngành học cần thiết cho sự phát triển bền vững của quốc gia nhưng thị trường không có động lực để đáp ứng nhằm khuyến khích người học và cân bằng nhu cầu về nguồn lực.

Một vài kinh nghiệm quốc tế khác chúng ta có thể học hỏi để xây dựng chính sách học phí là[17]:

  1. Học phí gắn với cơ chế khích lệ: Có chế độ miễn giảm đối với những sinh viên cam kết đạt được những mục tiêu nhất định và đạt được trong thực tế, ví dụ tốt nghiệp đúng hạn, không thi lại, v.v.
  2. Học phí linh hoạt khác nhau cho các khóa cơ bản và nâng cao, các môn có tín chỉ và không tín chỉ, các lớp trực tiếp và trên mạng, các môn trong chuyên ngành và ngoài chuyên ngành, môn tối thiểu và môn tự chọn, v.v.
  3. Học phí khác nhau cho từng khóa, nhưng giữ nguyên từ lúc sinh viên vào trường cho đến khi sinh viên tốt nghiệp. Điều này giúp sinh viên có thể lên kế hoạch chính xác cho chi phí học ĐH của mình, đồng thời nhà trường cũng có một mức độ linh hoạt cần thiết để đáp ứng nhu cầu và bù đắp giữa các ngành và các khóa.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

Elizabeth A. Armstrong and Laura T. Hamilton (2015). Paying for the Party: How College Maintains Inequality, Harvard University Press.

Ngân hàng Thế giới (2012). GDĐH ở Việt Nam và kỹ năng cho tăng trưởng

Nguyễn Ngọc Anh, 2012. Cơ chế phân bổ ngân sách cho ĐH công lập: hiện trạng và khuyến nghị. Kỷ yếu đã dẫn. Trang 262. Bài này rút ra từ Báo cáo Nghiên cứu Phân bổ Ngân sách Nhà nước cho các trường ĐH Việt Nam, thuộc Thành phần 1.2 về Tài chính, Dự án GDĐH 2 của Bộ GD-ĐT.

Phạm Thị Ly 2015. Tài chính cho GDĐH Việt Nam: Đâu là lối thoát (in press).

Phạm Hạnh Minh 2014. Giáo dục có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Báo cáo tại Hội thảo do nhóm Đối thoại Giáo dục tổ chức tại TP.HCM tháng 8 năm 2014

Peter McPherson and David Shulenburger. 2010. Understanding the Cost of Public Higher Education. Planning for Higher Education. 38(3): 15–24.

Tổng cục Thống kê (2015). Báo cáo Điều tra Lao động Việc làm Quý 1 năm 2015

Tổng cục Thống kê (2011). Giáo dục ở Việt Nam, phân tích các chỉ số chủ yếu.

Trịnh Tiến Dũng (2012). Một số vấn đề nổi lên qua nghiên cứu bước đầu về chi tiêu ngân sách nhà nước cho GDĐH ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Đổi mới Cơ chế Tài chính đối với GDĐH do UB Ngân sách tài chính QH tổ chức tháng 11.2012. Trang 227-238. Bài này rút ra từ kết quả nghiên cứu của một công trình thực hiện trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam, do Ủy ban Ngân sách Quốc hội thực hiện với sự hỗ trợ của tổ chức UNDP;

Vu Hoang Linh 2010. Equity and Accessibility to Higher Education: The Case of Vietnam.

Vincent Badolato 2008. Getting What You Pay for: Tuition Policy and Practice

Ghi chú

[1] Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2012.

[2] Bản Khuyến nghị của VED có nêu: “Trên thực tế, 65% sinh viên trên cả nước đến từ 40% gia đình có thu nhập cao nhất”, chúng tôi không rõ là dựa trên nguồn dữ liệu nào. Kể cả nếu số liệu này là xác thực, thì việc 35% tổng số sinh viên có thể phải nghỉ học khi học phí tăng là một vấn đề không thể xem nhẹ.

[3] Nguồn: Nguyễn Ngọc Anh, 2012.

[4] Nguồn: Nguyễn Xuân Thành 2006. Ước lượng suất sinh lợi của việc đi học ở Việt Nam.

[5] Nguồn: Phạm Lê Thông 2011. Ảnh hưởng của trình độ học vấn với thu nhập ở đồng bằng sông Cửu Long.

[6] Nguồn: Andrew Delbanco 2015. Our universities: The Outrageous Reality. The New York Review of Books.

[7] Nguồn: William J. Bennett, with David Wilezol, Is College Worth It? A Former United States Secretary of Education and a Liberal Arts Graduate Expose the Broken Promise of Higher Education (Thomas Nelson, 2013), p. 106.

[8] Nguồn: Elizabeth A. Armstrong and Laura T. Hamilton (2015). Paying for the Party: How College Maintains Inequality by, Harvard University Press

[9] Paul F. Campos (2015) The Real Reason College Tuition Costs So Much. New York Times, 04. 2015.

[10] Nguồn: Vincent Badolato 2008. Getting What You Pay for: Tuition Policy and Practice.

[11] Xem thêm: Phạm Thị Ly 2015. Tài chính cho GDĐH Việt Nam: Đâu là lối thoát (in press). Trịnh Tiến Dũng (2012). Một số vấn đề nổi lên qua nghiên cứu bước đầu về chi tiêu ngân sách nhà nước cho GDĐH ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Đổi mới Cơ chế Tài chính đối với GDĐH do UB Ngân sách tài chính QH tổ chức tháng 11.2012. Trang 227-238. Bài này rút ra từ kết quả nghiên cứu của một công trình thực hiện trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam, do Ủy ban Ngân sách Quốc hội thực hiện với sự hỗ trợ của tổ chức UNDP; Nguyễn Ngọc Anh, 2012. Cơ chế phân bổ ngân sách cho ĐH công lập: hiện trạng và khuyến nghị. Kỷ yếu đã dẫn. Trang 262. Bài này rút ra từ Báo cáo Nghiên cứu Phân bổ Ngân sách Nhà nước cho các trường ĐH Việt Nam, thuộc Thành phần 1.2 về Tài chính, Dự án GDĐH 2 của Bộ GD-ĐT.

[12] Xem thêm Báo cáo của Tổng cục Thống kê và Vu Hoang Linh 2010. Equity and Accessibility to Higher Education: The Case of Vietnam.

[13] Xem Báo cáo của Ngân hàng Thế giới: GDĐH ở Việt Nam và kỹ năng cho tăng trưởng, 2012.

[14] Xem: Báo cáo Điều tra Lao động Việc làm Quý 1 năm 2015 của Tổng cục Thống kê.

[15] Xem Phạm Hạnh Minh 2014. Giáo dục có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

[16] Xem: Lesley McBain 2010. Tuition-Setting Authority and Deregulation at State Colleges and Universities.

[17] Nguồn: Vincent Badolato 2008. Tài liệu đã dẫn.