Suy Nghĩ Từ Khuyến Nghị Của Nhóm Đối Thoại Giáo Dục
TÀI CHÍNH ĐẠI HỌC: ĐÂU LÀ LỐI THOÁT?

Phạm Thị Ly & Trần Thanh Dũng (2015)

(Bài đăng Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 07.07.2015. Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/20150707/tai-chinh-dai-hoc-dau-la-loi-thoat/771273.html)

Nhóm Đối thoại Giáo dục (VED) đưa ra đề xuất về 5 lĩnh vực, trong đó vấn đề được chú ý và gây tranh cãi nhiều nhất là vấn đề tài chính cho GDĐH.

Dựa trên nhận định về hiện trạng (các trường thiếu nguồn tài chính trầm trọng; đang có bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận GDĐH giữa người giàu và người nghèo; cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình về mặt tài chính còn nhiều bất cập), nhóm đưa ra ba đề xuất: i) Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống ĐH, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội; ii) Tự chủ tài chính cho các ĐH; iii) Thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường và chia thành ba kênh: tài trợ trực tiếp từng trường dựa trên đầu vào, học bổng và tín dụng cho sinh viên, tài trợ hoạt động nghiên cứu).

Mặc dù những đề xuất trên đều hợp lý, những ý kiến phản biện tập trung vào các khía cạnh: (1) tính khả thi của nguồn tài trợ công trong bối cảnh ngân sách thiếu hụt; (2) hiệu quả sử dụng tài chính công; (3) khả năng chi trả của người dân.

Trước khi thảo luận cụ thể về những đề xuất và phản biện nói trên, chúng tôi cho rằng phải nhìn vấn đề tài chính cho ĐH Việt Nam trong một bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn.

GDĐH trong thế kỷ 21

Có ba yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến bức tranh tài chính ĐH. Trước hết, đại chúng hóa GDĐH và kinh tế tri thức đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong quan niệm về ĐH: từ chỗ là đặc quyền của tầng lớp tinh hoa trở thành một đòi hỏi phổ biến của công chúng; từ chỗ được xem là lợi ích công, ngày càng được nhấn mạnh khía cạnh là một dịch vụ và là một khoản đầu tư cho tương lai của cá nhân.

Bối cảnh đại chúng hóa này cũng khiến đầu tư của nhà nước dành cho GDĐH sụt giảm mạnh trên toàn cầu, kể cả những nước vốn có truyền thống bao cấp mạnh mẽ cho GDĐH ở phương Tây như Anh, Đức, v.v. Đầu tư công giảm tỉ lệ thuận với mức tăng học phí. Nhiều nước đã phải tăng học phí một cách đáng kể và ngày càng dựa vào nguồn thu từ người học, thậm chí xem việc thu hút sinh viên quốc tế là một hình thức xuất khẩu dịch vụ giáo dục có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, như trường hợp Úc, hay New Zealand.

Học phí ĐH ở Hoa Kỳ tăng gấp 3 lần từ năm 1985 đến nay (đã điều chỉnh theo mức lạm phát)[1]và nhanh hơn lạm phát gấp 5 lần[2]. Tổng nợ của sinh viên Mỹ hiện nay là 1, 2 ngàn tỉ USD[3]. Phụ lục 1 của bản khuyến nghị VED nêu rất rõ những con số cho thấy mức sụt giảm đầu tư công cho GDĐH ở Mỹ (trung bình giảm hơn 50% so với năm 1987). Đây là xu hướng chung ở nhiều nước, và cũng là lý do khiến GDĐH tư ở khu vực Đông Á phát triển rất nhanh và mạnh mẽ trong mấy thập kỷ qua.

Hai là lạm phát bằng cấp và tình trạng thất nghiệp của sinh viên, đặc biệt là ở những nước mà GDĐH tăng trưởng quá nóng, tiêu biểu là Trung Quốc (TQ). Từ năm 1998 đến 2008, số sinh viên TQ tăng từ 3,4 đến 21,5 triệu. Con số chính thức được Bộ GD TQ công bố về tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp trong ba năm qua là khoảng 30%[4], và những người có việc thì lương không đủ sống, theo một khảo sát trên 8700 cựu sinh viên TQ đã được công bố. Chính quyền Bắc Kinh cho biết riêng ở thủ đô đã có 160 ngàn “bộ lạc kiến”, từ mà nhà nghiên cứu Lian Si đặt cho những cử nhân thất nghiệp tụ họp lại cùng nhau thành một nhóm nhỏ sống lang thang ngoài phố và kiếm ăn bằng những việc tạm bợ[5].

Vì sao vậy? Do ý thức rõ rệt về vai trò của GDĐH trong việc phát triển nền kinh tế tri thức, cũng như do khát vọng khẳng định địa vị địa chính trị của quốc gia, chính phủ đã đẩy mạnh việc mở rộng hệ thống GDĐH nhằm tăng số người được đào tạo ở bậc ĐH. Tuy nhiên, sự mở rộng quá nhanh về số lượng đã phải trả giá bằng sự sụt giảm về chất lượng. Ngoài tấm bằng, những người học xong ĐH cũng không khác biệt bao nhiêu so với những người không được học ĐH. Nhà trường trang bị cho họ những kiến thức mà họ không cần dùng đến, còn những thứ mà họ cần để có thể thích ứng trong thị trường lao động toàn cầu thì nhà trường rất thiếu hụt. Hệ quả là, họ không đủ sức làm thay đổi cơ cấu hiện tại của nền kinh tế, vốn đang dựa vào lao động giản đơn nhiều hơn là lao động chất xám.

Yếu tố thứ ba là sự phát triển vượt bậc của công nghệ truyền thông khiến nhà trường không còn là nơi độc quyền cung cấp tri thức nữa. Điều này đặt ra một áp lực thay đổi to lớn với các trường, bởi vì, khi tấm bằng không còn có giá như xưa nữa, nếu nhà trường chỉ làm được một việc là cung cấp kiến thức, thì quả thật nó không còn lý do để tồn tại.

Vấn đề của Việt Nam

Việt Nam cũng không ra ngoài bối cảnh trên đây. Thêm vào đó, còn một số khó khăn xuất phát từ hoàn cảnh đặc thù. Việc giải quyết bài toán tài chính ĐH không thể tách rời với việc phân tích đầy đủ những yếu tố ấy.

Giống như Trung Quốc, GDĐH Việt Nam cũng tăng trưởng quá nóng trong hai thập niên qua, và cũng đang đối mặt với tình trạng cử nhân thất nghiệp. Câu hỏi “học ĐH để làm gì” đang đặt ra nóng bỏng hơn bao giờ hết khi học phí đang tăng và sẽ tiếp tục tăng. Con số người vào ĐH đã giảm liên tục từ năm 2011 đến nay và nhiều ngành ở một số trường đã phải đóng cửa do không tuyển đủ người học, là một câu trả lời bằng hành động của công chúng. Nếu chính sách không kịp thời can thiệp, sự phát triển của GDĐH sẽ chựng lại và chúng ta sẽ không có đủ một lực lượng lao động kỹ năng cao cần thiết cho hội nhập kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh thực tế đó, chúng ta có thể làm gì?

Liệu ngân sách có thể tăng thêm nguồn tài trợ? Chưa cần phải nói đến xu hướng tất yếu toàn cầu là tỉ trọng ngân sách công trong tổng chi của GDĐH ngày càng giảm như đã nêu trên, trong trường hợp Việt Nam, từ năm 1998 đến nay, chính phủ đã tăng dần đầu tư cho giáo dục từ mức hơn 13% lên 21,4% tổng chi ngân sách nhà nước và hiện nay chiếm khoảng 6,3% GDP[6] (trong lúc Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc lần lượt là 2,5; 3,2; 4,2; 4,2 phần trăm GDP)[7]. Với tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục như trên, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới[8]. Nếu chỉ tính riêng GDĐH thì khoản chi này chiếm 11, 2% tổng chi của ngân sách nhà nước (tăng dần từ 9,1% năm 2001 đến nay) và chiếm 1,2% GDP (so với Thái Lan 0,6%, Indonesia 0,5%, Hàn Quốc 0,9%, Nhật Bản 0,8%, 2010)[9]. Đầu tư ngân sách cho mỗi sinh viên tăng từ 1.051.000 đ năm 2001 đến 6.133.000 đ năm 2010 và tăng chậm hơn từ đó cho đến nay, hiện vào khoảng 7 triệu đồng/năm/sinh viên[10].

Trong lúc đó, theo The Economist ngày 3/5/2015, nợ công của Việt Nam đang ở mức 89,07 tỷ USD, chiếm 46,6% GDP, bình quân nợ công đầu người là 979,77 USD. Trong chi tiêu công, các chuyên gia của Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, mức chi tiêu đang rất cao so với các nước, chiếm hơn 30% GDP. So sánh với Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Indonesia, mức chi tiêu các chính phủ này chỉ từ 15-18% GDP. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng ngân sách dùng để trả nợ công trong năm 2015 khoảng 282.000 tỷ đồng, tương đương 31% tổng thu ngân sách. Trong khi chi thường xuyên ngân sách khoảng 72%. Cộng lại là hơn 100% tổng thu ngân sách. Rõ ràng là không còn đồng nào để đầu tư. Bên cạnh đó, báo cáo của Viện Kinh tế cũng nêu rõ, thu ngân sách lại thiếu bền vững[11]. Vì vậy, khả năng để tăng thêm đầu tư nhà nước cho GDĐH là ít khả thi.

Có một thực tế là học phí ở trường công hầu như không tăng trong hai thập niên qua nếu ta điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát. Hiện nay, mức học phí trung bình của trường ĐH công lập vào khoảng 560.000 đồng và đối với trường tư là 2.395.980 đồng/tháng. Nhìn vào mặt bằng giá cả hiện nay, mức học phí này còn thấp hơn cả tiền gửi trẻ ở nhà trẻ và số tiền trên chỉ ngang bằng một bữa ăn trong một nhà hàng trung bình ở các thành phố lớn.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nói gì về khả năng chi trả của người dân? Nếu tính gộp các chi phí liên quan đến học ĐH, tổng chi phí cho việc học ở ĐH công chiếm đến 97% trong tổng thu nhập của các gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng) và chiếm 38,5% đối với nhóm thu nhập trung bình (từ 5-10 triệu/tháng). Nếu học trường tư, tỉ lệ này lên tới 122% thu nhập của gia đình nhóm thu nhập thấp và 58,6% đối với nhóm thu nhập trung bình[12]. Điều này có nghĩa là bất kỳ chính sách tăng học phí nào cũng cần quan tâm thích đáng đến vấn đề công bằng xã hội, tức là hỗ trợ sinh viên từ các gia đình có thu nhập thấp, vì nếu không, nó sẽ làm giảm lập tức số người được đào tạo bậc cao, và quan trọng hơn, làm giãn rộng khoảng cách về cơ hội và tạo ra bất ổn xã hội.

Điều này không có gì mới, và đã được đề cập nhiều lần trong các thảo luận về chính sách, kể cả trong bản khuyến nghị của VED. Điều đáng nói hơn là cơ chế để thực thi điều này. Bản khuyến nghị của VED đã nêu ra một điểm đáng chú ý, chúng tôi cho rằng nó cần được thể chế hóa bằng quy định, là bắt buộc các trường công cũng như tư, dành ra một tỉ lệ nhất định trong tổng thu học phí cho quỹ học bổng, với các tiêu chuẩn và quy trình xét chọn học bổng công khai. Cách làm này thực chất là dùng tiền của người giàu để chi cho người nghèo, và mở ra một cánh cửa cho bất cứ ai cũng có thể bước vào ĐH nếu có nỗ lực xứng đáng.

Bài viết này muốn bàn đến những giải pháp ít được bàn đến hơn, đó là tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực ở khu vực công và chính sách đối với khu vực tư.

Hiệu quả sử dụng nguồn lực ở các trường công lập

Theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2011 trong khuôn khổ một dự án do UB Ngân sách Quốc hội chủ trì, số liệu thống kê cho thấy hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục trong giai đoạn 2000-2010 ở Việt Nam là thấp và thuộc loại thấp nhất trong khu vực và trên thế giới[13].

Sở dĩ mọi đề xuất tăng học phí đều vấp phải phản ứng mạnh mẽ của xã hội, không hẳn chỉ vì mọi người đã quen với tư duy bao cấp, mà một phần quan trọng là vì niềm tin của công chúng đối với các trường công lập nói riêng và khu vực công nói chung rất yếu. Điều này là hệ quả trực tiếp của việc thiếu một cơ chế hữu hiệu về trách nhiệm giải trình. Yêu cầu về Ba công khai của Bộ (công khai về tài chính, đội ngũ và cơ sở vật chất) đã ban hành từ năm 2009, nhưng có rất ít trường thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc; những trường không có báo cáo Ba Công khai trên trang web hoặc có một cách sơ sài, thì cũng không sao cả.

Mặc dù mức thu học phí ở các trường công hiện rất thấp, chỉ khoảng 5,6 triệu đồng/năm, nhưng cộng với chi ngân sách khoảng 7 triệu đồng/năm là vào khoảng hơn 12 triệu đồng. Đó là chưa tính khoản bao cấp về đất đai, trường sở. Hiện chưa có con số chính thức nào cho biết nếu tính thành tiền đất đai và cơ sở có sẵn của các trường công, thì con số này trung bình là bao nhiêu. Tạm ước tính dựa trên số tiền thuê cơ sở vật chất của một trường tư, thì con số này không dưới 3 triệu đồng/năm trên mỗi sinh viên. Như vậy suất đầu tư ở trường công hiện nay xấp xỉ 15 triệu đồng, tức khoảng 50% GDP đầu người, một con số không phải là nhỏ so với các nước. Con số này của Việt Nam, theo thống kê năm 2012 của UNESCO là 41,24% GDP đầu người, trong lúc ở Hoa Kỳ là 20,08%, Pháp và Phần Lan 37%, Úc 20%, Nhật 24,1%, Hong Kong 30,3%, Cambodia 27% và Malaysia là 60,9%[14].

Vì vậy, tăng nguồn đầu tư công cho GDĐH vừa không khả thi, vừa không hợp lý so với bức tranh chung toàn cầu. Giải pháp hợp lý cho các trường công không phải chỉ là tăng học phí, mà còn là, và chủ yếu phải là, cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Hiệu quả sử dụng nguồn lực ở các trường công lập là hệ quả trực tiếp của cơ chế quản trị ở cấp trường và cấp hệ thống. Cùng với đề xuất tăng đầu tư, VED khuyến nghị tăng cường tự chủ tài chính cho các trường, cụ thể là “được toàn quyền quyết định các vấn đề như số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo, chi tiêu từ lương đến các khoản chi và đầu tư khác ở mức thị trường, tiền hỗ trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ. Có cơ chế giám sát nội bộ và từ bên ngoài để chống lạm dụng quyền tự chủ này. Có cơ chế cung cấp thông tin cho người dân lựa chọn trường”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tự chủ tài chính mà không gắn với quyền tự chủ trong việc lựa chọn lãnh đạo nhà trường và tự chủ trong hoạt động chuyên môn, thì không có mấy ý nghĩa trong việc cải thiện chất lượng và hiệu quả.

Bài toán tài chính cho GDĐH Việt Nam không thể tách rời sự phát triển của khu vực ngoài công lập, và điều này nhất quán với xu thế chung của khu vực cũng như toàn cầu. Nhóm VED đã có nhận định rất đúng rằng “Cơ chế thị trường cần được coi là động lực mạnh mẽ nhất để nâng cao chất lượng GDĐH, huy động nguồn thu và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Dùng thị trường làm động lực có nghĩa là tăng tự chủ, tạo điều kiện cho các trường (công và tư) cạnh tranh với nhau về chất lượng giáo dục, mức học phí, số lượng tuyển sinh, và qua đó, phục vụ xã hội tốt hơn”.

Để điều này có thể trở thành hiện thực, thì rất cần phải có một môi trường chính sách lành mạnh và ổn định cho khu vực tư, để nhà đầu tư an tâm xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, một điều kiện tiên quyết cho việc đảm bảo chất lượng.

Ghi chú:

[1] Nguồn: College Board.

[2] Nguồn: Economist 03.04.2015.

[3] Nguồn: Economist 28.3.2015

[4] Nguồn: Báo Pháp Luật ngày 06.07.2014.

[5] Nguồn: Ian Johnson, Wall Street Journal 23.04.2009, Đàm Quang Minh dịch

[6] Nguồn: World Bank, 2012

[7] Nguồn: World Bank, 2012

[8] Nguồn: Trịnh Tiến Dũng (2012). Một số vấn đề nổi lên qua nghiên cứu bước đầu về chi tiêu ngân sách nhà nước cho GDĐH ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Đổi mới Cơ chế Tài chính đối với GDD9H do UB Ngân sách tài chính QH tổ chức tháng 11.2012. Trang 227-238.

[9] Nguồn: World Bank 2012.

[10] Nguồn: Nguyễn Ngọc Anh, 2012. Cơ chế phân bổ ngân sách cho ĐH công lập: hiện trạng và khuyến nghị. Kỷ yếu Hội thảo Đổi mới Cơ chế Tài chính đối với GDD9H do UB Ngân sách tài chính QH tổ chức tháng 11.2012. Trang 262. Bài này rút ra từ Báo cáo Nghiên cứu Phân bổ Ngân sách Nhà nước cho các trường ĐH VN, thuộc Thành phần 1.2 Về Tài chính, thuộc Dự án GDĐH 2 của Bộ GD-ĐT.

[11] Nguồn: http://bizlive.vn/tai-chinh/ts-le-dang-doanh-no-cong-viet-nam-cao-hon-adb-canh-bao-896779.html.

[12] Nguồn: Nguyễn Ngọc Anh, 2012. Tài liệu đã dẫn, trang 269.

[13] Nguồn: Trịnh Tiến Dũng, 2012 (đã dẫn), trang 228.

[14] Nguồn: UNESCO 2012