Về Điều lệ Trường ĐH:

VẪN CÒN MỘT MẢNG TRỐNG: TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH

Phạm Thị Ly (2014)
(Bài đăng Báo Người lao Động ra ngày 27.12.2014)

Nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dieu-le-truong-dai-hoc-trong-trach-nhiem-giai-trinh-20141227212655173.htm

Điều lệ Trường ĐH vừa ban hành, là một văn bản rất quan trọng vì nó sẽ thay thế các văn bản pháp quy về quản lý nhà nước đối với trường ĐH hiện đang được áp dụng, như QĐ 58, 61 và 63 của Thủ tướng, và là một bộ khung pháp lý hoàn chỉnh mà người ta mong đợi là sẽ phản ánh được những bước tiến mới trong nhận thức về quản lý nhà nước trong khu vực GDĐH, và tạo ra một không gian mới cho sự phát triển của các trường.

Điểm tiến bộ của Điều lệ Trường ĐH là phạm vi áp dụng chung cho các trường công lập và tư thục, phản ánh một nhận thức rõ hơn về tính chất bình đẳng của các trường không phân biệt công tư. Hẳn nhiên là trường công và trường tư có những khác biệt quan trọng trong tính chất sở hữu, trong nguồn vốn đầu tư, và trong sứ mạng, cho nên sẽ có khác biệt trong cách thức quản lý vận hành và giải trình trách nhiệm; và có những vấn đề đặc thù của nó, vì vậy có một chương riêng cho tổ chức và hoạt động của từng loại trường là hợp lý.

Một số điểm tiến bộ khác so với các văn bản trước đây, là đã có một mục riêng về ĐH tư không vì lợi nhuận,thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của nhà nước trong việc xây dựng GDĐH tư; mặc dù vẫn không có những minh định rõ ràng về quyền sở hữu. Điều lệ Trường ĐH đã tiến thêm một bước so với trước đây trong việc xác lập cơ cấu quản trị của các trường theo hướng tăng cường mức độ tự chủ. Tuy vậy, vẫn còn một số điểm sẽ có thể gây ra nhiều vướng mắc khi áp dụng trong thực tế.

Vấn đề quản trị của trường ĐH

accountability 2Đối với trường công lập, Điều lệ Trường ĐH đã cải thiện thẩm quyền của Hội Đồng Trường (HĐT) theo hướng tiến đến gần hơn với thực tiễn quốc tế: tuy chưa có thẩm quyền tuyển dụng và sa thải Hiệu Trưởng, Điều lệ Trường ĐH đã quy định cho HĐT thẩm quyền được “ Giới thiệu nhân sự Hiệu trưởng (HT), Phó HT để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định” “đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của HT, các Phó HT; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm HT, Phó HT không hoàn thành nhiệm vụ; tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm HT, Phó HT giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết” (Điều 9).

Nói cách khác, HĐT ở trường công, tuy chưa phải cơ quan có quyền quyết định cao nhất của nhà trường, đã “được” tham gia vào quá trình ra quyết định với những vấn đề quan trọng bậc nhất đối với nhà trường. Tuy chưa phân biệt thật rõ vai trò lập pháp và hành pháp, cần ghi nhận một điểm tiến bộ rất đáng kể được nêu trong Điều lệ, là Chủ tịch HĐT không kiêm nhiệm HT hay Phó HT. Dù vậy, có một điều hạn chế là thành phần HĐT không bao gồm cán bộ quản lý cấp trung, cựu sinh viên và sinh viên. Đây là một điều đáng tiếc, vì sinh viên là đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất bởi các quyết định của nhà trường và HĐT cần lắng nghe quan điểm của họ.Sự có mặt của sinh viên trong HĐTchẳng những là một thực tế phổ biến ở Hoa Kỳ, mà họ còn là thành viên đương nhiên của HĐT, do Hội đồng Giảng viên bầu chọn. Có trường, cựu sinh viên chiếm một nửa tổng số thành viên HĐT[1].

Ở Đan Mạch, Singapore, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, hầu như tất cả thành viên HĐT đều ở ngoài trường và không thuộc về chính phủ. Một số nước khác như  Australia, Colombia, Philippines thì quy định trong Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức hoạt động của trường về những thành phần của HĐT nhằm đảm bảo sự đa dạng, ví dụ như sự có mặt của sinh viên, cựu sinh viên, hay nữ giới (như ở Tanzania), hay của nhà tài trợ (như trường hợp University of Cape Town) hoặc cộng đồng ở địa phương (như trường hợp Chile, Malaysia, Spain) và sau này, nhiều trường muốn có cả học giả/nhà quản lý quốc tế trong thành phần của HĐT nhằm giúp nhà trường bắt kịp những kinh nghiệm quốc tế trong GDĐH (như trường hợp University of Botswana, University of Nairobi (Kenya), University of Tokyo, và các trường công của Thái Lan).

Đối với trường tư, điểm tiến bộ đáng ghi nhận là sự phân biệt rõ ràng cơ cấu thẩm quyền của trường ĐH vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận (LN), theo hướng giảm nhẹ quyền lực của những người góp vốn ban đầu và tăng cường thẩm quyền của cộng đồng giảng viên, nhân viên trong trường đối với mô hình không vì LN. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là quy định về thành phần của HĐQT đối với trường không vì LN hầu như không có gì khác với trường vì LN, ngoài việc thành viên góp vốn chiếm không quá 20%, và quan trọng hơn là không có một cơ chế kiểm soát nào đối với bộ phận điều hành nhà trường, nhất là không có quy định nào ngăn chặn Chủ tịch/Phó Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm Hiệu Trưởng, là điều có khả năng sẽ biến  trường không vì LN thành ra là “trường của cá nhân Hiệu Trưởng” trên thực tế.

Vấn đề trách nhiệm giải trình

Có thể nói điểm yếu nhất của Điều lệ Trường ĐH là về trách nhiệm giải trình của trường ĐH. Trong toàn bộ văn bản 21.502 từ, chỉ vỏn vẹn có 110 từ nói về trách nhiệm giải trình của nhà trường, và chủ yếu là nhấn mạnh trách nhiệm về an ninh chính trị. “Trách nhiệm xã hội của trường đại học thể hiện ở các hoạt động: báo cáo, công khai và giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan về các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật; cam kết với cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động để đạt được các cam kết ấy; không để bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của trường để tiến hành các hoạt động trái với các quy định của pháp luật và của Điều lệ Trường ĐH này» (Khoản 3 Điều 5).accountability_word-cloud

Trong hai thập kỷ qua, vấn đề tự chủ ĐH đã và vẫn đang là trọng tâm chính sách cần cải thiện nhằm giải phóng tiềm năng và động lực tự cải thiện của các trường. Nhưng tự chủ mà tách rời trách nhiệm giải trình thì sẽ là một thảm họa. Điều lệ chỉ đòi hỏi các trường thực hiện việc báo cáo, công khai và giải trình “theo các quy định của pháp luật”, một cụm từ thường được dùng để thu hẹp ngoại diên của các khái niệm. Nói cách khác, chừng nào pháp luật còn chưa quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình của các trường, thì các trường không việc gì phải bận tâm. Còn các bên liên quan, chẳng hạn những người dân đóng thuế để nuôi các ĐH công, hay những người nông dân đã chắt chiu từng đồng đóng học phí cho con vào các trường ĐH tư, thì hãy đợi đấy.

Hiện nay, các trường ĐH Việt Nam, công cũng như tư, đang rất yếu kém về trách nhiệm giải trình. Mục đích và phạm vi của trách nhiệm giải trình đối với trường ĐH khá đa dạng. Ở mức cơ bản nhất, chính sách “ba công khai” được ban hành năm 2009  đã nêu rõ tất cả các cơ sở GDĐH phải thực hiện công khai trên cổng thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin khác về ba vấn đề sau. Thứ nhất, công khai những hoạt động nhà trường đang thực hiện (bao gồm khung chương trình đào tạo chi tiết, các hoạt động nghiên cứu, quy trình kiểm định chất lượng), thứ hai, nguồn vốn và nhân lực của trường (bao gồm chi tiết về đội ngũ giảng viên, về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và chỗ ở cho sinh viên), và thứ ba, nguồn thu của trường (bao gồm học phí và nguồn thu từ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, v.v.v.) và hoạt động chi (bao gồm lương, chi phí đào tạo, và chi phí cho xây dựng, sửa chữa và mua sắm thiết bị). Chủ trương ‘Ba công khai” của Bộ GDĐT là một chính sách rất tiến bộ và rất đáng hoan nghênh, đã không được thực hiện đầy đủ. Nhiều trường không có những thông tin trên đây được nêu công khai trên trang web, hoặc có một cách rất sơ sài. Cũng chưa có bất cứ trường nào bị kỷ luật vì không thực hiện trách nhiệm giải trình này, dù Bộ đã có quy định và hướng dẫn thực hiện. Hệ quả của điều này là lòng tin của xã hội đối với trường ĐH đã và đang tiếp tục bị xói mòn nghiêm trọng. Từ xưa đến nay, trong mọi xã hội, trường ĐH được xem là một tổ chức đáng được tôn trọng, bởi nó là cột trụ tinh thần của xã hội, bởi nó là thành trì cuối cùng của niềm tin vào tương lai, bởi nó là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ sự chính trực và thông thái. Nếu nó không thể thực hiện được trách nhiệm giải trình của mình, không thể biện minh được cho những chính sách và quyết định của mình trước công chúng, thì làm sao xã hội có thể duy trì được sự tin tưởng và lòng tôn trọng với nó?

Quản lý nhà nước đối với các trường ĐH

Điều lệ Trường ĐH đã quy định quá chi tiết và quá dài dòng về những phần việc đáng lẽ thuộc thẩm quyền quyết định của các trường. Bởi quá chi tiết cho nên rất dễ thiếu sót. Ví dụ, Điều 3 quy định tên của trường đại học bao gồm: “a) Cụm từ xác định loại trường: trường ĐH, học viện; b) Cụm từ xác định loại hình trường, lĩnh vực, ngành nghề đào tạo (nếu cần); c) Tên riêng: tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, lịch sử Việt Nam, tên cá nhân, tổ chức; d) Cụm từ xác định chất lượng, đẳng cấp nếu cần và theo quy định của Bộ GDĐT”. Theo quy định này thì tên gọi Trường ĐH Hoa Sen là không hợp lệ. Mặt khác quy định “Tên của trường không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở GDĐH đã được thành lập” là thừa vì điều này áp dụng cho bất cứ loại hình tổ chức nào khi thành lập mới.

Điều này thể hiện một tư duy đã lỗi thời: “chỉ được làm những gì đã nêu trong quy định” trái với tinh thần “được làm tất cả những gì pháp luật không cấm” và “phải làm những gì pháp luật đòi hỏi” là điều đã trở thành một giá trị phổ quát trong mọi xã hội văn minh. Điều cần làm nhất trong công tác quản lý nhà nước, với tư cách là người bảo vệ lợi ích công, là đòi hỏi trách nhiệm giải trình công khai của các trường, và thiết lập một hành lang pháp lý giúp cho các trường có một hệ thống quản trị lành mạnh. Đó là những điều, rất tiếc, chưa thể hiện rõ trong Điều lệ Trường ĐH.

[1]http://governingboards.rutgers.edu/