Ghi nhận từ Hội thảo

“MỞ RỘNG VÀ NÂNG CAO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NHẰM KÍCH THÍCH SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI: MỘT LỊCH TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐANG HÌNH THÀNH CHO CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG”

Phạm Thị Ly (2014)

Bối cảnh và mục tiêu chính của Hội thảo

Giáo dục đại học (GDĐH) đang mở rộng quy mô tăng trưởng trên phạm vi toàn thế giới với một tốc độ chưa từng có trước đây, nhưng ấn tượng nhất là ở Châu Á. Từ năm 1998 đến nay, số sinh viên ở Trung Quốc đã tăng từ 6 triệu lên đến 29 triệu, hiện nay là hệ thống lớn nhất thế giới, với tỉ lệ dân số vào ĐH trong độ tuổi tăng gần 4 lần từ 7% đến 25% trong vòng chỉ 15 năm. Ở một số thành phố lớn, tỉ lệ này là trên 80%[1]. Ấn Độ có 11 triệu sinh viên, lớn thứ ba trên thế giới. Tỉ lệ vào ĐH trong độ tuổi hiện rất cao ở một số nước: Hàn Quốc đã đạt đến gần 100%. Trên phạm vi toàn cầu, nếu như tổng số sinh viên tất cả các nước là 13 triệu vào năm 1960, thì năm 1995, con số đó là 82 triệu, và năm 2011 là 200 triệu (Philip G. Altbach, 2012). Ở Việt Nam mức tăng cũng không kém ấn tượng: từ 160.000 sinh viên năm 1993 tăng đến 2.177.299 năm 2013, tức 14 lần trong vòng 20 năm[2].

Cùng với mức tăng trưởng chóng mặt ấy, những quan ngại về chất lượng cũng ngày càng lớn. Tuy sự đóng góp của nghiên cứu khoa học (NCKH) và đổi mới công nghệ trong sự phát triển chung của nền kinh tế và của xã hội là một điều đã rõ ràng, nhưng vai trò của trường ĐH trong việc đào tạo lực lượng nghiên cứu và lao động kỹ năng cao cho nền kinh tế tri thức lại dường như đang bị thách thức dữ dội, nếu chúng ta nhìn vào số người có bằng ĐH đang thất nghiệp, hay nhìn vào sự tách rời giữa trường ĐH và giới doanh nghiệp, nhìn vào những nghiên cứu đỉnh cao hiện nay đã và đang được thực hiện bên ngoài trường ĐH như thế nào. Đặc biệt là ở những nước đang phát triển, nơi mà kỳ vọng của cả nhà nước và người dân đặt ra cho GDĐH là rất cao trong lúc năng lực của nhà trường nhằm đáp ứng những kỳ vọng ấy thì khá hạn chế.

Để cải thiện chất lượng hoạt động và hướng tới những thành tựu như những gì các trường ĐH lâu đời ở phương Tây đã đạt được, nhiều nước đã và đang tiếp tục tìm kiếm kinh nghiệm và bài học từ các nước phát triển để học hỏi và tìm cách áp dụng cho thực tế của nước mình. Trong quá trình đó, người ta ngày càng nhận thức rõ hơn khoảng cách trong năng lực nghiên cứu giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, và đang có một nhu cầu ngày càng lớn về việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước trong khu vực nhằm học hỏi lẫn nhau và vươn tới sự ưu tú; cũng như nhu cầu hợp tác trong NCKH giữa các nước phát triển và đang phát triển. Hội thảo này được thực hiện nhằm thảo luận về những vấn đề nổi bật hiện đang được các nước quan tâm, và về khả năng xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững trong NCKH và GDĐH của các nước trong vùng.

Một số nội dung chính của Hội thảo

Hội thảo này gồm 35 thành viên của 11 quốc gia, bao gồm Australia, Nhật Bản, Nam Phi, Uganda, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam. Thành phần tham dự là những người đã đang làm việc trong hệ thống GDĐH ở những cương vị khác nhau và khá đa dạng, bao gồm một số chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực nghiên cứu về GDĐH như Molly Lee (Malaysia), Lynn Meek, Alan Pettigrew (Australia); đại diện của tổ chức UNESCO tại Bankok, Thái Lan, và phần lớn là những người đang giữ chức vụ quản lý từ phụ trách chương trình cho đến Viện trưởng của các Viện Nghiên cứu về GDĐH và hiệu trưởng trường ĐH của các nước. Đơn vị tổ chức hội thảo là Viện Nghiên cứu Lãnh đạo và Quản lý GDĐH LH Martin dưới sự lãnh đạo của Viện Trưởng Leo Goedegebuure và người trực tiếp điều hành hội thảo là GS. Hamist Coast của Trung tâm Nghiên cứu GDD9H, University of Melbourne.

Hội thảo đã dành phần lớn thời gian thảo luận về lịch trình phát triển chính sách cho GDĐH và NCKH, những thách thức trong việc phát triển và đa dạng hóa hệ thống GDDH của mỗi nước từ tinh hoa đến đại chúng, cũng như thảo luận về khả năng thiết lập một mạng lưới nghiên cứu GDĐH trong vùng.

Ba vấn đề được đặc biệt chú ý là: quản lý chất lượng trong bối cảnh mở rộng, quốc tế hóa, và đào tạo tiến sĩ. Thật ngạc nhiên là mặc dù bối cảnh kinh tế và đặc điểm văn hóa của các nước trong vùng hết sức đa dạng, ta có thể thấy rất nhiều điểm chung giữa các nước. Hầu như các nước này đều đang phải đương đầu với những vấn đề rất giống nhau, từ tăng trưởng nóng dẫn đến chất lượng không theo kịp (Morshidi- Malaysia; Tilak- India; Ly Pham- Vietnam; Chenwen Hong and Fang Fang- China; v.v.); thái độ học vì bằng cấp, giá trị của tấm bằng và sự trân trọng đối với học vấn đại học (Seeram- Singapore, Molly Lee, v.v.). Tuy vậy, mỗi nước có những kinh nghiệm và đáp ứng khác nhau với những thách thức đó. Ở Malaysia là vấn đề bảo đảm tính đa dạng trong sinh viên qua chế độ ưu tiên trong tuyển sinh ĐH. Ở Ấn Độ là vấn đề tăng cường bình đẳng trong tiếp cận ĐH. Ở Trung Quốc là những nỗ lực nhằm xây dựng một hệ thống đa dạng hóa nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau từ tinh hoa đến đại trà. Ở Việt Nam là sự tham gia của khu vực tư và của các đối tác quốc tế dưới nhiều hình thức đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng tiếp cận ĐH của công chúng và mang lại một sinh khí mới trong GDĐH cho một bộ phận người dân có khả năng tài chính và có nhu cầu tiếp cận nền GD với chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam.

Về chủ đề quốc tế hóa, hội thảo đã thảo luận về những gì đang diễn ra trong thực tế của các nước nhằm tối ưu hóa những chiến lược phát triển cho hệ thống GDĐH của nước mình dưới tác động của toàn cầu hóa. Chenwen Hong và Fang Fang (Trung Quốc)[3] trình bày một kinh nghiệm xây dựng hệ thống chỉ báo đánh giá về mức độ quốc tế hóa bao gồm 80 chỉ tiêu. Nhóm nghiên cứu của ông đề xuất một hệ thống đo lường gồm 7 chỉ tiêu cấp một, 21 chỉ tiêu cấp hai (cụ thể hóa chỉ tiêu cấp 1) và 54 chỉ tiêu cấp ba (cụ thể hóa chỉ tiêu cấp hai). Bảy chỉ tiêu cấp một bao gồm kế hoạch chiến lược (chẳng hạn như có đặt ra mục tiêu quốc tế hóa hay không, có nêu lên trong những tuyên ngôn hay diễn văn quan trọng nào không, và nhà trường có kế hoạch chiến lược để thực hiện quốc tế hóa hay không); giảng viên; sinh viên; chương trình đào tạo; hoạt động giảng dạy; cơ sở vật chất; và bản sắc riêng của nhà trường.

Nhật Bản mặc dù đã từng nắm giữ vai trò có những trường ĐH hàng đầu trong khu vực trong những năm 90, chủ yếu là qua sự bảo vệ mạnh mẽ hệ thống GDĐH quốc gia, hiện đang thừa nhận rằng điểm yếu trong mức độ quốc tế hóa của họ là trở ngại chính trong việc duy trì một vị thế cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa. Tuy vậy, động lực của việc xây dựng những trường ĐH đẳng cấp quốc tế chủ yếu là từ nhà nước hơn là từ các trường. Khó khăn của Nhật Bản hiện nay thể hiện qua số lượng bài báo khoa học có đồng tác giả nước ngoài kém xa so với Anh, Pháp và Đức; số sinh viên Nhật Bản đi du học ở nước ngoài đã giảm gần một nửa từ 82.945 năm 2004 xuống còn 57.501 trong năm 2011. Hơn thế nữa, Nhật Bản đang cạnh tranh giành sinh viên nước ngoài với những đối thủ nặng ký là Trung Quốc và Ấn Độ. Để đáp ứng với những thách thức đó, Nhật Bản đã xây dựng một chiến lược đầu tư mạnh mẽ cho việc quốc tế hóa với những chỉ báo cốt lõi bao gồm mức độ đa dạng (tỉ lệ giảng viên và sinh viên nước ngoài), mức độ năng động (số giảng viên có trải nghiệm quốc tế qua tham dự hội thảo, hợp tác nghiên cứu, thỉnh giảng; số sinh viên tham gia các chương trình giao lưu quốc tế…); ngoại ngữ (mức độ sử dụng ngoại ngữ trong mọi hoạt động) và sự công nhận quốc tế thông qua quy trình bảo đảm chất lượng (Akiyoshi Yonezawa, Nhật Bản). Có thể nói, những nỗ lực mà các trường ĐH Nhật đang thực hiện cũng tiêu biểu cho những gì các trường ĐH khác trong khu vực hướng tới tuy với những mức độ và đặc điểm khác nhau tùy vào bối cảnh từng nước.

Đào tạo tiến sĩ là một nội dung quan trọng của việc xây dựng năng lực nghiên cứu quốc gia.  Seeram (ĐH Quốc gia Singapore)[4] hình dung một viễn cảnh mới về đào tạo tiến sĩ trong thế kỷ 21 từ bức tranh thực tế ngày nay: hiện đang có 200 triệu sinh viên học trong hơn 20 ngàn trường ĐH trên thế giới, trong đó có khoảng từ 5 đến 10 triệu đang học thạc sĩ và tiến sĩ. Ngày nay Thomson Reuteur đang lưu giữ khoảng 58 triệu bài báo khoa học được tạo ra chủ yếu trong vài thập kỷ gần đây. Ông cho rằng đào tạo sau ĐH rất quan trọng là vì các trường ĐH cần có giảng viên giỏi, doanh nghiệp và khu vực sản xuất cần có các chuyên gia, hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới và sáng tạo cần có lực lượng kế thừa và dẫn dắt mọi sáng kiến cải cách. Trong lúc đó môi trường đào tạo và làm việc của các tiến sĩ ngày càng phức tạp và đòi hỏi cao. Họ phải có nền tảng khoa học vững vàng, thành thạo các công cụ và kỹ năng nghiên cứu, có khả năng làm việc nhóm và hợp tác đa văn hóa, có kỹ năng truyền đạt và công bố kết quả nghiên cứu với giới hàn lâm cũng như với những đối tượng đa dạng hơn ngoài xã hội. Seeram nhấn mạnh rằng nếu như đào tạo tiến sĩ trước đây là một hoạt động đơn ngành, có trọng tâm chuyên sâu rất hẹp và thực hiện ở phạm vi từng trường, từng nước; thì ngày nay, trái lại, nó phải nhấn mạnh những cách tiếp cận liên ngành, đặt trọng tâm vào hợp tác quốc tế, chú ý tư duy doanh nghiệp, và tạo ra tác động thực tế.

Cũng trong chủ đề xây dựng năng lực nghiên cứu, Ranjit Gajendra (Ấn Độ)[5] nhấn mạnh rằng để hoạt động NCKH có thể góp phần giải quyết những vấn nạn chủ yếu trong xã hội, kinh tế, kỹ thuật và môi trường, thì sự hợp tác xuyên quốc gia giữa các nhà nghiên cứu với nhau, giữa giới học thuật với các nhà chuyên môn đang thực thi vai trò chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành, với các nhà làm chính sách và với giới lãnh đạo doanh nghiệp, là điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Bên cạnh sứ mạng truyền thống là giảng dạy và nghiên cứu, vai trò của trường ĐH trong việc gắn kết với nhu cầu của cộng đồng xã hội trong đó có chuyển giao công nghệ và phát triển chính sách, đang được kỳ vọng sẽ trở thành một dòng chủ lưu. Tuy vậy, Ranjit nhận xét rằng hiển nhiên là mức độ ưu tiên hay nhấn mạnh vào giảng dạy hay nghiên cứu, hay chuyển giao công nghệ khác nhau nhiều giữa các trường và các nước, và điều này được phản ánh trong sự đa dạng về chiến lược ưu tiên của các trường.

Đặc biệt, ông cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự hợp tác đang chuyển dần từ chỗ là hợp tác giữa các nước phát triển đến chỗ hợp tác với các nước đang phát triển và mới phát triển; từ chỗ hợp tác giữa cá nhân các nhà khoa học đến hợp tác giữa các trường viện; từ chỗ hợp tác đồng tác giả đến chỗ hợp tác thương mại hóa kết quả nghiên cứu.  Với khu vực Châu Á- Thái Bình Dương vốn là nơi rất đa dạng về lịch sử, văn hóa, dân tộc và thể chế chính trị, để các quan hệ hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia có thể phát triển bền vững, phải có sự gắn kết mạnh mẽ hơn của nhiều bên liên quan, có những phân tích sâu sắc và đánh giá xác thực về quy trình tài trợ và khích lệ hoạt động NCKH ở từng nước, về tư duy khởi nghiệp, khả năng tiếp cận nguồn vốn, vấn đề sở hữu trí tuệ, lịch trình chính trị và môi trường nghiên cứu nhằm tìm kiếm những giải pháp khác nhau thích hợp với bối cảnh từng nước.

Bởi lẽ đó, việc dịch chuyển của giới hàn lâm là một xu hướng quan trọng được nhiều người đề cập đến, mà nổi bật là trong bài trình bày của Lynn Meek (Australia)[6]. Hoạt động NCKH đã trải qua bốn kỷ nguyên phát triển: kỷ nguyên của các cá nhân, của các trường viện, của các quốc gia, và nay là kỷ nguyên của hợp tác quốc tế giữa các nhóm nghiên cứu tinh hoa (Adam, 2013). Tỉ lệ trích dẫn và mọi thước đo tác động khác của những công trình có hợp tác quốc tế đều lớn hơn so với những công trình không có hợp tác quốc tế. Thực tế cho thấy những nước không nuôi dưỡng được nhân tài của mình sẽ là những kẻ thua cuộc hoàn toàn, bởi lẽ ngày nay, sự dịch chuyển xuyên biên giới của trí tuệ và của giới hàn lâm là không gì cản được. Tài năng sẽ thu hút tài năng, không khác nào nước chảy chỗ trũng, khiến nạn chảy máu chất xám của các nước nghèo càng thêm trầm trọng. Tuy vậy, ngày nay, tiến bộ của công nghệ truyền thông đã tạo ra một xu hướng mới: hiện tượng chuyển dịch chất xám tức sự tham gia của các học giả quốc tế vào hoạt động NCKH của nước khác qua hợp tác nghiên cứu, trao đổi giảng viên, và sự hình thành các mạng lưới nghiên cứu quốc tế. Điều cần thảo luận là làm cách nào để thúc đẩy hoạt động của những mạng lưới nghiên cứu quốc tế đó theo cách các bên đều có lợi, thay vì chỉ khai thác chất xám từ những nước nghèo.

Về việc xây dựng một mạng lưới nghiên cứu GDĐH của khu vực

Cuộc thảo luận trên đây đã cho thấy rõ một điều là các nước trong khu vực đang chia sẻ nhiều đặc điểm chung và những mối quan tâm chung, đồng thời mỗi nước lại có thể có những cách tiếp cận đặc thù và những kinh nghiệm riêng mà những nước khác có thể chia sẻ, do sự gần gũi về bối cảnh kinh tế, chính trị và văn hóa. Đó là nền tảng nhận thức để xây dựng một mạng lưới hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia, là điều rất hữu ích và cần được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như UNESCO, hay các định chế tài chính khác như World Bank hay ADB. Tuy không còn là một tổ chức cung cấp tài trợ như trước, UNESCO có một vai trò quan trọng trong việc kết nối các tổ chức và cá nhân cho những hoạt động mang lại lợi ích chung cho khu vực.

Molly Lee (Malaysia)[7] trình bày một bức tranh đa diện về các tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực GDĐH hiện đang hoạt động trong khu vực TBD. Thay cho “quốc tế hóa”, bà nói về “khu vực hóa”. “Khu vực hóa” GDĐH là xây dựng những mối quan hệ và liên kết giữa các tác nhân và các hệ thống GDĐH trong vùng. Có ba cách tiếp cận trong quá  trình “khu vực hóa”: dựa trên chức năng (xây dựng các chương trình hợp tác, các chuẩn mực học thuật chung cho các hệ thống GDĐH); dựa trên hành động chính trị (các tuyên bố, hiệp định, hội nghị thượng đỉnh…); và dựa trên tổ chức (xây dựng các tổ chức mang tính khu vực, các mạng lưới, hay khuôn khổ hoạt động chung, v.v.). Cách tiếp cận chức năng chú trọng hành động thực tế, chẳng hạn thiết lập những chính sách thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc xây dựng những chuẩn mực chung, như hệ thống tiêu chuẩn cho các loại bằng cấp, các cơ chế trao đổi giảng viên và sinh viên, các trung tâm xuất sắc liên quốc gia. Cách tiếp cận tổ chức nhấn mạnh việc thiết lập những thiết chế giúp cho các sáng kiến được thực hiện một cách có hệ thống, chẳng hạn các tổ chức chính phủ và liên chính phủ, các hiệp hội chuyên ngành, các quỹ tài trợ nghiên cứu, và các mạng lưới học giả. Các tổ chức này có thể có vai trò vận động chính sách, xây dựng năng lực, tài trợ nghiên cứu, hỗ trợ các sáng kiến đổi mới. Trong khi đó, cách tiếp cận chính trị thiên về chiến lược và ý chí chính trị nhằm đưa những sang kiến đổi mới về GDĐH vào lịch trình xây dựng chính sách quốc gia của lãnh đạo các nước. Nó giúp thực hiện những chương trình, dự án chủ chốt, tạo ra các cơ chế tài trợ, và biến những nỗ lực đổi mới thành hành động chính thống.

Các tổ chức hay mạng lưới liên quốc gia trong khu vực hoặc có sự tham gia tích cực của các nước trong khu vực hiện nay rất phong phú. Phân loại theo cách tiếp cận chức năng, chúng ta có các tổ chức thúc đẩy giao lưu sinh viên như UMAP (thành lập 1993), CAMPUS ASIA (2010); thúc đẩy kiểm định chất lượng như AUN (1992), APAIE (2006). Các tổ chức này tập trung vào những trường hàng đầu của mỗi nước, vào việc chuyển đổi tín chỉ, lịch trình đào tạo, và chất lượng hoạt động rất khác nhau. Các tổ chức hay mạng lưới chú trọng vào hợp tác đào tạo có Universitas 21 (1997), SEED-NET, ASEAN Graduate Business Economic Program. Về kiểm định chất lượng có APQN (Asia Pacific Quality Network, 2004), AQAN (ASEAN Quality Assurance Network, 2008). Về nghiên cứu có APERA (Asia Pacific Educational Research Association, 2001); HERA (Higher Education Research Association, 2013); AIR (Association of Institutional Research, 1965). Về phục vụ cộng đồng, có SLAN (Service Learning Asia Network, 2000), APUCEN (Asia Pacific University Community Engagement Network, 2009), AUN-USR&S (AUN Universities Social Responsibility and Sustainability, 2010).

Theo cách tiếp cận chính trị, hiện có Brisbane Communique (2006), Chiba Principles (2008), UNESCO Regional Convention of Recognition of Qualifications, SEA Minister of Education Meeting, Tri-lateral Summit, APEC, East Asian Summit, ASEAN+3, +6, +8.

Tuy thế vẫn đang có một khoảng trống về một mạng lưới những người nghiên cứu về quản lý GDĐH và hoạt động NCKH trong khu vực, một tập hợp những người đang hoạt động trong thực tế GDĐH của các nước trong vùng, gắn kết với nhau dựa trên những mối quan tâm chung và có lợi ích chung từ việc chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Vẫn đang có những lĩnh vực rất quan trọng hiện chưa có mạng lưới hay tổ chức nào:  quản lý hoạt động NCKH, tự chủ ĐH, phát triển giảng viên, và những quan sát về hệ thống GDĐH. Một số vấn đề khác cần đặt ra là sự tồn tại bền vững của những tổ chức hay mạng lưới ấy, khả năng tiếp cận của những đối tượng cần được tiếp cận, vai trò của những cá nhân nổi bật, cơ chế tài trợ và một lịch trình hành động chung.

Hội thảo đạt đến sự đồng thuận cao khi hình dung về những giá trị riêng có của mạng lưới này cũng như tương lai của nó. Nó sẽ là một mạng lưới bao gồm không chỉ những người đang hoạt động trong lĩnh vực GDĐH hay NCKH với tư cách nhà quản lý hay giới học thuật, mà còn là các bên liên quan khác như giới doanh nghiệp, viên chức chính phủ, người làm chính sách, các tổ chức tài trợ cho NCKH, v.v. nhằm trao đổi ý tưởng cũng như đóng góp vào việc xác định những vấn đề cần đưa vào nghị trình chính sách để thúc đẩy sự phát triển. Nó không phải là một mạng lưới toàn cầu mà sẽ chỉ tập trung vào những vấn đề quan yếu nhất với các nước trong khu vực, dĩ nhiên là trong bối cảnh và dưới tác động của toàn cầu hóa. Thông qua việc tham gia vào mạng lưới này, các thành viên có thể cùng nhau chia sẻ thông tin, kiến thức, ý tưởng để mở rộng hiểu biết của mình về những gì đang diễn ra trong thực tế ở những nước khác, tăng cường nhận thức về những xu hướng quốc tế và mở rộng cơ hội hợp tác cùng nhau.

Kết luận

 Nhu cầu nâng cao năng lực nghiên cứu của các nước đang phát triển đang cấp bách hơn bao giờ hết, khi NCKH ngày càng trở nên một mục tiêu theo đuổi có tính chất toàn cầu và chịu tác động của toàn cầu hóa. Sự phát triển của hệ thống GDĐH trong hai thập kỷ qua chủ yếu là tập trung vào mở rộng quy mô, hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập và để giải quyết những khiếm khuyết ấy, bên cạnh việc gắn kết với doanh nghiệp và cộng đồng, tăng cường năng lực nghiên cứu sẽ là trọng tâm chính sách ở cả cấp hệ thống và cấp trường viện. Hợp tác giữa các nước trong vùng nhằm chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau là một phương tiện quan trọng để thúc đẩy quá trình đổi mới. Hội thảo này đã đặt nền tảng cho việc xây dựng một mạng lưới nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực GDĐH và NCKH cho các nước vùng châu Á- Thái Bình Dương. Với sự tham gia của một số nước phát triển trong mạng lưới này, và sự có mặt của các học giả ưu tú trong mỗi nước, chúng ta có thể hy vọng vào khả năng đóng góp của nó trong việc xây dựng tương lai của GDĐH ở các nước trong khu vực.

Ghi chú:

[1] Nguồn: Báo cáo của GS. Kai-ming Cheng, Hong Kong University.

[2] Nguồn: Thống kê của Bộ GD-ĐT, trên trang web www.moet.gov.vn

[3] GS. Chengwen Hong là Viện Trưởng Viện Nghiên cứu GDĐH của Trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc). TS. Fang Fang là nghiên cứu viên của Viện này.

[4] Giáo sư Seeram bảo vệ bằng tiến sĩ tại ĐH Cambridge, là một trong 16 người có tỉ lệ trích dẫn cao nhất thế giới, được Thomson Reuters xếp vào danh sách những người có tư tưởng khoa học gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu (xem: http://highlycited.com/ ).

[5] Ranjit Gajendra là người có kinh nghiệm quốc tế phong phú đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong hệ thống giáo dục ĐH ở Anh, Ả Rập và Úc. Hiện ông làm nghiên cứu sinh GDĐH ở Trường ĐH Melbourne (Australia).

[6] GS. Lynn Meek, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Lãnh đạo và Quản lý GDĐH LH Martin, Australia.

[7] GS. Molly Lee nguyên là điều phối viên UNESCO của khu vực Châu Á, vừa nghỉ hưu và đang làm tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế nghiên cứu về GDĐH.