Ghi nhận từ Hội nghị Chuyên gia Cao cấp về GDĐH Châu Á và Khóa hè “Giáo dục Đại học cho Ngày mai”, một chương trình do Khoa Giáo dục Trường Đại học Hong Kong tổ chức từ ngày 15-28 tháng 6 năm 2014 tại Hong Kong, dành cho các nhà làm chính sách, các nhà quản lý ở cấp Bộ hay cấp Trường/viện, và các học giả trong lĩnh vực nghiên cứu GDĐH đến từ 20 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới để bàn về tương lai của GDĐH.

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TOÀN CẦU:
MỘT BỨC TRANH KHÔNG NGỪNG THAY ĐỔI

 Phạm Thị Ly (2014)
(Bài đăng trên Tạp chí Khoa học Giáo dục số tháng 11.2014)

 Giáo dục đại học (GDĐH) trên thế giới đang biến đổi rất nhanh và vô cùng sâu sắc trên hầu hết mọi phương diện, đòi hỏi chúng ta phải kịp thời nhận thức lại nhiều khái niệm về GDĐH nay đã không còn phản ánh đúng thực tại nữa. Chỉ trên cơ sở tư duy lại nhằm hiểu đúng những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài trường ĐH, các nhà lãnh đạo mới có thể dẫn dắt các trường vượt qua khủng hoảng và đáp ứng tích cực với thế giới đang thay đổi ấy. Như Charles Darwin đã nói: “Không phải sinh vật mạnh nhất hay thông minh nhất, mà chính là sinh vật thích nghi và đáp ứng tốt nhất với môi trường sẽ tồn tại”.

Thế giới chúng ta sống đang thay đổi như thế nào?

Tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông đã làm thay đổi lối sống, cách nghĩ, cách làm việc và hợp tác của chúng ta một cách sâu sắc. Thời đại này là thời đại của dữ liệu và thông tin, bởi khối lượng của nó tăng với mức độ chưa từng có trước đây. Trên toàn thế giới có 2 tỷ người dùng internet, mỗi ngày có 250 tỉ email được gửi đi, mỗi tháng có 100 tỉ tìm kiếm thực hiện trên Google search. Trong hai năm qua chúng ta tạo ra một khối lượng dữ liệu bằng toàn bộ lịch sử loài người trước đây đã tạo ra. Khối lượng này tăng gấp đôi mỗi chu kỳ 18 tháng[1].

Địa chỉ thư điện tử trở thành một phần không thể thiếu trong đặc điểm nhận diện của mỗi cá nhân. Với nhiều người trẻ, không có mặt trên youtube cũng đồng nghĩa với việc không hiện diện trên thế giới này. Mạng xã hội và internet đã xóa tan mọi biên giới, phá vỡ khái niệm về học tập và làm việc. Ngày càng nhiều người lao động tự do (theo nghĩa không phải người làm công ăn lương cho một tổ chức, đơn vị, cá nhân cố định nào), ngày càng nhiều công việc thực hiện qua những hợp tác xuyên biên giới trong tất cả mọi lĩnh vực. Mua hàng, kết bạn, làm việc, tìm thông tin, gắn kết với xã hội, liên lạc với toàn thế giới, tất cả chỉ cần qua một màn hình điện thoại. Đó là những hiện tượng chỉ cách đây vài thập kỷ là điều hầu như không thể hình dung ra được.

Bản đồ GDĐH đang thay đổi, và thay đổi rất nhanh. Hệ thống GDĐH các nước trong tương lai sẽ phát triển như thế nào?

  • Trong thập kỷ qua chúng ta đã nghe nói nhiều về đại chúng hóa GDĐH. Quả thật đã qua cái thời GDĐH là đặc quyền của một tầng lớp tinh hoa. Trong vòng hai mươi năm qua, GDĐH đã mở rộng ở một quy mô chưa từng có tiền lệ trước đó. Trung Quốc hiện có 29 triệu sinh viên ĐH, là hệ thống lớn nhất thế giới hiện nay, trong khi năm 1998 chỉ có 6 triệu sinh viên, tỉ lệ dân số vào ĐH trong độ tuổi tăng gần 4 lần từ 7% đến 25% trong vòng chỉ 15 năm. Ở một số thành phố lớn, tỉ lệ này là trên 80%[2]. Ấn Độ có 11 triệu sinh viên, lớn thứ ba trên thế giới. Ở Việt Nam mức tăng cũng không kém ấn tượng: từ 893.754 sinh viên năm 1999 tăng đến 2.177.299 năm 2013, tức 2,43 lần trong vòng 14 năm[3]. Đang có hiện tượng khủng hoảng thừa: Ở Ấn Độ hiện nay, có từ 40-70% sinh viên ngành kỹ thuật ra trường không tìm được việc làm[4]. Tỉ lệ vào ĐH trong độ tuổi hiện rất cao ở một số nước: Hàn Quốc đã đạt đến gần 100%. Trên phạm vi toàn cầu, nếu như tổng số sinh viên tất cả các nước là 13 triệu vào năm 1960, thì năm 1995, con số đó là 82 triệu, và năm 2011 là 200 triệu (Philip G. Altbach, 2012).

Động lực thúc đẩy đại chúng hóa GDĐH là sự phát triển của kinh tế tri thức toàn cầu hóa. Chính phủ các nước và từng cá nhân đều ý thức rõ tri thức tạo ra của cải, tạo ra tăng trưởng kinh tế và làm thay đổi thang bậc xã hội.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý, là bây giờ không còn là thời đại chúng hóa GDĐH, mà chúng ta đang bước vào thời kỳ hậu đại chúng hóa GDĐH. Đại chúng hóa GDĐH kéo theo nguồn lực công dành cho GDĐH suy giảm trên toàn thế giới[5], hậu quả là tư nhân hóa và khu vực GDĐH vì lợi nhuận ngày càng tăng trưởng và hầu hết hệ thống GDĐH các nước, nhất là các nước đang phát triển có mức tăng trưởng quá nóng đều phải tái cấu trúc lại. Các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu phản ánh nhu cầu cạnh tranhtrên bản đồ tri thức, mà thực chất là bản đồ địa chính trị, đã thúc đẩy các nước có ý thức xây dựng một hệ thống phân tầng, trong đó chỉ một số ít các trường được đầu tư mạnh để trở thành những trường ĐH nghiên cứu theo mô hình tinh hoa. Điều này có thể thấy rõ ở nhiều nước: Trung Quốc với Dự án 211, Dự án 985, Hàn Quốc với Dự án Brain Korea 21, Pakistan, Malaysia, Thailand, Saudi Arabia, Germany, Russia đều có những dự án tương tự nhằm tạo ra những trường được kỳ vọng sẽ lọt vào danh sách các trường ĐH hàng đầu thế giới.

Xếp hạng đã tạo ra một nỗi ám ảnh cho chính phủ các nước và lãnh đạo các trường trong hai thập kỷ qua, chi phối lịch trình chính sách và cách sử dụng nguồn lực của chính phủ các nước cũng như định hình cách xử sự của giới quản lý, giới giảng viên các trường. Mãi cho đến gần đây, người ta mới bắt đầu nhận ra rằng xếp hạng là một trò chơi chỉ thích hợp cho một số rất ít trường ĐH và không nên để cho nó trở thành một động lực làm lệch hướng sứ mạng thực sự của các trường, đặc biệt là làm cho hệ thống ĐH trở thành nghèo nàn bởi vì chỉ chạy theo một mô hình độc nhất và chạy theo những thước đo về sự ưu tú thay vì theo đuổi sự ưu tú thực sự.

Vì vậy, trong tương lai hệ thống GDĐH các nước sẽ được tái định hình theo hướng trở thành một hệ sinh thái đại học hài hòa bao gồm nhiều loại trường khác nhau để theo đuổi những sứ mạng khác nhau và phục vụ những nhu cầu khác nhau của xã hội.

Những quan niệm về trường ĐH đang thay đổi mạnh mẽ

           Trong một môi trường biến đổi mạnh mẽ, quan niệm về trường ĐH cũng bị tác động sâu sắc, cả nội tại (trường ĐH nghĩa là gì và thế nào là sự ưu tú?) và ngoại tại (trường ĐH có vai trò gì với xã hội và với cá nhân, và mang tính chất như thế nào trong hệ thống kinh tế).

Sự tham gia của khu vực tư nhân và quan niệm về trường ĐH như một doanh nghiệp

           Những tiến bộ khoa học công nghệtạo ra và tác động đến tăng trưởng kinh tế đã củng cố niềm tin cho rằng trường ĐH với tư cách là cội nguồn sản sinh tri thức mới là một tác nhân, một động lực quan trọng làm thay đổi xã hội. Với niềm tin đó hệ thống GDĐH đã được thiết lập, vận hành chủ yếu dựa trên nguồn ngân sách nhà nước, ở một số nước phát triển, học phí chỉ là một phần nhỏ trong ngân sách hoạt động của nhà trường.

Dường như bức tranh đó đã và đang thay đổi rất nhanh. Đầu tư công cho GDĐH ở các nước phát triển đang giảm. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào GDĐH ngày càng nổi bật, nhất là ở Châu Á. Bảng 1 và Hình 1 sau đây cho thấy tỉ lệ trường tư và sinh viên trong các trường tư trên tổng số sinh viên và tổng số trường:

 

Nước Tỉ lệ % sinh viên các trường tư trên tổng số SV Tỉ lệ % các trường tư trên tổng số trường
Korea 78 87
Taiwan 72 66
Nhật 77 86
Philippines 81 75
Indonesia 96 71
Malaysia 92 39
Pakistan 64 18
Việt Nam 14 19

Bảng 1 và Hình 1: Sự tham gia của khu vực tư trong GDĐH

Nguồn: Tác giả tổng hợp một phần từ báo cáo của Kai-ming Cheng, 2014 và bổ sung thêm. Số liệu về Việt Nam dựa trên thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2013.

Ngay ở các trường công lập, sự tham gia của nguồn lực tư nhân cũng ngày càng lớn, dưới hình thức hiến tặng, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sáng nghiệp, v.v. Đối tác công tư là một chủ đề ngày càng nổi bật. Thậm chí, đã có người nhận xét là ngày nay khái niệm công tư đã không còn hoàn toàn giống như cách hiểu truyền thống, mà bắt đầu có những vùng giao nhau nơi biên giới ít nhiều bị xóa nhòa. Người ta phải tự hỏi, nếu một trường công vận hành với 10% ngân sách do chính phủ cấp, thì liệu nó có còn là trường công? (John Aubrey, 2014). Hoặc đang có những trường được vận hành bằng 100% kinh phí nhà nước nhưng do tư nhân điều hành hoàn toàn, loại trường được gọi là charter school trong thực tế Hoa Kỳ.

Điều đáng chú ý hơn và gây tranh luận nhiều hơn là việc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đào tạo bước vào thị trường GDĐH, và các trường ĐH hoạt động ngày càng giống như các doanh nghiệp. Câu hỏi được đặt ra là liệu các trường có thể được xem là, hay được đối xử như một doanh nghiệp kinh doanh tri thức, giống như những doanh nghiệp khác? Vấn đề thương mại hóa giáo dục là một chủ đề nhạy cảm ở nhiều nước, và trái với quan niệm truyền thống về sứ mạng xã hội của trường ĐH. Nhưng thực tế là, dù người ta chấp nhận hay không, ủng hộ hay phản đối, thì GDĐH đã và đang tiếp tục là một thị trường toàn cầu khổng lồ, mang lại thu nhập đáng kể cho các nước xuất khẩu GDĐH. Liệu có giới hạn nào mà việc kinh doanh giáo dục phải tuân thủ và do những giới hạn đó nó phải được đối xử khác với những doanh nghiệp khác? Ví dụ, mục tiêu của các doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận. Liệu điều này có được chấp nhận đối với trường ĐH, và nếu không, thì vì sao? Những câu hỏi này diễn tiến qua thời gian và không ngớt gây tranh luận. Nó ngày càng nổi lên như một câu hỏi trọng yếu do sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư và do sự phát triển của giáo dục xuyên biên giới. Nó ngày càng trở nên một câu hỏi gay gắt trong bối cảnh có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp với gánh nặng nợ nần do học phí mà vẫn không tìm được việc làm, một tình trạng phổ biến trên toàn thế giới.

Sự phát triển của công nghệ truyền thông và những thay đổi trong quan niệm về nhà trường, từ chỗ truyền đạt tri thức trở thành một môi trường trải nghiệm

Với internet và Google search, nhà trường không còn là nơi chủ yếu cung cấp kiến thức cho sinh viên như nó đã từng là trong bao nhiêu thế kỷ qua nữa. Laptop, i-Phone, iPad, giáo dục trực tuyến mở đại trà chứa đựng những thông tin và kiến thức nhiều hơn bất kỳ ông thầy nào trong bất cứ lĩnh vực chuyên ngành nào. Chưa bao giờ như hiện nay, sinh viên không cần đến trường để tích lũy kiến thức và hiểu biết trong các lĩnh vực chuyên ngành. Nếu nhà trường không thay đổi, tức vẫn giữ lối học thầy giảng, trò chép, và đánh giá kết quả bằng cách kiểm tra những kiến thức người học có thể nhớ được, thì quả thật nó không còn lý do để tồn tại, vì bất cứ ai, với một máy tính nối mạng, đều có thể có được những kiến thức đó mà không cần đến nhà trường và không cần đến thầy giáo.

Nhà trường hiện đại ngày nay đang trở thành một môi trường trải nghiệm, nhằm mang lại cho sinh viên những phẩm chất và kỹ năng đáp ứng được đòi hỏi của thời đại hậu công nghiệp hóa. Nếu thời đại hậu công nghiệp tiêu biểu bằng sự phân công lao động, nhiệm vụ giao cho từng cá nhân, các bổn phận được chuyên môn hóa cao độ, bổ nhiệm dựa trên uy tín, và tổ chức cấu trúc mang tính thứ bậc; thì thời kỳ hậu công nghiệp đặc trưng bằng những giải pháp tổng thể, bằng cách làm việc nhóm, bằng những tri thức chuyên môn phối hợp giữa các lĩnh vực khác nhau, bằng sự tương tác chủ yếu giữa người với người, bổ nhiệm dựa trên năng lực, hiệu quả và triển vọng, và tổ chức mang tính chất linh hoạt. Kiến thức, nhất là kiến thức lý thuyết, chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ năng lực mà người lao động tri thức cần có. Ngoài kiến thức là năng lực tư duy phê phán, khả năng lập luận và sử dụng ngôn ngữ nói và viết, kỹ năng đánh giá và nhận xét tinh tế, sử dụng thành thạo những công cụ nghe nhìn, có ý thức công dân, sự am hiểu những nền văn hóa khác và thái độ khoan dung đối với sự khác biệt, có khả năng làm việc nhóm, biết cách giao tiếp, thương lượng và xử lý mâu thuẫn.

Những năng lực này chỉ có thể có được thông qua trải nghiệm. Vì vậy, một nhiệm vụ trọng yếu của trường ĐH ngày nay là tổ chức những hoạt động nhằm tạo ra một bối cảnh, một khuôn khổ có thể gắn kết sinh viên vào những tình huống giúp họ trải nghiệm để trưởng thành về tâm lý, trí tuệ và kỹ năng. Những hoạt động đó có thể là các dự án phục vụ cộng đồng, giao lưu với sinh viên quốc tế hoặc sinh viên trường khác hay khoa khác, các cuộc thi hùng biện, v.v.Nếu nhà trường thành công trong việc mang lại những trải nghiệm có giá trị này cho sinh viên, họ sẽ làm cho sinh viên của họ khác hẳn những người không được đến trường, họ sẽ biến nhà trường từ chỗ sinh viên buộc lòng phải đến và buộc lòng phải hoàn thành một số việc để lấy được tấm bằng trở thành chỗ tràn đầy hứng thú và kỷ niệm khó quên. Những sinh viên ấy sẽ mang các trải nghiệm này vào đời, sẽ làm thay đổi bộ mặt nơi họ làm việc, và qua đó mà nhà trường tạo ra tác động thay đổi xã hội. Những giá trị ấy là thứ mà đào tạo trực tuyến và mọi phương tiện kỹ thuật chỉ bản thân nó thì đều không thể thay thế.

Một điểm cần lưu ý khác, trọng tâm của nhà trường hiện đại đã chuyển từ chỗ truyền đạt tri thức sang huấn luyện kỹ năng và xây dựng năng lực trong thập kỷ qua, và hiện nay đang chuyển thành gắn kết với cộng đồng (địa phương và toàn cầu). Thế giới ngày nay nếu có thể được miêu tả vắn tắt trong hai từ, thì đó là từ tương liên(interconnected) và tương thuộc(interdependent). Hơn bao giờ hết, thành công của mỗi cá nhân, và sự phát triển lành mạnh của xã hội phụ thuộc sâu sắc vào năng lực gắn kết với cộng đồng và hiểu rõ mối quan hệ tương liên và tương thuộc giữa các cá nhân, giữa các tổ chức, và các quốc gia. Vì vậy, những biến đổi trong khoa học công nghệ dẫn đến những biến đổi trong cách con người tương tác với nhau và do đó quan niệm về trường đại học, cái lý do cho sự tồn tại của nhà trường và cách thức mà nhà trường tồn tại cũng phải thay đổi để đáp ứng với thực tại ấy.

Thế nào là ưu tú?

Quan niệm truyền thống về sự ưu tú là sự xuất sắc thể hiện trong kết quả nghiên cứu (được đo bằng ấn phẩm, bằng sáng chế, hợp đồng chuyển giao công nghệ); và đào tạo được những người lãnh đạo xã hội nổi bật, những nhà khoa học tài ba. Quan niệm này cho đến nay vẫn còn thống trị trên các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu. Chúng ta đều biết là bảng xếp hạng QS dựa trên uy tín của nhà trường theo đánh giá của đồng nghiệp, uy tín của nhà trường đối với nhà tuyển dụng, tỉ lệ trích dẫn trên giảng viên, tỉ lệ sinh viên trên giảng viên, và mức độ quốc tế hóa. Bảng xếp hạng THES thì dựa trên môi trường học tập, số lượng và uy tín của nghiên cứu, thu nhập đạt được qua nghiên cứu, ảnh hưởng của nghiên cứu qua số lượng trích dẫn, và mức độ quốc tế hóa.

Tuy nhiên, có một sự thay đổi tiệm tiến nhưng vững chắc đang diễn ra: Trường ĐH, trước hết và trên hết, là một cộng đồng học tập. Nó không chỉ là những con số và những cá nhân cộng lại. Nó là một cái gì lớn lao và sâu xa hơn nhiều: chính niềm đam mê và sự gắn kết mạnh mẽ của từng cá nhân với một sự nghiệp chung, sự chia sẻ những trách nhiệm chung đã tạo ra trường ĐH như một xã hội thu nhỏ, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp, vun đắp ý thức công lý và công dân, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trong tiến trình phát triển của dân tộc, đất nước và nhân loại. Vấn đề không phải là có bao nhiêu bài báo hay bằng sáng chế, mà là những tri thức mà nhà trường tạo ra đã tác động đến xã hội như thế nào. Vấn đề không phải là bao nhiêu bằng tiến sĩ đã được cấp, mà là sinh viên đã học được những gì hữu ích cho cuộc đời họ và giúp họ đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ của xã hội. Tất cả những thứ đó chỉ có được khi nhà trường trở thành một cộng đồng học tập, một môi trường tạo ra không gian cho những tiềm năng của sinh viên có thể nảy nở và khát vọng của họ có thể đạt được.

Một số trường ĐH hàng đầu như Harvard đang khuyến khích sinh viên có một học kỳ cách quãng trong bốn năm học, một học kỳ mà họ có thể làm bất cứ điều gì, chỉ trừ việc đến giảng đường và ngồi trong thư viện. Khi ý tưởng này được trình bày ở một trường ĐH hàng đầu Trung Quốc, đã có người lập tức bày tỏ mối băn khoăn: “Nghe hay đấy! Nhưng chúng tôi phải yêu cầu họ nộp đề xuất, rồi sau đó họ phải viết báo cáo. Chứ nếu không, ai biết họ sẽ làm gì với một học kỳ rong chơi như thế?”. Có thể nói người phát biểu đã không nắm được ý nghĩa của sáng kiến này. Tất cả ý tưởng ở đây là tạo ra không gian để sinh viên trưởng thành theo cách thích hợp với từng người. Như một cái mầm cây bỏ vào trong hộp, nó chỉ có thể lớn lên trong khuôn khổ cái hộp ấy. Điều nhà trường hiện đại cần làm không phải là tạo ra cái hộp ấy mà là cho cái hạt mầm một khoảng không đủ rộng và tưới bón cho nó để nó nảy nở hết mức có thể. Hẳn nhiên, từ bỏ ý nghĩ nhà trường phải “nhào nặn” sinh viên trở thành một sản phẩm với những yêu cầu đã định, phải kiểm soát tư tưởng và hành động của họ để họ không có những hành vi nguy hiểm, chắc chắn là một điều không dễ dàng. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại đã làm cho ý định nhào nặn và kiểm soát ấy trở thành bất khả, vì vậy cách khôn ngoan nhất đối với nhà trường là xây dựng những chiến lược đáp ứng với bối cảnh ấy.

Do thực tế đó, quan niệm về sự xuất sắc của nhà trường cũng đang diễn tiến mạnh mẽ. Một hiện tượng gây tranh cãi gần đây là việc một số trường ĐH danh tiếng ở phương Tây đã và đang mở ra chi nhánh của họ ở các nước đang phát triển, nơi mà thực tiễn xã hội, văn hóa và chính trị có những khác biệt và mâu thuẫn với giá trị cốt lõi của nhà trường. Một số ví dụ là Liverpool University, Manchester Bussiness, University of Nottingham, Newcastle University, University of Lancaster của UK đã mở cơ sở đào tạo của họ tại Trung Quốc, Malaysia, Hong Kong, Singapore.Mỹ có 78 trường, Pháp có 27, UK có 25, Australia có 12 trường đã có cơ sở đào tạo ở nước ngoài.Liệu sự ưu tú của nhà trường có bị xói mòn do sự thỏa hiệp với các nước sở tại? Điều gây tranh cãi là, phải chăng nhà trường có trách nhiệm đạo đức phải gìn giữ những giá trị của mình và phải bảo vệ nó một cách không khoan nhượng, hay nhà trường là một tổ chức như mọi tổ chức khác, một nhà cung cấp dịch vụ giáo dục và có quyền bán bất cứ thứ gì mà người mua cần đến?

Có thể tóm tắt sự thay đổi của trường ĐH thời hậu đại chúng hóa như trong bảng sau đây:

 

Trường ĐH theo mô hình
tinh hoa
Thời kỳ đại chúng hóa GDĐH Hậu đại chúng hóa GDĐH
Nhân vật
chính
Giáo sư Các nhà quản lý nhà trường và quản lý hệ thống GDĐH Sinh viên
Định hướng
giá trị
Sự ưu tú Đảm bảo chất lượng Sự hài lòng của sinh viên
Từ khóa Tự do học thuật Quản lý Trải nghiệm đại học
Vai trò của giới hàn lâm Nghiên cứu >giảng dạy >
quản lý
Nghiên cứu = giảng dạy = quản lý Nghiên cứu< giảng dạy
= quản lý
•   Sản xuất tri thức mới
thông qua hoạt động
nghiên cứu khoa học•   Khoa học cơ bản được xem trọng hơn khoa học ứng dụng
•  Gắn kết Giảng dạy và nghiên cứu

•  Khoa học ứng dụng
được xem trọng hơn
khoa học cơ bản

•   Từ chỗ giảng dạy tới chỗ
tạo ra môi trường học tập
và trải nghiệm cho sinh viên•   Nghiên cứu phát triển
được xem trọng hơn cả
nghiên cứu ứng dụng và
nghiên cứu cơ bản 

Nguồn: J.C. Shin, Te Scholarship of Teaching, Research, and Service, pp.75-83, The Future of the Post-Massified University  at the Crossroads, Knowledge Series in Higher Education vol. 1, 2014, Springer.

.Thách thức đang đặt ra cho GDĐH

 Tư nhân hóa GDĐHphát triển ngày càng mạnh trên toàn thế giới, như một hậu quả tất yếu của đại chúng hóa dẫn đến nguồn lực công cho GDĐH giảm sút và là kết quả của cách nhìn nhấn mạnh đến khía cạnh lợi ích tư hơn là lợi ích công của GDĐH. Trong lúc tư nhân hóa GDĐH dường như là một hiện tượng không thể tránh, thì câu hỏi khó khăn đặt ra cho các nhà làm chính sách là cần phải áp dụng nguyên tắc thị trường đến mức độ nào trong việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho khu vực GDĐH tư để việc kinh doanh giáo dục không tổn hại đến lợi ích dài hạn của xã hội và của công chúng.

Thương mại hóa GDĐH như là một hậu quả trực tiếp khác của việc suy giảm nguồn lực công, là tác nhân khiến các trường ĐH công lập tìm kiếm thêm nguồn thu bằng cách tăng học phí và bằng những hoạt động có tính chất tạo nguồn thu, như là mở ra các cơ sở đào tạo ở các quốc gia khác. Liệu điều này có nên được khuyến khích, và liệu nó có dẫn tới xu hướng xói mòn những giá trị cốt lõi của nhà trường và biến giáo dục thành một hàng hóa có thể mua và bán như mọi hàng hóa và dịch vụ khác, thậm chí có thể được biến đổi theo yêu cầu của người mua? Thương mại hóa GDĐH không chỉ gắn với tình trạng hủy hoại những giá trị của trường ĐH được giữ gìn và truyền tải qua nhiều thế hệ, mà hệ quả của nó là gắn với lạm phát bằng cấp và tình trạng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp, một tình trạng nổi bật gần đây trên phạm vi toàn cầu.

 Khả năng tìm việc làm của sinh viên và nhu cầu cải thiện chương trình đào tạo: Đã qua rồi cái thời bằng tốt nghiệp ĐH là một bảo đảm cho chỗ làm, sự an toàn về tài chính và cơ hội sự nghiệp rộng mở. Có nơi như Ấn Độ, tỉ lệ sinh viên ngành công nghệ thất nghiệp hiện nay là từ 40-70%. Bảng 2 cho chúng ta một hình dung tổng quát về tình trạng này ở một số nước, trong đó có Việt Nam[6]:

Bảng 2. Tình trạng thất nghiệp của người có bằng ĐH ở một số nước.

Nguồn: Sakellariou 2010b, World Bank ICSs (nhiều năm). Dẫn theo Dae Joon Hwan, 2014.

 Tình trạng này có khuynh hướng tăng cao những năm gần đây dưới ảnh hưởng tác động của khủng hoảng kinh tế, và hơn thế nữa, của tình trạng dân số đang già đi, nhiều người sống lâu hơn, có thời gian làm việc dài hơn kể cả sau khi đã nghỉ hưu, khiến có ít chỗ làm hơn cho sinh viên mới ra trường. Đối với GDĐH, điều này đặt ra một câu hỏi lớn về tính thiết yếu và thích đáng của đào tạo ĐH nói chung, nhất là khi chi phí học ĐH ngày càng tăng. Người ta phải tự hỏi, liệu có đáng phải theo đuổi ĐHvà gánh lấy một món nợ đáng kể khi ra trường, để phát hiện ra rằng không có chỗ làm nào dành cho mình ngoài những việc tạm bợ và không cần đến tấm bằng đại học?

Vì vậy để biện minh cho sự tồn tại chính đáng của mình, trường ĐH phải tái thiết kế chương trình đào tạo theo hướng đem lại cho sinh viên những gì họ thực sự cần phải có trong cả cuộc đời sau này, chứ không chỉ là những tri thức chuyên môn trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định.

Sự phát triển bền vững của trường ĐH: GDĐH đang phát triển trong một bối cảnh dễ bị tổn thương do các tác động của bối cảnh và môi trường, trong đó có sự sụt giảm tài chính công, sự xuất hiện và lớn mạnh của khu vực GDĐH tư vì lợi nhuận, sự cạnh tranh giành nhân tài và các hệ thống xếp hạng toàn cầu đang không ngừng tạo ra những ảnh hưởng to lớn đến giới hoạch định chính sách và đến cách xử sự của các trường. Trong làn sóng chạy theo những lợi ích trước mắt và ngắn hạn, những thành tích bề ngoài, các nhà lãnh đạo có tầm nhìn cần phải lùi lại một bước để thấy được bức tranh toàn cảnh và nhìn được tương lai của GDĐH: GDĐH sẽ đi về đâu nếu nó tiếp tục xem thứ hạng và các thước đo về sự ưu tú là mục đích của mình thay vì phải theo đuổi sự ưu tú thực sự? Khi một người bắn cung dán mắt vào phần thưởng chứ không phải hồng tâm, anh ta chắc chắn sẽ bị hụt cả hồng tâm lẫn phần thưởng.

Bởi vậy, sự phát triển bền vững của trường ĐH đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược, và tập trung vào trách nhiệm xã hội, sự công nhận đóng góp của từng cá nhân, và coi phục vụ cộng đồng là sứ mạng cốt lõi của nhà trường. Trách nhiệm xã hội đòi hỏi nhà trường phải gìn giữ những giá trị cốt lõi của mình. Sự công nhận đóng góp của từng cá nhân đòi hỏi phải xây dựng những hệ thống đánh giá tinh tế hơn để có thể khích lệ những nỗ lực tích cực của giới hàn lâm, tạo động lực và sự cam kết, sự gắn bó với nhà trường. Có thể cần phải tạo ra những con đường phát triển sự nghiệp khác nhau và do đó có những thước đo đánh giá khác nhau dành cho giới giảng viên thiên về nghiên cứu hoặc thiên về giảng dạy. Những hoạt động phục vụ cộng đồng vừa là một phương tiện để đào tạo người học, vừa là một trọng tâm làm cho nhà trường trở nên hữu ích hơn đối với xã hội. Hơn thế nữa, phục vụ cộng đồng không phải chỉ là những hoạt động phong trào, mà phải là một ý nghĩa thấm nhuần trong mọi hoạt động của nhà trường. Với tinh thần phục vụ cộng đồng, giới giảng viên dù có nghiên cứu những chủ đề “trên trời” cũng sẽ không quên rằng, điều cốt lõi là những kết quả nghiên cứu ấy sẽ có ý nghĩa và tác động như thế nào đối với xã hội.

Viết tại Hong Kong ngày 26.06.2014.

Lời cảm ơn. Tác giả xin chân thành cảm ơn Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã giới thiệu tham dự Hội nghị, cảm ơn Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) và Đại học Quốc gia TPHCM đã tài trợ chuyến đi và cảm ơn Khoa Giáo dục, Trường ĐH Hong Kong đã tạo mọi điều kiện cho người viết.

Tư liệu tham khảo

Shin, Te Scholarship of Teaching, Research, and Service, pp.75-83, The Future of the Post-Massified University at the Crossroads, Knowledge Series in Higher Education vol. 1, 2014, Springer.

Dự án GDĐH 2 (2012). Phân bổ Ngân sách nhà nước choGiáo dục đại học ở Việt Nam: Cơ chế phân bổ Ngân sách nhà nước cho các trường đại học công lập(Thuộc Tiểu Thành phần 1.2: Chính sách Tài chính trong Giáo dục Đại học).

Dae Joon Hwang (2014), Sustainable Approaches to Higher Education Innovation: Issues and Considerations.Ppt. presented at Summer Institute 2014, The University of Hong Kong.

Francisco Marmolejo (2014), Higher Education for Tomorrow: Global Trends, Local Implications.Ppt. presented at Summer Institute 2014, The University of Hong Kong.

John Aubrey Douglass (2014), “Profiling the Flagship University Model: An Exploratory Proposal for Changing the Paradigm from Ranking to Relevancy”. Bản dịch tiếng Việt “Mô hình Đại học Hoa tiêu:  Một đề xuất thăm dò nhằm thay đổi hình mẫu từ thứ hạng cao trở thành có ý nghĩa thiết yếu đối với xã hội” , Bản tin Giáo dục Quốc tế Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, số 14-2014.

Kai ming Cheng (2014), The Changing Global Landscape. Ppt. presented at Summer Institute 2014, The University of Hong Kong

Tilak (2014), Higher Education: the Indian Story. Ppt. presented at Summer Institute 2014, The University of Hong Kong.

Simon Marginson (2014), New Empires of Knowledge in East Asia. Distinguished

Lecture tại Faculty of Education, University of Hong Kong, ngày 25.06.2014.
Simon Marginson
Centre for Higher Education Studies
Institute of Education, London UK

Ghi chú:

[1] Nguồn: Daejon Hwang, 2014.

[2] Nguồn: Báo cáo của GS. Kai-ming Cheng, Hong Kong University.

[3] Nguồn: Thống kê của Bộ GD-ĐT, trên trang web www.moet.gov.vn

[4] Nguồn: Báo cáo của GS.Tilak, National University of Education Planning and Assessment, NUEPA, New Delhi tại Summer Institute Hong Kong, 2014.

[5] Ở Mỹ thậm chí có trường công lập mà nguồn ngân sách từ nhà nước chỉ chiếm 10% kinh phí hoạt động của cả trường (Nguồn:   John Aubrey, 2014 ). Ở Việt Nam, con số này phổ biến là khoảng 40-60% (Nguồn: Dự án GDĐH 2, 2012)

[6] Định nghĩa về thất nghiệp trong nghiên cứu này là “không có viêc làm và đang tìm kiếm một công việc làm toàn thời gian”. Tỉ lệ thất nghiệp ởViệt Nam tương đối thấp so với các nước do sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và tính chất đa dạng, linh hoạt của các hình thức việc làm không cần bằng cấp và đào tạo. Việc không có trợ cấp xã hội cho người thất nghiệp nói chung cũng khiến người Việt Nam có khuynh hướng chấp nhận bất cứ việc làm nàocó thể kiếm sống thay vì tồn tại trong tình trạng thất nghiệp thực sự.