MÔI TRƯỜNG NGHIÊN CỨU TẠI AUSTRALIA QUA TRẢI NGHIỆM CỦA NGHIÊN CỨU SINH

Phạm Thị Ly (2014)
(Bài đăng trên báo Người Lao Động số ra ngày 26.09.2014 với tiêu đề “Dễ nản môi trường nghiên cứu”)

Hội nghị Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục được tổ chức ở Southern Cross University, Australia tháng bảy vừa qua có sự tham dự của ba trường: University of Melbourne, Queensland University of Technology và Southern Cross University.  Phần lớn là nghiên cứu sinh (NCS) người Việt, một NCS Lào, một NCS Indonesia trình bày những kết quả nghiên cứu bước đầu và chia sẻ trải nghiệm của họ.

Môi trường nghiên cứu nhìn từ Úc

NCS Việt Nam chọn nhiều đề tài phong phú, từ việc giảng dạy tiếng Anh cho đến lịch sử giáo dục, tâm lý giáo dục, đánh giá giáo dục, và quản trị ĐH.Có những chủ đề quen thuộc và nhiều chủ đề còn rất mới với những người trong nước, chẳng hạn như văn hóa ngành hay bản sắc học thuật cá nhân của giới nghiên cứu.Các bài trình bày cho biết câu hỏi nghiên cứu của họ là gì, khung lý thuyết và khái niệm dùng làm cơ sở cho việc nghiên cứu, các phương pháp cụ thể, và những kết quả ban đầu của họ.Có NCS mới bắt đầu được vài tháng, có người ở năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba và có người vừa hoàn tất bằng tiến sĩ. Tuy mức độ kinh nghiệm tích lũy được có khác nhau, và nhiều người còn đang chật vật xoay xở với việc thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài, nhất là những người mang theo gia đình, nhưng tất cả đều rất hào hứng nói về đề tài mà mình đang theo đuổi.

Có một điểm chung, mà tất cả NCS và giáo sư hướng dẫn tham dự đều đồng ý, là thực hiện một đề tài nghiên cứu trong chương trình đào tạo tiến sĩ quả thật là một công việc vô cùng gian nan nhưng cũng là một giai đoạn thú vị của cuộc đời. Lan Hương, người vừa hoàn tất bằng tiến sĩ với đề tài xây dựng năng lực nghiên cứu ở các trường ĐH hàng đầu VN, cho biết hai thách thức lớn nhất với cô là hiểu được bản chất của hoạt động nghiên cứu và nắm được cách thức tư duy phản biện trong môi trường học thuật phương Tây. Đó cũng là khó khăn chung mà hầu hết NCS Việt Nam đều chia sẻ, khi bước qua một môi trường nghiên cứu quá khác biệt với môi trường trong nước.

Cần một môi trường có tính khích lệ

Có lẽ nhiều người sẽ đồng ý với nhận định là chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước còn một khoảng cách khá xa so với đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, nhất là ở các nước phát triển ở phương Tây. Khả năng sử dụng ngoại ngữ để có thể tiếp cận những tài liệu nghiên cứu mới nhất là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định, vì ngày nay với một máy tính nối mạng, đó là điều có thể đạt được mà không cần phải đến một nước khác.

21 - moi truopng nc AustraliaĐiều quan trọng hơn đã tạo ra sự khác biệt, chính là môi trường nghiên cứu. Môi trường nghiên cứu theo nghĩa rộng bao gồm nhiều yếu tố như chính sách nhà nước và các quy định pháp luật đối với hoạt động NCKH; sự phát triển của xã hội dân sự, nguồn vốn xã hội và nguồn lực tài chính; hạ tầng kỹ thuật như phòng thí nghiệm hay thư viện; các cơ chế bảo đảm chất lượng, kiểm định và thực hiện trách nhiệm giải trình; các thiết chế tài trợ nghiên cứu và hợp tác v.v. (Altbach và Salmi, 2013). Hiểu theo nghĩa hẹp, môi trường nghiên cứu là bầu không khí của những mối quan hệ trong các tổ chức nghiên cứu trong đó các hoạt động NCKH được thực hiện, bao gồm sự hợp tác, các mối quan hệ và liên kết với đồng nghiệp, cơ chế bình duyệt, sự lãnh đạo về chuyên môn học thuật của người đứng đầu, sự hỗ trợ của người hướng dẫn và mức độ tự chủ của người nghiên cứu.

Hội nghị NCS do trường Southern Cross University (SCU) tổ chức là một sinh hoạt học thuật cho thấy rõ tính chất của môi trường nghiên cứu ở đây, và cho thấy rõ việc duy trì một bầu không khí thân thiện, hỗ trợ, cởi mở với những khác biệt,khoan dung với những mò mẫm thử nghiệm, nhưng nghiêm ngặt với những chuẩn mực học thuật, có ý thức thách thức mọi tín điều có trước và sẵn sàng chấp nhận thách thức với những luận điểm của mình, sẵn sàng thảo luận và thảo luận trên tinh thần xây dựng, có một ý nghĩa quan trọng như thế nào.

Lương Thị Hồng Gấm, NCS chương trình 322, người đã qua gần ba năm học ở Úc, nói rằng cô cảm thấy hết sức may mắn được nhận làm NCS ở SCU, nơi cô được tiếp cận với nhiều lý thuyết căn bản và xu hướng hiện đại trong nghiên cứu, nhờ đó hiểu được làm nghiên cứu tức là xây dựng luận điểm của mình và tìm kiếm tri thức mới. Sharon Parry, giáo sư hướng dẫn của Gấm không phải chỉ là nguồn tri thức và hỗ trợ cách thực hiện một luận án, mà còn là một người truyền cảm hứng mạnh mẽ, giúp cô hiểu giá trị thực sự của công việc nghiên cứu mà cô đang theo đuổi. Có lúc, trước bao nhiêu khó khăn, cô muốn bỏ cuộc, nhưng giáo sư hướng dẫn luôn ở bên cạnh cô, là một chỗ dựa tinh thần cho cô với những lời khuyên và hành động giúp đỡ vô giá, củng cố lòng tự tin để cô mạnh dạn bước về phía trước.

Với Vũ Thị Phương Thảo, trải nghiệm thú vị nhất của cô là được tham giamột số hoạt động học thuật ở trình độ cao chẳng hạn như viết sách. Thành quả gần đây nhất của nhóm là một quyển sách về GDĐH Việt Nam dưới sự lãnh đạo của GS.Simon Marginson sẽxuất bản trong tháng 9 tới (Higher education in Vietnam: Flexibility, mobility and practicality in the global knowledge economy. New York: Palgrave Macmillan). Trong suốt hơn một năm, hàng tháng cả nhóm gặp nhau để thảo luận đóng góp ý kiến và phản biện cho từng chương sách.Được tham gia trực tiếp vào quá trình xuất bản sách từ lúc mới nhen nhóm ý tưởng cho đến khâu chỉnh sửa, xuất bản là một trải nghiệm rất quý báu với Phương Thảo.

Sở dĩ Thảo có đủ khả năng tham gia việc ấy là vì cô ở trong một môi trường mà mọi hoạt động trí tuệ không ngừng được cọ xát để phát triển.Trung tâm Nghiên cứu về Giáo dục Đại học, trường Đại học Melbourne nơi Thảo làm NCS tổ chức hội thảo 6 tháng một lần trong phạm vi nhà trường để NCS trình bày nghiên cứu và nghe phản biện từ các đồng nghiệp và cán bộ làm việc trong trung tâm;hàng tháng mời các học giả hoặc cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có kinh nghiệm  đến nói chuyện với NCS;tổ chức cho nhóm NCS gặp nhau 2 tuần một lần, trong mỗi buổi gặp mặt, 2-3 NCS sẽ trình bày nghiên cứu của bản thân, một chủ đề mình quan tâm hoặc một vấn đề cần mọi người đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến.NCS có thể rất dễ dàng nói chuyện và xin ý kiến tư vấn của các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trong và ngoài trung tâm về những khó khăn mình đang gặp phải trong nghiên cứu.

Hội nghị NCS được SCU tổ chức như là một cách để xây dựng mạng lưới của cộng đồng NCS Việt Nam, những người cùng chia sẻ một nguồn gốc văn hóa, một nền tảng giáo dục, và một mơ ước cho tương lai. Những khó khăn thách thức mà họ phải đương đầu cũng giống nhau, vì vậy họ có thể hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua.

Nói với các NCS, GS.Lynn Meek khuyên họ tận hưởng những niềm vui của đoạn đời làm NCS, đó sẽ là những trải nghiệm vô giá trong đời.PGS. Sharon cũng nói rằng nếu chỉ vì tấm bằng mà theo đuổi chương trình đào tạo bậc tiến sĩ ở Úc, thì quả là không đáng, bởi vì không có niềm đam mê yêu thích đối với việc nghiên cứu, thì con đường này sẽ khó nhọc không thể chịu đựng nổi.

Môi trường nghiên cứu ở Úc, thể hiện qua các chuẩn mực và cách xử sự của lãnh đạo khoa, của giảng viên với nhau và với NCS, qua những quy ước thành văn hoặc bất thành văn, là một môi trường đem lại những điều kiện đầy đủ, đồng thời đòi hỏi cao, bằng cách đó nó hỗ trợ cho sự ưu tú và tạo ra sự tiến bộ.

Rất nhiều nghiên cứu (e.g. Long and McGinnis, 1981, McGee and Ford, 1987, Perkoff, 1986, Bland,Hitchkock, Anderson and Stritter, 1987) đã cho thấy đặc điểm của môi trường nghiên cứu là yếu tố quan trọng nhất cho phép ta dự đoán về năng suất và chất lượng của hoạt động nghiên cứu.

Môi trường nghiên cứu được quyết định trước hết bởi đặc điểm của sự lãnh đạo và quản lý (chiến lược phát triển, cách thức sử dụng nguồn lực và đánh giá kết quả…); của cơ chế vận hành (cách thức phân quyền và mức độ tự chủ của các nhóm nghiên cứu và cá nhân người nghiên cứu…); của bầu không khí trong các nhóm nghiên cứu (cách thức phân công, tinh thần hợp tác, sự cởi mở lắng nghe…); và của phẩm chất cá nhân những người nghiên cứu trong tổ chức ấy.

Nó là một thành tố quan trọng nếu không nói là có tính chất quyết định trong việc đào tạo bậc tiến sĩ, và đó là lý do khiến các chương trình đào tạo bậc tiến sĩ có chất lượng cho đến nay không thể nào được thực hiện chỉ qua trực tuyến. Nó cho thấy nếu chúng ta muốn cải thiện chất lượng việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước, thì việc xây dựng một môi trường nghiên cứu có tính chất khích lệ là điều quan trọng bậc nhất. Với những thư viện số hóa ngày nay, nhiều trường ĐH ở Việt Nam đã có thể giúp giảng viên và sinh viên tiếp cận với nguồn tư liệu phong phú và mới nhất ở ngoài nước. Thư viện và tài liệu là điều tối cần, nhưng tự nó không tạo ra tri thức mới. Sử dụng nó như thế nào, nhằm tạo ra cái gì, và cái đó có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội, đó mới là vấn đề, và không có một môi trường nghiên cứu tích cực, thì khó mà nói đến việc cải thiện chất lượng.

 

Nguồn: báo Người Lao động 25-9-2014