Chung quanh Đề án Thí điểm Tự chủ Tài chính với các trường ĐH công lập:

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NGOÀI CÔNG LẬP ĐI VỀ ĐÂU?

Phạm Thị Ly (2014)
(Bài đăng báo Tuổi trẻ Cuối tuần ra ngày 12.09.2014)

Đề án thí điểm mở rộng tự chủ tài chính tại các trường ĐH công lập sẽ mở ra một bước ngoặt mới trong bức tranh GDĐH ở Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, các trường ngoài công lập (NCL) sẽ có những thay đổi như thế nào? Bối cảnh mới sẽ mang lại những thách thức và cơ hội nào cho các trường NCL?

Bối cảnh của GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam

GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam hình thành và phát triển trong một bối cảnh tương đối khác với các nước. Ngược dòng thời gian khi những văn bản chính sách đầu tiên cho phép trường ngoài công lập ra đời, có thể thấy rõ sự dè dặt của nhà nước, bởi vì trong nhiều thập kỷ tập trung bao cấp, giáo dục vẫn được coi một mặt là công cụ giáo dục tuyên truyền, một mặt là phúc lợi xã hội. Ý tưởng thu học phí, chưa nói đến kinh doanh giáo dục, vào lúc đó là một ý tưởng xa lạ với cả nhà nước lẫn người dân.

Nhưng áp lực mở rộng đại chúng hóa GDĐH đã khiến cho việc phát triển trường NCL trở thành một xu hướng không thể cưỡng lại.Tuy nhiên, trong suốt hai mươi năm qua, chính sách về GDĐH không ngừng bộc lộ sự mâu thuẫn giữa một bên là tính chất thị trường của khu vực GDĐH NCL, và một bên là sự kềm hãm của chính sách nhằm tránh thị trường hóa, tự do hóa và thương mại hóa. Vấn đề ĐH tư thục phi lợi nhuận nhiều lần được đặt ra nhưng chưa bao giờ được giải quyết thỏa đáng, cho mãi đến Nghị định 141/NĐ-CP ra ngày 25-10-2013, một số định chế cụ thể cho trường phi lợi nhuận mới được đưa ra. Vì lẽ đó, suốt hai thập kỷ qua, các trường NCL đã được hình thành trong khuôn khổ pháp lý như các doanh nghiệp và hoạt động không khác gì các doanh nghiệp, nhưng lại tự cho mình là phi lợi nhuận. Một vấn đề do lịch sử để lại, là nhiều trường NCL đã được hình thành ban đầu dưới hình thức dân lập (sở hữu tập thể), sau này khi chuyển thành tư thục (sở hữu cá nhân) đã phải đương đầu với những tranh chấp và mâu thuẫn rất nặng nề. Cái gốc của mâu thuẫn là tranh chấp về sở hữu và quyền lực. Sự nhập nhằng giữa bản chất vì lợi nhuận và vỏ bọc phi lợi nhuận càng làm cho cuộc tranh chấp đó thêm quyết liệt, khiến cho các trường NCL vốn đã yếu (do thiếu sự hỗ trợ của một chính sách rõ ràng) lại càng thêm yếu (do mất niềm tin của công chúng).

Vì lẽ đó, tuy các trường NCL mọc ra như nấm, số trường đạt được thành công (hiểu theo nghĩa đào tạo có chất lượng, được giảng viên và sinh viên hài lòng, có nguồn thu ổn định, có hướng phát triển trong tương lai, và tạo dựng được uy tín), chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Những trường đạt được thành công là do dựa trên tầm nhìn dài hạn, họ đã xây dựng được những giá trị lâu dài, và nhờ vào quyền tự chủ về tài chính và nhân sự, đã có thể tạo ra sự khác biệt trong hoạt động quản trị và chuyên môn, nhờ đó đáp ứng những nhu cầu thiết thực của thị trường.

Tương quan giữa ĐH công lập và NCL trong bối cảnh mới

Trong hai mươi năm qua, các trường NCL đã phải cạnh tranh với các trường CL trong một bối cảnh bất bình đẳng. Về nguồn lực, sự bao cấp của ngân sách công đối với trường công không chỉ là kinh phí thường xuyên, kinh phí mục tiêu, kinh phí dự án, mà còn là đất đai và hạ tầng, trong lúc trường NCL chẳng những không được hưởng sự đầu tư nào mà còn phải đóng thuế. Về vị thế xã hội, cho đến nay tâm lý của cả nhà nước lẫn người dân đều coi trọng ĐH công hơn là ĐH tư. Chỉ có một số rất ít trường NCL thoát ra khỏi định kiến đó. Dư luận xã hội nhìn chung có một cái nhìn thiếu thiện cảm với khu vực ĐH NCL. Tác nhân mạnh mẽ nhất kìm hãm sự phát triển lành mạnh của GDĐH NCL là sự bất cập của chính sách, thể hiện qua sự thiếu nhất quán trong việc phân biệt trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, cũng như sự thiếu sót trong khung pháp lý về sở hữu, là điều đã kích thích tầm nhìn ngắn hạn thay vì khích lệ tầm nhìn dài hạn.

Tuy vậy, các trường NCL có những lợi thế vô cùng quan trọng mà trường công lập đã không có. Đó là quyền tự chủ về tài chính và nhân sự. Chính nhờ lợi thế này, mà trường NCL đã tạo ra được những khác biệt giúp họ có thể tồn tại trong tương quan bất bình đẳng nói trên. Tuy Hiệu Trưởng của trường NCL vẫn do Bộ GDĐT hay chính quyền địa phương bổ nhiệm, nhưng Hội đồng Quản trị có tiếng nói quan trọng trong việc lựa chọn hiệu trưởng. Điều đáng nói hơn nữa là cơ chế dùng người của trường ĐH NCL. Do phụ thuộc vào nguồn thu từ sinh viên, tức là phụ thuộc vào thị trường, trường NCL có động cơ mạnh mẽ trong việc sử dụng người tài, và nhờ quyền tự chủ về tài chính, đã có thể trả lương cao nhằm thu hút tài năng. Quyền tự chủ tài chính cũng cho phép họ định ra mức thu tối đa mà thị trường có thể chấp nhận được, cũng như chủ động trong việc chi tiêu mà không bị rào cản nào đáng kể.

Khoảng không gian tự chủ này có một ý nghĩa quan trọng sống còn với các trường NCL và là lợi thế cạnh tranh chủ yếu của các trường NCL so với các trường công lập vốn có một lịch sử lâu đời và sự hỗ trợ mạnh mẽ của ngân sách cũng như chính sách.

Đề án thí điểm mở rộng quyền tự chủ cho các trường công lập đã nới rộng không gian tự quyết của các trường này, làm cho cán cân giữa các trường  CL và NCL càng thêm nghiêng về phía các trường CL, khiến các trường NCL đã khốn đốn nay càng thêm lao đao. Nói như vậy không có nghĩa là cần phải kìm hãm các trường công lập trong sự giới hạn về tự chủ tài chính và nhân sự nhằm cân bằng lợi thế giữa CL và NCL. Mở rộng tự chủ cho các trường CL là một chủ trương đúng cần phải củng cố, nhưng nó cũng tạo ra một bước ngoặt khiến các trường NCL đứng trước những thách thức mới và cơ hội mới đòi hỏi sự đáp ứng của các trường cũng như của các nhà làm chính sách.

Thách thức và cơ hội

Trước hết là cạnh tranh về giảng viên. Từ năm 1993 đến nay, số sinh viên trong toàn hệ thống GDĐH đã tăng 13 lần trong lúc số giảng viên chỉ tăng gấp ba lần. Tỉ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ chỉ chiếm 11%, hầu hết đang làm việc ở khu vực công lập và dạy ở các trường NCL như một cách kiếm thêm thu nhập. Hiện nay các trường CL đang trả cho giảng viên một mức lương bèo bọt khiến họ phải kiếm sống bằng việc dạy các hệ tại chức, từ xa, và dạy ở trường NCL.

20 - NCL di ve dauTự chủ tài chính sẽ giúp các trường CL tăng mức thu học phí và cải thiện tiền lương trả cho giảng viên. Sự cạnh tranh này nhìn chung có lợi cho cả hệ thống vì nó giúp giảng viên có thu nhập tốt hơn khiến họ yên tâm hơn với nghề dạy học, và có thể làm giảm bớt tình trạng mua bằng bán điểm trong các trường CL. Tuy nhiên nó sẽ đặt các trường NCL trong một tình trạng khó khăn hơn, và buộc họ phải suy nghĩ nghiêm túc đến việc xây dựng một đội ngũ cơ hữu, với những điều kiện đãi ngộ đủ tốt để thu hút giảng viên giỏi. Nhân tố tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các trường NCL giờ đây không còn chủ yếu là mức lương, mà còn là môi trường làm việc. Nếu các trường NCL tạo ra được một môi trường làm việc khích lệ sự ưu tú, thì họ mới có thể tồn tại được trong cuộc cạnh tranh chất xám này. Về mặt này, cạnh tranh giảng viên  là một thách thức, nhưng đồng thời là cơ hội để các trường NCL cải thiện cơ chế tổ chức hoạt động của mình nhằm khích lệ chất lượng.

Tăng học phí sẽ làm giảm sức thu hút của trường CL đối với thị trường. Trên một mặt bằng ngang nhau về học phí, trường CL vẫn có ưu thế hơn nhờ tâm lý xã hội và nhờ những ưu đãi khác về nguồn lực, nhưng người học sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Trong bối cảnh này, các trường NCL được đặt lên ngang bàn cân với các trường CL. Lợi thế của trường NCL là năng động hơn và nắm bắt nhanh nhạy hơn nhu cầu của thị trường. Nếu các trường NCL đẩy mạnh cải cách trong chương trình đào tạo, tiếp tục tăng cường các hoạt động trải nghiệm và gắn bó với thế giới việc làm, thúc đẩy văn hóa phục vụ, chú trọng khả năng tìm được việc làm và sự hài lòng của sinh viên, thì họ hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh với các trường CL, vốn là một cỗ máy nặng nề và thiếu động lực đổi mới.

Mặc dù tương quan nguồn lực không cân xứng, nhưng hiệu quả sử dụng nguồn lực ở khu vực GDĐH tư có thể cao hơn rất nhiều nếu có lực lượng quản trị chuyên nghiệp. Lực cản cho những nỗ lực cải cách về quản trị ở các trường NCL thấp hơn rất nhiều so với các trường CL, vì vậy, nếu các trường NCL không tận dụng được thế mạnh này thì họ chỉ có thể trách chính mình mà thôi.

Một rào cản của các trường NCL, như đã nói trên, là cái nhìn thiếu thiện cảm của công chúng với khu vực GDĐH NCL. Thái độ đó là kết quả của tình trạng kém chất lượng diễn ra ở nhiều trường, vốn là hệ quả trực tiếp của lối làm dựa trên tầm nhìn ngắn hạn. Tuy vậy, công chúng cũng rất công bằng, nếu chúng ta nhìn vào sự ghi nhận đối với những trường được xem là thành công. Một số trường NCL đã biết chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh, và cần khích lệ việc thúc đẩy những hành động nhất quán với hình ảnh ấy.

Vai trò của chính sách

Tất cả những cơ hội trên đây, các trường NCL chỉ có thể nắm bắt được trong bối cảnh một môi trường chính sách ổn định và hỗ trợ cho tầm nhìn dài hạn. Mâu thuẫn nội bộ và tranh giành quyền lãnh đạo, hệ quả trực tiếp của chính sách bất cập, đã lấy đi uy tín cũng như nguồn lực của các trường NCL khiến họ không thể nào tập trung nỗ lực của mình cho việc cải thiện chất lượng.

Trong bối cảnh mới, các trường NCL chỉ còn một con đường duy nhất để phát triển, là theo đuổi sự ưu tú thực sự tương xứng với học phí mà người học phải trả, và điều này đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, một năng lực đủ để có thể sử dụng được những người ưu tú cho mục đích ấy. Năng lực này, nói một cách cụ thể hơn, là khả năng đánh giá bối cảnh, đánh giá con người, khả năng cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, và hiểu được những gì là nhân tố cốt yếu, là điều kiện cần để tạo ra sự ưu tú.

Thay cho việc tô vẽ một bề ngoài tốt đẹp, các trường NCL nên đầu tư cho sự ưu tú thực sự, và gốc rễ của sự ưu tú đó không chỉ là những con người có năng lực mà còn là một cơ cấu quản lý tạo ra môi trường khích lệ sự ưu tú. Trong bối cảnh khó khăn và cạnh tranh quyết liệt, nhiều trường đã bắt đầu có ý thức về tầm quan trọng của con người, nhưng có rất ít trường thực sự ý thức tầm quan trọng của môi trường làm việc và tác động của cơ chế quản lý đối với việc tạo ra môi trường đó.

Đối với các nhà làm chính sách, ngày càng rõ một điều là đã đến lúc công khai thừa nhận khu vực GDĐH ngoài công lập là một hoạt động dịch vụ và có vai trò quan trọng trong việc phát triển cả hệ thống; vì vậy cần tạo ra cho nó một khuôn khổ pháp lý cũng như một cơ cấu quản trị hài hòa cho lợi ích của các bên. Không có một môi trường hỗ trợ về chính sách, các trường NCL không tồn tại nổi trong cuộc cạnh tranh bất bình đẳng này, và sự sụp đổ của nó sẽ cần nhiều năm mới có thể khắc phục.

Nguồn: www.lypham.net