Phạm Thị Ly & Đàm Quang Minh  (2014)
(Bản ngắn hơn đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 10.08.2014)

           Trong mấy năm gần đây, các trường ĐH ngoài công lập Việt Nam đã và đang tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn thách thức nghiêm trọng. Tuy sự tăng trưởng của khu vực GDĐH tư trong hai thập kỷ qua về mặt số lượng là rất ấn tượng, số trường ngoài công lập (NCL) thực sự thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu không có sự đáp ứng kịp thời của chính sách, chúng ta có thể sẽ thấy sự sụp đổ hàng loạt của các trường NCL trong tương lai, và điều đó chắc chắn là không có lợi cho sự phát triển của hệ thống GDĐH,  vì trong bối cảnh nguồn lực công dành cho GDĐH tiếp tục hạn chế, thì phát triển GDĐH NCL là con đường tất yếu để đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo kỹ năng cho tăng trưởng. Bài viết này thảo luận về những điểm cần tháo gỡ để GDĐH NCL có thể phát triển lành mạnh và đạt được những thành tựu xứng đáng với tiềm năng của nó.

Bối cảnh của GDĐH thế giới

Giáo dục đại học (GDĐH) trên thế giới đang biến đổi rất nhanh và vô cùng sâu sắc trên hầu hết mọi phương diện, đòi hỏi chúng ta phải kịp thời nhận thức lại nhiều khái niệm truyền thống về GDĐH nay đã không còn phản ánh đúng thực tại nữa. Có thể nói vắn tắt các xu hướng thay đổi này là: đại chúng hóa, thị trường hóa, tư nhân hóa, số hóa. Động lực của những thay đổi đó bắt nguồn từ sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế và sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông. Chính phủ các nước, một mặt nhận thức rõ tầm quan trọng của GDĐH, một mặt không đủ nguồn lực công để đáp ứng, đã thúc đẩy các trường năng động hơn, đáp ứng tích cực hơn và hệ quả là làm cho bản chất của nhà trường thay đổi một cách sâu sắc.

Xu thế đại chúng hóa. Quả thật đã qua cái thời GDĐH là đặc quyền của một tầng lớp tinh hoa. Trong vòng hai mươi năm qua, GDĐH đã mở rộng ở một quy mô chưa từng có tiền lệ trước đó. Trung Quốc hiện có 29 triệu sinh viên ĐH, là hệ thống lớn nhất thế giới hiện nay, trong khi năm 1998 chỉ có 6 triệu sinh viên, tỉ lệ dân số vào ĐH trong độ tuổi tăng gần 4 lần từ 7% đến 25% trong vòng chỉ 15 năm. Ở một số thành phố lớn, tỉ lệ này là trên 80%[1]. Ấn Độ có 11 triệu sinh viên, lớn thứ ba trên thế giới. Đang có hiện tượng khủng hoảng thừa: Ở Ấn Độ hiện nay, có từ 40-70% sinh viên ngành kỹ thuật ra trường không tìm được việc làm[2]. Tỉ lệ vào ĐH trong độ tuổi hiện rất cao ở một số nước: Hàn Quốc đã đạt đến gần 100%. Trên phạm vi toàn cầu, nếu như tổng số sinh viên tất cả các nước là 13 triệu vào năm 1960, thì năm 1995, con số đó là 82 triệu, và năm 2011 là 200 triệu (Philip G. Altbach, 2012). Ở Việt Nam mức tăng cũng không kém ấn tượng: từ 160.000 sinh viên năm 1993 tăng đến 2.177.299 năm 2013, tức 14 lần trong vòng 20 năm[3].

         Xu thế tăng học phí. Nếu như trước đây ở Hoa Kỳ và Châu Âu, chi phí cho GDĐH phần lớn do ngân sách nhà nước bao cấp, thì ngày nay, ngày càng tăng xu hướng đặt gánh nặng tài chính lên vai người học. Ở Mỹ, học phí đã tăng gấp năm lần trong vòng 30 năm qua. Số tiền nợ mà sinh viên Mỹ đang gánh chịu hiện nay đã lên đến hàng ngàn tỷ đô la, và đã tăng gấp đôi chỉ từ 2007 đến nay. 46% sinh viên Mỹ đã không tốt nghiệp, và 53,6% sinh viên tốt nghiệp hiện nay đang không có việc làm (Stamenka Uvalić-Trumbić & Sir John Daniel). Điều này đặt ra hai vấn đề, một là “lợi ích công” của GDĐH phải được định nghĩa lại như thế nào, khi gánh nặng học phí và nợ nần do việc học đã khiến GDĐH trở thành chủ yếu là đầu tư của cá nhân cho lợi ích riêng; và hai là câu hỏi về tính thiết thực của việc học được đặt ra gay gắt hơn bao giờ hết.  Cũng trong xu hướng đó, ngày càng nhiều các tổ chức GDĐH vì lợi nhuận xuất hiện, và khu vực này đang tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ, với mô hình quản trị như một doanh nghiệp, nhanh chóng thích ứng với tiến bộ kỹ thuật cũng như đáp ứng những đòi hỏi của thị trường. Bối cảnh này khiến quan niệm về trường ĐH như một tháp ngà hay thánh đường tri thức đã tồn tại hàng ngàn năm qua ở phương Tây đang bị thách thức mạnh mẽ.

Xu thế phát triển giáo dục như là một dịch vụ. Quan niệm truyền thống xem trường ĐH là cột trụ tinh thần của xã hội, và mang một trọng trách không chỉ với hiện tại, mà còn với quá khứ và tương lai. Trong bối cảnh tỉ trọng nguồn lực công cho GDĐH ngày càng giảm và nguồn lực tư nhân ngày càng tăng, quan niệm về trường ĐH như là một hoạt động dịch vụ ngày càng trở nên lấn át. Liệu trường ĐH có thể được xem như một doanh nghiệp giống như mọi doanh nghiệp khác và được điều chỉnh bởi các quy luật của thị trường, hay nó phải được xem là một doanh nghiệp đặc biệt và vận hành trong những hành lang pháp lý đặc biệt, là một câu hỏi vẫn đang tiếp tục gây tranh luận.

GDĐH ngoài công lập tại Việt Nam trong bức tranh chung của hệ thống GDĐH

Sự phát triển của GDĐH ngoài công lập về mặt số lượng. Trong hai thập kỷ qua, GDĐH NCL đã đạt được mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng về mặt số lượng. Từ năm 1988, ý tưởng chấp nhận GDĐH NCL bắt đầu hình thành, mãi 5 năm sau, trường NCL đầu tiên là Thăng Long mới được ra đời, và từ 1993 đến nay đã có 54 trường ĐH và 30 trường cao đẳng NCL. Cho đến nay, tổng số sinh viên (SV) đang học tại các trường ĐH-CĐ NCL đang chiếm khoảng 14% tổng số SV trong cả hệ thống. Chiến lược phát triển GD 2009-2020 có đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt đến con số 40% tổng số SV học trong các trường NCL.  Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó đạt được, nếu nhìn vào xu thế các năm gần đây, tỷ trọng SV vào học tại các trường NCL chẳng những không tăng, mà còn giảm, đến mức có ngành buộc phải đóng cửa.

Điều này trái ngược với xu hướng quốc tế. Trên thế giới, đầu tư công cho GDĐH ở các nước phát triển đang giảm. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào GDĐH ngày càng nổi bật, nhất là ở Châu Á. Bảng 1 và Hình 1 sau đây cho thấy tỉ lệ trường tư và sinh viên trong các trường tư trên tổng số sinh viên và tổng số trường:

Bảng 1: Tỉ trọng của khu vực tư trong GDĐH ở môt số nước

          Nước Tỉ lệ % sinh viên các trường tư trên tổng số SV Tỉ lệ % các trường tư trên tổng số trường
Korea 78 87
Taiwan 72 66
Nhật 77 86
Philippines 81 75
Indonesia 96 71
Malaysia 92 39
Pakistan 64 18
Việt Nam 14 19

 

(Nguồn: Tác giả tổng hợp dựa trên số liệu của Kai-ming Cheng, HKU, 2014)

Chất lượng GDĐH có vấn đề ở cả trường công lập lẫn NCL, nhưng nghiêm trọng hơn ở khu vực NCL, thể hiện qua tỉ lệ thất nghiệp, qua ý kiến chuyên gia và được ghi nhận trong nhiều văn bản chính sách cũng như tài liệu nghiên cứu. Tuy nhiên, bên cạnh những trường NCL không tạo được niềm tin cho người sử dụng lao động về chất lượng đào tạo, đã và đang có một số trường NCL thành công trong việc tạo ra một sự khác biệt về chất lượng đào tạo, có thể kể một số trường hợp như RMIT, FPT, Hoa Sen, Broward, v.v. Nhờ cơ chế năng động và mức độ tự chủ cao, các trường này nắm bắt rất bén nhạy nhu cầu và đòi hỏi của thị trường và đã đáp ứng với những nhu cầu ấy một cách có hiệu quả.

Nhìn vào cả hệ thống, thì bức tranh chung về kết quả đào tạo không mấy sáng sủa. Do hệ thống tăng trưởng quá nhanh, quá nóng, việc đầu tư cho chất lượng không theo kịp. Con số 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trong Quý 4-2013 là một tín hiệu báo động. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ phải thực hiện tái đào tạo có khi một vài năm, thì những người tốt nghiệp ĐH mới có thể làm được việc.

Cạnh tranh công tư trong GDĐH. Hiện nay, trường công đang được hưởng một nguồn lực rất lớn từ ngân sách công. Cần phải tính đủ không chỉ là ngân sách hoạt động bao gồm lương, chi thường xuyên, đầu tư xây dựng, kinh phí mục tiêu, mà còn cả đất đai và hạ tầng. Khoản đất đai và hạ tầng này nếu quy ra thành tiền, thì rất lớn. Do vậy, trường công có mức thu học phí thấp hơn, là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng như vậy có công bằng không, khi chính gia đình các em học ở trường tư đang đóng thuế để cung cấp ngân sách cho các trường công đó?

Quan niệm rằng trường công được bao cấp, dành cho các em nhà nghèo học giỏi, còn trường tư tự hạch toán lấy thu bù chi có lãi và có tích lũy, dành cho các em ‘hạng hai” xét về năng lực, tức là không đủ điểm vào các trường công lập, nhưng có đủ tiền trang trải học phí, là một quan điểm đã lỗi thời. Vì nó không công bằng như đã nói trên, và cũng không phản ánh đúng sự khác biệt thực chất nên có giữa trường công và trường tư, và không gíup cho cả trường CL lẫn  NCL phát huy hết thế mạnh của mình. Một quan niệm như thế sẽ mặc định trường NCL là trường “hạng hai”, một điều không hẳn đúng trong thực tế cũng như không có lợi cho cả hệ thống.

Sự khác biệt nên có giữa trường công lập và ngoài công lập là gì? Về bản chất, toàn bộ nguồn vốn đầu tư của trường công lập là nguồn ngân sách công, trong lúc nguồn vốn của trường tư là từ cá nhân (đầu tư hoặc hiến tặng), hoặc tập thể (nhóm người, hoặc công ty, tập đoàn).  Do nguồn vốn khác nhau, nên mục đích và sứ mạng cũng khác nhau. Trường NCL thực hiện cung ứng một dịch vụ để tìm kiếm lợi nhuận (đối với trường vì lợi nhuận) hoặc để thực hiện một sứ mạng phục vụ xã hội theo cách thức mà những người sáng lập mong muốn (đối với trường không vì lợi nhuận). Cả hai đều hoạt động theo cơ chế thị trường và chịu sự điều chỉnh theo quy luật cung cầu của thị trường. Trong lúc đó, trường công thực hiện những nhiệm vụ mà nhà nước giao cho, tức là bổ sung cho những khiếm khuyết của thị trường, để bảo đảm lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của toàn xã hội. Thế nhưng trong thực tế hiện nay, tuy trường công lập được hưởng ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách, nhưng do học phí thấp, đã phải tìm mọi cách tạo ra nguồn thu, và hành động không khác gì các trường tư vì lợi nhuận. Đó là điều đã tạo ra một sân chơi bất bình đẳng và xói mòn động lực cải thiện chất lượng của cả trường công lẫn trường tư.

Quan niệm về trường NCL. Có hai vấn đề về cách nhìn đối với trường NCL. Một là, cái nhìn định kiến và thiếu thiện cảm của xã hội đối với khu vực GDĐH tư. Tình trạng này là kết quả của lối hoạt động dựa trên tầm nhìn ngắn hạn của khá nhiều trường NCL, và tầm nhìn ngắn hạn đó là kết quả của chính sách coi nhẹ tầm quan trọng của GDĐH NCL. Hai là, nhận thức không đầy đủ của giới làm chính sách về vai trò của GDĐH NCL cũng như thiếu vắng một quan điểm rõ ràng và nhất quán đối với GDĐH với tư cách một hoạt động dịch vụ. Nhà nước tỏ ra rất lúng túng trong việc đối xử với các trường NCL.

Nhìn chung, diễn tiến của chính sách đối với trường ĐH NCL hai mươi năm qua đã thể hiện một mâu thuẫn thường trực giữa xu hướng thị trường và quan điểm muốn kiểm soát nhà trường tránh khỏi tự do hóa và thương mại hóa (Xem Phụ lục: Tóm tắt các văn bản chính sách). Diễn tiến của chính sách thể hiện những diễn tiến trong nhận thức tuy đã trải qua nhiều thay đổi vẫn chưa bắt kịp thực tế và do đó đã gây ra mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột; đã để lại những hậu quả có thể dẫn đến sụp đổ nhiều trường NCL, và có hại cho sự phát triển của cả hệ thống, do đó cần được nghiên cứu để giải quyết rốt ráo[4]. Nói cách khác, các nhà làm chính sách đã không đánh giá đúng tầm quan trọng tất yếu của GDĐH NCL, đã không nhìn thấy và tạo điều kiện để phát triển điểm tích cực của GDĐH NCL, trái lại đã quá chú trọng vào việc kiềm chế mặt tiêu cực của GDĐH NCL (một cách chẳng mấy hữu hiệu) và trong thực tế là kềm hãm sự phát triển lành mạnh của nó.

Bất cập về chính sách đối với trường NCL. Trước hết là chính sách về sở hữu. Hiện nay chỉ có hai hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân đối với các trường. Đáng lẽ cần phải có ba hình thức sở hữu: trường công thuộc sở hữu nhà nước, thực hiện những nhiệm vụ mà nhà nước giao; trường tư vì lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tìm kiếm lợi nhuận; trường dân lập thuộc sở hữu cộng đồng, phi lợi nhuận, có sứ mạng bù đắp cho những khiếm khuyết của thị trường và phục vụ lợi ích công. Trong thực tế, sở hữu nhà nước đang bị biến dạng vì các trường công vận hành nhiều chương trình nhằm mục đích tạo nguồn thu chứ không tập trung cho việc thực hiện những nhiệm vụ mà nhà nước giao phó. Sở hữu tư nhân đang bị kiềm chế, do quy định về lợi nhuận không phân chia và do thành phần đương nhiên trong cơ cấu quản trị, do vậy, nhà đầu tư không cảm thấy quyền sở hữu của mình được bảo vệ, và đó là lý do kích thích tầm nhìn ngắn hạn, không đầu tư cho chất lượng lâu dài mà chỉ muốn kiếm lợi nhuận càng nhiều và càng nhanh thì càng tốt bất chấp hậu quả.

Thứ hai là chính sách về quản trị. Vì không thừa nhận trường ĐH có thể hoạt động thực sự như một doanh nghiệp, và vì tâm lý muốn kiềm chế tính chất vì lợi nhuận của các trường, nhà nước đã quy định hội đồng quản trị của các trường NCL buộc phải có một số thành phần đương nhiên. Chính sách này xuất phát từ mục đích tốt, muốn cho giới học thuật và những người có trách nhiệm bảo vệ lợi ích công có tiếng nói và tham gia cơ cấu ra quyết định của các trường NCL để giúp cho nó không bị thương mại hóa hoặc phát triển theo đường lối tiêu cực. Tuy nhiên, nó mâu thuẫn với tính chất của một trường vì lợi nhuận. Đã là trường vì lợi nhuận, mà người đầu tư lại không được toàn quyền quyết định, thì đầu tư vào giáo dục sẽ không công bằng so với đầu tư vào các lãnh vực khác. Một hệ quả nguy hiểm hơn, là trong cơ cấu đó, quyền lực phần lớn sẽ nằm trong tay những người điều hành. Nhà đầu tư, do e sợ rủi ro, sẽ trực tiếp nắm quyền điều hành, và trong nhiều trường hợp sẽ tạo ra lỗ hổng về năng lực lãnh đạo. Thêm vào đó, một cơ cấu quyền lực như thế tiềm tàng một khả năng mâu thuẫn rất lớn.

Thứ ba là chính sách kiểm soát chất lượng. Nếu nhà nước không can thiệp vào việc vận hành của các trường NCL, thì cần phải có một cơ chế giải trình trách nhiệm mạnh mẽ đối với các trường NCL để bảo vệ người học. Hiện nay, việc kiểm soát chất lượng được xem là trách nhiệm của nhà nước, vì lẽ đó các quy định có thể rất cứng nhắc và không phù hợp với thực tế. Những quy định không thích hợp như thế chỉ kích thích cách làm dối trá, và các phòng Đảm bảo Chất lượng đáng lẽ phải rà soát mọi nhân tố trong quá trình đào tạo để cải thiện chất lượng, thì lại phải dành thì giờ để chế biến các loại số liệu nhằm đối phó, để tỏ ra là tốt thay vì nỗ lực để tốt thực sự. Nếu cơ chế kiểm soát chất lượng này do các hiệp hội nghề nghiệp chuyên môn thực hiện, thì các tiêu chí đánh giá sẽ được thảo luận với nhau, và nêu ra công khai trước xã hội. Điều đó sẽ kích thích văn hóa tự cải thiện thay cho văn hóa đối phó.

Làm thế nào để một trường Đại học ngoài công lập có thể phát triển lành mạnh

Lịch sử phát triển các trường ngoài công lập tại Việt Nam có thể chia làm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 từ 1995 – 2000, giai đoạn đầu của sự bùng nổ các trường dân lập mà điển hình là các trường ĐHDL Đông Đô, ĐHDL Phương Đông, ĐHDL Thăng Long, ĐHDL Quản lý và Kinh doanh Công nghệ, ĐHDL Hải Phòng, ĐHDL Hùng Vương, ĐHDL Văn Lang. Các trường trong giai đoạn này chủ yếu là do các nhà giáo có uy tín, những người từng lãnh đạo các trường ĐH công lập thành lập. Quả thật sự có mặt của các trường này đã đem lại một sinh khí mới thay vào không khí ngột ngạt và căng thẳng của các ĐH công lập bấy giờ. Sự phát triển quá nóng và yếu kém trong quản trị đã dẫn tới việc không đảm bảo chất lượng và xảy ra sự kiện ĐHDL Đông Đô. Hiệu trưởng, hiệu phó của trường này phải hầu tòa vì tuyển sinh quá 2,8 lần so với quy định. Cũng lỗi này, nhưng các trường trong giai đoạn sau chỉ bị đình chỉ tuyển sinh và phạt hành chính. Tuy nhiên, tại thời điểm đầu của quá trình phát triển GDĐH NCL, các giáo sư, những người tiên phong cho GDĐH NCL lần đầu tiên đã phải hầu tòa và phạt 30 tháng tù nhưng được hưởng án treo. Giai đoạn 1 được đánh dấu bởi sự kiện năm 2001 số trường ngoài công lập giảm từ 30 xuống còn 23 và tỷ trọng trường ngoài công lập giảm từ 17% xuống còn 12%[5].

Giai đoạn 2 từ năm 2001 đến 2013, được đánh dấu bởi sự công nhận các trường ĐH tư thục. Trong giai đoạn bùng nổ 2005 – 2009, số trường đã tăng từ 35 lên 77 tức là tăng hơn gấp đôi chỉ trong 5 năm. Nếu giai đoạn trước người thành lập trường là các nhà giáo thì giai đoạn hai đánh dấu sự có mặt của trường đại học quốc tế và các nhà đầu tư từ các doanh nghiệp như các trường Đại học RMIT, Đại học FPT, Đại học Tân Tạo, Đại học Hà Hoa Tiên, … Những trường ĐH mang dấu ấn doanh nghiệp đã thể hiện một hình ảnh chuyên nghiệp hơn với sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và quản trị. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng thành công và nhiều trường đi vào bi kịch bên bờ vực phá sản.

Trải qua chặng đường 20 năm, không nhiều trường ĐH NCL được coi là thành công. Và trong bối cảnh trường ĐH công lập được nâng cấp và phát triển ồ ạt, có mặt tại gần như các tỉnh thành thì số học sinh THPT giảm 12,9% từ 3,1 triệu xuống còn 2,7 triệu từ năm 2007 đến năm 2012 và sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn do số học sinh THCS đã giảm 25,8% từ 6,6 triệu xuống 4,9 triệu từ năm 2005 đến 2012[6], dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt để giành sinh viên.

Các trường ĐHNCL thành công là các trường thể hiện được sự khác biệt của mình với cả các trường công lập và ngoài công lập khác và những khác biệt này đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết của xã hội mà các trường công lập kém năng động không đáp ứng được. Với ưu thế về khả năng ngoại ngữ và môi trường năng động của nhiều sinh viên quốc tế, ĐH RMIT được ưa chuộng bởi sinh viên ra trường luôn được các công ty đa quốc gia chú ý. Một trong những động lực lớn nhất để FPT mở trường đại học là do chi phí đào tạo nhân viên quá cao do không thể tìm được đủ nhân viên vừa giỏi lập trình vừa biết ngoại ngữ, đặc biệt là các ngôn ngữ khó như Tiếng Nhật. Ngày nay, nỗi lo lắng này giảm đi rất nhiều dù người học CNTT đã giảm nhiều so với thập kỷ trước. Các chi nhánh tại nước ngoài của FPT với đa phần là các sinh viên tốt nghiệp từ đây là minh chứng cho sự thành công về đào tạo của ĐH FPT. Đảm bảo về việc làm với thu nhập tốt trong ngành CNTT là điểm hấp dẫn chính của ĐH FPT. Bên cạnh đó, việc đào tạo kỹ năng với các hoạt động sinh viên cũng đem lại thành công cho các trường ngoài công lập như ĐH Thăng Long hay ngay cả ĐH RMIT, ĐH FPT cũng nổi tiếng về việc này. Mục tiêu việc làm luôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá trường đại học. Trong khi các trường công lập còn chưa quan tâm đến việc xây dựng quan hệ với các doanh nghiệp thì những trường ĐHNCL như Hoa Sen, Bình Dương đã làm rất tốt việc này và cũng ghi danh mình vào các trường ĐH NCL thành công. Bên cạnh đó vẫn có các trường đào tạo đa dạng, thành công nhờ vào tổ chức xây dựng hình ảnh và tuyển sinh nhắm vào đối tượng trượt đại học công lập như các trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, ĐHDL Hải Phòng, ĐH Duy Tân. Những trường này có thể sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới khi sự cạnh tranh khốc liệt hơn.

Một trong những yếu tố giúp các trường ĐHNCL thành công là do quản trị chuyên nghiệp. Đứng đầu trong trong các trường này là RMIT và FPT trong chiến lược xây dựng hệ thống quản trị theo mô hình quốc tế. Các trường như Thăng Long, ĐH Công nghệ TP.HCM cũng được coi là các trường có trình độ quản trị tốt và được tổ chức một cách rõ ràng. Thể hiện của việc quản trị tốt là việc có một hệ thống tài chính lành mạnh.

Nhìn từ góc độ học phí, các trường NCL có thể chia thành bốn phân khúc chính như bảng 2 dưới đây. Bảng A là những trường đứng đầu về học phí. Phân khúc A chỉ có 2 trường tương đối thành công là Trường ĐH FPT và ĐH Hoa Sen. Hai trường này đã xây dựng được uy tín nhất định, có bề dày thành tích về đào tạo. Chính vì vậy tuy mức học phí khá cao nhưng vẫn rất nhiều sinh viên theo học. Có thể nói đây chính là hai điển hình tiêu biểu của GDĐH NCL tại Việt Nam. Phân khúc A+ hoàn toàn thuộc về các trường quốc tế với sự thành công đặc biệt của RMIT. Nếu coi doanh thu từ học phí là chỉ tiêu đánh giá thì doanh số của ĐH RMIT bằng tổng 3 trường mạnh nhất của Việt Nam cộng lại. Phân khúc B là phân khúc được coi là thành công nhất với nhiều trường có số lượng sinh viên khá lớn. Bên cạnh đó các trường này cũng nằm tại các trung tâm kinh tế đông dân cư và mức sống khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Những trường quyết định cạnh tranh với các trường công lập về học phí ở phân khúc C thì đều rơi vào tình trạng nguy hiểm. Lý do đơn giản là họ không thể cạnh tranh bằng cách đó khi phải gánh chi phí khổng lồ từ cơ sở vật chất trong lúc vẫn phải đảm bảo chất lượng. Những trường rơi vào trường hợp này phần lớn sẽ phải đóng cửa trong thời gian gần nếu không có những cải cách quan trọng. Những trường thuộc loại D là những trường tuyển sinh chủ yếu dựa vào các đối tượng thi trượt ĐH mà vẫn mong muốn có bằng ĐH. Các trường này thu học phí thấp và chỉ cao hơn học phí công lập không nhiều. Đa phần các trường trong phân khúc này đều gặp khó khăn vì không thể xây dựng được chất lượng đào tạo. Phần lớn trong số này gặp khó khăn nặng nề về tài chính.

Bảng 2: Phân khúc các trường NCL dựa trên mức thu học phí

TÊN TRƯỜNG HỌC PHÍ TRỌN KHÓA PHÂN KHÚC
1 ĐH RMIT 600.000.000 A+
2 Đại học Anh quốc 600.000.000
3 ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH MARKETING 300.000.000 A
ĐẠI HỌC FPT 250.000.000
4 ĐH TÂN TẠO 180.000.000
5 ĐẠI HỌC HOA SEN 175.000.000
6 ĐH QUỐC TẾ SÀI GÒN 175.000.000
7 ĐẠI HỌC VĂN LANG 92.000.000 B
8 ĐẠI HỌC QUỐC TẾ MIỀN ĐÔNG 80.000.000
9 ĐẠI HỌC KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ 70.000.000
10 ĐH Thăng Long 70.000.000
11 ĐH NGOẠI NGỮ TIN HOC TP.HCM 64.000.000
12  ĐH Duy Tân 64.000.000
13  ĐH Tài chính Ngân hàng HN 63.000.000
14 ĐH NGUYỄN TẤT THÀNH 62.000.000
15 ĐH QUỐC TẾ HỒNG BÀNG 60.000.000
16  ĐH Nguyễn Trãi 60.000.000
17  ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng 50.000.000
18 ĐẠI HỌC VĂN HIẾN 40.000.000 C
19 Đại học công nghệ Sài gòn (STU) 40.000.000
20 Đại học CNTT Gia Định 40.000.000
21  ĐH Đại Nam 40.000.000
22  ĐH DL Phương Đông 40.000.000
23  ĐH Quốc tế Bắc Hà 40.000.000
24  ĐH Thành Tây 40.000.000
25  ĐH Dân lập Hải Phòng 39.600.000
26  ĐH KD & Công nghệ HN 38.400.000
27  ĐH Đông Á Đà Nẵng 36.000.000
28 Đại học Bình Dương 32.000.000
29 Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu 32.000.000
30  ĐH Dân lập Đông Đô 32.000.000
31  ĐH Hòa Bình 32.000.000
32  ĐH CN và QL Hữu Nghị 32.000.000
33  ĐH Dân lập Phú Xuân 32.000.000
34  ĐH Thái Bình Dương 32.000.000
35  ĐH Yersin Đà Lạt 32.000.000
36  ĐH Phan Thiết 31.200.000 D
37  ĐH Quang Trung 30.000.000
38  ĐH Kinh Bắc 28.000.000
39  ĐH Công nghệ Đông Á 28.000.000
40  ĐH Phan Châu Trinh 28.000.000
41  ĐH Lương Thế Vinh 26.000.000
42  ĐH Việt Bắc 24.000.000
43  ĐH Chu Văn An 24.000.000
44  ĐH Thành Đông 23.200.000
45  ĐH Thành Đô 22.000.000
46  ĐH Hà Hoa Tiên 20.000.000
47  ĐH Trưng Vương 20.000.000
48  ĐH Công nghệ Vạn Xuân 20.000.000

(Nguồn: Do các tác giả tổng hợp).

Sâu xa trong từng tổ chức, các nhà lãnh đạo đều muốn xây dựng một đơn vị trường tồn đặc biệt khi tổ chức đó là một trường ĐH. Điều dễ thấy ở các trường ĐHNCL thành công là họ đã bắt tay vào việc xây dựng những giá trị lâu dài. Trường ĐH FPT là trường tư thục đầu tiên tham dự ACM Final, một cuộc thi về CNTT do IBM tổ chức với sự tham gia của hàng trăm tên tuổi lớn trên thế giới trong đó có cả các trường danh tiếng như MIT hay Giao thông Thượng Hải. Trong cuộc thi đó đội tuyển của một trường công lập có uy tín là ĐH KHTN của ĐHQG-HCM đã thực sự bị ĐH FPT bỏ xa. Bên cạnh đó, các trường như ĐH FPT hay ĐH Duy Tân cũng đã có những công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Điều đó cho thấy, cho dù là các trường NCL và hoạt động vì lợi nhuận thì họ vẫn có động lực để phát triển dài hạn. Những trường này còn mạnh dạn mua bản quyền và dịch giáo trình từ các nhà xuất bản lớn như Pearson, Cengate, McGraw Hills để phục vụ đào tạo. Đó là việc mà các trường công lập và nhà nước chưa làm được. Bên cạnh đó, các trường này còn thành lập các trung tâm nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ dạy và học như MOOCs, Flip class, Blended Learning để áp dụng nâng cao chất lượng. Có thể khẳng định rằng để đạt được mục tiêu phát triển lâu dài, chính những trường ĐH NCL đang tiên phong trong việc cải cách GDĐH mà ngân sách nhà nước không phải chịu bất kỳ chi phí nào. Tuy nhiên, số các trường như vậy không nhiều. Chủ yếu vì các trường ĐH NCL vẫn đang phải vật lộn với các bài toán ngắn hạn trước mắt. Những chính sách vĩ mô không ổn định, đánh giá sai lầm về đầu tư giáo dục vì lợi nhuận đã khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất ổn và suy nghĩ ngắn hạn. Khi các nhà đầu tư suy nghĩ ngắn hạn và muốn đảm bảo an toàn về vốn thì những yếu kém hiện nay của giáo dục NCL là tất yếu. Đó có lỗi phần nhiều do chính sách thay đổi, không nhất quán và nhìn nhận chưa đúng đắn về giáo dục như là một dịch vụ.

Một điều nữa có thể quan sát thấy là những trường ĐH NCL thành công  chính là các đơn vị tiên phong trong việc xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh hay nói cách khác là xây dựng được văn hóa trường học tích cực. Họ đang có những nỗ lực tạo ra một ốc đảo trong sự hỗn loạn, nhiều tệ nạn của nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Không phải các trường công lập mà chính các trường NCL là những trường nêu cao tính “Thực học – Thực nghiệp” hay “Học thật” tại giảng đường. Có người cho rằng, nếu có khảo sát về tỷ lệ chạy điểm, chạy thày, dạy thêm tại các trường đại học thì chắc rằng tỷ lệ tiêu cực tại các trường NCL sẽ thấp hơn nhiều so với trường công lập. Một phần lớn vì đời sống bằng lương của các cán bộ trường NCL được đảm bảo hơn khiến họ ít động lực để phải kiếm thêm thu nhập từ học trò. Sinh viên của các trường NCL như FPT, RMIT, Thăng Long cũng được tiếng là năng động hơn là các sinh viên trường công lập, có phần là vì họ đã xây dựng được một bản sắc văn hóa riêng một cách tích cực trong khuôn viên giảng đường. Các hoạt động sinh viên tại các trường này được đội ngũ nhân viên chuyên trách đảm nhận, tạo ra không khí tích cực và môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường. Chính môi trường văn hóa tích cực này giúp ích rất lớn cho sinh viên trong cuộc sống sau này. Và chính điều này ngược lại làm tăng uy tín của nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh và xã hội.

Kết luận

Nhược điểm chính của các trường ĐH công lập hiện nay là thiếu động lực để đổi mới, trong lúc nhược điểm chính của các trường NCL là tầm nhìn ngắn hạn. Như trên đã phân tích, tầm nhìn ngắn hạn này là hệ quả của một chính sách thiếu nhất quán và không thể hiện một nhận thức đầy đủ về khả năng đóng góp của ĐH NCL. Nếu nhược điểm này được khắc phục, chính các trường NCL là nơi có động lực mạnh mẽ nhất để cải thiện chất lượng; do phụ thuộc vào học phí để tồn tại, chất lượng là lý do sống còn của họ.

Những nút thắt về mặt chính sách có lý do từ trong nhận thức chưa phù hợp về trường NCL và lúng túng trong cách xử lý mối quan hệ giữa tính chất dịch vụ, vì lợi nhuận với tính chất phục vụ lợi ích công của khu vực tư trong GDĐH. Trong lúc một hành lang chính sách cho trường ĐH phi lợi nhuận là rất cần thiết, thì cũng rất cần khẳng định sự tồn tại tất yếu và cần thiết của khu vực GDĐH vì lợi nhuận, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam, khi sự trưởng thành về văn hóa hiến tặng chưa đủ để hình thành những trường phi lợi nhuận thực sự. Vấn đề không phải là dùng những công cụ chính sách để hạn chế sự phát triển của khu vực GDĐH vì lợi nhuận, mà là một hành lang pháp lý khích lệ các trường vì lợi nhuận kinh doanh một cách lành mạnh. Sự phát triển tiêu cực của một số trường ĐH thời gian qua có nguyên nhân sâu xa từ tầm nhìn ngắn hạn và thiếu sự hỗ trợ quan trọng của chính sách. Những trường thành công chính là những trường có tầm nhìn dài hạn. Nhà nước không cần can thiệp vào cơ chế quản trị và vận hành của các trường NCL, thậm chí cũng không cần kiểm soát mức độ lợi nhuận của họ. Điều quan trọng nhất mà nhà nước cần làm, là bảo vệ lợi ích của người học, tức cũng chính là lợi ích của xã hội, thông qua những cơ chế bảo đảm chất lượng và minh bạch về trách nhiệm giải trình. Xét trong dài hạn, nhà nước cần khích lệ sự phát triển lành mạnh của các trường ĐH NCL vì họ góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu giáo dục bậc cao của người dân trong lúc nguồn lực công không thể đáp ứng hết được.

 

Tư liệu tham khảo.

Tiếng Anh

Armenti, Angelo Jr. “Declining Public Support for Higher Education in Pennsylvania.” Paper presented to the 35th Annual National Conference on Higher Education Collective Bargaining. Baruch College, New York, New York, April  6-8, 2008.

David Weinberg (2013). Public-private university salary gap widens: Report.  Marketplace Morning Report for Monday, April 8, 2013. Source: http://www.marketplace.org/ topics/economy/education/public-private-university-salary-gap-widens-report

Dennis Eppla and Richard E.Romano (1998) Competition between Public and Private University, Voucher and Peer Group Effects.  American Economic Review.

Harry Patrinos and Laura Lewis. (2012).Impact Evaluation of Private Sector Participation in Education, World Bank Report.

John Fielden and Norman LaRocque(2008). The Evolving Regulatory Context for Private Education in Emerging Economies, World Bank Report. Nguồn (truy cập ngày 22.07.2014): http://siteresources.worldbank.org/EDUCATION/Resources/278200-1099079877269/547664-1099079934475/547667-1135281523948/EWPS14_Private_Education.pdf

Kintomo Takakura, President. Tokyo Women’s Medical University (2005). Strengths and Weakness of Public and Private Universities – A View from Japan.

Seth Allen (2012). Are Public Universities Really a Better Value than Private Colleges? Nguồn: http://collegeapps.about.com/od/payingforcollege/tp/public-or-private-seth-allen.htm

World Bank. 2000. “Public Expenditure: Managing the Crisis; Challenging the Future.” World Bank Report Number 20371-MA. World Bank. Washington. DC.

Tiếng Việt

Dương Tấn Diệp (2012). Quyền sở hữu tài sản các trường ĐH-CĐ ngoài công lập dưới góc nhìn theo quan điểm phát triển. Tạp chí Phát Triển & Hội Nhập Số 5 (15) – Tháng 7-8/2012.

Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập Việt Nam (2014). Báo cáo hội nghị đánh giá 20 năm phát triển mô hình giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam  (1993 – 2013).

Lâm Quang Thiệp (2008). Về sự phát triển GDĐH tư ở Việt nam và Trung Quốc. Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục So sánh 2007, do Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa GD của Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức.

Lê Viết Khuyến (2014) Định hướng cơ chế sở hữu cho các trường đại học ngoài công lập qua các văn bản chỉ đạo của nhà nước trong những năm gần đây (In press).

Phạm Thị Ly (2014). Khoảng trống về chính sách nhìn từ vụ việc ĐH Hùng Vương. Tạp chí Thời Báo Kinh tế Saigon số 2 -2014 ra ngày 9-1-2014, trang 58-60.

Phạm Thị Ly (2014). Cần thay đổi cách nhìn với các trường ĐH ngoài công lập. Tuổi trẻ Cuối tuần số ra ngày 21.2.2014.

Ghi chú
[1]
Nguồn: Báo cáo của GS. Kai-ming Cheng, Hong Kong University.

[2] Nguồn: Báo cáo của GS.Tilak, National University of Education Planning and Assessment, NUEPA, New Delhi tại Summer Institute Hong Kong, 2014.

[3] Nguồn: Thống kê của Bộ GD-ĐT, trên trang web www.moet.gov.vn

[4] Xem: Phạm Thị Ly (2014). Cần thay đổi cách nhìn đối với các trường ngoài công lập. Tuổi trẻ Cuối tuần số ra ngày 21.2.2014.

[5]Nguồn: Tổng cục thống kê.

[6]Nguồn: Tổng cục thống kê.