Phạm Thị Ly (2014)
(Tham luận tại Hội thảo “What is a Good University?” do Mạng lưới Học giả Việt Nam
và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐH Giáo dục thuộc ĐHQG-Hà Nội tổ chức
với sự tài trợ của British Embassy, ngày 18-3-2014 tại Hà Nội)
        

  Vai trò của trường đại học (ĐH) càng quan trọng chừng nào đối với nền kinh tế tri thức và đối với sự nghiệp cuộc đời của mỗi cá nhân, thì câu hỏi “thế nào là một trường ĐH tốt” càng đặt ra một áp lực lớn với tất cả các trường, thể hiện đòi hỏi ngày càng tăng của nhà nước, của thị trường, và của công chúng. Đặc biệt là trong vòng hơn một thập niên gần đây, kể từ khi Trường ĐH Giao thông Thượng hải công bố bảng xếp hạng ĐH toàn cầu của họ[1], thì hội chứng xếp hạng đã lan ra khắp mọi châu lục, làm biến đổi chiến lược và cách xử sự của các trường theo một cách không phải lúc nào cũng có lợi cho người học và cho xã hội.

Vì sao? Một phần là do sự bất toàn của các phương pháp và tiêu chí, phần khác quan trọng hơn, là các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu đã quá nhấn mạnh đến thành tích nghiên cứu thể hiện qua ấn phẩm khoa học[2], khiến cho những mặt hoạt động khác, những trách nhiệm khác của nhà trường với người học và với xã hội vô hình trung bị coi nhẹ. Hơn thế nữa, hội chứng xếp hạng đã làm nảy sinh một hiện tượng tạm gọi là sử dụng thủ thuật để nâng hạng, thể hiện một xu hướng rất không lành mạnh, là biến các tiêu chí xếp hạng trở thành mục đích của nhà trường.

Bởi thế, thái độ phản kháng trong giới hàn lâm đối với xếp hạng ĐH ngày càng rõ. Một mặt, các tổ chức xếp hạng đang ra sức cải thiện các phương pháp và tiêu chí, và nhấn mạnh việc truyền thông với người dùng về giới hạn, ý nghĩa, cách sử dụng những thông tin của các bảng xếp hạng[3]; mặt khác, giới hàn lâm quốc tế có xu hướng muốn xem xét lại những tác động không mong muốn mà các bảng xếp hạng gây ra, tuy họ không phủ nhận những đóng góp tích cực của nó.

Có một điều chắc chắn là các tiêu chí xếp hạng hiện nay đã chỉ đo lường được một phần nhỏ những gì một trường ĐH hàng đầu, hay một ĐH thực sự tốt, phải là. Ấn phẩm, chỉ số tác động và trích dẫn là những thứ có thể đo đếm được tương đối dễ dàng (và cũng có thể giả mạo hay gian lận được[4]), trong khi những giá trị gia tăng mà nhà trường mang lại cho sinh viên, khả năng tư duy một cách lành mạnh và sáng suốt, hay một nền tảng tri thức rộng rãi về các nền văn hóa, các thời đại và năng lực đưa ra quyết định dựa trên một thế giới quan rộng lớn, là điều có thể làm thay đổi cả một đời người, một thế hệ, một quốc gia, thì lại không dễ đo lường, và không thể giả mạo hay gian lận.

Tuy thế, không dễ đo lường, không có nghĩa là nó không quan trọng hay không cần thiết. Chúng tôi muốn đề xuất một mô hình, hay là những đặc điểm và trách nhiệm cụ thể của một trường ĐH tốt, nằm ngoài các tiêu chí xếp hạng hiện nay. Thay cho cái lý tưởng phấn đấu để được lọt vào bảng xếp hạng, chúng tôi ủng hộ đề xuất của GS. John Douglass (UC Berkley), chuyển thành lý tưởng trở thành thiết yếu cho xã hội[5]. Trong bài này, chúng tôi nêu vắn tắt quan điểm của Douglass và mượn một từ của ông, từ “thiết yếu” để trình bày một mô hình “ĐH tốt”  phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

“Có thứ hạng cao” và “thiết yếu với xã hội”

“Đại học đẳng cấp quốc tế” (ĐH ĐCQT), một khái niệm có thể xem là sản phẩm của các bảng xếp hạng, ám ảnh các nhà chính trị, những người làm chính sách và lãnh đạo các trường ĐH lớn trong những quốc gia và những nền kinh tế mới nổi trong thập kỷ qua, một phần là do họ ý thức được tầm quan trọng của trường ĐH đối với nền kinh tế tri thức, và phần khác, là do bị chi phối bởi ý muốn thể hiện niềm tự hào quốc gia. Các nước nghèo hay mới thoát nghèo khao khát có một trường ĐH đẳng cấp quốc tế vì với họ đó là một biểu tượng khiến họ thấy mình ngang hàng về mặt trí tuệ với những nước phát triển và giàu có.

Tuy nhiên, theo GS. Douglass, bên cạnh những phương pháp đáng ngờ, các bảng xếp hạng toàn cầu còn tạo ra những mục đích không thể nào đạt được đối với phần lớn các trường đang có tham vọng ấy. Khoảng 10-25 trường ĐH hàng đầu được công nhận hầu như trong tất cả các bảng xếp hạng, và danh sách này rất ít thay đổi trong mấy thập kỷ qua, cũng có rất ít khả năng sẽ thay đổi nhiều trong tương lai. Nó là một nhóm rất nhất quán trong các bảng xếp hạng nổi tiếng nhất. Ngầm định rằng một trường ĐH ĐCQT là một trường được xếp hạng trong số 50 hay thậm chí 100 trường ĐH hàng đầu thế giới trong một số bảng xếp hạng ĐH toàn cầu được công nhận, chỉ là một trò chơi có tổng bằng không, mà người này được thì người kia phải mất.

Ý nghĩa tích cực của các bảng xếp hạng là không thể phủ nhận. Nó cung cấp thông tin cho người học, cho các chính phủ, kích thích việc thu thập dữ liệu vốn rất cần cho việc quản lý hệ thống; và quan trọng hơn, nó nâng cao ý thức của các trường trong việc cải thiện hoạt động. Tuy thế, khiếm khuyết của các bảng xếp hạng và tác động tiêu cực của nó cũng ngày càng bộc lộ rõ. Phát biểu của GS.  Alison Richard, nguyên Hiệu Trưởng trường ĐH Cambridge cho thấy rõ điều này: “Các bảng xếp hạng có nhiều khiếm khuyết sai lầm và không thể miêu tả đầy đủ các trường, cũng không thể cho thấy trường này có thực sự tốt hơn trường kia hay không. Nhưng tôi rất hài lòng khi Cambridge được xếp hạng là trường hàng đầu thế giới” (!). Hellen Hazekon[6] cho rằng thực tế đang tồn tại nhiều mâu thuẫn: các bảng xếp hạng đang đo lường những gì có thể đo lường được hay những gì thực sự có ý nghĩa? Các trường nên điều chỉnh chiến lược của mình theo các tiêu chí của các bảng xếp hạng toàn cầu nhằm nâng hạng, hay tập trung cho mục tiêu giáo dục và sứ mạng phục vụ lợi ích công? Các nhà làm chính sách nên tập trung nguồn lực cho mô hình tinh hoa, hay nên dành cho việc duy trì chất lượng của GDĐH dành cho số đông? Tập trung tạo ra sự xuất sắc hay tăng cường năng lực của nguồn nhân lực nói chung? Khích lệ những thành tựu học thuật theo quan niệm truyền thống hay đánh giá cao trách nhiệm công dân và những đóng góp khác cho xã hội? Thúc đẩy mô hình kiến tạo tri thức truyền thống và cơ chế bình duyệt hay khích lệ việc ứng dụng tri thức, tác động đối với xã hội và trách nhiệm giải trình trước công chúng? Tác động tiêu cực rõ rệt nhất của các bảng xếp hạng, là nó kích thích các trường chạy đuổi theo vị trí xếp hạng và coi nhẹ những sứ mạng quan trọng khác của nhà trường đối với người học và đối với xã hội. Xét về mặt hệ thống, việc đầu tư một nguồn lực khổng lồ cho một số ít các trường tinh hoa nhằm tạo ra sự xuất sắc đã lấy đi những khoản đầu tư đáng lẽ có thể dành cho việc cải thiện chất lượng đào tạo của số đông (Phạm Thị Ly, 2013).

Có một sự thật được công nhận rộng rãi, là cái nhóm các trường tinh hoa luôn ngự trị trên đỉnh của các bảng xếp hạng này, chưa bao giờ đặt ra mục tiêu giành lấy vị trí ấy. Đối với Việt Nam, đơn giản là mục tiêu có một trường ĐH ĐCQT gần như chắc chắn không đạt được trong tương lai gần, và dù có đạt được, đó cũng không thể nào là mục tiêu hay mô hình cho tất cả các trường ĐH trong hệ thống.  Vì lẽ đó, chúng tôi ủng hộ quan điểm nhấn mạnh vào tính thiết yếu cho xã hội thay vì nhấn mạnh vào việc phấn đấu giành thứ hạng.

Điều gì khiến một trường ĐH trở thành thiết yếu cho xã hội?

  1. Douglass đưa ra mô hình ĐH hoa tiêu nhằm thay thế cho ĐH đẳng cấp quốc tế. Ông mượn từ “hoa tiêu” (“Flagship”) vốn lấy từ thuật ngữ của ngành hàng hải, có nghĩa là con tàu dẫn đường trong hải quân, tức là bộ phận trung tâm ở đó vị đô đốc điều phối, chỉ huy cả đoàn tàu. Theo ông, trường ĐH hoa tiêu vốn có các đặc điểm sau: (i) Tạo ra cơ hội tiếp cận ĐH rộng rãi, tức là mở cửa cho mọi công dân bất kể nơi chốn, nguồn gốc xuất thân hay địa vị kinh tế, xã hội; (ii) Gắn với phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế; và (iii) Mang tính chất dẫn đầu, tức là có trách nhiệm giúp xác lập chuẩn mực và xây dựng những bộ phận khác trong hệ thống giáo dục công – từ tiểu học đến trung học phổ thông, cho đến những trường ĐH và cao đẳng công lập khác. Từ đó ông bổ sung thêm để thành ra một mô hình bao gồm 21 đặc điểm cho ĐH hoa tiêu ngày nay, một mô hình theo ông khả dĩ có thể thay thế cho mô hình ĐH đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, trong bài này, chúng tôi không bàn về những trường ĐH có vai trò dẫn đầu cả hệ thống, như khái niệm ĐH hoa tiêu đã gợi ra. Chúng tôi chỉ mượn một từ của GS. Douglass để bàn về một mô hình ĐH tốt, và nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam. Đó là từ “thiết yếu” (relevance).

Một trường ĐH tốt là một trường ĐH tốt bất kể nó đặt trên mảnh đất nào hay quốc gia nào, nghĩa là nó phải chia sẻ một số đặc điểm phổ quát mà nếu không có nó thì tổ chức ấy không còn có thể được coi là trường ĐH theo ý nghĩa truyền thống nữa. Nhưng đặc điểm chính trị, văn hóa và lịch sử của từng nước có một tác động to lớn đến mức, những điều có thể xem là đương nhiên ở nơi này lại là bất khả hay không tưởng tượng nổi với nơi khác. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào một số những đặc điểm cốt lõi khiến cho một trường ĐH Việt Nam trong bối cảnh hiện nay trở thành thiết yếu với xã hội, một mô hình mà các trường cần hướng tới thay vì tìm cách tham gia trò chơi xếp hạng, bởi vì việc theo đuổi trò chơi này trong bối cảnh thực lực còn yếu sẽ chỉ kích thích thêm căn bệnh thành tích vốn đã quá nặng và không có bao nhiêu ích lợi cho người học cũng như cho xã hội.

Có ba khía cạnh để một trường ĐH trở thành thiết yếu cho xã hội:

(1) Xây dựng năng lực tư duy:

Tri thức ngày nay tăng nhanh đến mức không một ai có thể học đủ kiến thức cho nghề nghiệp tương lai của mình nếu chỉ dựa vào những gì được học ở nhà trường. Năng lực tư duy phải được xem là giá trị cốt lõi của GDĐH mà người học đạt được thông qua trải nghiệm trong môi trường ĐH. Một trường ĐH tốt là một tổ chức học thuật mang lại được một môi trường nội bộ có thể nuôi dưỡng tinh thần học tập, sự sáng tạo, khám phá và làm nảy nở, làm phát triển mọi tiềm năng của sinh viên.  Những trải nghiệm trong một môi trường như vậy tạo ra những kinh nghiệm và kỹ năng mà sinh viên hầu như khó lòng đạt được bên ngoài nhà trường. Nó là điều tối cần để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận rủi ro và vượt qua thất bại. Một môi trường truyền cảm hứng, cởi mở với việc tìm kiếm tri thức, khích lệ việc thách thức những lối mòn và định kiến, kích thích những cọ xát trí tuệ và thúc đẩy rèn luyện kỹ năng truyền thông giao tiếp để trở nên trưởng thành, là điều khiến các khóa học từ xa hay trực tuyến không thể thay thế cho việc học ở trường ĐH.

(2) Gắn bó với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và của đất nước:

Một trường ĐH tốt phải bắt rễ được trên mảnh đất của mình và góp phần dẫn dắt sự phát triển về kinh tế xã hội của đất nước mình. Vấn đề không chỉ là bao nhiêu bài báo khoa học hay bằng sáng chế, mà là những kết quả nghiên cứu ấy đã đóng góp như thế nào vào việc phát triển ý tưởng, sự giàu mạnh, và tăng trưởng bền vững của quốc gia. Dĩ nhiên một trường ĐH tốt không thể đứng ngoài những gía trị phổ quát và dòng chảy tri thức toàn cầu, nhưng trước hết nó phải đáp ứng những đòi hỏi thực tế của người dân, của xã hội, phải đưa ra những giải pháp có căn cứ cho những vấn đề cần giải quyết trong thực tế, giúp làm tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Điều này có thể được thực hiện thông qua các nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng về những đề tài thiết yếu với địa phương, với quốc gia; thông qua chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách và phục vụ cộng đồng. Mỗi đất nước, trong từng giai đoạn cụ thể, sẽ có những nhu cầu cụ thể cần được đáp ứng để có thể tiến lên một bước mới. Những nhu cầu ấy không nhất thiết chỉ là nhu cầu về khoa học, tri thức, kỹ thuật và công nghệ, mà còn là nhu cầu về đối thoại chính sách. Một trường ĐH tốt sẽ tạo điều kiện và khích lệ giảng viên, sinh viên của mình tham gia vào quá trình phát triển năng động của địa phương qua nhiều hình thức phong phú. Nó phải giúp nâng cao dân trí, cải thiện năng suất lao động và đời sống của người dân, tăng cường chất lượng của chính sách, giúp chính quyền có dữ liệu và tri thức để điều hành chiến lược phát triển nền kinh tế, phát hiện và dự báo những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cần được giải quyết.

(3) Gắn bó với doanh nghiệp và thế giới việc làm

Đã qua rồi cái thời các trường ĐH được xem là tháp ngà và có thể theo đuổi tri thức mà không cần quan tâm đến việc những tri thức ấy sẽ có ý nghĩa gì trong thực tế. Thật ra thì nhân loại sẽ vẫn cần có các trường và các nhà khoa học theo đuổi tri thức vì bản thân tri thức mà không nhằm đến mục tiêu cụ thể nào. Khoa học tiến lên được chính là nhờ trí tưởng tượng kiểu như thế. Nhưng những hoạt động như vậy sẽ chỉ là một bộ phận trong các trường ĐH, thậm chí, trong các trường ĐH tinh hoa, những trường được giao nhiệm vụ đi đầu trong việc mở ra những biên giới mới trong khoa học và có đặc quyền theo đuổi tri thức thuần túy chỉ vì tri thức. Tuyệt đại đa số các trường ĐH khác sẽ cần phải gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp, với thế giới việc làm, với thực tế xã hội, là những chủ thể đã mang lại cuộc sống và sức sống cho các trường.

Đó là một quá trình hai chiều. Một mặt, việc nghiên cứu những vấn đề cụ thể nhằm cải thiện năng suất của các doanh nghiệp và đào tạo lực lượng bậc cao cho nhu cầu chuyên môn và quản lý của thế giới việc làm sẽ là điều cốt yếu cho thấy những đóng góp quan trọng của nhà trường cho xã hội cũng như cho người học.  Mặt khác, nó mang lại những lợi ích rất cụ thể và to lớn cho nhà trường. Trước hết nó mở rộng nguồn lực tài chính, thông qua hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo ngắn hạn, huấn luyện nghiệp vụ cho các doanh nghiệp. Thêm nữa, nó nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của nhà trường, thông qua tham vấn xây dựng chương trình, giao lưu với các chuyên gia, hướng dẫn thực tập.

Một điểm yếu của các trường ĐH Việt Nam, là họ nhìn sinh viên như những “khách hàng” bởi họ tồn tại phần lớn nhờ vào học phí; mà không thấy rằng “khách hàng” thực sự của họ không phải là sinh viên mà là thế giới việc làm, là thị trường lao động. Sinh viên là sản phẩm của nhà trường và thị trường lao động mới là người tiêu thụ sản phẩm ấy. Thay vì nhằm vào những chiến lược ngắn hạn để thu hút sinh viên vào trường, một trường ĐH tốt phải nhằm vào những chiến lược dài hạn nhằm tạo ra cho sinh viên của mình những kiến thức, năng lực và phẩm chất đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động và nhu cầu phát triển của nền kinh tế, cũng như của xã hội. Những chiến lược ngắn hạn chỉ có thể thành công trong ngắn hạn, bởi lẽ nó nhắm vào những yếu tố bề ngoài. Chỉ một tầm nhìn dài hạn mới có thể mang lại sự phát triển bền vững cho nhà trường, bởi lẽ nó nhằm vào những nhân tố bên trong, là điều tạo ra gốc rễ của thành công.

Làm cách nào để tạo ra những trường ĐH tốt?

Một trường ĐH được định nghĩa bởi phẩm chất của những người làm việc cho nó, và nhất là người lãnh đạo nó. Bởi vậy, nhân sự chắc chắn là một yếu tố quyết định. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, nhiều trường ĐH, nhất là ĐH ngoài công lập, bắt đầu có ý thức tầm quan trọng của việc thu hút tài năng.

Tuy nhiên, có hai điều rất đáng tiếc đang diễn ra: Một là, các trường chú trọng đến những yếu tố bề ngoài, ví dụ như “quốc tịch ngoại”, hay học hàm học vị, hơn là chú trọng đến thực chất. Điều này phản ánh một tư duy ăn xổi ở thì, dùng vẻ hào nhoáng bên ngoài để che lấp những yếu kém bên trong về chất lượng. Nhiều trường đã quá chú trọng “tỏ ra là tốt” thay vì chú trọng “làm cho mình trở thành tốt thật sự”. Lối nghĩ ấy hoàn toàn xa lạ với bản chất của trường ĐH. GDĐH là một hàng hóa đặc biệt. Bản chất của nó là mang lại cho người học những giá trị gia tăng trong kiến thức, kỹ năng và phẩm chất, là điều chỉ có thể có trong một môi trường nhằm vào mục tiêu tạo ra giá trị thật. Những thứ “tỏ ra là tốt” có thể thu hút người học vào trường, nhưng nếu nó không có thực chất, thì nó không mang lại giá trị gia tăng cho người học, và một sinh viên tốt nghiệp không có gì ngoài tấm bằng sẽ không thể đáp ứng được đòi hỏi của thế giới việc làm.

Điều đáng tiếc thứ hai là, các trường chưa tạo ra thiết chế phù hợp để người tài đóng góp cho nhà trường. Việc thu hút tài năng tuy rất quan trọng, nhưng tạo một hành lang cho họ làm việc và giữ chân họ còn quan trọng hơn nhiều. Nếu người tài được đặt trong những thiết chế hiện nay của các trường và bị buộc phải hoạt động trong khuôn khổ những thiết chế ấy, thì họ cũng sẽ chỉ có thể tạo ra những sản phẩm như những sản phẩm hiện nay mà nhà trường đang có, chứ không thể tạo ra thay đổi và không thể đưa nhà trường tiến lên một đẳng cấp mới về chất lượng.

Một điểm cần lưu ý, là các trường thường than phiền nhiều về việc bị hạn chế quyền tự chủ. Nhưng có một sự thật, là ngay trong phạm vi quyền tự chủ đang có, nhà trường vẫn có thể làm được rất nhiều việc khích lệ cho chất lượng mà họ đã không làm, do thiếu tầm nhìn và thiếu tri thức để quản lý một cách chuyên nghiệp. Một nguyên nhân chính khiến các trường ngại đầu tư cho chất lượng thật, là e ngại về chi phí. Một mặt, chúng ta cần thừa nhận, là không có gì vừa rẻ vừa có phẩm chất cao. Mặt khác, chúng ta cũng cần thấy, là với cùng một ngân sách, những cách quản lý khác nhau sẽ tạo ra những chất lượng hết sức khác nhau. Một ví dụ là ngân sách nghiên cứu ở các trường hiện nay tuy không lớn, nhưng vẫn bị lãng phí. Có bao nhiêu kết quả nghiên cứu được nhà trường tài trợ được sử dụng cho việc cải thiện hoạt động và nâng cao năng suất, hiệu quả cho nhà trường, cho các đối tượng liên quan, hay phần lớn là những nghiên cứu được sản xuất ra chỉ để cất vào tủ và khai báo thành tích? Nếu nguồn kinh phí đó được sử dụng dựa trên cơ sở đánh giá về tính thiết yếu, và những thước đo có căn cứ khoa học, nó đã có thể tạo ra những sản phẩm với chất lượng khác hẳn.

Để kết luận, chúng tôi muốn dẫn ra một nhận định trong Tuyên ngôn Hợp Phì về Mười đặc điểm của Trường ĐH Nghiên cứu Hiện đại[7]: “Phần lớn những gì nhà nước và xã hội mong ước ở trường ĐH là những thứ nảy sinh từ những năng lực nằm sâu bên trong và là những kết quả vô hình mà lối tiếp cận coi nhà trường là công cụ đã không đánh giá đúng, thậm chí đã không nhìn thấy”. Để có được những trường ĐH tốt, điều cần làm không chỉ là vẽ ra một mô hình và gán cho nó tất cả những gì chúng ta mong muốn mà không tính đến bối cảnh thực tế và những điều kiện thực hiện.  Chúng tôi muốn nhấn mạnh, những trường ĐH tốt nhất là những trường có động lực nội tại trong việc tự cải thiện để trở thành tốt hơn nữa, không tự bó hẹp mình chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu, và nhất là không xem thứ hạng là mục tiêu tối hậu của mình. Một trường ĐH tốt phải thực hiện những trách nhiệm rộng lớn hơn nhiều bao gồm nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ cộng đồng, và có những cơ chế nội tại để khích lệ chất lượng và sự ưu tú. Phải thừa nhận rằng để thực hiện được những trách nhiệm ấy, nhà trường không thể chỉ tập trung nguồn lực cho việc nâng hạng, và nhiều thành quả mà nhà trường tạo ra cũng không được ghi nhận trong các tiêu chí xếp hạng hiện nay. Nhưng không thể nghi ngờ một điều là những trường ĐH này, do lý tưởng của họ là trở thành thiết yếu cho xã hội, sẽ là một phần không thể thiếu tạo ra sự thịnh vượng của quốc gia. Các nhà làm chính sách và công chúng cần ghi nhận những đóng góp to lớn ấy thay vì đòi hỏi các trường phải lọt vào bảng xếp hạng này hay bảng xếp hạng khác, là điều tuy có thể làm thỏa mãn tâm lý tự tôn dân tộc, nhưng không chắc là tạo ra chuyển biến trong chất lượng thực của cả hệ thống. Cuối cùng, một trường ĐH tốt sẽ để lại dấu ấn trong sinh viên của mình theo một cách khiến họ khác hẳn những người chưa được học ĐH. Những người như thế sẽ làm thay đổi xã hội và tạo ra cuộc sống tốt hơn cho tương lai.

Tư liệu tham khảo

Ben Wilkinson và Laura (2010). Những nhân tố vô hình tạo nên sự ưu tú: hệ thống quản trị và cuộc tìm kiếm con đường xây dựng một trường ĐH nghiên cứu đỉnh cao cho Việt Nam. Báo cáo của UNDP. Phạm Thị Ly dịch.

Dill, D. (2009). Convergence and Diversity: The Role and Influence of University Rankings. In: Kehm, B. M. and Stensaker, B. (Eds.). University Rankings, Diversity and the New Landscape of Higher Education. Rotterdam, Taipei: Sense Publishers, pp. 97-116.

Hazelkorn, E. (2007). The Impact of League Tables and Ranking Systems on Higher Education Decision Making. In: Higher Education Management and Policy, Vol. 19, No. 2, S. 1-24.

Helen Hazekon (2013). Reflections on a decade of global rankings. Báo cáo tại Hội thảo WC5, Shanghai, 2013.

Hazelkorn, E. (2011). Rankings and the Reshaping of Higher Education. The Battle for World-Class Excellence. Houndmills, Basingstoke & New York: Palgrave Macmillan.

John Aubrey Douglass (2013). “Đại học hoa tiêu, một đề xuất thăm dò nhằm thay đổi hình mẫu từ thứ hạng cao trở thành có ý nghĩa thiết yếu cho xã hội”. Người dịch: Phạm Thị Ly. Bản tin Giáo dục Quốc tế Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, số 14-2014.

Locke, W. (2011). The Institutionalization of Rankings: Managing Status Anxiety in an Increasingly Marketized Environment. In: Shin, J. C., Toutkoushian, R. K., Teichler, U. (Eds.). University Rankings.

Theoretical Basis, Methodology and Impacts on Global Higher Education. Dordrecht: Springer, S. 201-228.

Mara Hvistendahlm,“China’s Publication Bazaar”, Science 29 November 2013: Vol. 342 no. 6162 pp. 1035-1039 DOI: 10.1126/science.342.6162.103.”

Phạm Thị Ly (2013),“Những xu hướng mới trong xếp hạng toàn cầu – Ghi nhận từ Hội thảo ĐH Đẳng cấp Quốc tế Lần thứ 5 tại Thương Hải ngày 4-11-2013”. Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 45-2013, ra ngày 24 -11- 2013.

Phạm Thị Ly (dịch) “Tuyên ngôn Hợp Phì về Mười đặc điểm của Trường ĐH Nghiên cứu hiện đại”. Bản tin Thông tin Quốc tế về Giáo dục Đại học số 9 của Viện Đào tạo Quốc tế, ĐHQG-HCM, tháng 12-2013.

Rauhvargers, A. (2011).Global University Rankings and Their Impact. EUA Report on Rankings. Brussels: European University Association.

LỜI CẢM ƠN

Tác giả xin cảm ơn Mạng lưới Học giả Việt nam, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐH Giáo dục thuộc ĐHQG-Hà Nội và cơ quan tài trợ là British Embassy về lời mời tham dự hội thảo. Xin cảm ơn GS. Douglass về những gợi ý mà bài viết của ông đã nêu ra; đặc biệt cảm ơn GS. Vũ Đức Vượng, De Anza College, Hoa Kỳ; TS. Gaetande Rassenfosse, University of Melbourne, Australia về góp ý cho bản tiếng Anh, và xin cảm ơn TS. Nguyễn Đắc Hưng về sự ủng hộ tinh thần.

[1]Lịch sử xếp hạng ĐH đã bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, nhưng việc đó chỉ đơn giản là cung cấp thông tin giúp người học lựa chọn, chứ không ảnh hưởng nhiều đến cách xử sự của các nước và các trường như trong một thập kỷ qua.

[2] Các ấn phẩm này quá thiên về khu vực nói tiếng Anh, và văn hóa công bố cũng khác nhau giữa các ngành.

[3] Hai xu hướng nổi bật là xếp hạng đa chiều (multi rank) và xếp hạng hệ thống (system rankings) thay cho xếp hạng từng trường. Xem thêm: Phạm Thị Ly (2013),“Những xu hướng mới trong xếp hạng toàn cầu – Ghi nhận từ Hội thảo ĐH Đẳng cấp Quốc tế Lần thứ 5 tại Thượng Hải ngày 4-11-2013”. Tuổi Trẻ Cuối Tuần  số 45-2013, ra ngày 24 -11- 2013.

[4]Xem “Chợ trời học thuật Trung Quốc”. Nguồn: Mara Hvistendahlm,“China’s Publication Bazaar”, Science 29 November 2013: Vol. 342 no. 6162 pp. 1035-1039 DOI: 10.1126/science.342.6162.103.”

[5]Xem: John Aubrey Douglass (2013). “Đại học hoa tiêu, một đề xuất thăm dò nhằm thay đổi hình mẫu từ thứ hạng cao trở thành có ý nghĩa thiết yếu cho xã hội”. Người dịch: Phạm Thị Ly. Bản tin Giáo dục Quốc tế Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, số 14-2014.

[6] Helen Hazekon (2013). Reflections on a decade of global rankings. Báo cáo tại Hội thảo WC5, Shanghai, 2013.

[7]“Mười đặc điểm của Trường ĐH Nghiên cứu hiện đại”. Phạm Thị Ly dịch. Bản tin Thông tin Quốc tế về Giáo dục Đại học số 9 của Viện Đào tạo Quốc tế, ĐHQG-HCM.