Phạm Thị Ly (2018)

(Bài đăng Thời báo Kinh tế Saigon ngày 15.11.2018)

Từ khoảng năm 2014 đến nay, việc siết chặt quy trình cấp phép mở trường ĐH mới ở Việt Nam cùng với tình trạng khó khăn về tài chính hoặc về quản trị của các trường đã thổi bùng lên hiện tượng mua bán & sáp nhập các trường ĐH tư, tạo ra một bức tranh mới: một số tập đoàn nổi lên với việc thâu tóm nhiều trường ĐH, một số cá nhân có cổ phần lớn ở nhiều trường ĐH tư khác nhau.

Điển hình là trường hợp Tập đoàn Nguyễn Hoàng (hiện đã sở hữu 4 trường ĐH: Hồng Bàng, Hoa Sen, Gia Định và Bà Rịa-Vũng tàu). Trước đó đã có Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục Hutech (là chủ sở hữu của Trường ĐH Công nghệ TPHCM) mua lại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM (UEF). Tập đoàn Hùng Hậu Holdings sở hữu Trường ĐH Văn Hiến hiện đã hoàn tất mua hàng loạt trường (CĐ Vạn Xuân, Trung cấp Vạn Hạnh, Trung cấp Vạn Tường, Trung cấp Âu Lạc (Huế). Tập đoàn Thành Thành Công hiện sở hữu Trường ĐH Yersin, Trường Cao đẳng (CĐ) Sonadezi.

Ngoài ra còn hiện tượng tham gia sở hữu nhiều trường ở cấp độ cá nhân: ví dụ trường hợp TS Lê Lâm, Hiệu trưởng trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cũng đồng thời là chủ của các trường Trung cấp Đại Việt TPHCM, CĐ Đại Việt Sài Gòn, CĐ Công nghệ và kinh doanh Việt Tiến (Đà Nẵng) và trung cấp Đại Việt Cần Thơ. Được biết nhóm các nhà đầu tư đã mua Trường ĐH Phan Thiết năm 2013 đều là những người có chân trong hội đồng quản trị của ít nhất là một trường ĐH khác.

Đầu tư tư nhân vào lĩnh vực GD ĐH ở Việt Nam đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự tham gia của giới doanh nghiệp và đầu tư chuyên nghiệp. Việc mua bán, chuyển đổi chủ sở hữu này tiến hành trong khuôn khổ pháp lý tương tự như mua bán các doanh nghiệp thông thường thông qua việc mua lại cổ phần từ các cổ đông khác. Điều đáng chú ý hơn là tác động của việc chuyển đổi này đối với các bên liên quan.

Những tác động tích cực

Việc mua bán, sáp nhập thường gắn chặt với những thay đổi về đầu tư và quản trị, đặc biệt là mô hình quản lý, chiến lược hoạt động và nhân sự cấp cao. Những thương vụ này thường có giá trị giao dịch rất lớn, vì vậy nó sẽ không diễn ra nếu người mua không tin vào khả năng hoàn vốn và có lời của việc đó. Do đó không có gì lạ khi ta thấy sự thay đổi to lớn của các trường sau khi chuyển đổi chủ sở hữu, mà dễ thấy nhất là về cơ sở vật chất, như trường hợp trường ĐH Hồng Bàng. Sự thay đổi về chiến lược, mô hình quản trị và nhân sự còn quan trọng hơn nhiều, vì trường hợp Trường ĐH Tân Tạo cho thấy rõ, cơ sở vật chất khang trang không phải là bảo đảm cho thành công.

Tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho GD ĐH là một điều tốt, vì trường ĐH không thể thiếu những điều kiện tối thiểu đảm bảo cho chất lượng đào tạo, tất cả đều cần tiền và rất nhiều tiền. Nguồn vốn mạnh mẽ cũng giúp thu hút lực lượng nhân sự có chất lượng cao và đã được đào tạo tốt để phục vụ cho trường. Sự đầu tư bài bản của giới doanh nghiệp đang giúp hình thành một lực lượng nhân sự cơ hữu cho các trường tư, giúp họ từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn giảng viên/ cán bộ quản lý từ các trường công như giai đoạn trước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không phải chỉ ở chỗ giúp các trường tư chủ động lên kế hoạch đào tạo, mà còn là ở chỗ xây dựng một lực lượng giảng viên trẻ tuổi, tốt nghiệp ở các trường tốt trong và ngoài nước, nhất là có cách tư duy mới mẻ và khác biệt với lối suy nghĩ theo truyền thống của các giảng viên ĐH công. Nhân sự quản lý cấp cao ở các trường này cho đến nay vẫn phải dựa vào những người đã từng có kinh nghiệm lãnh đạo các ĐH công, vì kinh nghiệm đó vẫn còn cần thiết để vận hành một trường ĐH trong bối cảnh hiện tại, nhưng có thể thấy rõ, chỉ những người cởi mở về tư duy để thích ứng được với cơ chế thị trường mới có thể tồn tại được trong các trường này ở những vị trí quản lý cao cấp.

Thay đổi mô hình quản trị cũng là một điều tốt. Thất bại của các trường ĐH tư chủ yếu là từ mô hình quản trị và năng lực quản trị có vấn đề. Sao chép mô hình quản trị của các trường ĐH công là một nhược điểm nghiêm trọng nhất của các trường ĐH tư ở Việt Nam, vì nó có thể khiến nhà trường rơi vào một trong hai thái cực: hoặc chậm phản ứng với nhu cầu của thị trường, hoặc phản ứng thái quá theo lối bất chấp các chuẩn mực học thuật để bảo đảm nguồn thu nhằm bù đắp cho việc thiếu khả năng cạnh tranh về chất lượng.

Việc các tập đoàn đầu tư và kinh doanh nắm quyền sở hữu các trường ĐH chắc chắn sẽ dẫn tới việc quản trị chuyên nghiệp và theo mô hình doanh nghiệp ở các trường. Điều này thường sẽ dẫn đến hiệu quả tốt hơn, vì bản chất của doanh nghiệp là hướng tới hiệu quả. Vì thế trong một chừng mực nhất định, hiện tượng này có tác động tích cực tới việc tăng cường chất lượng đào tạo của các trường tư, tạo ra một đối trọng đáng kể với trường công và thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống.

Ai là người được hưởng lợi? Tất nhiên trước hết là các nhà đầu tư. Điều này cũng xứng đáng, vì cũng giống như các nhà tư bản trong lĩnh vực công nghiệp trước đây, họ là những người khởi nghiệp dám nghĩ, dám làm, và dám chấp nhận rủi ro. Họ còn là những người có tầm nhìn xa, có khả năng nắm bắt và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Không có họ thì sẽ khó có sự khởi sắc trong khu vực GDĐH, khi nguồn vốn ngân sách cho các trường ngày càng eo hẹp. Nhờ thích ứng nhanh nhạy với nhu cầu của thị trường, hoạt động của các trường này sẽ đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của xã hội, giúp thu hẹp khoảng cách giữa những gì các trường đang làm và những gì mà xã hội cần. Giảng viên và giới quản lý cũng có thu nhập tốt hơn trước. Chất lượng phục vụ sinh viên cũng được nâng cao. Đi cùng với tất cả những cải thiện tích cực này, là một thực tế không thể tránh: học phí sẽ cao hơn trường công và cao hơn trước đây. Đây là một tất yếu, vì trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, không thể mong đợi GDĐH miễn phí như thời bao cấp và vẫn đảm bảo chất lượng cao cho tất cả mọi người.

Và mặt bên kia của tấm huy chương

 Có lẽ, điều đáng lo ngại nhất là cung cách quản trị theo lối doanh nghiệp không phải lúc nào cũng thích hợp với tầm nhìn và sứ mạng của một trường ĐH và của giáo dục nói chung. Tự do là cái gốc của mọi sự sáng tạo. Quản lý theo một quy trình chặt chẽ với những chỉ tiêu cụ thể có thể tạo ra hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, nhưng có thể gây tổn hại tới năng lực sáng tạo vốn là nhân tố cốt lõi tạo ra thành công trong khoa học và giáo dục. Việc quản trị theo mô hình doanh nghiệp sẽ trao quá nhiều thẩm quyền vào tay giới quản lý, biến giới hàn lâm thành “lao động cổ cồn” và dễ dàng bị triệt tiêu mọi động lực sáng tạo.

Lao động hàn lâm là một con đường khổ nhọc, cô đơn, đầy rủi ro bất trắc và không có gì bảo đảm chắc chắn cho thành công. Thomas Edison trước khi phát minh bóng đèn điện đã trải qua hàng ngàn thí nghiệm thất bại. Cha đẻ của học thuyết di truyền phân tử, Fred Sanger, là người công bố rất ít trong hai thập kỷ giữa hai lần được giải Nobel của ông, năm 1958 và 1980. Có người đã nhận xét rằng nếu sống trong hệ thống ngày nay, “ông ấy hẳn đã có thể bị đuổi cổ khỏi trường đại học (do năng suất kém) rồi!”.

Ngay cả trong trường hợp chỉ thực hiện nhiệm vụ đơn giản hơn là giảng dạy, giảng viên cũng cần một khoảng không gian tự do để thể nghiệm những cách làm mới. Nếu bị khống chế bởi những quy trình chặt chẽ, bị kiểm soát bởi những chỉ tiêu máy móc như sự hài lòng của sinh viên chẳng hạn, họ có thể trở thành những cỗ máy vô hồn và mất hẳn động cơ tìm tòi, thể nghiệm những phương pháp mới và nội dung mới vốn là điều rất cần trong thế giới ngày nay. Kết quả của giáo dục không đến ngay như khi ta sản xuất một con ốc trong cỗ máy, vì thế trong lĩnh vực giáo dục, dùng đúng người, và đặt lòng tin vào họ, trao quyền cho họ hành động, là một nguyên tắc quan trọng.

Còn nhiều vấn đề khác cần nghiên cứu, chẳng hạn liệu những sự kiện M&A (mergers & acquisition= mua bán, sáp nhập) trên đây có dẫn tới hiện tượng thâu tóm các trường ĐH tư và khiến cho một tập đoàn nào đó trở thành thống trị trên thị trường GDĐH hay không, nếu có thì thực tiễn quốc tế có thể cho chúng ta những kinh nghiệm gì. Cần thêm thời gian để quan sát những bước phát triển của các trường sau khi chuyển đổi sở hữu. Dù vậy, nhìn chung sự sôi động trên thị trường GDĐH tư có thể là một dấu hiệu tốt cho thấy sự chuyển mình sang giai đoạn chuyên nghiệp hóa về quản trị, và cùng với nó là sự cải thiện về chất lượng.