Phạm Thị Ly (2013)
(Bài đăng Thời báo Kinh tế Saigon số ra ngày 26.12.2013)

Giáo dục đại học trên thế giới đang đứng trước vô số thách thức trong việc biến đổi chính mình nhằm đáp ứng với những thay đổi to lớn của môi trường xã hội và kinh tế.

Một số xu hướng đang hiện rõ trên thế giới và sẽ ngày càng mạnh trong tương lai là:

  1. GDĐH sẽ nhằm vào trọng tâm là tạo ra năng lực. Bằng cấp không còn là yếu tố quyết định đối với người học lẫn người sử dụng lao động. Thay vào đó, những người có nền tảng giáo dục khai phóng tốt, tức là có kiến thức rộng đồng thời hiểu biết sâu về một chuyên ngành, tư duy sâu sắc, có khả năng giải quyết vấn đề và phối hợp được với người khác, sẽ là mẫu người được tìm kiếm và đánh giá cao. Những kiến thức và kỹ năng thực sự cần cho công việc sẽ được tiếp thu bằng con đường không chính quy ngày càng nhiều.
  2. Bản đồ nhân khẩu học của sinh viên thay đổi mạnh mẽ, ngày càng nhiều người lớn tuổi đi học, ngày càng có nhiều hình thức học tập đa dạng cho đủ mọi loại nhu cầu.
  3. Nhà trường không còn là nơi độc quyền tạo ra và truyền đạt tri thức. Công nghệ truyền thông làm thay đổi GDĐH một cách sâu sắc. Tuy học trực tuyến không thể thay thế lối học truyền thống, nó sẽ có vai trò ngày càng quan trọng đặc biệt là trong việc mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục. Vai trò của người giảng viên cũng sẽ thay đổi, không còn là người truyền đạt tri thức, mà chủ yếu là tổ chức quá trình học tập của sinh viên, khơi gợi tinh thần học hỏi và hướng dẫn về mặt phương pháp.
  4. Xếp hạng đại học toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục nhưng chuyển hướng sang đo lường toàn diện hơn và nhằm vào mục tiêu đối sánh đối với các trường, đồng thời thực hiện xếp hạng hệ thống.
  5. Các trường ĐH ngày càng tiến sâu về phía thị trường, do nguồn tài chính công suy giảm và do áp lực của đại chúng hóa GDĐH. Các trường đang chịu áp lực trước những đòi hỏi ngắn hạn của nền kinh tế, của nhà nước, của người học, đang xa dần những trọng tâm dài hạn vốn là ý nghĩa thực sự của đại học và khiến trường đại học trở thành tài sản vô giá của quốc gia. Trưởng đại học sở dĩ đáng được tôn trọng bởi vì nó không chỉ có những cam kết với hiện tại mà còn có những nghĩa vụ với quá khứ và với tương lai. Ý nghĩa đó đang bị lu mờ dần.

Ở trong nước, có thể dự đoán rằng:

  1. Số lượng sinh viên sau hơn một thập kỷ tăng nhanh, sắp tới sẽ tăng chậm lại một cách đáng kể. Lý do là vì chi phí học ĐH ngày càng tăng trong lúc triển vọng việc làm không sáng sủa, một phần là do chất lượng đào tạo, một phần là do lạm phát bằng cấp. Lợi thế cạnh tranh ngày nay không còn thuộc về những người chỉ có tấm bằng mà thuộc về những người có những kỹ năng còn rất ít được đào tạo trong chương trình chính quy.
  2. Các trường ĐH tư sau một thời gian phát triển mạnh mẽ về số lượng, hiện nay đang đứng trước cạnh tranh khốc liệt. Một số trường có thể phải đóng cửa hoặc sáp nhập để tồn tại. Điều này xét về tổng thể có thể có lợi cho hệ thống, vì những trường còn tồn tại sẽ phải tập trung cho chất lượng. Trong tương lai xa sẽ có trường tư không vì lợi nhuận.
  3. Các trường ĐH công lập vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. Áp lực về nghiên cứu khoa học sẽ tăng lên và nếu không thận trọng nhiều trường sẽ rơi vào chỗ chạy theo thành tích ảo và kích thích một môi trường học thuật thiếu chính trực. Cơ chế tài trợ cho nghiên cứu khoa học có thể sẽ có cải thiện theo hướng dựa trên thành tích, phẩm chất, và những kết quả đo lường được nhiều hơn so với trước đây. Tiêu chuẩn đánh giá cũng sẽ hướng về các chuẩn mực quốc tế nhiều hơn. Tuy vậy, sẽ cần một thời gian dài để VN có thể có trường đại học nghiên cứu thực sự được quốc tế công nhận.
  4. Do quyền tự chủ có xu hướng mở rộng, các trường sẽ có ý thức hơn trong việc gắn kết với doanh nghiệp và thế giới việc làm để cải thiện chất lượng đào tạo.
  5. Giao lưu quốc tế sẽ ngày càng tăng và mang lại nhiều tác động nhìn chung là tích cực đối với các trường. Những chương trình liên kết sẽ tiếp tục phát triển, tuy chất lượng có thể rất khác nhau.

Nhìn chung, các xu thế trên đây phản ánh những nỗ lực của các trường ĐH cả trong và ngoài nước trong việc đáp ứng với một thế giới đang thay đổi. Các trường ĐH, với tư cách là trung tâm trí tuệ của xã hội, đang chật vật để diễn giải về thế giới, để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao và ngày càng đa dạng của rất nhiều phía. Họ đang tái khẳng định ý nghĩa của mình đối với xã hội, trong bối cảnh truyền thông xã hội dựa trên những tiến bộ của công nghệ thông tin đã làm biến đổi sâu sắc cách thức làm việc và giao tiếp của tất cả mọi người.