DSCN0675(Bài  nói chuyện của TS.Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa Giáo dục Quốc tế (ĐHSPTPHCM) với sinh viên Trường Đại học Eastern Connecticut State University-ECSU (Hoa Kỳ) trong Chương trình Phát triển Khả năng Lãnh đạo cho Sinh viên, tổ chức ngày 6-10-2005 tại trường ECSU, Connecticut, USA)

Hôm nay tôi rất vui sướng và vinh dự được có mặt tại đây cùng các bạn, trong số các bạn, sẽ có những người mai này trở thành lãnh đạo tương lai của đất nước. Nếu mẹ tôi còn sống, hẳn là Người không sao hình dung ra được chỗ đứng ngày hôm nay của tôi, bởi vì khoảng cách quá lớn mà tôi đã vượt qua giữa nơi mà tôi khôn lớn với nơi tôi đã trở thành. Tôi đem đến cho các bạn câu chuyện của một người phụ nữ xuất thân trong một hoàn cảnh thiệt thòi, bằng cách nào đã vượt qua mọi cản ngại để trở nên một người sống có ích, có đóng góp cho tiến bộ xã hội và được xã hội công nhận. Tôi hy vọng câu chuyện thực của đời mình sẽ góp phần củng cố niềm tin của các bạn rằng nếu chúng ta thực tâm mong muốn một cuộc đời tốt đẹp, chúng ta có rất nhiều cơ hội và khả năng giành được cuộc đời ấy, cho dù xuất phát điểm của chúng ta là ở dưới đáy cùng bậc thang thấp nhất của xã hội. Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta mới chỉ sử dụng một phần nhỏ những gì Tạo hóa đã ban cho chúng ta, nếu có thể dùng được nhiều hơn như vậy, chắc chắn chúng ta còn có thể đạt được những thành tựu lớn lao hơn nhiều.

Tôi ra đời trong một gia đình nghèo và đông con. Ông cụ thân sinh của tôi không nhớ hết tên của 12 đứa con, và chúng tôi đã lớn lên như những củ khoai hạt lúa hoang dại ngoài đồng. Các chị của tôi phải nghỉ học ngay từ tiểu học, và làm lụng vô cùng vất vả, đứa lớn cõng đứa bé, lay lắt sống qua ngày. Khi tôi 13 tuổi, đất nước trải qua một biến cố lịch sử: chiến tranh chấm dứt và một giai đọan mới bắt đầu. Cả nước lâm vào một hoàn cảnh khó khăn chưa từng thấy. Tất cả mọi người đều đói. Dù nghèo khó mẹ tôi vẫn nuôi dạy chúng tôi trong sự trong sáng của lương tâm và lẽ phải. Năm 15 tuổi tôi phải nghỉ học kiếm sống vì gia đình không thể tiếp tục nuôi tôi đi học hơn nữa, cho dù bấy giờ giáo dục là hoàn toàn miễn phí.

Nhưng tôi không muốn nghỉ học chút nào. Ngay lúc đó tôi đã thấy học vấn mang lại cho tôi ánh sáng kỳ diệu trong một cuộc đời tăm tối, giúp tôi nhìn ra xa hơn bốn bức tường ẩm thấp của nhà mình, hình dung ra thế giới rộng rãi bao la. Học vấn giúp tôi hiểu sự lớn lao của phẩm giá con người, và nuôi lớn trong tôi khát vọng khẳng định giá trị con người của mình. Tôi khao khát được học. Mười lăm tuổi, tôi quyết định rời khỏi nhà, một thân một mình trơ trọi ở trên đời, tìm mọi cách để tiếp tục học. Một người chị ruột có ba con nhỏ đã chia sớt cho tôi chén cơm ít ỏi của mình trong những ngày đầu. Sau đó tôi vừa làm vừa học. Đó là một ngôi trường nông thôn mái tranh vách lá, mỗi lần mưa đến thì cả thầy lẫn trò ướt như chuột lột. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy cảnh đói ăn rách mặc làm cho mình khổ sở, bởi vì tôi đắm chìm trong thế giới của tri thức và sống giữa những tình bạn trong sáng tuyệt vời. Chính học vấn giúp tôi cảm thấy mình chưa bao giờ là một người hèn kém, cho dù tôi là người nghèo nhất trong số những người nghèo trên thế gian vào lúc đó.

Tôi đã đoạt giải quốc gia trong một kỳ thi học sinh giỏi, đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trung học, được vào thẳng đại học. Vào đại học, tôi sống bằng một nửa phần cơm ký túc xá, đó là phần cơm trợ cấp ít ỏi của nhà nước mà rất ít sinh viên sống được với một suất cơm đó mà không có giúp đỡ thêm của gia đình. Nửa suất cơm còn lại, tôi đã chia sẻ với một người chị ruột của tôi, người đã phải nghỉ học từ tiểu học, và tự học để hoàn tất bậc trung học. Với một nửa suất cơm đó, tôi đã đỗ kỳ thi tốt nghiệp đại học với điểmsố cao nhất. Ra trường, tôi có gia đình và có con. Khi cháu ra đời, tôi chỉ có thể mua được một trái cam cho cháu ăn trong cả tuần lễ, mỗi ngày cắt một miếng, chỉ vì tôi không có đủ tiền để mua cho cháu mỗi ngày một trái cam.

Năm 1992, tôi bệnh một trận thập tử nhất sinh, không ai nghĩ là tôi có thể vượt qua được. Sáu tháng trên giường bệnh, trên tay tôi lúc nào cũng có quyển giáo trình học tiếng Anh. Tôi khỏi bệnh như một phép lạ, và khi rời khỏi giường bệnh, tôi đã có thể bắt đầu nghe và nói được một chút tiếng Anh. Điều này đã mở ra một trang mới trong cuộc đời của tôi. Nhờ có ngoại ngữ tôi bắt đầu mở rộng tầm mắt và những mối quan tâm xã hội của mình. Tôi đã bắt đầu công việc ở Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa Giáo dục Quốc tế với tư cách là một người thư ký. Công việc của trung tâm là tổ chức hợp tác nghiên cứu, tổ chức hội thảo, hội nghị, giao lưu sinh viên, và thực hiện các tạp chí nhằm giới thiệu những tư tưởng, những thành quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực giáo dục trên thế giới. Nhiệm vụ của tôi lúc đó là làm tất cả những việc lặt vặt: trà nước, đánh máy… phục vụ cho các nhà khoa học. Nhưng nhờ vậy tôi đã được tiếp xúc với những trí tuệ lớn nhất của đất nước tôi trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa, cũng như tiếp xúc với một số nhà khoa học nước ngoài. Nhờ dịch các tài liệu nghiên cứu tiếng Anh sang tiếng Việt để phục vụ cho nhiệm vụ của Trung tâm, tôi đã được biết đến những tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại. Tôi đã học được nhiều điều từ người lãnh đạo của mình, từ cách suy nghĩ, cách làm việc, đến cách đối nhân xử thế. Ông ấy khuyến khích tôi tiếp tục học.

Lúc đó Việt nam đang bước vào thời kỳ đổi mới, cuộc sống đã khá hơn nhiều, không còn ai phải đói ăn rách mặc. Lúc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, tôi đã đương đầu với một khó khăn lớn hơn nhiều so với sự nghèo khổ thiếu thốn trước đó. Xa rời kiến thức kinh viện đã lâu, đắm chìm trong những công việc lặt vặt tầm thường, tôi tưởng chừng luận án tiến sĩ của mình là một bức tường mà tôi không có cách nào vượt qua được. Đây là lần thứ hai trong đời tôi trải nghiệm kinh nghiệm húc đầu vào tường đá (lần thứ nhất năm mười lăm tuổi lúc tôi học đánh máy chữ: tôi gõ từng phím, từng phím và có cảm tưởng tôi sẽ không bao giờ nhớ nổi chữ nào nằm ở chỗ nào, và tôi sẽ không bao giờ biết đánh máy chữ. Nhưng lúc đó tôi đã nghĩ: người ta làm được thì mình làm được, nếu người ta giỏi chỉ cần học một ngày thì tôi sẽ học trong mười ngày, nhất định tôi phải làm được những điều người khác có thể làm. Và quả thực cuối cùng tôi đã chiến thắng cái máy đánh chữ!). Khi làm luận án tiến sĩ, tôi đã nhớ lại bài học ấy, tôi đọc sách trong năm năm và viết 200 trang luận án chỉ trong vòng một tháng, lúc đó từng tế bào trong con người tôi đều rung lên một quyết tâm sắt thép: nhất định tôi phải hoàn thành được luận án. Và luận án đó đã được đánh giá với số điểm tối đa: 7 thành viên Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước đều bỏ phiếu xuất sắc! Việc hoàn thành luận án đã ghi khắc trong lòng tôi sự khẳng định một câu châm ngôn mà tôi rất yêu thích: Tôi muốn, nghĩa là tôi có thể! Tôi đã lấy được bằng tiến sĩ, trở thành phó giám đốc rồi sau đó là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa Giáo dục Quốc tế của Viện Nghiên cứu Giáo dục,Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Nhìn lại những gì đã trải qua trong đời, tôi biết mình là một người may mắn, vì tôi đã gặp được rất nhiều người tốt, và rất biết ơn họ vì đã giúp đỡ tôi và cho tôi những bài học quý giá. Nhưng những trường hợp vươn lên từ một nền tảng quá thấp như vậy hoàn toàn không phải là biệt lệ trong đất nước tôi và trong thời của tôi. Về vấn đề phụ nữ, Việt Nam là một đất nước có nhiều chính sách tiến bộ. Do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài nhiều năm, tất cả đàn ông đều ra mặt trận, phụ nữ đương nhiên trở thành trụ cột trong việc kiếm kế sinh nhai và nuôi dạy con cái ở hậu phương. Chiến tranh kết thúc, vai trò kiếm tiền cho gia đình đã được chuyển sang vai nam giới, nhưng nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển chính sách công bằng và bình đẳng giới. Về mặt luật pháp, không có bất cứ rào cản nào cho phụ nữ trong việc tiến thân. Họ có đủ quyền và nghĩa vụ như nam giới. Trong trường đại học của tôi, hiện nay nữ cán bộ giảng dạy chiếm 55%, nữ tiến sĩ chiếm 60%, và phụ nữ trong cương vị lãnh đạo chiếm 42%. Trước đây các gia đình nghèo thường ưu tiên cho con trai đi học, con gái phải ở nhà giữ em và làm việc nhà cho cha mẹ làm việc ngoài đồng. Nhưng ngày nay, ngày càng nhiều các gia đình coi trọng việc học của con trai và con gái ngang nhau, nhất là ở thành thị. Ngày càng nhiều những người phụ nữ đi làm và thành đạt trong mọi lãnh vực.

Truyền thống tôn trọng phụ nữ cũng như những thành tựu lớn lao mà phụ nữ Việt Nam đã đạt được đã có cội nguồn từ rất lâu trong lịch sử. Trong cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng năm 248 chống lại ách đô hộ của Trung Quốc, có 75 vị nữ tướng. Triều Lê Thái Tôn, Lê Thánh Tông thế kỷ XV có bà Nguyễn Thị Lộ giữ chức Lễ nghi học sĩ, bà Ngô Chi Lan giữ chức Phù gia Nữ học sĩ, là những cương vị lớn trong triều đình về giáo dục và văn hóa. Khi hệ thống thi cử thời phong kiến chỉ dành cho phái nam, đã có bà Nguyễn Thị Duệ thời nhà Mạc cải nam trang để dự kỳ thi tiến sĩ. Năm 1973, Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam ký tên trên Hiệp định Hòa bình (the Final Act of the International Conference to end the War and Guarantee Peace in Viet Nam) là một người phụ nữ, bà Nguyễn Thị Bình, và hiện nay, Phó chủ tịch nước của chính phủ VIỆT NAM cũng là một người phụ nữ, bà Trương Mỹ Hoa. Số phụ nữ là Đại biểu Quốc hội trong thập niên qua đã tăng từ 17 đến 27%, số nữ tốt nghiệp đại học và cao đẳng tăng từ 38 đến 42%, và nữ tiến sĩ là từ 8 đến 9%. Phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động trong cả nước: nữ công nhân là 47%, nữ trong khu vực dịch vụ là 51%, và nữ cán bộ viên chức là 47%. Ngay từ năm 1945, phụ nữ đã có quyền bầu cử, và được hưởng mức lương ngang bằng với nam giới khi làm cùng một công việc.

Ở VN, luật pháp đã khẳng định mọi quyền bình đẳng của phụ nữ, và đó điều quan trọng nhất, còn trong thực tế, người phụ nữ có giành được quyền bình đẳng thực sự hay không, là tùy vào nỗ lực của từng người. Để giành được một thành tựu hoặc một vị trí tương tự với nam giới, phụ nữ cần phải cố gắng gấp đôi. Lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp  là một lựa chọn khó khăn, khi muốn chu toàn cả hai, thường là người phụ nữ phải hy sinh bản thân rất nhiều. Ở một quốc gia đang phát triển, khi cơm áo còn là một gánh nặng, sự vươn lên khẳng định vị trí của phụ nữ càng không dễ dàng.

Bây giờ tôi muốn nói đến những thử thách mà phụ nữ phải đương đầu trong lúc hầu hết nam giới thì không. Làm mẹ là một thử thách lớn hơn tất cả mọi thử thách mà tôi đã từng trải nghiệm hoac có thể hình dung ra được. Nó không chỉ là việc chăm sóc con nhỏ khi đau ốm, giặt giũ những bộ quần áo đầy đất cát, hay đi làm thêm giữa trưa nắng chang chang và nhắm mắt lại khi đi qua một bộ quần áo đẹp trong cửa tiệm chỉ là để có thêm tiền mua cho con một que kem hay viên kẹo, thậm chí bỏ một cuộc họp chỉ vì con đang ốm, hay từ chối một bữa tiệc chỉ để ở nhà với con. Làm mẹ không chỉ là dành hết thì giờ, tiền bạc và sức lực cho con cái, mà còn là dành hết tâm hồn cho chúng, và có khi, bạn phải từ bỏ chính cả suy nghĩ và ước muốn của mình vì lợi ích của chúng. Yêu con không điều kiện không phải chỉ những lúc chúng bi bô tập nói hết sức dễ thương mà là ngay cả khi chúng làm bạn đau lòng nhất, điều này khó hơn nhiều so với việc làm luận án tiến sĩ! Nhưng tôi không bao giờ khuyên các bạn đừng nên có con để tập trung sức lực cho sự nghiệp. Bởi vì đến một lúc nào đó, các bạn sẽ nhận thấy con cái mang lại cho các bạn một bài học vô giá trong việc rèn luyện tâm hồn để trở thành vị tha hơn, khoan dung hơn, và có thể một ngày nào đó khi các bạn thấy mình gần như ngã gục dưới gánh nặng của cuộc đời, thì tình yêu của con cái sẽ là tấm phao cứu sinh của bạn. Làm mẹ đã là một việc vô cùng khó khăn, vừa làm mẹ vừa theo đuổi những mục tiêu và tham vọng nghề nghiệp lại càng khó, vì chúng ta chẳng phải là những siêu nhân, và cuộc sống nhiều khi đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn. Ai cũng muốn tất cả mọi thứ và người ta chỉ khác nhau ở chỗ sắp đặt thứ tự ưu tiên cho những thứ đó như thế nào.

DSCN0691Bằng kinh nghiệm cá nhân của mình, tôi tin rằng giáo dục và học vấn là sức mạnh to lớn nhất để mỗi người, đặc biệt là phụ nữ, có thể vươn lên làm chủ số phận của mình, giành được độc lập tự do và có thể tự quyết định cuộc đời mình, và đó là điều cốt yếu nhất để khẳng định được phẩm giá con người, để sống một cuộc đời có ích cho xã hội cũng như cho chính bản thân mình. Làm lãnh đạo nghĩa là làm người dẫn đường, và chúng ta chỉ có thể làm được điều này khi chúng ta làm chủ được chính mình, khi chúng ta có khả năng trở thành con người mà chúng ta khao khát.  Chúng ta có quyền đòi hỏi sự tôn trọng của người khác khi chúng ta xứng đáng  được tôn trọng. Chúng ta có thể đến nơi mà chúng ta muốn, bằng nỗ lực và học hỏi không ngừng, nếu chúng ta hiểu rõ mình là ai, và mình cần gì trong cuộc sống. Nghèo khổ có thể là rào cản đối với người này nhưng lại là động lực thay đổi đối với người khác. Giá trị của mỗi người không phụ thuộc vào chủng tộc, giới tính, nguồn gốc xuất thân, mà phụ thuộc vào những nhận thức của chúng ta về cuộc sống và những gì chúng ta đã đem đến cho cuộc đời.

Tôi xin cám ơn các bạn đã lắng nghe tôi, và đặc biệt cảm ơn Tiến sĩ Paul Bryant đã cho tôi cơ hội quý báu này để chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm và cảm nhận của mình. Tôi rất mong muốn được trao đổi ý kiến thêm với các bạn, và học hỏi thêm từ cách nhìn cuộc sống của các bạn. Chúc các bạn một tương lai tốt đẹp.